• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Kỹ năng tổ chức câu lạc bộ giảng viên trẻ trường Chính trị tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 06/10/2017 3:47:00 CH
Lượt đọc: 25033

Câu lạc bộ (CLB) giảng viên trẻ trường Chính trị tỉnh Yên Bái là tổ chức tự nguyện, đoàn kết, tập hợp các giảng viên trẻ trong nhà trường vào các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học (NCKH) có hiệu quả cao của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường Chính trị. Câu lạc bộ giảng viên trẻ nhà trường được Ban giám hiệu trực tiếp chỉ đạo về chuyên môn và sự giúp đỡ của các khoa, phòng trong nhà trường. Câu lạc bộ hoạt động theo điều lệ đã được Ban chấp hành (BCH) Đoàn trường thông qua. Trong tình hình hiện nay, việc phát triển và tổ chức tốt nội dung, hình thức sinh hoạt của Câu lạc bộ giảng viên trẻ sẽ có vai trò quan trọng trong hoạt động của Đoàn trường, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

Mục đích chủ yếu của Câu lạc bộ là tạo điều kiện, khuyến khích và tổ chức cho hội viên thi đua học tập, NCKH, giúp giảng viên có điều kiện tiếp cận với thực tế, với kiến thức của các ngành, lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các chuyên ngành có liên quan đến công tác giảng dạy của nhà trường.

Về cơ cấu tổ chức, CLB có Ban chủ nhiệm được hình thành theo quyết định của Hiệu trưởng nhà trường, Ban chủ nhiệm là thường trực của CLB, là cơ quan cao nhất, điều hành toàn bộ hoạt động của CLB, từ việc chuẩn bị nội dung tổ chức các buổi sinh hoạt, chi tiêu, mua sắm các dụng cụ cần thiết, tuyên truyền cổ động và trang trí. Vì vậy, yêu cầu đối với từng thành viên trong Ban chủ nhiệm là rất cụ thể:

- Chủ nhiệm CLB phải là người có năng lực tổ chức và hiểu biết về các hoạt động CLB, là người có uy tín trong CLB thì mới điều hành được công việc và điều khiển mọi người thực hiện kế hoạch của CLB.

- Phó chủ nhiệm CLB phụ trách nội dung phải là người năng nổ, có năng lực về công tác chuyên môn của CLB.

- Phó chủ nhiệm phụ trách vật chất, hậu cần, tài chính của CLB phải là người tháo vát, lo mọi thứ về vật chất để duy trì mọi hoạt động của CLB.

- Các ủy viên Ban chủ nhiệm phải là người tận tâm, tận lực với công việc, thường xuyên có ý kiến đóng góp xây dựng và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được phân công.

Hiện nay Ban chủ nhiệm có số lượng thành viên là 05 đồng chí, gồm 01 Chủ nhiệm, 02 Phó chủ nhiệm, 02 Ủy viên. Thành viên Ban chủ nhiệm đều là những hội viên có năng lực, nhiệt tình tham gia hoạt động do BCH Đoàn trường giới thiệu.  

Về nội dung hoạt động, CLB đang tập trung vào các nội dung chính như:

- Nghiên cứu khoa học, tìm hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các bộ môn, chuyên đề liên quan đến nội dung giảng dạy của nhà trường, các chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ các cấp; các vấn đề chính trị - thời sự - xã hội trong nước và quốc tế diễn ra hàng ngày liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến các nội dung giảng dạy.

- Thảo luận, trao đổi, phản biện, đề xuất các giải pháp hiệu quả để tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các bộ môn khoa học đang giảng dạy trong giảng viên trẻ. Định hướng nội dung tuyên truyền theo quan điểm của Đảng và Nhà nước, của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, sưu tầm các tài liệu, đề cương tuyên truyền được phát hành trong hệ thống chính trị hoặc các trang thông tin điện tử của tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn - Hội, khai thác Thông tin nội bộ của nhà trường, các phương pháp giảng dạy tích cực và truyền thống… để trang bị kiến thức cho các thành viên.

- Làm nòng cốt tuyên truyền tại đơn vị, tham gia các hội thảo khoa học, các buổi sinh hoạt chính trị, chuyên môn do nhà trường và Đoàn trường tổ chức.

- Nắm bắt, trao đổi, định hướng các vấn đề liên quan đến diễn biến tư tưởng, nhận thức của giảng viên; những vấn đề giảng viên trẻ quan tâm hiện nay, diễn biến của các sự kiện chính trị xã hội trong nước và quốc tế, những vấn đề tác động trực tiếp đến quyền lợi, nhu cầu của giảng viên; từ đó lựa chọn hình thức sinh hoạt cho phù hợp, tạo điều kiện cho các thành viên câu lạc bộ, các giảng viên trẻ tham gia được bày tỏ suy nghĩ, nhận xét của cá nhân mình đối với vấn đề đó và cùng nhau thảo luận, phân tích, nhận diện đúng sai để các thành viên câu lạc bộ, các giảng viên trẻ tham gia sinh hoạt hiểu được vấn đề một các thấu đáo, cặn kẽ.

