• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI GIẢNG VIÊN TRONG HOẠT ĐỘNG THAO GIẢNG Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI
Ngày xuất bản: 10/12/2024 10:46:00 SA
Lượt đọc: 938

 

Tổ chức thao giảng là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với các trường chính trị tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, góp phần tăng cường và thực hiện tốt việc quản lý dạy và học, thúc đẩy phong trào thi đua “giảng dạy tốt, học tập tốt” trong giảng viên và học viên.

Giáo dục lý luận chính trị của Đảng được xem là một nội dung quan trọng của công tác tư tưởng, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Do đó, nhiệm vụ của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị là rất quan trọng; góp phần cung cấp, truyền đạt kiến thức những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho người học. Qua đó xây dựng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp cách mạng. Để đánh giá thực chất về chất lượng của việc thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên của đội ngũ giảng viên là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy lý luận chính trị ở trường Chính trị tỉnh Yên Bái. Trong tổng thể các nội dung trong thực hiện công tác thao giảng thì khâu đánh giá là khâu có ý nghĩa thiết thực và quan trọng.

Trong những năm qua Trường Chính trị tỉnh Yên Bái thường xuyên tổ chức hoạt động thao giảng, từ đó lựa chọn những giảng viên tiêu biểu tham dự hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc. Sau mỗi thời điểm thao giảng, Hội đồng khoa học Nhà trường đều tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm. Thông qua hoạt động đánh giá thao giảng đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế về trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm của đội ngũ giảng viên; thống nhất về nội dung và phương pháp giảng dạy. Qua kết quả của hoạt động thao giảng đã góp phần bồi dưỡng, phát triển, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong Nhà trường. Đây cũng là dịp để giảng viên có điều kiện tiếp xúc, học tập, trao đổi kinh nghiệm, động viên, khích lệ nhau cùng thắp sáng ngọn lửa đam mê, sự tâm huyết, yêu nghề, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, từng bước nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng sư phạm và sự đổi mới trong công tác giảng dạy.

Đánh giá tiết dạy còn được coi là nội dung quan trọng trong quá trình thao giảng. Nếu đánh giá đúng, đầy đủ các nội dung trong tiết dạy sẽ giúp giảng viên nhận thấy ưu điểm, hạn chế của mình trong quá trình giảng dạy; nâng cao kĩ năng chuyên môn, nghề nghiệp, năng lực sư phạm. Từ đó, lựa chọn được những giảng viên tiêu biểu trong giảng dạy để kịp thời bồi dưỡng tham dự các kỳ thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, khen thưởng kịp thời và làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt cán bộ, giảng viên. Vậy để tiếp tục nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại trong hoạt động thao giảng ở Nhà trường cần có những giải pháp cụ thể:

Một là, để hoạt động thao giảng đạt hiệu quả, trong đánh giá, xếp loại giờ thao giảng cần đánh giá việc quán triệt, triển khai kế hoạch thao giảng để giảng viên nghiên cứu, đăng ký nội dung, nộp giáo án và thực hiện thao giảng theo đúng tiến độ - kể cả giảng viên kiêm nhiệm.

Hai là, trong đánh giá cần chú ý đến khâu chuẩn bị của giảng viên dự thao giảng. Các giảng viên dự thao giảng cần phải tập trung cho công tác chuẩn bị thật chu đáo, nghiêm túc và chặt chẽ. Trước hết là việc phân công và lựa chọn các chuyên đề tham gia thao giảng và công tác soạn giáo án của giảng viên phải bảo đảm đúng theo hướng dẫn về mẫu giáo án, phân chia thời gian phải phù hợp với nội dung. Giáo án điện tử cũng phải được thống nhất về hình thức, cách trình bày, hình ảnh, màu sắc, bài giảng phải cập nhập được những thông tin về lý luận, thông tin về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Các ví dụ được chuẩn bị chu đáo có chọn lọc, phù hợp với nội dung bài giảng.

Ba là, khi thành lập Hội đồng chấm thao giảng, bên cạnh những giảng viên có trình độ chuyên môn đúng chuyên ngành, nhà trường nên mời các giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm và có kiến thức về các phương pháp giảng dạy, nhất là phương pháp giảng dạy tích cực.

Bốn là, đánh giá thao giảng là đánh giá chất lượng quá trình giảng dạy, học tập của giảng viên và học viên được thể hiện trên nhiều mặt: Nội dung, phương pháp, phong cách giảng dạy của giảng viên; khả năng tiếp thu kiến thức, ý thức thái độ học tập của học viên,… Đánh giá để giảng viên phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế của mình. Đây là nội dung quan trọng nhất trong công tác thao giảng, do đó việc đánh giá, nhận xét cần trao đổi thẳng thắn, chân tình trên tinh thần xây dựng giúp giảng viên “ham học hỏi, cầu tiến bộ” tránh “chỉ trích”, “bới móc” các khuyết điểm mang tính hạ thấp uy tín giảng viên. Đồng thời, khuyến khích các giảng viên thực hiện thao giảng cá nhân, khắc phục tâm lý e ngại của các giảng viên khi tham gia hoạt động này.

Năm là, Ban Giám hiệu nhà trường cần đánh giá, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác thao giảng ngay sau khi kết thúc bài giảng của giảng viên, để giảng viên được đánh giá kịp thời tiếp thu, chỉnh sửa. Với kết quả đó, sẽ là cơ sở rút kinh nghiệm để các buổi thao giảng, dự giờ sau sẽ được tổ chức tốt hơn và sẽ có cách nhìn tổng quan về công tác này trên mọi phương diện cả về chất lượng dạy của giảng viên và ý thức học tập của học viên, từ đó có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời, thậm chí mạnh dạn thay đổi công việc khác nếu giảng viên nào không đáp ứng các yêu cầu cơ bản của người giảng viên trong việc truyền đạt kiến thức cho người học hoặc liên tục lấy ý kiến từ người học không đạt kết quả, có như thế mới góp phần nâng cao được chất lượng giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh  Yên Bái.

Năm là, sau đánh giá, xếp loại kết quả thao giảng đối với các giảng viên tham dự. Nhà trường cần có cơ chế kiểm tra, giám sát về việc thực hiện những đóng góp sau thao giảng của giảng viên. Để từ đó có cơ chế quản lý hiệu quả, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học trong Nhà trường.

            Điều đáng ghi nhận ở đây là từ những mặt thành công và hạn chế trong đợt thao giảng là dịp để những người làm công tác giáo dục lý luận chính trị thấy rõ thực trạng, đánh giá đúng mức những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế  để nhằm rút ra những kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị. Nếu việc thao giảng được thực hiện thường xuyên hàng năm một cách nghiêm túc, chắc chắn rằng chất lượng công tác giảo dục lý luận chính trị của trường Chính trị tỉnh Yên Bái sẽ ngày càng được nâng lên, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình mới.

                    Ths. Đặng Ngọc Bích

                GV Khoa Xây dựng Đảng