• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
LIÊN HỆ TƯ TƯỞNG BIỆN CHỨNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG GIẢNG DẠY BÀI “NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG”.
Ngày xuất bản: 20/11/2020 3:06:00 CH
Lượt đọc: 15561

 

Nội dung những môn học thuộc Chương trình Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính có một số môn có tính trừu tượng và khái quát rất cao như môn Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong môn này, phần học thuộc chuyên ngành triết học, đặc biệt Bài 1: Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng được đánh giá là có tính trừu tượng hóa, khái quát hóa cao nhất. Hơn nữa, đây là bài đầu tiên, mở đầu cho toàn bộ nội dung của Chương trình, việc dạy tốt bài này ngay từ đầu có ý nghĩa quan trọng, tác động đến thái độ và giúp học viên định hướng phương pháp nghiên cứu, học tập trong những môn tiếp theo.

Bởi lý do trên, khi giảng dạy về Chủ nghĩa duy vật biện chứng, không những phải giảng để học viên hiểu được bản chất của phạm trù, khái niệm mà còn phải lấy ví dụ sao cho cụ thể, khéo léo, để học viên không hiểu phiến diện, sai lệch hoặc thu hẹp cả nội hàm và ngoại diên của khái niệm. Muốn vậy, giảng viên phải rút từ trong thực tiễn những ví dụ về “người thật, việc thật” để tăng tính thuyết phục của bài giảng, giúp học viên dễ hiểu và có hướng vận dụng đúng đắn. Để làm được việc đó, không phương pháp nào hiệu quả hơn là lấy những quan điểm, tư tưởng vốn đã được diễn giải một cách hết sức dễ hiểu bởi chính người đã thực hành những quan điểm, tư tưởng ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh để lồng ghép vào nội dung bài học.

            Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, là nhà văn hóa lớn mà còn là người có tư tưởng biện chứng duy vật sâu sắc. Người rất ít nhắc đến những từ “biện chứng”, “duy vật” nhưng tư tưởng, hành động của Người lại rất duy vật biện chứng. Vì vậy, bài Chủ nghĩa duy vật biện chứng có thể được giảng rất hay và hấp dẫn nếu biết kết hợp những ví dụ về tư tưởng, quan điểm biện chứng Hồ Chí Minh. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về nghệ thuật phân tích và giải quyết mâu thuẫn

            Khi giảng về Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập (Quy luật mâu thuẫn), ngoài việc làm rõ các khái niệm cơ bản “mâu thuẫn”, “mâu thuẫn biện chứng”, “mặt đối lập”…. và nội dung tổng quan của quy luật để học viên nắm được những ý cốt lõi nhất, thì cần phải làm rõ phần trọng tâm là vận dụng quy luật này vào nhận thức và hoạt động thực tiễn. Giảng viên có thể lồng ghép vào bài học quan điểm và cách giải quyết mâu thuẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

            Trong đấu tranh cách mạng bao giờ Hồ Chí Minh cũng chú ý đến mâu thuẫn. Người căn dặn cán bộ: “Khi có việc có mâu thuẫn, khi phải tìm cách giải quyết, tức là có vấn đề. Khi đã có vấn đề thì ta phải nghiên cứu cho rõ cái gốc trong vấn đề đó là gì. Phải điều tra, phải nghiên cứu cái mâu thuẫn đó. Phải phân tích rõ ràng và có hệ thống, phải biết rõ cái nào là mâu thuẫn chính, cái nào là mâu thuẫn phụ, phải đề ra cách giải quyết”[1].

            VD: Hồ Chí Minh chỉ ra mâu thuẫn lớn nhất trên toàn thế giới trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản là mâu thuẫn giữa những người bị bóc lột và những kẻ bóc lột, không phân biệt màu da, dân tộc, không phân biệt châu Á hay Châu Âu. Người nói: “…dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”[2]. Chủ nghĩa tư bản là con đỉa hai vòi: “Một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa”[3]. Chúng dùng giai cấp vô sản ở chính quốc để đàn áp phong trào cách mạng ở thuộc địa, rồi lại dùng giai cấp vô sản ở các nước thuộc địa đàn áp phong trào đấu tranh ở chính quốc. Cho nên, kẻ thù chính là kẻ điều khiển các cuộc chiến tranh này. Qua đó, Hồ Chí Minh đã chỉ ra mâu thuẫn cơ bản mà chủ nghĩa tư bản luôn tìm cách che giấu hoặc đánh lạc hướng.

            Vì vậy, để thực hành học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thì thiết thực nhất là học phương pháp phát hiện và giải quyết mâu thuẫn của Người. Cán bộ, đảng viên trong khi thực thi nhiệm vụ cần phải phát hiện được mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình giải quyết công việc, phân biệt mâu thuẫn chính, chủ yếu để tìm cách giải quyết. Mỗi mâu thuẫn lại có phương pháp giải quyết khác nhau. Không được “điều hòa” mâu thuẫn, cũng càng không được nôn nóng trong giải quyết mâu thuẫn hay phớt lờ mâu thuẫn…Có như vậy thì mới chủ động được trong giải quyết công việc và tháo gỡ được những khó khăn vốn luôn nảy sinh trong công việc và thực tế đời sống.

