• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
HỌC TẬP TẤM LÒNG YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI TRONG TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
Ngày xuất bản: 29/06/2022 10:18:00 SA
Lượt đọc: 11046

 

Kế thừa truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại qua nhiều thế kỷ và cùng với trải nghiệm bản thân, Hồ Chí Minh xác định lòng yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất, là phẩm chất mà Hồ Chí Minh yêu cầu đối con người Việt Nam. Phẩm chất đạo đức yêu thương con người sẽ định hướng và quyết định chúng ta làm gì, hành động như thế nào trong cuộc sống.

Yêu thương con người trong tư tưởng đạo đức của Người là yêu thương những con người cụ thể, con người tồn tại thực chứ không phải là con người trừu tượng, chung chung. Điểm nổi bật nhất, tính nhân văn cao cả nhất của lòng yêu thương con người chính là tình cảm rộng lớn của Hồ Chí Minh. Người yêu thương tất thảy đồng bào, đồng chí; không phân biệt miền ngược hay miền xuôi, già hay trẻ, gái hay trai; không phân biệt giai cấp, màu da… hễ là người Việt Nam yêu nước thì đều có chỗ trong tấm lòng nhân ái của Người.

Nhà thơ Tố Hữu trong dòng thơ khóc thương Hồ Chí Minh đã viết:

Bác ơi tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người

Tình yêu thương của Bác quả là bao la rộng lớn. Tình yêu thương trước tiên Bác dành cho những người cùng khổ. Những người lao động bị áp bức, bóc lột. Năm 1911, Bác rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Ba mươi năm bôn ba gian khổ, bài học đầu tiên mà Người nhận thức được đó là tình cảnh khổ cực của những người lao động, họ bị bóc lột và áp bức nặng nề. Bằng tình yêu thương của mình, Hồ Chí Minh luôn luôn mong muốn giải phóng con người, giải phóng giai cấp. Người từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành1.

Trong hành trang năm xưa ra đi tìm đường cứu nước, yêu nước, thương dân là động lực thôi thúc nhất đối với Hồ Chí Minh. Tình yêu thương của Người rất chân thành và rộng lớn, Người thương từ em bé chưa đầy một tuổi đã phải vào chốn lao tù, thương những người phụ nữ bị bắt bớ, đọa đầy, thương cụ già đêm về manh áo lạnh, thương đàn cháu nhỏ, thương đoàn dân công ngủ dưới trời sương giá, thương những người chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi biên cương… Tình thương của Người được gửi đều cho tất cả. Cả cuộc đời Người hy sinh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của mọi người.

Tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh luôn được thể hiện trong mối quan hệ bạn bè đồng chí, với mọi người bình thường trong quan hệ hàng ngày. Người cho rằng, mọi người phải luôn chặt chẽ, nghiêm khắc với mình, nhưng phải rộng rãi, độ lượng với người khác, mọi người phải có thái độ tôn trọng, phải biết cách nâng con người lên chứ không phải hạ thấp, vùi dập con người.

Lòng yêu thương con người theo Hồ Chí Minh còn được thể hiện ngay cả đối với những người mắc sai lầm, khuyết điểm nhưng nhận rõ sai lầm, khuyết điểm và cố gắng sửa chữa. Chính tình yêu thương đó đã đánh thức những gì tốt đẹp mà Hồ Chí Minh tin rằng trong mỗi con người đều có dù ít nhiều là khác nhau. Người cho rằng, trên một bàn tay cũng có ngón ngắn, ngón dài, người phải có người nọ, người kia. Ai cũng có những lúc lầm lỡ, nhưng nếu biết sửa chữa chúng ta phải biết yêu thương và nâng đỡ họ. Lòng thương người của Hồ Chí Minh đã “thức tỉnh” cái đẹp, cái thiện trong những con người lầm đường lạc lối. Đối với Người, lòng yêu thương con người không chỉ là yêu thương dân tộc mình mà còn là yêu thương cả nhân loại cần lao trên thế giới. Người đã từng thốt lên: “Than ôi, trước lòng bác ái thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người2. Còn nhớ trong một lần Người đến thăm trại tù binh Pháp, bước vào một phòng giam, Người thấy một tù binh lạnh run người, không đắn đo Người đã cởi chiếc áo bông mà đồng bào Trung Quốc tặng để tặng lại cho tù binh mặc. Bước sang phòng giam khác thấy một tù binh bị ho, Người lại cởi nốt chiếc khăn quàng cổ đưa cho người tù binh đó.

Ở con người Hồ Chí Minh biểu hiện tấm lòng yêu thương con người thật cao đẹp, lòng yêu thương con người đã trở thành nếp sống, nếp nghĩ của Bác. Một học giả nước ngoài đã từng nói: Cụ Hồ là xây dựng lương tri, xây dựng nó khi nó thiếu, tái tạo nó khi nó mất, cụ thức tỉnh kẻ đê mê, ân cần đỡ dậy người trượt ngã, biến vạn ức dân bình thường thành anh hùng vô danh trong lao động, trên chiến trường, trong ngục tối, trước máy chém…

Hồ Chí Minh đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng những tư tưởng, đạo đức của Người mãi mãi trường tồn và là tấm gương chung cho cả dân tộc, cho thế hệ hôm nay và mai sau. Học tập tấm lòng yêu thương con người trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần:

Một là, trong mối quan hệ giữa người với người phải khoan dung, độ lượng, chân thành, tránh thù hằn cá nhân. Là người cán bộ, đảng viên phải có tình yêu nhân dân, tôn trọng và dốc sức phục vụ nhân dân, bảo vệ những quyền lợi chính đáng của nhân dân, không được gây nhũng nhiễu, khó dễ cho nhân dân. Bên cạnh đó, phải luôn lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thông cảm và cùng chia sẻ khi nhân dân gặp khó khăn, hoạn nạn.

Hai là, đối với đồng sự phải có lòng yêu thương, giúp đỡ nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong quan hệ đồng nghiệp cần phải chân thành, biết góp ý phê bình thẳng thắn song sự góp ý, phê bình ấy phải dựa trên cơ sở tình cảm yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, chứ không phải hạ thấp nhân phẩm của người khác.

Ba là, khi nhận xét, đánh giá một con người phải có cái nhìn toàn diện, bao quát, tránh nhìn nhận, đánh giá một cách phiến diện, một chiều, chỉ nhìn thấy khuyết điểm mà không thấy ưu điểm của con người. Đối với những hành vi sai trái phải nghiêm khắc phê bình và xử lý nhưng cũng tạo cơ hội để đồng chí của mình sửa chữa, khắc phục và vươn lên.

Mỗi người chúng ta hãy thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về lòng yêu thương con người, hãy biến nó thành hành động hàng ngày của mình. Bằng tình yêu thương con người sẽ giúp nhau tránh xa cái ác, sẽ sống có ý nghĩa hơn, tích cực hơn. Lòng yêu thương con người trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh như ngọn lửa hồng, chứa đựng niềm tin, sức sống cho mỗi con người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Ths. HOÀNG THỊ LÊ

Khoa Lý luận cơ sở

 

 

Chú thích:

[1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, H.1995, tập 4, tr.161.