• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG CÔNG CHỨC HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH
Ngày xuất bản: 07/09/2021 10:59:00 SA
Lượt đọc: 11852

Công chức hành chính cấp tỉnh là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan hành chính nhà nước ở cấp tỉnh để đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước; có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Đây là đội ngũ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, phục vụ chế độ, đại diện cho Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực tế. Do đó, xây dựng và nâng cao chất lượng công chức hành chính cấp tỉnh là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đảng và Nhà nước ta nhằm đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

            Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta thì việc xây dựng và nâng cao chất lượng công chức hành chính cấp tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh ngày càng trưởng thành, từng bước đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Những hạn chế, yếu kém xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, việc công chức hành chính cấp tỉnh không được đảm bảo các điều kiện cần thiết trong quá trình hoạt động được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng. Để nâng cao chất lượng công chức hành chính cấp tỉnh thì cần phải đảm bảo các điều kiện cần thiết như:

            Thứ nhất, điều kiện đảm bảo về chính trị.

            Đây là một trong những điều kiện quan trọng hàng đầu nhằm đảm bảo chất lượng công chức hành chính cấp tỉnh. Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội thông qua quan điểm, chủ trương, đường lối. Trong công tác cán bộ Đảng luôn xác định công tác tổ chức, cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, coi công tác cán bộ là khâu "then chốt " của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị. Đội ngũ cán bộ, công chức có đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững hay không, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Và một trong những yếu tố quan trọng đó là phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và xã hội trong phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và công chức hành chính cấp tỉnh nói riêng. Do đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, phát triển đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh cả về số lượng và chất lượng.  

            Xây dựng và nâng cao chất lượng công chức hành chính cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng là công việc đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện có hiệu quả việc này đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng công chức hành chính cấp tỉnh. Lý luận và thực tiễn đã chứng minh, ở đâu, khi nào Cấp ủy, chính quyền nhận thức đúng, quan tâm, đầu tư đúng mức cho công chức hành chính cấp tỉnh thì ở đó có đội ngũ công chức vững mạnh, tận tụy trong công việc.

            Bên cạnh đó, xây dựng và nâng cao chất lượng công chức hành chính cấp tỉnh còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các Cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị. Để nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh, cần tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác cán bộ như: quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, điều động, khen thưởng, kỷ luật, bồi dưỡng nhân tài…cho công chức hành chính cấp tỉnh. Đồng thời cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ, thường xuyên thực hiện việc ngăn chặn và đẩy lùi những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ. Ngoài ra, sự lãnh đạo của Đảng còn thể hiện ở việc Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú giữ những vị trí quan trọng, chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị. Tạo điều kiện để công chức hành chính cấp tỉnh phát huy hết khả năng của mình để phục vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

            Thứ hai, điều kiện đảm bảo về pháp lý.

            Đảm bảo về điều kiện pháp lý cho công chức hành chính cấp tỉnh là một vấn đề quan trọng, cấp bách, đây là cơ sở cho việc nâng cao chất lượng công chức hành chính cấp tỉnh và cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của các hoạt động đó. Điều kiện pháp lý trong việc nâng cao chất lượng công chức hành chính cấp tỉnh là những quy định manh tính pháp lý được quy định cụ thể, chặt chẽ có phạm vi rộng và có mối quan hệ với các yếu tố, điều kiện ảnh hưởng đến chất lượng công chức hành chính cấp tỉnh.

            Để lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác cán bộ Đảng phải ban hành các quan điểm, chủ trương, đường lối trên cơ sở đó Nhà nước sẽ thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy phạm pháp luật để tạo nên một hành lang pháp lý cho mọi hoạt động trong thực tiễn. Nếu không có những quy định này thì việc thực hiện các nội dung trong công tác cán bộ sẽ không tránh khỏi lúng túng, vướng mắc, không hiệu quả. Vì vậy, đây chính là một trong những điều kiện quan trọng nhằm đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng công chức hành chính cấp tỉnh.

