• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ CHIA SẺ VỀ VIỆC SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP LÀM VIỆC NHÓM ĐỐI VỚI HỌC PHẦN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ YÊN BÁI
Ngày xuất bản: 13/10/2020 10:18:00 SA
Lượt đọc: 17668

             Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận nói chung, lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng tại các trường chính trị hiện nay đang là một trong những vấn đề cấp thiết. Mục tiêu của sự đổi mới ấy là nhằm khắc phục những hạn chế của phương pháp giảng dạy truyền thống, giảng dạy theo lối truyền thụ kiến thức một chiều, đây cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết mà Trường Chính trị Yên Bái đang thực hiện. Một vấn đề đặt ra là làm thế nào để người học hiểu đúng lý luận về chủ nghĩa Mác – Lênin, lý luận về chủ nghĩa xã hội và vận dụng những lý luận ấy vào hoạt động thực tiễn công tác của người học, từ đó khơi gợi sự đam mê từ phía học viên, góp phần làm cho hoạt động dạy và học đạt kết quả cao nhất, để làm được điều đó, bản thân mỗi giảng viên cần áp dụng những phương pháp giảng dạy tích cực. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm của bản thân trong việc áp dụng phương pháp làm việc nhóm đối với học phần chủ nghĩa xã hội khoa học, trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị Yên Bái hiện nay.

Làm việc nhóm là một trong những phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm, với phương pháp này các học viên trong lớp sẽ được làm việc với nhau theo các nhóm và mỗi một thành viên trong nhóm đều tham gia để giải quyết những vấn đề liên quan đến môn học trong một khoảng thời gian nhất định dưới sự định hướng của giảng viên.

Ưu điểm của phương pháp làm việc nhóm: việc áp dụng phương pháp này đối với học phần chủ nghĩa xã hội khoa học theo tôi là rất thích hợp. Bởi lý do, đối tượng học viên của Nhà trường đều là những người có trình độ nhất định, đã trải qua đào tạo tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thậm chí có đối tượng đã là thạc sĩ, tiến sĩ. Ngoài ra, họ còn là đối tượng có bề dày kinh nghiệm, thâm niên công tác tại cơ sở. Hơn nữa, với kiến thức về lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học, ít nhiều học viên đã được tiếp cận khi học chuyên nghiệp và thông qua các chương trình tập huấn về lý luận do cơ quan, đơn vị cử đi trong quá trình công tác. Vậy nên, khi áp dụng phương pháp này sẽ nhận được sự ủng hộ từ phía học viên. Hơn thế, làm việc nhóm sẽ tạo cơ hội tối đa cho mọi thành viên trong nhóm được bộc lộ sự hiểu biết của mình; giúp họ phát triển khả năng tư duy, diễn đạt; tạo cơ hội để các thành viên trong nhóm có cơ hội học hỏi lẫn nhau; giúp học viên tập lắng nghe; tham gia đánh giá ý kiến của người khác một cách độc lập, giảm bớt tính chủ quan, phiến diện, tăng tính khách quan, khoa học trong lĩnh hội tri thức của học viên. Ngoài ra, giảng viên cũng có thông tin phản hồi từ phía học viên để điều chỉnh quá trình giảng dạy của mình.

Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp này giảng viên cũng gặp phải một số khó khăn như: vẫn tạo kẽ hở cho một số học viên không tích cực, thiếu ý thức tự chủ trong học tập, nghiên cứu, hưởng lợi từ thành tích của cả nhóm. Có nhiều trường hợp họ không tham gia đóng góp ý kiến cho nhóm của mình, nhưng khi được giảng viên gọi tên, để đối phó họ sẽ lấy thành quả làm việc của nhóm để trình bày, xem đây là ý kiến của bản thân.Vậy nên, khiến cho việc đánh giá khó có được sự công bằng giữa các thành viên trong nhóm. Khó khăn lớn nhất là vấn đề thời gian (theo chương trình mới áp dụng tại các trường chính trị tỉnh, đối với học phần chủ nghĩa xã hội chỉ có ba bài, tổng là 28 tiết, thời gian học lý thuyết là 20 tiết, còn lại 8 tiết giành cho thảo luận). Vậy nên, với phương pháp làm việc nhóm chỉ có thể sử dụng trong các buổi thảo luận, vì trong 20 tiết lý thuyết với ba chuyên đề với rất nhiều nội dung kiến thức cần trao đổi, giảng viên không thể đủ thời gian để sử dụng phương pháp này, học viên lớp học đông, bàn ghế phòng học cố định nên việc chia nhóm gặp nhiều khó khăn.

