• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Giải pháp phát triển quan hệ của Yên Bái với các nước ASEAN hiện nay.
Ngày xuất bản: 27/06/2022 1:29:00 CH
Lượt đọc: 9528

 

Hội nhập quốc tế là một quá trình tất yếu, có lịch sử phát triển lâu dài và có nguồn gốc, bản chất xã hội của lao động và sự phát triển văn minh của quan hệ giữa con người với con người. Trong xã hội, con người muốn tồn tại và phát triển phải có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Rộng hơn, ở phạm vi quốc tế, một quốc gia muốn phát triển phải liên kết với các quốc gia khác. Trong một thế giới hiện đại, sự phát triển của kinh tế thị trường đòi hỏi các quốc gia phải mở rộng thị trường, hình thành thị trường khu vực và quốc tế. Đây chính là động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.

Nhìn lại những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động, chủ nghĩa xã hội trên thế giới lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Trước các sóng gió, Ðảng ta đã đánh giá lại cục diện thế giới để xác định đường lối, chính sách đối ngoại trong tình hình mới. Chủ trương đối ngoại của Việt Nam được khẳng định tại Ðại hội VII (1991), theo đó Việt Nam muốn là bạn, là đối tác với các nước trên thế giới và mở rộng, đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại. Thế giới quan mới về thời đại và cục diện thế giới, đã mở đường, tạo điều kiện để Việt Nam phá thế bao vây cô lập, phát triển rộng rãi quan hệ đối ngoại. Việt Nam, đã lần lượt bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991, với Mỹ năm 1995, thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước quan trọng trên thế giới và gia nhập ASEAN năm 1995.Với chủ trương đường lối và quyết sách đúng đắn của Đảng, đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo ra tiền đề cần thiết cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Các xu thế hòa bình, toàn cầu hóa, dân chủ hóa của thời đại ngày càng được củng cố và tăng cường, là một trong những nước nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động với tốc độ cao. Nhận thấy tầm quan trọng của việc hội nhập quốc tế, hội nhập khu vực từ tháng 5/2021 đến nay, Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Yên Bái đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh Yên Bái. Đồng thời, ban hành và triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Hội nhập quốc tế giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 và Kế hoạch Hội nhập quốc tế tỉnh Yên Bái năm 2021". 

Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc Bộ Việt Nam, phía Tây Bắc giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ và phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.892,68 km2, xếp thứ 8 so với 12 tỉnh thuộc vùng núi và trung du phía Bắc về quy mô đất đai.

Với vị trí địa lý là cửa ngõ miền Tây Bắc, nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có hệ thống giao thông tương đối đa dạng đã tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để Yên Bái tăng cường hội nhập và giao lưu kinh tế thương mại, phát triển văn hóa xã hội… không chỉ với các tỉnh trong vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước mà còn cả trong giao lưu kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các tỉnh phía Tây Nam của Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN.

 Ngày 27/9/2021 Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành kế hoạch tuyên truyền, quảng bá ASEAN trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 với mục đích nâng cao ý thức “Tư duy Cộng đồng, Hành động Cộng đồng” của người dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân đ tham gia đóng góp và hưởng lợi từ tiến trình hội nhập, xây dựng Cộng đồng ASEAN. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân trao đi, tìm hiểu về mục đích, giá trị và lợi ích mà Cộng đồng ASEAN đã và sẽ mang lại cho Việt Nam;  ngày 25/5/2021 Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Quy chế số 03-QC/TU về việc quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn Tỉnh Yên Bái, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.  Trong đó, quan tâm đẩy mạnh công tác ngoại giao văn hóa với các địa phương đã có quan hệ hợp tác với tỉnh như: Tỉnh Viêng Chăn, tỉnh Xay Nha Bu Ly (CHDCND Lào), tỉnh Val-de-Mame (CH Pháp), tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), thành phố Mimasaka (Nhật Bản). Đồng thời mở rộng thêm việc thiết lập quan hệ hợp với với các địa phương của nước ngoài như: Hàn Quốc, Italia,... Đồng thời tăng cường hợp tác, thiết lập mối quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước trong cộng đồng ASEAN

 Trong hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng được đẩy mạnh; Yên Bái đã được Chính phủ chấp thuận trở thành đối tác hợp tác của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của Tỉnh được giới thiệu, quảng bá ngày càng rộng rãi trong nước và quốc tế; Vai trò, vị thế Yên Bái là trung tâm liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc được khẳng định. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng tiếp tục tăng trưởng khá, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thu ngân sách trên địa bàn Tỉnh tăng dần qua các thời kỳ, đạt nhiều kết quả vượt bậc. Năm 1992, thu ngân sách chỉ đạt 38.552 triệu đồng; năm 1998, đạt 100 tỷ đồng; năm 2010 đạt 721,5 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 3.592 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng rõ rệt qua các năm, từ mức 2,631 triệu đồng năm 2001 lên 41 triệu đồng năm 2021.

 Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, song trong quá trình hội nhập ASEAN, hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua tại Yên Bái đã bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục bởi “những hạn chế này đã tác động bất lợi tới phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua và có thể còn tác động bất lợi lâu dài”.

- Thứ nhất, Có những thời điểm chúng ta tập trung vào các lợi ích mang tính ngắn hạn như cắt giảm thuế quan mà chưa chú trọng đúng mức đến các mục tiêu dài hạn như nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng, cải cách môi trường, thể chế , khả năng thích ứng nhanh của nền kinh tế với biến động bên ngoài.

- Thứ hai, có thời gian chúng ta tập trung các nỗ lực hội nhập kinh tế vào khu vực Đông Á làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế nước ta nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng vào các nền kinh tế lớn trong khu vực về nguồn nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị, công nghệ… sự tập trung này tạo hiệu ứng cộng hưởng với các căn nguyên khác dẫn đến tỉ trọng nhập siêu của Việt Nam tăng cao từ một số đối tác trong khu vực Đông Á.

- Thứ ba, Cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện căn bản, hiệu quả đầu tư chưa cao như mong muốn. Tăng trưởng phần nhiều dựa vào các yếu tố như: tín dụng, lao động rẻ mà thiếu sự đóng góp của việc gia tăng năng suất lao động hay hàm lượng tri thức.

Để hội nhập quốc tế toàn diện trong giai đoạn mới có hiệu quả cần triển khai thực hiện hệ thống các giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân về yêu cầu hội nhập quốc tế, về các cơ hội và thách thức, về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng yếu của hội nhập quốc tế trong từng ngành, lĩnh vực để thống nhất nhận thức và hành động, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong quá trình hội nhập quốc tế tới toàn dân, doanh nhân, doanh nghiệp, đội ngũ trí thức trong tỉnh.

Hai là, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về hội nhập quốc tế, trước hết là hội nhập kinh tế quốc tế một cách toàn diện, đồng bộ trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng; điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các chính sách hội nhập quốc tế cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước và các cam kết quốc tế.

Ba là, chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh qua việc đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển sản xuất kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…..

Bốn là, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác. Chủ động trong việc lựa chọn đối tác và xây dựng phương án đàm phán với từng đối tác trên cơ sở cùng có lợi.

Năm là, chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch toàn diện và cụ thể trong việc thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong bối cảnh thế giới cũng như trong nước đang có nhiều thay đổi lớn. Tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm quản lý, chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước và chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Chú trọng hơn đến công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chủ trương, chính sách hội nhập.

Gia nhập ASEAN là một quyết định mang tính lịch sử, một quyết sách đúng đắn và kịp thời, là bước đột phá đầu tiên để Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng hội nhập khu vực và thế giới. Chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với ASEAN gắn liền với quá trình phát triển và đổi mới tư duy đối ngoại của Việt Nam. Hơn 25 năm gia nhập, Cộng đồng ASEAN đã ghi nhận những đóng góp tích cực của Việt Nam vào sự phát triển chung của Hiệp hội, tạo nền tảng để thành lập Cộng đồng ASEAN - gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội. Định hướng phát triển của ASEAN cũng rất phù hợp với chính sách phát triển của Việt Nam, vừa tận hưởng những lợi ích mà cộng đồng ASEAN mang lại, vừa chủ động đề xuất những sáng kiến, định hướng để chung tay xây dựng Cộng đồng. Các lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025: “Cùng vững vàng tiến bước, cam kết xây dựng “một Cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức”.Với tầm nhìn này sẽ đưa cộng đồng ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng có những bước phát triển vượt bậc đúng với phương châm “hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức”.

 

Dương Thị Thuý Tài

Khoa Nhà nước và pháp luật