• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỐN THÔNG TIN LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ YÊN BÁI TRONG THỜI GIAN TỚI
Ngày xuất bản: 02/11/2021 9:25:00 SA
Lượt đọc: 10787

 

Cuốn thông tin lý luận và thực tiễn là một trong những kênh thông tin quan trọng, hữu ích, là diễn đàn để đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái giao lưu tư tưởng với nhau, đồng thời là nơi để chúng ta giao lưu với các trường chính trị khác trong cả nước cùng những độc giả quan tâm đến Trường Chính trị Yên Bái; những bài viết trên thông tin lý luận và thực tiễn không chỉ thể hiện trí tuệ, sự hiểu biết của tác giả mà còn phản ánh tầm cao trí tuệ của Nhà trường. Vậy nên, khi viết bài cho cuốn thông tin lý luận và thực tiễn, bản thân mỗi cán bộ, giảng viên cần nhận thức được chúng ta không chỉ đang trao đổi kinh nghiệm, sự hiểu biết với nhau mà còn đang gián tiếp quảng bá hình ảnh Nhà trường với các trường bạn và với độc giả. Vậy nên, chúng ta không thể không quan tâm đến chất lượng của mỗi bài viết đăng và chất lượng của cả tập thông tin lý luận và thực tiễn của Nhà trường.

Trong những năm qua, công tác phát hành cuốn thông tin lý luận và thực tiễn của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái được duy trì liên tục, có tính hệ thống, được đưa vào quy chế nghiên cứu khoa học và trở thành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, giảng viên Nhà trường. Đặc biệt, nhiều bài viết có nội dung phong phú, góp phần nâng cao năng lực, trình độ lý luận, kinh nghiệm thực tiễn và phương pháp nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Ngoài ra, thông tin lý luận và thực tiễn đã có những đóng góp tích cực vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, phần nào đáp ứng được kỳ vọng của đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên trong những năm qua.

Tuy nhiên, qua thực tế xuất bản, phát hành cuốn thông tin lý luận và thực tiễn của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định như: việc viết bài trao đổi chưa thực sự trở thành nhu cầu tự thân của đội ngũ cán bộ, giảng viên, chưa trở thành động lực cho việc nghiên cứu khoa học của Nhà trường; lâu nay trong mỗi cuốn thông tin lý luận và thực tiễn do Trường xuất bản đã tập trung tới các chủ đề cho mỗi số, các bài viết đã được chọn lọc, chỉnh sửa công phu nên chất lượng khá... song một thực tế cho thấy các bài viết mang tính lý luận còn chiếm đa số, chưa bắt kịp tính thời sự của đời sống xã hội. Nội dung các lĩnh vực đề cập trong thông tin lý luận và thực tiễn chưa cân đối và toàn diện, chưa bám sát các vấn đề thời sự, thực tiễn đặt ra… những hạn chế đó phần nào làm giảm khả năng ứng dụng thực tiễn của thông tin lý luận và thực tiễn và chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người đọc.

Để tiếp tục phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế nhằm nâng cao chất lượng viết bài trao đổi trên thông tin lý luận và thực tiễn tại Trường Chính trị tỉnh Yên Bái trong thời gian tới, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, Nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường đối với việc viết bài trao đổi trên thông tin lý luận và thực tiễn của Trường

Bản thân mỗi cán bộ, giảng viên phải ý thức và xác định rõ mục đích, nội dung, vai trò, ý nghĩa của việc viết bài trao đổi, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục. Đây không chỉ là tiêu chí để đánh giá, phân loại cán bộ, giảng viên và thi đua khen thưởng mà quan trọng hơn góp phần nâng cao trình độ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần thiết thực vào công tác giảng dạy. Mặt khác, chất lượng các bài viết phải thể hiện được sự đam mê trong công tác nghiên cứu khoa học của mỗi cán bộ, giảng viên, từ đó giúp lãnh đạo Nhà trường đánh giá chính xác hơn về đội ngũ của mình.

Thứ hai, Mỗi giảng viên cần đổi mới nhận thức, tư duy và phương pháp viết thông tin lý luận và thực tiễn

Vì hoạt động này không hề dễ dàng, đòi hỏi giảng viên phải có sự đam mê, tích cực, chủ động, đầu tư nhiều về mặt thời gian và trí tuệ. Bên cạnh đó, giảng viên cần gắn việc viết bài trên thông tin lý luận và thực tiễn với các nội dung liên quan đến bài giảng, xác định nghiên cứu thực tế là cơ sở kiến thức để viết bài thông tin lý luận và thực tiễn nhằm nâng cao kiến thức bổ sung cho bài giảng. Có như vậy hoạt động viết bài thông tin lý luận và thực tiễn mới thực sự hiệu quả và bài viết mới có vai trò phục vụ trực tiếp cho hoạt động giảng dạy.

Thứ ba, Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy trình quản lý và phát hành cuốn thông tin lý luận và thực tiễn

Trong quy chế nghiên cứu khoa học hiện hành chủ yếu tập trung nhiều đến nghiên cứu đề tài khoa học còn mảng nghiên cứu trao đổi trên thông tin lý luận và thực tiễn chưa được đề cập một cách chi tiết, cụ thể. Do đó, để đảm bảo số lượng, chất lượng bài viết thì việc phát hành các số của thông tin lý luận và thực tiễn rất cần được hệ thống hóa, quy định chi tiết, thống nhất thành một quy trình khoa học. Từ những việc như lập kế hoạch phát hành thông tin lý luận và thực tiễn hàng năm; thông báo kế hoạch thực hiện từng số trong năm; công tác đặt tin bài; công tác thu thập, gửi tin bài; công tác biên tập, định dạng, in ấn, phát hành, lưu trữ… cần được tính toán cụ thể.

Thứ tư, Nâng cao chất lượng nội dung của các bài viết

Đây là biện pháp rất quan trọng, cốt yếu nhất của cuốn thông tin lý luận và thực tiễn. Vì vậy, cần nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung các bài viết. Do đó, trong thời gian tới, cần chú ý: kết cấu chủ đề nội dung các bài viết cần chú trọng trao đổi những vấn đề liên quan đến hoạt động chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy; bổ sung, tăng hàm lượng thông tin thời sự, thực tiễn vào bài viết. Trước khi gửi bài, đội ngũ cán bộ, giảng viên nên tranh thủ ý kiến góp ý của lãnh đạo khoa, phòng chủ quản; ý kiến của Ban Giám hiệu và nhất là những người có chuyên môn liên quan đến nội dung của bài viết. Ban Biên tập cần lựa chọn các bài viết, các ấn phẩm đảm bảo tính khoa học, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, có tính thời sự và gắn với những vấn đề của thực tiễn đang diễn ra; khuyến khích chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến quý báu trên các lĩnh vực quản lý, giảng dạy, học tập, công tác của cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường.

Thứ năm, Mở rộng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong việc phát hành cuốn thông tin lý luận và thực tiễn của Trường

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả cho cuốn thông tin lý luận và thực tiễn, Nhà trường cần có thông báo, thư mời đặt bài ở các Trung tâm chính trị cấp huyện để có nhiều bài viết phong phú về thực tiễn góp phần giúp đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường thu thập thông tin bổ sung vào bài giảng của mình.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng bài viết cho các số thông tin lý luận và thực tiễn của Nhà trường, thiết nghĩ phải thực hiện tốt và đồng bộ một số giải pháp nêu trên.

Từ Thị Thoa – Khoa Lý luận cơ sở