Cách thức tiến hành

Để sử dụng phương pháp làm việc nhóm thành công trong học phần chủ nghĩa xã hội khoa học, giảng viên và học viên có thể thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: xây dựng, hình thành các nhóm học tập

Ngay từ buổi đầu tiên của học phần, giảng viên nên trao đổi với học viên về việc sẽ áp dụng phương pháp làm việc nhóm trong các buổi thảo luận. Việc xây dựng nhóm phải đảm bảo yêu cầu làm sao để giảng viên có thể bao quát được tốt nhất các nhóm. Về số lượng thành viên trong nhóm khi chia không nên quá đông, chỉ khoảng từ 5 – 10 học viên, mỗi nhóm phải có nhóm trưởng để quản lý nhóm trong suốt quá trình tiến hành làm việc nhóm và có một thư kí để ghi chép lại các ý kiến của các thành viên trong nhóm mình và ý kiến phản biện của các nhóm khác.

Bước 2: giảng viên chia câu hỏi thảo luận cho từng nhóm

Giảng viên sẽ là người đưa ra các câu hỏi cho các nhóm thảo luận, yêu cầu của câu hỏi phải rõ ràng, cụ thể và nằm trong nội dung của phần học. Giảng viên có thể đưa ra một câu hỏi để các nhóm cùng thảo luận và đưa ra ý kiến khác nhau về câu hỏi đó hoặc giao cho mỗi nhóm một câu hỏi khác nhau và yêu cầu các nhóm khác phản biện lại ý kiến đó.

Bước 3: các nhóm tiến hành thảo luận và phản biện

           Giảng viên sẽ hướng dẫn và nêu cách thức tiến hành thảo luận, học viên thuyết trình được chỉ định ngẫu nhiên hoặc do nhóm đề cử. Ngoài ra, giảng viên có thể cho cả nhóm cùng tham gia hỗ trợ quá trình thuyết trình và trả lời các câu hỏi phản biện của các nhóm bạn. Dù sử dụng bằng cách nào nhưng yêu cầu đặt ra là mỗi thành viên trong nhóm phải hiểu và nắm được nội dung của bài thuyết trình do nhóm mình điều hành.

           Giảng viên sẽ chỉ định nhóm nhận xét và phản biện, việc chỉ định có thể là ngẫu nhiên hoặc phản biện tự do (lấy tinh thần xung phong của các nhóm khác). Trong bước này, giảng viên sẽ đóng vai trò quan sát, ghi nhận và đánh giá những đóng góp của các nhóm. Ngoài ra, giảng viên cũng có thể đặt câu hỏi cho nhóm thuyết trình và cũng có thể hỗ trợ nhóm trả lời các câu hỏi của các nhóm khác khi nhóm thuyết trình không trả lời được hoặc có thể đặt thêm nhiều câu hỏi gợi mở để nhóm có thể trả lời tốt hơn.

           Bước 4: giảng viên đánh giá hoạt động của nhóm và neo chốt kiến thức

           Sau khi các nhóm đã tiến hành thảo luận và phản biện, giảng viên sẽ nhận xét tổng hợp kết quả thực hiện của từng nhóm, so sánh giữa các nhóm để học viên nhận ra ưu diểm, hạn chế của nhóm mình, để từ đó đi đến việc hiểu rõ bản chất của vấn đề. Cuối cùng, giảng viên sẽ neo chốt những kiến thức cơ bản, trọng tâm giúp học viên nắm được tinh thần của môn học và có đề cương chuẩn bị cho thi hết môn và tốt nghiệp.

           Ví dụ:Trong chuyên đề 5: “Sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân”. Giảng viên có thể đưa ra câu hỏi: “Có ý kiến cho rằng, giai cấp công nhân đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày nay, trong điều kiện hòa bình, hội nhập, thời kỳ của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ, vai trò đó phải thuộc về đội ngũ trí thức, những nhà khoa học, nhà tư tưởng. Chỉ có những nhà khoa học, trí thức mới có thể đưa đất nước phát triển nhanh và sánh được với các nước phát triển trên thế giới? Các đồng chí nhận định như thế nào về vấn đề này?”.

