• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ THU HỒI TÀI SẢN THAM NHŨNG THEO CHỈ THỊ 04 CỦA BAN BÍ THƯ
Ngày xuất bản: 24/08/2021 9:59:00 SA
Lượt đọc: 10149

Ngày 02/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nhằm đưa ra các giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng đặc biệt là trong thu hồi tài sản tham nhũng.

Thời gian qua với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng diễn ra quyết liệt, không có ngoại lệ, không có vùng cấm nên nhiều vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã được đưa xét xử. Theo báo cáo tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 từ năm 2013 đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với gần 4.400 bị cáo. Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát, chiếm đoạt được nâng lên góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nếu như năm 2013 tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt dưới 10% thì giai đoạn 2013 - 2020 đạt 32,04 lần (gấp 3 lần so với giai đoạn trước 2013).

Tuy nhiên, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn hạn chế, tỉ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt còn thấp. Đơn cử như vụ án Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, và đồng phạm, các bị cáo phải bồi thường 110 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ thu hồi được trên 21 tỷ đồng, tức là chưa đến 1/5; vụ "đại án" kinh tế Huỳnh Thị Huyền Như, tòa tuyên án bị cáo phải nộp lại 9.000 tỷ đồng, nhưng qua thẩm tra, thẩm định chỉ thu về cho Nhà nước được 500 tỷ đồng (hơn 5%); trong vụ Trịnh Xuân Thanh tổng số tiền bị cáo này phải bồi thường là 122 tỷ đồng nhưng hiện nay mới chỉ thi hành án được 31 tỷ đồng, bằng 1/4 tổng số tiền phải thi hành án. (Nguồn: https://vtv.vn/chinh-tri/bat-cap-thu-hoi-tai-san-trong-cac-vu-an-tham-nhung-kinh-te)

 Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do  cơ chế, chính sách, pháp luật trong công tác này còn bất cập, còn có sự chồng chéo và chưa có cơ chế hữu hiệu để thu hồi được các tài sản của Nhà nước do hành vi tham nhũng gây ra.

Theo quy định của Bộ Luật hình sự và luật Tố tụng hình sự 2015 thì các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với bị can, bị cáo, người bị truy nã hoặc đối với những người chưa bị khởi tố (trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang) nhằm ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Như vậy, khi chưa bị khởi tố hoặc trong thời gian thanh tra, kiểm toán, kể cả khi có tin báo tội phạm cũng không áp dụng biện pháp ngăn chặn kê biên tài sản nên các bị cáo có thời gian để tẩu tán tài sản.

Hơn nữa, hiện nay chúng ta cũng chưa có luật Đăng ký tài sản, mặc dù Bộ Luật Dân sự đã quy định các loại tài sản nào phải đăng ký nhưng vì chưa có luật điều chỉnh nên chưa có căn cứ để yêu cầu chứng minh nguồn gốc tài sản để xử lý nếu như tài sản đó không rõ nguồn gốc, không chứng minh được nguồn gốc.

Tiếp nữa, hiện nay chúng ta cũng đang thực hiện việc thu hồi tài sản qua kết tội của bản án có hiệu lực. Tức là chỉ thu hồi tài sản sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật tuyên người đó là tội phạm. Tuy vậy, trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử là khoảng thời gian rất dài nên các đối tượng này vẫn có nhiều thời gian để tẩu tán tài sản và đến khi có bản án có hiệu lực của Tòa án thì đã không còn tài sản để thi hành án.

Một trong những yêu cầu để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng là cần phải có các quy định pháp luật thống nhất, chặt chẽ về quản lý tài sản, công khai, minh bạch tài sản, trong định giá tài sản và đẩy mạnh việc chi tiêu không dùng tiền mặt.

 Do vậy, để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tích cực góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư đã đề ra 7 biện pháp để định hướng trong việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng như sau:

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong toả.

- Nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế;

- Hoàn thiện cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự để thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý tài sản do phạm tội mà có ở nước ngoài.

- Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng. Đẩy mạnh tham gia, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam với các nước, tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong phòng, chống tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Chỉ thị 04 của Ban bí thư là định hướng rất quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế pháp lý hữu hiệu thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát, chiếm đoạt để công tác phòng, chống tham nhũng thực sự hiệu quả.

Nguyễn Thị Mai

Khoa Nhà nước và pháp luật