• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
LÁ CỜ ĐỎ SAO VÀNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM LÀ THIÊNG LIÊNG, KHÔNG THỂ XÂM PHẠM
Ngày xuất bản: 27/08/2024 3:22:00 CH
Lượt đọc: 911

        

                                      Giảng viên: Ths. Hoàng Thị Lê

Khoa Lý luận cơ sở

 

Hỡi những ai máu đỏ, da vàng

Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc

Nền cờ thắm máu đào vì nước

Sao vàng tươi, da của giống nòi

Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi

Hỡi sỹ, nông, công, thương, binh

Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh.

 

Tác giả sáng tạo ra lá cờ nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh này là đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (sinh ngày 5/3/1901) tại Hà Nam, tâm huyết của tác giả khi sáng tạo ra lá cờ Tổ quốc được khắc họa rõ nét trong bài thơ của ông.

            Việt Nam là một trong những quốc gia có lịch sử hào hùng trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chống thực dân Pháp (23/11/1940), sau này trở thành lá cờ của Việt Minh. Lá cờ đỏ sao vàng là niềm tự hào của người dân Việt Nam, luôn xuất hiện trong những dấu mốc, bước ngoặt của lịch sử đấu tranh, biểu trưng cho chủ quyền dân tộc của một quốc gia đã đồng lòng, quyết tâm bảo vệ, xây dựng phát triển đất nước.

Tháng 5/1941, tại Pắc Bó (Cao Bằng), Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 được triệu tập dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh, hội nghị đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng, tiếp tục nêu cao vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu và quyết định thành lập tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Cả Nghị quyết Trung ương 8 và Chương trình hành động của Việt Minh đều ghi là: “Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ”. Đây là văn bản đầu tiên, chính thức quy định Quốc kỳ của nước Việt Nam là cờ đỏ sao vàng.

Cho đến năm 1945, tại Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào - Tuyên Quang đã quyết định lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ khởi nghĩa giành độc lập trên toàn quốc. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Quốc hội khóa đầu tiên đã công nhận Quốc kỳ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có hình chữ nhật, chiều rộng bằng ⅔ chiều dài, nền đỏ và ở giữa là ngôi sao vàng năm cánh. 

Sắc lệnh số 5-SL ngày 5/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời về việc bãi bỏ cờ quẻ ly và ấn định Quốc kỳ Việt Nam và Phụ lục mẫu Quốc kỳ kèm theo Sắc lệnh.

(Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

              Ngày 05/9/1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 5 ấn định Quốc kỳ Việt Nam. Sắc lệnh gồm 3 khoản và một bản phụ kèm theo. “Khoản I. Cờ quẻ ly nay bãi bỏ. Khoản II. Quốc kỳ Việt Nam ấn định như sau này: a) Hình chữ nhật, bề ngang hai phần ba bề dài; b) Nền màu đỏ tươi, ở giữa có sao năm cánh màu vàng tươi; kích thước và hình thù đã ấn định trong bản phụ đính kèm theo Sắc lệnh này.

Bản phụ Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam có yêu cầu rõ ràng:

- Kích thước

            + Nền cờ: Bề dài = a, bề ngang = 2/3a.

            + Sao: Từ trung tâm đến hết I góc lồi = I/5a, từ trung tâm đến I góc lõm = I/10a.

- Màu sắc:

+ Nền màu đỏ tươi

+ Sao vàng tươi.

            - Cách đặt sao:

Ngôi sao vàng có 5 góc lồi và 5 góc lõm, trung tâm sao đặt đúng trung tâm nền cờ, một góc lồi quay thẳng lên phía trên theo đường AB.

            Như vậy Quốc kỳ đầu tiên được công nhận tại Việt nam là lá cờ có hình chữ nhật, bề ngang hai phần ba bề dài; nền màu đỏ tươi, ở giữa có sao năm cánh màu vàng tươi.

            Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 và Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội ngày 02/3/1946 là một bước phát triển về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới; một Nhà nước pháp quyền của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc. Tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội, sau nhiều buổi thảo luận sôi nổi để bổ sung, sửa đổi từng điều cụ thể, ngày 09/11/1946, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Hiến pháp năm 1946). Tại Điều thứ 3, Hiến pháp năm 1946 quy định: Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh. Đến Hiến pháp năm 1959, tại Điều 109 quy định: Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Tiếp đó, tại Điều 142, Hiến pháp năm 1980; Điều 141, Hiến pháp năm 1992 và Điều 13, Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể hơn: Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

Quốc kỳ Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, là biểu tượng của ý Đảng, lòng dân, là biểu tượng thiêng liêng nhất, thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược và xây dựng đất nước hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc. Lá cờ đỏ sao vàng là minh chứng khẳng định cho sự thống nhất, độc lập, tự chủ và hòa bình của dân tộc Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi.

Quốc kỳ Việt Nam

           

Trải qua bao nhiêu khó khăn, gian nan, đi cùng thắng lợi này đến thắng lợi khác, lá cờ đất nước vẫn mãi trường tồn trong mọi khoảnh khắc, mọi bước ngoặt. Đã từ lâu lá cờ đỏ sao vàng là linh hồn của một dân tộc, là biểu trưng của toàn bộ đất nước, con người Việt nam. Cờ là hồn nước, là niềm tự hào, một biểu tượng thiêng liêng bất khả xâm phạm của nước khác lên bản sắc dân tộc Việt Nam. Lá cờ là biểu thị cho một nước có chủ quyền, có nền dân chủ, tự do, biểu trưng cho sự đồng lòng của dân tộc cùng nhau đoàn kết, gắn bó, đồng cam cộng khổ từ chiến tranh cho đến thời bình. Nền cờ màu đỏ tượng trưng dòng máu đỏ, màu của nhiệt huyết, ý chí, niềm tin, tinh thần hy sinh chiến đấu cách mạng của nhân dân Việt Nam, ngôi sao màu vàng tượng trưng ánh sáng của vai trò lãnh đạo cách mạng, nó còn là màu da vàng và năm cánh sao tượng trưng cho sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân bao gồm sĩ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Chính những ý nghĩa chính trị cao quý mà hằng năm cứ vào những ngày lễ lớn trong năm, Quốc kỳ của Việt Nam luôn là mục tiêu lợi dụng của các đối tượng chống đối hèn mọn. Để thể hiện tư tưởng chống Đảng, Nhà nước, phản đối chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chúng nhằm vào phá hoại Quốc kỳ với các hành vi như nhạo báng, xé, bôi bẩn, vẽ bậy, làm ô uế, đốt Quốc kỳ,... Tiêu biểu như, ngày 30/11/2018, Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối tượng Huỳnh Thục Vy (sinh năm 1985) về hành vi “Xúc phạm Quốc kỳ” theo Điều 276, Bộ Luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009). Trước đó, ngày 01/9/2017, tại số nhà 1222 đường Hùng Vương, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, Vy một tay cầm lá cờ, một tay dùng bình sơn mini xịt sơn màu trắng lên chính giữa ngôi sao của hai lá cờ Tổ quốc do UBND phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ cắm trước số nhà 1222 và 1224, đường Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 72 năm ngày Cách mạng tháng tám và Quốc khánh 2/9. Sau khi xịt sơn, Vy lấy điện thoại di động chụp hình bản thân cùng hai lá cờ bị xịt sơn và đăng lên mạng xã hội facebook với nội dung “Phản đối lễ lạc bằng cờ đỏ sơn trắng”.

Ngày 14/11/2020, tại xã Ea Ning, huyện Cư Kuin tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trương Dương Hùng 30 tuổi, trú tại thôn 15, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin để điều tra về hành vi “Xúc phạm Quốc kỳ” theo Điều 351, Bộ Luật Hình sự... Đây chỉ là một trong những vụ việc đã xảy ra vừa qua với hành vi xúc phạm Quốc kỳ. Mỗi hành vi các đối tượng gây ra đều thể hiện như những “người hùng hay nhà hoạt động” trên mặt trận đi tìm “dân chủ, nhân quyền” và được sự tung hô, tán thưởng của những kẻ “cùng tư tưởng”. Hàng loạt những vụ án xúc phạm Quốc kỳ đã được đưa ra xét xử như một lời răn đe cảnh tỉnh cho những đối tượng chống đối mê muội, phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân.

