• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VỀ QUYỀN CON NGƯỜI TRONG HIẾN PHÁP NĂM 2013
Ngày xuất bản: 15/10/2019 9:14:00 SA
Lượt đọc: 20887

           Hiến pháp năm 2013 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013. Hiến pháp 2013 gồm 11 chương, 120 điều và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2014. Hiến pháp 2013 đã có nhiều điểm mới cả về nội dung và kĩ thuật lập hiến; đã thể hiện rõ ràng hơn, đầy đủ hơn bản chất của Nhà nước, của chế độ ta trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Quyền con người được quy định trong Chương II từ Điều 14 đến Điều 49, như vậy riêng chương này chiếm 36 điều trên tổng số 120 điều của Hiến pháp 2013, đây là chương chứa đng nhiều điều nhất và nhiều điểm mới nhất .

            Hiến pháp năm 2013 đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ trong tư duy lý luận của Đảng và Nhà nước ta về những vấn đề cốt lõi, trọng tâm của thời đại và sự nghiệp đổi mới đất nước, trong đó có vấn đề về quyền con người.  Đây chính là tiến bộ vượt bậc của Hiến pháp 2013 trong việc ghi nhận và thực thi công ước quốc tế về quyền con người tại Việt Nam và đã được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau đây:

            Thứ nhất, nếu như Hiến pháp năm 1992 sửa đổi sử dụng tên “Quyền và nghĩa vụ công dân” thì Hiến pháp năm 2013 đã đổi tên chương thành “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”. Như vậy, ngay từ tên chương, chúng ta nhận thấy Hiến pháp năm 1992 sửa đổi chỉ bàn chủ yếu đến quyền công dân, chưa bao quát hết nội dung mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 đã khắc phục nhược điểm này, đã có sự hiến định cụ thể, rõ ràng những yêu cầu cơ bản về quyền con người. Theo đó, đây chính là lần đầu tiên cụm từ “quyền con người” được đưa ra sử dụng để đặt tên cho một chương trong Hiến pháp.

            Thứ hai, Hiến pháp năm 2013 đã chuyển vị trí chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân từ vị trí chương 5 trong Hiến pháp năm 1992 lên vị trí chương 2 ngay sau chương quy định về “Chế độ chính trị”. Việc chuyển đổi vị trí của chương không đơn giản chỉ là một sự chuyển dịch cơ học, mà thực chất cho chúng ta thấy tầm quan trọng của chế định về quyền con người trong Hiến pháp.

            Thứ ba, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi đã không đồng nhất 2 khái niệm “quyền con người” và “quyền công dân”. Tuy nhiên đã không có những quy định cụ thể để phân biệt rõ  về “quyền con người” và “quyền công dân”. Chính vì không có những quy định riêng biệt khiến cho trong quá trình thực hiện vẫn có sự nhầm lẫn hai khái niệm, bởi hai khái niệm này thực tế mang những giá trị xã hội khác nhau. Khắc phục được điểm hạn chế đáng lưu ý này, Hiến pháp năm 2013 đã sử dụng cả 2 thuật ngữ “quyền con người” và “quyền công dân” với những quy định được xác định rõ ràng, thể hiện việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền con người của Nhà nước ta. Theo đó, quyền con người được quan niệm là quyền tự nhiên vốn có của con người từ lúc sinh ra; còn quyền công dân, trước hết cũng là quyền con người nhưng việc thực hiện nó gắn liền với quốc tịch, gắn với địa vị pháp lý của công dân trong mối quan hệ với nhà nước. Chính vì vậy , Hiến pháp 2013 cũng đã sử dụng từ “mọi người” khi thể hiện quyền con người và dùng từ “công dân” khi quy định về quyền công dân.

            Thứ tư, Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa, phát triển và đã củng cố hầu hết các quyền đã ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 sửa đổi nhưng đã có sự quy định rõ hợn, cụ thể hơn hoặc đã có sự điều chỉnh bằng các tách ra thành các điều luật cho phù hợp với các quy định trong các điều ước quốc tế về nhân quyền như các quy định về: Bình đẳng trước pháp luật (Điều 16); Bảo vệ đời sống riêng tư và chỗ ở (Điều 21,22), Bình đẳng giới (Điều 26), quyền Tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Điều 28), Bỏ phiếu trong trưng cầu ý dân (Điều 29); Quyền về lao động, việc làm (Điều 35)… Như vậy, những quy định này đã thể hiện rõ ràng hơn khái niệm và nội dung các quyền và nâng cao tính khả thi của những quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp.

            Thứ năm, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận một số quyền mới mà Hiến pháp năm 1992 chưa đề cập, đây là những quy định đã được ghi nhận rõ ràng trong các điều ước quốc tế về nhân quyền mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã là thành viên như những quy định về: Quyền sống (Điều 19); Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20); Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 21); Quyền kết hôn và ly hôn (Điều 36); Quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 22); Quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); Quyền hưởng thụ và tiếp cần các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41); Quyền xác định dân tộc (Điều 42); Quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43)…Những quyền này đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và đã đáp ứng được nhu cầu về quyền con người, quyền công dân nảy sinh trong thời kỳ đổi mới đất nước của nước ta.

            Thứ năm, lao động và việc làm là một trong những nội dung trọng tâm được cụ thể hóa trong những quy định về quyền con người. Chương II đã thay thế những quy định dài dòng, mang tính chất “khẩu hiệu” về lao động, việc làm bằng những quy định thực chất hơn, bám sát các điều khoản trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 và được thể hiện tại Điều 35 của Hiến pháp năm 2013 về lao động, việc làm. Quy định về việc công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; quyền được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi; đồng thời quy định rõ việc nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu. Như vậy, quy định mới này có giá trị vô cùng to lớn trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới đang được diễn ra sôi động trên đất nước ta.

            Thứ sáu, Nhà nước ghi nhận, tôn trọng, thực hiện và bảo vệ quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp. Theo đó, ở hầu hết các điều đều quy định trách nhiệm và đảm bảo của Nhà nước như Điều 17 về “Nhà nước bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài”; Điều 28 “Nhà nước tạo mọi điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”…

             Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân, là sự kết tinh của tinh thần dân chủ, đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền trong thời kì mới. Việc hiện thực hóa quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 2013 là sự tiếp nối, kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, đồng thời chuyển hóa sâu sắc những nội dung, tinh thần của các Công ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Từ đó, tạo nền tảng pháp lý cao nhất cho việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân để từ đó đáp ứng được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./

                                                                           Bùi Thị Bích Ngọc

Giảng viên Khoa Nhà nước – pháp luật