Để xác định được nội dung sinh hoạt phù hợp, Ban chủ nhiệm CLB cần nhận thức rằng xác định nội dung chính là xác định chủ đề cho buổi sinh hoạt. Đây là khâu quan trọng nhất, có xác định được chủ đề thì mới xác định được toàn bộ công việc chuẩn bị kèm theo. Một buổi sinh hoạt chỉ nên nhằm vào một chủ đề, thậm chí một chủ đề có thể sinh hoạt nhiều buổi. Từ chủ đề đã được xác định, Ban chủ nhiệm huy động tất cả các hình thức sinh hoạt trong CLB để buổi sinh hoạt thêm phong phú, hấp dẫn. Để xác định chủ đề sinh hoạt cho thiết thực và phù hợp, Ban chủ nhiệm CLB phải căn cứ vào tình hình chính trị trước mắt và nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của hội viên.

Về hình thức sinh hoạt, sau khi đã xác định nội dung cho buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm thống nhất hình thức thể hiện, có rất nhiều hình thức sinh hoạt trong CLB nhưng có thể sử dụng một số hình thức chính sau đây:

- Tọa đàm, diễn đàn, hội thảo; nghe báo cáo chuyên đề; phát động nghiên cứu khoa học theo đề tài cụ thể; tham quan giao lưu, thuyết trình, hùng biện; tổ chức và tham gia các cuộc thi; xây dựng các diễn đàn thảo luận trên mạng điện tử; mời các chuyên gia về các lĩnh vực trong và ngoài nhà trường với tư cách hỗ trợ, tư vấn, báo cáo viên; lồng ghép các sinh hoạt văn nghệ, giới thiệu sách báo, trưng bày triển lãm…

- Ban chủ nhiệm CLB tổ chức sơ kết, tổng kết việc xây dựng và tổ chức hoạt động của câu lạc bộ theo từng năm; tổ chức các lớp tập huấn cho Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ; tổ chức các hoạt động giao lưu với các Câu lạc bộ khác để trao đổi kinh nghiệm; chọn lọc những vấn đề giảng viên trẻ quan tâm, từ đó xây dựng chuyên mục sinh hoạt hàng tháng lồng ghép vào đó là phần trao đổi, định hướng của các thành viên, tập huấn các kỹ năng hùng biện, nói chuyện trước đám đông, kỹ năng thuyết phục để nâng chất lượng thành viên tham gia…

Về phân công người phụ trách: Người phụ trách có thể là thành viên của Ban chủ nhiệm CLB hoặc chỉ là thành viên của CLB. Người phụ trách có trách nhiệm tiến hành toàn bộ công việc chuẩn bị kiểm tra và đôn đốc các khâu thực hiện. Người phụ trách phải hình thành đề cương chuẩn bị, họp Ban chủ nhiệm và có trách nhiệm điều hành buổi sinh hoạt; phải báo cáo lãnh đạo nhà trường để định hướng nội dung; mời chuyên gia (nếu cần thiết); thông báo đến các thành viên CLB về buổi sinh hoạt (thời gian, địa điểm, thành phần) và tiến hành tuyên truyền thông qua kế hoạch, panô, áp phích, băng cờ...

Về điều khiển sinh hoạt: Trước khi vào nội dung chính của buổi sinh hoạt, người điều khiển chương trình có thể hướng dẫn mọi người múa hát tập thể hoặc tổ chức các trò chơi để tạo không khí, sau đó giới thiệu đại biểu, chuyên gia, chương trình buổi sinh hoạt. Người điều khiển chương trình phải linh hoạt, tùy cơ ứng biến nhưng phải nắm vững nội dung chính của buổi sinh hoạt để hướng mọi người đến những vấn đề chủ yếu đã đề ra. Với vai trò là linh hồn của buổi sinh hoạt, người điều khiển cần ăn mặc gọn gàng, lịch sự và có tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, có khả năng hướng dẫn mọi người và kết luận được chủ đề buổi sinh hoạt, định hướng sinh hoạt cho lần sau…

Trên đây là một số điểm cần lưu ý trong thực hiện kỹ năng tổ chức sinh hoạt CLB giảng viên trẻ trường Chính trị tỉnh Yên Bái, rất mong các hội viên CLB, các chuyên gia tiếp tục cho ý kiến đóng góp để chất lượng sinh hoạt CLB ngày càng được nâng cao, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của nhà trường hiện nay.

 

Hán Mạnh Hùng

Phó trưởng khoa Dân Vận