• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Giải pháp khác phục hạn chế, khó khăn trong thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng tại Yên Bái hiện nay”
Ngày xuất bản: 27/06/2022 1:28:00 CH
Lượt đọc: 8653

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”, là lợi ích thiết thực của Nhân dân, là cái thúc đẩy Nhân dân hành động vì đất nước, vì dân tộc. Qua các kỳ đại hội, Đảng ta đều nhấn mạnh chủ trương phát huy dân chủ để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước và nhấn mạnh “Sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân” và nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng ấy là “xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân”. Đó cũng chính là thực hành dân chủ: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bổ sung nội dung “dân giám sát” vào phương châm để tạo thuận lợi, có cơ sở chính trị, pháp lý tổ chức thực hiện, mở rộng, tăng cường, phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của nhân dân. Nội dung “dân thụ hưởng” trong thực tế đời sống xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là trong suốt 35 năm đổi mới đất nước, nhân dân đã thụ hưởng tất cả những thành quả của cách mạng, của sự nghiệp đổi mới mang lại. Tuy nhiên, việc bổ sung nội dung “dân thụ hưởng” vào phương châm nhằm khẳng vai trò làm chủ, chủ thể nhân dân và đích cuối cùng của mọi chủ trương, chính sách, pháp luật là vì lợi ích của Nhân dân, đúng với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, đồng thời thể hiện rõ thực tiễn, mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), dân chủ - Nhân dân làm chủ là vấn đề cơ bản, là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Như vậy, “biết", "bàn", "làm", "kiểm tra", "giám sát", "thụ hưởng” trong nội dung phương châm là quá trình tiếp nối biện chứng, có quan hệ chặt chẽ, chuyển hoá với nhau, gắn liền với vai trò chủ thể là nhân dân, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Đó cũng chính là động lực quan trọng để hiện thực hóa định hướng và tầm nhìn trong giai đoạn mới, hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, đồng thời đó cũng là mục tiêu hướng tới của CNXH mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta lựa chọn, xây dựng, phát triển đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái luôn quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện khá nghiêm túc việc phát huy trí tuệ và quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh.

Việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được triển khai rộng rãi đến đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền định kỳ tổ chức 73 buổi gặp gỡ, đối thoại với Nhân dân để nắm tình hình và giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, bức xúc. Đối với các lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, những vấn mà Nhân dân, dư luận quan tâm hoặc báo chí phản ánh được kịp thời chỉ đạo xử lý và định hướng thông tin, định hướng dư luận, góp phần ổn định tình hình tư tưởng, tạo sự đồng thuận ngày càng cao trong nội bộ và nhân dân; đặc biệt, định kỳ 02 lần/năm, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức gặp gỡ các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ để cung cấp thông tin và nghe ý kiến góp ý việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng... Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức thực hiện đạt kết quả các nghị quyết, chỉ thị, đề án về công tác dân vận gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động từng bước được nâng lên; nắm bắt, phản ánh và tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng, ý kiến góp ý, kiến nghị của cử tri, đoàn viên, hội viên và Nhân dân; thể hiện tốt hơn vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; tham gia xây dựng quy chế dân chủ ở các cấp, các ngành; thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp. Ngoài ra, để thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tất cả các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể thực hiện việc đặt hòm thư góp ý tại trụ sở làm việc, phân công cán bộ thực hiện việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi việc tiếp thu các ý kiến góp ý. Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia góp ý thông qua việc cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giới thiệu, lấy ý kiến góp ý nơi cư trú, nơi công tác đối với cán bộ, đảng viên hàng năm, lấy ý kiến nhận xét để phục vụ công tác cán bộ. Phát huy vai trò phản biện của Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật và các tổ chức khác, lắng nghe ý kiến của cán bộ lãnh đạo tiền nhiệm hoặc dư luận xã hội để có sự phân tích, xem xét thấu lý đạt tình, nhất là các dự án nhạy cảm, phức tạp. Nhờ vậy, khi triển khai các chương trình, chủ trương, dự án quan trọng như việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Dự án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức họp, nghe ý kiến góp ý của các đồng chí cán bộ lãnh đạo tiền nhiệm của tỉnh, ý kiến góp ý của đội ngũ trí thức tỉnh am hiểu sâu về quy hoạch - kiến trúc, quản lý xây dựng, quản lý đô thị... nên nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, công chức và các tổ chức đảng, tổ chức chính quyền trong việc thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật, điển hình như việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về  nâng cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Tỉnh; những trường hợp do Nhân dân phát hiện, phản ánh được xem xét xử lý nghiêm túc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công khai minh bạch chủ trương chính sách, hoạt động quản lý, điều hành để Nhân dân biết, kiểm tra, giám sát; tổ chức cho Nhân dân bàn bạc, thảo luận, góp ý hoặc tham vấn ý kiến Nhân dân; khuyến khích người dân phát hiện, phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến’, “tự chuyển hoá”; tham gia góp ý về đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên...