           Với câu hỏi này, học viên có thể đưa ra nhiều quan điểm khác nhau, có thể giả định theo hai quan điểm như sau:

           Quan điểm thứ nhất cho rằng: nhận định trên hoàn toàn đúng, trong giai đoạn hiện nay khi khoa học kĩ thuật phát triển như vũ bão, đặc biệt là loài người đang chịu sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 thì khoa học kĩ thuật đang giữ vị trí quan trọng hàng đầu, vị trí của đội ngũ trí thức vô cùng quan trọng và trí thức mới chính là lực lượng chủ đạo thực hiện sứ mệnh lịch sử xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.

           Quan điểm thứ hai cho rằng: nhận định trên hoàn toàn sai, đi ngược lại với quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân.

           Dựa trên những ý kiến trao đổi của các nhóm, giảng viên sẽ là người neo chốt các nội dung thảo luận. Với ví dụ trên, giảng viên cần khẳng định tính đúng đắn và giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay. Ngày nay, trí thức càng có vai trò to lớn trong cách mạng khoa học công nghệ. Với những phát minh, sáng chế của trí thức, quá trình sản xuất vật chất của công nhân và nông dân đã có thay đổi căn bản, góp phần thay đổi sức sản xuất của xã hội, tạo ra sự phát triển vượt bậc của thời đại mới về cả giá trị vật chất và tinh thần cho nhân loại. Tuy nhiên, với những đặc điểm cơ bản của giai cấp công nhân  như (là giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất tiến tiến, cho phương thức sản xuất hiện đại; giai cấp bị bóc lột nặng nề nhất trong xã hội; giai cấp có hệ tư tưởng riêng là chủ nghĩa Mác – Lênin mà giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức không có được; giai cấp có một chính đảng lãnh đạo và tiên phong dẫn đường...) đã khẳng định giai cấp công nhân mới là  lực lượng lãnh đạo xã hội.

           Ví dụ chuyên đề 6: Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Giảng viên có thể đưa ra vấn đề thảo luận như sau:“Vì sao nói nước ta quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN là một tất yếu khách quan, phù hợp với xu thế vận động tiến bộ của thời đại và điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam?.

Với nội dung này, đa số các học viên sẽ khẳng định quá trình này là một tất yếu khách quan, phù hợp với xu thế vận động tiến bộ của thời đại và điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Tuy nhiên để lý giải điều này học viên sẽ đưa ra những quan điểm khác nhau. Vai trò của giảng viên lúc này là gợi mở, định hướng giúp học viên tìm ra câu trả lời chính xác nhất. để trả lời cho câu hỏi này, giảng viên có thể lý giải như sau:

Học thuyết Mác - Lênin chứng minh rằng, loài người với tính cách một chỉnh thể nhất thiết phải trải qua 5 hình thái kinh tế - xã hội. Nhưng, do đặc điểm lịch sử - cụ thể về không gian và thời gian, do những điều kiện đặc thù khách quan và chủ quan, bên ngoài và bên trong chi phối, không phải quốc gia nào cũng tuần tự trải qua tất cả các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao theo một trình tự sơ đồ chung. Có những nước có thể bỏ qua một hoặc vài hình thái kinh tế - xã hội nào đó trong tiến trình phát triển của mình tùy thuộc điều kiện lịch sử cụ thể đặc thù của từng nước. Điều đó hoàn toàn phù hợp quy luật khách quan.

Cũng như lịch sử xã hội loài người nói chung, trong thời đại ngày nay, việc bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu khách quan của nền kinh tế vì sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ làm cho lực lượng sản xuất thế giới phát triển đã đạt đến trình độ cao, đã mở đầu giai đoạn mới của quá trình xã hội hóa sản xuất, tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực kinh tế, tạo điều kiện hiện thực để nước ta có thể tranh thủ vốn, cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của thế giới cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong điều kiện kinh tế thế giới có bước nhảy vọt về cơ sở vật chất - kỹ thuật, xã hội loài người đòi hỏi phát triển lên một xã hội mới của nền văn minh cao hơn. Do đó, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển hợp quy luật khách quan. Sau chủ nghĩa tư bản nhất định phải là một chế độ xã hội tốt đẹp hơn - chế độ xã hội chủ nghĩa mà sự lựa chọn của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Nước ta là nước đã giành được độc lập dân tộc, có chính quyền dân chủ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Với những thắng lợi đã giành được trong 90 năm qua, đặc biệt là những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của gần 35 năm đổi mới, đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế quốc tế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Đây là điều kiện tiên quyết, quyết định con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. 