Mới đây nhất, trên mạng xã hội Facbook lan truyền thông tin, một trang bán hàng tại Amazon Nhật Bản đã đăng tải bán một sản phẩm thảm chân mô phỏng theo hình dáng Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thậm chí, tại phần mô tả sản phẩm, trang bán hàng này còn mô tả đây chính là Quốc kỳ Việt Nam dùng trong nhà, ngoài trời, thảm lót sàn phòng ngủ, phòng tắm, phòng khách, phòng bếp… Việc chế tác Quốc kỳ Việt Nam thành một tấm thảm lau chân là hành vi vô cùng không thể chấp nhận, xúc phạm nghiêm trọng đến Quốc kỳ của Việt Nam, xúc phạm hàng chục triệu người dân Việt Nam.

Mỗi một dân tộc, một quốc gia đều có Quốc kỳ riêng của mình. Việt Nam là một dân tộc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; Quốc kỳ Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, là biểu tượng của hồn nước, lòng dân, của tình đoàn kết đời đời bền vững của đại gia đình các dân tộc Việt Nam và là biểu tượng thiêng liêng nhất, thể hiện nhiệt huyết cách mạng, sự hy sinh anh dũng của toàn thể nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống quân xâm lược, giành chính quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Lá cờ đỏ sao vàng, biểu tượng chung nhất của dân tộc Việt Nam đã khắc sâu vào tâm khảm mỗi người dân Việt và được cộng đồng quốc tế công nhận, tôn trọng.

Lá cờ đỏ sao vàng là một minh chứng khẳng định sự thống nhất, độc lập, tự chủ và hòa bình của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, vị thế và tầm vóc Việt Nam đã vươn xa trên trường quốc tế, giá trị đất Việt với nhiều thành tựu trên tất các lĩnh vực có tầm ảnh hưởng toàn cầu với sự ghi nhận tích cực từ cộng đồng quốc tế. Lá cờ đỏ tung bay ở các đấu trường quốc tế càng thể hiện rõ bản lĩnh con người Việt, danh dự đất Việt. Vì vậy, mọi hành vi xúc phạm Quốc kỳ nhằm mục tiêu chống phá Đảng, Nhà nước đều không thể chấp nhận được và sẽ bị xử lý nghiêm minh, trừng trị thích đáng để bảo vệ sự trong sáng của dân tộc, bảo vệ danh dự quốc gia trước những âm mưu hèn mọn của các đối tượng chống đối chính trị đe dọa an ninh quốc gia Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024), đây là sự kiện chính trị lớn của Đất nước. Trên mạng xã hội đang có trào lưu vẽ cờ Tổ quốc lên mái nhà, lên cửa cuốn, lên tường,... nhằm lan tỏa tinh thần yêu nước khắp Việt Nam. Bên cạnh những việc làm ý nghĩa hướng về Tổ quốc, vẫn còn đó những hành động bồng bột, yêu nước theo kiểu trào lưu, biến tướng. Ví như một anh hùng bàn phím dùng phần mềm photoshop biến những nóc nhà ở quê mình trở thành một rừng cờ là điều không nên. Do vậy, người dân cũng cần lưu ý không thể tùy tiện tô vẽ, bởi Hiến pháp 2013 quy định cụ thể: cấm sử dụng cờ Tổ quốc không đúng quy định về kích thước, tạo hình. Tránh tình trạng các đối tượng chống phá lợi dụng trào lưu này để tuyên truyền, xuyên tạc mục đích, ý nghĩa của lá cờ đỏ sao vàng - biểu tượng thiêng liêng, không thể xâm phạm.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011.

2.     Lịch sử Chính phủ Việt Nam. Tập 1: 1945-1955. Nxb.Chính trị quốc gia, 2005.

3.     Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia - Hà Nội - 2000, tr.466-471

4.     Việt Nam Dân quốc Công báo, số 1, năm 1945.

5.     https://nhandan.vn/co-do-sao-vang-bieu-tuong-thieng-lieng-dac-biet-cua-dan-toc-viet-nam-post712980.html

6.     https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3098/16027/nguyen-huu-tien-1901-1941-nguoi-ve-la-co-to-quoc.html

7.     https://dbnd.quangngai.gov.vn/print.aspx?postid=618