            Các quy định mang tính pháp lý về nâng cao chất lượng công chức hành chính cấp tỉnh được Nhà nước ban hành tạo nên một hệ thống, có tính thống nhất cao nhằm điều chỉnh tất cả các hoạt động về nâng cao chất lượng công chức hành chính cấp tỉnh trên phạm vi cả nước. Do vậy, tất cả công chức hành chính cấp tỉnh trên phạm vi cả nước đều chịu sự điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật như: chế độ, chính sách lương, thưởng, tuyển dụng, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo...Đây là một yếu tố có sự tác động lớn đến đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh. Nó vừa là cơ sở để mở đường, là động lực thúc đẩy tính tích cực, sáng tạo, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc; vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ…của công chức hành chính cấp tỉnh.

            Thứ ba, điều kiện bảo đảm về chính sách đào tạo và bồi dưỡng công chức hành chính cấp tỉnh.

            Chất lượng công chức hành chính cấp tỉnh chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố trình độ và năng lực là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Để nâng cao trình độ và năng lực cho công chức hành chính cấp tỉnh có nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên không thể thiếu đó là hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Bởi chỉ có thông qua đào tạo, bồi dưỡng mới giúp cho công chức hành chính cấp tỉnh trang bị được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả.

            Đào tạo, bồi dưỡng là giảng dạy, trang bị cho công chức hành chính cấp tỉnh những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cơ bản; bổ sung, cập nhật những nội dung mới, cấp thiết với vị trí công tác… để công chức hành chính cấp tỉnh có đủ trình độ và năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

            Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính cấp tỉnh là một nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, chất lượng và hiệu quả làm việc; hướng tới mục tiêu tạo được sự thay đổi về chất trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn. Để thực hiện có hiệu quả vấn đề này thì nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải thiết thực, phù hợp với yêu cầu từng loại công chức; chú trọng cả phẩm chất đạo đức và kiến thức, cả lý luận và thực tiễn; bồi dưỡng kiến thức cơ bản và hướng dẫn kỹ năng thực hành. Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết thực tiện trong việc đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính cấp tỉnh.

            Thứ tư, điều kiện bảo đảm về chính sách tuyển dụng công chức hành chính cấp tỉnh.

            Chính sách tuyển dụng công chức hành chính cấp tỉnh là hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền nhằm tìm kiếm, lựa chọn những người có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn nghiệp vụ theo những tiêu chuẩn nhất định vào làm việc ở những vị trí cụ thể trong các cơ quan hành chính nhà nước. Người được tuyển dụng phải đáp ứng được những điều kiện về trình độ, năng lực, kỹ năng, đạo đức, sức khỏe…theo quy định của pháp luật và cơ quan tuyển dụng. Đây là hoạt động quan trọng góp phần bổ sung nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng cho cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời là sơ sở, tiền đề cho việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ trong bộ máy nhà nước.

            Tuyển dụng công chức hành chính cấp tỉnh là một công việc trong công tác cán bộ nói chung và đây được xem là khâu mở đầu cho công việc này. Tuyển dụng không chỉ đơn là là tìm thêm người làm việc cho nhà nước mà nó còn có ý nghĩa là trao cơ hội cống hiến cho tất cả mọi người trong xã hội, phát huy sức mạnh toàn dân. Thông qua tuyển dụng chúng ta sẽ lựa chon được những người đủ đức, đủ tài để phục vụ cho đất nước và Nhân dân.

            Chủ thể của chính sách tuyển dụng công chức hành chính cấp tỉnh là Cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền; thông qua các quy định của pháp luật để lựa chọn những người đủ điều kiện vào các vị trí khác nhau nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị cũng như đáp ứng nhu cầu và lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Đây là hoạt động khó khăn, phức tạp và có tính chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu của công tác cán bộ. Do đó, đòi hỏi các thủ thể thực hiện chính sách tuyển dụng phải là những người có “tâm”, có “tầm” có trách nhiệm, công khai, minh bạch, công bằng trong mọi hoạt động của công tác này. Mặt khác, mục đích của hoạt động này là tìm kiếm lựa chọn những người đủ khả năng vào làm việc ở những vị trí cần thiết chứ không phải là tuyển dụng cho đủ số lượng dẫn đến tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu.

            Tóm lại, công chức hành chính cấp tỉnh có vai trí vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Hiện nay, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh. Do đó, việc bảo đảm những điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng công chức hành chính cấp tỉnh là rất quan trọng và cần thiết./.

Hoàng Khắc Cương

Khoa Nhà nước và Pháp luật