Hơn nữa, sự lựa chọn xu hướng phát triển. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ nền nông nghiệp lạc hậu, mang nặng tính chất tự cung tự cấp, nền kinh tế nước ta nảy sinh một yêu cầu khách quan là: chuyển kinh tế tự nhiên lên kinh tế hàng hóa và thúc đẩy sản xuất hàng hóa nhỏ phát triển lên thành sản xuất lớn dựa trên cơ sở kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Nếu để nền kinh tế phát triển tự phát chuyển thành nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, trên cơ sở phân hóa những người sản xuất hàng hóa nhỏ, do tác động của quy luật giá trị thì sẽ hình thành tư bản chủ nghĩa, dẫn đến những hậu quả như: chính quyền do chính nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã phải tốn bao xương máu mới giành được, sẽ bị mất; và chính nhân dân lao động lại rơi xuống địa vị người làm thuê, bị bóc lột và khó có thể thực hiện được mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng con người, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ví dụ chuyên đề 7: Liên minh giai cấp công nhân – giai cấp nông dân – đội ngũ trí thức trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Giảng viên có thể đặt câu hỏi: Trong các nội dung của khối liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, nội dung nào giữ vai trò quan trọng nhất, quyết định thành công của khối liên minh?”.

Với câu hỏi này có thể học viên sẽ đưa ra ba quan điểm khác nhau: Quan điểm thứ nhất cho rằng nội dung kinh tế là quan trọng nhất; Quan điểm thứ hai cho rằng đó là nội dung chính trị; Quan điểm thứ ba chọn nội dung văn hóa – tư tưởng là yếu tố hàng đầu.

Bằng lý luận đúng đắn, giảng viên lý giải rằng “kinh tế” chính là nội dung quan trọng nhất quyết định khối liên minh công – nông – trí thức trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Tương tự như vậy, trong các chuyên đề giảng viên có thể đặt thêm nhiều câu hỏi để các nhóm tiếp tục nghiên cứu và thảo luận.

           Để áp dụng thành công phương pháp làm việc nhóm trong học phần chủ nghĩa xã hội khoa học xin chia sẻ một vài kinh nghiệm như sau:

           Về phía giảng viên:

            Một là, cần tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, giành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, sưu tầm những tài liệu có nội dung liên quan đến chủ nghĩa xã hội khoa học cả lý luận và thực tiễn.

            Hai là, căn cứ vào đối tượng, trình độ, điều kiện của từng lớp để xây dựng kế hoạch cụ thể cho các buổi thảo luận; xây dựng bộ đề cương các câu hỏi thảo luận của mỗi chuyên đề và có những lý giải chi tiết, cụ thể, mang tính gợi mở.

            Ba là, thông qua các buổi họp khoa, họp tổ bộ môn, giảng viên tiến hành trao đổi, chia sẻ, xin ý kiến đóng góp của lãnh đạo khoa và các thành viên trong khoa.

            Bốn là, tham gia dự giờ các giảng viên có kinh nghiệm để học hỏi thêm về kĩ năng tổ chức phương pháp làm việc nhóm trong các buổi thảo luận.

            Năm là, trong quá trình tổ chức cho học viên làm việc nhóm giảng viên nên lựa chọn những câu hỏi thảo luận ngắn gọn, cụ thể, chú trọng đánh giá kết quả học tập của học viên.

           Về phía học viên

          Một là, luôn có nhận thức đúng đắn, rõ ràng ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin và lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học.

          Hai là, phải có tinh thần học hỏi, phấn đấu vươn lên khắc phục mọi khó khăn trong quá trình học tập.

          Ba là, xây dựng kế hoạch và phương pháp học tập đúng đắn, xây dựng quỹ thời gian hợp lý; hình thành thói quen đọc và nghiên cứu tài liệu, tìm kiếm nhiều thông tin để nâng cao hơn nữa các buổi làm việc nhóm.

            Trong quá trình giảng dạy lý luận chính trị, nếu biết sử dụng những phương pháp giảng dạy tích cực, trong đó có phương pháp làm việc nhóm sẽ có ý nghĩa quyết định đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, ngày càng làm sáng tổ hơn con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhờ áp dụng phương pháp này sẽ khơi gợi được tính năng động sáng tạo của người học, giúp họ có được những chỉ dẫn quan trọng trong hoạt động thực tiễn tại địa phương, cơ sở.

Từ Thị Thoa – Khoa Lý luận cơ sở