Thứ hai, về Quan điểm toàn diện

            Đây là quan điểm rút ra từ nguyên lý mối liên hệ phổ biến và là một trong hai nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Nội dung này nếu giảng viên không liên hệ, vận dụng tốt thì rất dễ làm học viên hoang mang, khó hiểu. Vì vậy, có thể vận dụng quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về mối liên hệ của cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, hay cách đánh giá cán bộ theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để học viên có thể từ ví dụ hiểu rõ về nội hàm của khái niệm.

VD1: Người quan niệm, cả thế giới, cả xã hội loài người là một hệ thống, trong đó các quốc gia, các tầng lớp xã hội, các bộ phận khác nhau của xã hội đều liên quan với nhau. Vì vậy, Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Người dùng hình ảnh “con chim hai cánh” để nói lên mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng thuộc địa. Người thấy rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa những người lao động Việt Nam và những người lao động Pháp, giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp trong khi đế quốc Pháp thi hành những chính sách thực dân ở Việt Nam.

VD2: Do cái nhìn toàn diện nên Hồ Chí Minh luôn phê phán những cán bộ có những cách nhìn thiên lệch, phiến diện, hẹp hòi, chỉ thấy lợi ích bộ phận không thấy lợi ích toàn thể, chỉ biết có mình, biết bộ phận mình mà quên cả Đảng. Người lên án “chủ nghĩa cá nhân”, “bệnh hẹp hòi”, “bệnh địa phương”….Người khuyên xem xét cán bộ, không chỉ xem xét ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà còn phải xem toàn thể lịch sử, toàn bộ công việc của họ. Bởi quá khứ, hiện tại, tương lai của mỗi người không phải luôn giống nhau.

            Từ đó học viên rút ra được ý nghĩa phương pháp luận khi nghiên cứu nguyên lý mối liên hệ phổ biến là ngoài quan điểm toàn diện trong đánh giá sự vật, hiện tượng còn phải tránh quan điểm phiến diện.

VD: Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn diện không có nghĩa là tràn lan, dàn đều, ôm đồm, tham nhiều nhưng làm không có tính toán, không phân biệt trước sau. Người phê phán, những cán bộ tham nhiều mà không chu đáo, không biết “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Vì vậy, Người khuyên cán bộ luôn nghiên cứu thật sâu, thảo luận thật kỹ những vấn đề chính thì các vấn đề phụ sẽ giải quyết dễ dàng. Và bất cứ việc gì cũng phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong cùng một lúc.

Thứ ba, về Quan điểm phát triển

            Quan điểm phát triển rút ra từ nguyên lý về sự phát triển, chỉ ra khuynh hướng của sự vật động của sự vật hiện tượng. Giảng viên có thể lấy ví dụ về quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh trong đánh giá sử dụng cán bộ.

            VD: Đối với cán bộ, Hồ Chí Minh không nhìn nhận một cách cứng nhắc. Người quan niệm: Mọi vật trong thế giới đều không ngừng biến đổi. Tư tưởng con người cũng vậy, có thể thay đổi theo chiều hướng tốt, cũng có thể thay đổi theo chiều hướng xấu. Vì thế, xem xét cán bộ không nên định kiến, nhất nhất trước sau như một. Một người cán bộ trước kia có thể sai lầm nhưng không phải vì thế mà sai lầm mãi mãi. Ngược lại có những cán bộ đến nay chưa bị sai lầm nhưng chắc gì sau này đã không phạm phải. “Có thể có những người kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch thì không chịu khuất phục, nhưng khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi”[4]. Do đó, xem xét cán bộ không chỉ xem bề ngoài, còn phải xem tính chất của họ, không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn bộ lịch sử, công việc của họ. Theo Hồ Chí Minh, trong mỗi con người thường có cả cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới. Song cái cũ và cái mới kinh qua cuộc kháng chiến, cuộc đấu tranh gay go, gian khổ và liên tục thì cái mới nhất định thắng cái cũ. Vì vậy, cán bộ phải luôn luôn phấn đấu để tiến lên.

            Chủ tịch Hồ Chí Minh không viết một tác phẩm riêng biệt hoặc bài chuyên luận nào về phép biện chứng, Tuy vậy, phương pháp biện chứng là phương pháp cơ bản nhất trong lý luận và trong toàn bộ quá trình hoạt động cách mạng của Người. Để bồi dưỡng thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng cho học viên thì giảng viên cũng phải là người có quan điểm biện chứng trong giảng dạy. Sẽ là không biện chứng, nếu giảng viên chỉ chăm chăm vào những khái niệm, phạm trù triết học trừu tượng mà không biết liên hệ, mở rộng ra những sự việc thực tế hoặc không nghiên cứu, kết hợp những kiến thức của môn học khác, đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh - sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng sẽ là không biện chứng nếu giảng viên sa đà vào những nội dung thuộc tư tưởng Hồ Chí Minh mà làm mờ đi những nội dung chính yếu của triết học. Vì vậy, cần lựa chọn ví dụ sát thực, liên hệ với dung lượng phù hợp để bài học đạt kết quả cao nhất vừa đáp ứng được nhiệm vụ mà Nhà trường giao phó vừa góp phần thiết thực thực hiện những nội dung của Chỉ thị 05-CT/TW nhằm phát huy những giá trị trong di sản tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu đã để lại cho chúng ta.

Nguyễn Thu Hương

Khoa Lý luận cơ sở

 



[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.1995, Tập 5, tr.302

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.1995, Tập 1, tr.266

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.1995, Tập 1, tr.298