Tuy nhiên, có lúc, có nơi cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, triển khai thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; từ đó dẫn đến một số việc hiệu quả thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”còn hạn chế.  Hiệu quả hoạt động tuyên truyền, góp ý, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Ban thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở nhiều nơi hoạt động còn yếu, có nơi hình thức, điều kiện hoạt động còn khó khăn. Một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân chưa ý thức được trách nhiệm chính trị đối với địa phương, đất nước; số ít lợi dụng dân chủ hoặc bị xúi giục, kích động, gây mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nhưng chưa mạnh dạn tự phê bình hoặc chưa được góp ý, phê bình thẳng thắn, nghiêm túc.Trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế, thiếu sót….

Trong thời gian tới, để khắc phục triệt để tình trạng trên; đồng thời, để phát huy tốt hơn nữa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” tại tỉnh Yên Bái, các cấp uỷ đảng cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những thông tin cần thiết, kết hợp với việc nâng cao trình độ hiểu biết về dân chủ của Nhân dân, để mọi người có thể đóng góp có hiệu quả nhất trong xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là việc triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở.

Thứ hai, đích cuối cùng của thực hiện dân chủ cơ sở là góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân

Ba là, các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến các địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhân dân và phối hợp với các hoạt động thanh tra của Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, chống các hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Bốn là, cần phải bổ sung và hoàn thiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cả về mặt nội dung và  chế tài. Quy chế không chỉ nhấn mạnh “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, mà còn phải khẳng định rõ hơn quyền lợi và nghĩa vụ thực tế của người dân. Đảm bảo tốt các chế tài, xử lý nghiêm minh theo luật tất cả những ai vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích chung, quyền và lợi ích hợp pháp của  nhân dân.

Năm là, cần tiếp tục đa dạng hoá các hình thức đảm bảo quyền làm chủ của người dân, theo hướng dân chủ trực tiếp. Trong quá trình lấy ý kiến của nhân dân để xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, cần tổ chức sao cho phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm văn hoá và hoàn cảnh sinh hoạt của các tầng lớp Nhân dân.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; phát huy vai trò của nhân dân  góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại địa phương Yên Bái thì mỗi cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thật sự quyết tâm trong lãnh đạo, triển khai thực hiện; xác định xây dựng Đảng là then chốt và phải dựa vào dân để xây dựng Đảng; quá trình lãnh đạo và triển khai thực hiện phải bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có sự cụ thể hóa phù hợp với điều kiện của địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, hoạt động giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; chú ý sơ kết, tổng kết việc thực hiện quy chế dân chủ và công tác xây dựng Đảng để rút kinh nghiệm cho quá trình thực hiện; chăm lo, củng cố xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức cách mạng, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, được dân tin, dân yêu và là động lực để Nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong xã hội.

Dương Thị Thuý Tài

Khoa Nhà nước và pháp luật