• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
GIẢNG VIÊN TRẺ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ YÊN BÁI TỰ HỌC, TỰ RÈN THỰC HIỆN TỐT NHIỆM VỤ CHUYÊN MÔN
Ngày xuất bản: 08/10/2020 11:09:00 SA
Lượt đọc: 16641

          Một trong những nhiệm vụ của người giảng viên trẻ là không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để hoàn thành tốt mọi công việc, yêu cầu đầu tiên cần có trong mỗi người giảng viên trẻ là nêu cao tinh thần và ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn một cách có hiệu quả và chất lượng.

Đội ngũ giảng viên trẻ Trường Chính trị Yên Bái đều được tạo cơ bản, chính quy, là cử nhân đại học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Trường Chính trị tỉnh Yên Bái có 24 giảng viên và trợ giảng trong độ tuổi đoàn; trong đó có 12 đồng chí đã là thạc sỹ và hiện có 3 đồng chí đang theo học cao học. Tất cả các giảng viên trẻ đều có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của người giảng viên Trường Chính trị, đây là đội ngũ có ý thức cầu thị, luôn cố gắng thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường, có trách nhiệm nghề nghiệp, có ý thức và nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ được phân công. Đó chính là những bước đầu thể hiện niềm say mê nghề nghiệp, lương tâm nghề nghiệp. Do vậy, đội ngũ giảng viên trẻ đã và đang khẳng định sự tận tụy với công việc, cần cù và chịu khó, cầu tiến trong bồi dưỡng và nâng cao trình độ về mọi mặt.

Tuy nhiên cũng có những điểm hạn chế nhất định tác động đến chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ đó là: thiếu kinh nghiệm trong giảng dạy, đồng thời các giảng viên trẻ với kiến thức và kinh nghiệm thực tế chưa nhiều, vốn sống chưa phong phú trong khi phải chuyển lý thuyết trong giáo trình với những kiến thức thực tiễn. Vì vậy, việc truyền đạt những kiến thức lý luận thành những điều đơn giản, dễ hiểu, sinh động phù hợp với trình độ nhận thức của học viên trở thành vấn đề khó đối với đa số các giảng viên trẻ. Để giải quyết được những hạn chế này cần phải có thời gian dài để đội ngũ giảng viên trẻ tự học tập, tự rèn luyện để có thể tích lũy được kinh nghiệm.

Với tình hình thực tế hiện nay, việc nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giảng viên trẻ là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng góp phần định hướng và bổ sung kịp thời những mặt còn thiếu để giúp cho đội ngũ giảng viên trẻ sẵn sàng đáp ứng được nhiệm vụ và đòi hỏi của thực tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Vì vậy, đội ngũ giảng viên trẻ của nhà trường thiết nghĩ trong thời gian tới cần thực hiện một số công việc sau:

Thứ nhất, giảng viên trẻ cần tăng cường tích lũy kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy

Giảng viên có thể tự tích lũy kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy qua quá trình giảng dạy và nghiên cứu. Đồng thời học tập từ những giảng viên đi trước, có nhiều kinh nghiệm. Bản thân giảng viên trẻ có thể chủ động đi dự giờ các giảng viên có kinh nghiệm để học tập phương pháp giảng dạy. Trong các buổi sinh hoạt trao đổi chuyên môn trong khoa có thể hỏi thêm những vấn đề chưa nắm rõ về chuyên môn cũng như phương pháp giảng dạy, mặt khác giảng viên trẻ có thể lên kế hoạch, mời trực tiếp các giảng viên có kinh nghiệm đi dự giờ tiết giảng của mình để được đóng góp ý kiến.

Thông qua việc dự giờ này giảng viên trẻ vừa tích lũy được kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy đồng thời tích lũy thêm kiến thức của các môn học trong bộ môn để phục vụ cho công tác giảng dạy các môn học đó. Để đảm bảo được hiệu quả của hoạt động này, yêu cầu đặt ra cho tất cả các giảng viên trẻ là đi nghe giảng với thái độ cầu thị, nghiêm túc, tham gia đầy đủ các buổi giảng của môn học.

Thực hiện kế hoạch của nhà trường về tập trung đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy đi vào chiều sâu cùng với việc nâng cao năng lực chuyên môn, đội ngũ giảng viên trẻ đã xác định rõ và cụ thể mục tiêu cho từng bài soạn giảng, từng phần học. Hướng mục tiêu vào những vấn đề, nội dung mà thực tiễn cuộc sống, thực tiễn cơ sở và người học đang thiếu, cần được trang bị.

Trước yêu cầu của việc đổi mới phương pháp giảng dạy, với kiến thức được đào tạo, bồi dưỡng bài bản về công nghệ thông tin, đội ngũ cán bộ trẻ đã kế thừa có chọn lọc các phương pháp dạy học truyền thống kết hợp các phương pháp giảng dạy tích cực, giảng dạy hiện đại trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến như Internet, phần mềm, công cụ hỗ trợ hệ thống máy chiếu trong phòng học.

Thứ hai, mỗi giảng viên trẻ cần phải thường xuyên tự học tập, tự rèn luyện

 Để vững vàng đứng trên bục giảng, đội ngũ giảng viên trẻ đều phải qua quá trình tích cực, chủ động rèn luyện, tích lũy kiến thức. Khi được giao bài, mỗi giảng viên trẻ tự nghiên cứu và bổ sung những nội dung lý luận, nội dung thực tiễn qua việc nghiên cứu tài liệu và đi học tập thực tế để hoàn thành bài soạn đúng với mục đích, yêu cầu đặt ra.

Mỗi giảng viên phải ý thức việc tự học để không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ; ngoài kiến thức chuyên ngành, giảng viên trẻ cần có những kiến thức liên ngành về lý luận Mác - Lênin; lịch sử Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh... giữa các bộ môn đó có mối quan hệ khăng khít, gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong mỗi bài giảng, qua đó giảng viên trẻ sẽ thấy tự tin hơn khi đứng trước lớp là những cán bộ, đảng viên  có nhiều kinh nghiệm.

            Bên cạnh đó, mỗi giảng viên trẻ cần phải thường xuyên nghiên cứu thực tế. Bởi vì để lôi cuốn học viên thì bài giảng của giảng viên cần phải liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước, của địa phương, của bản thân mỗi học viên. Thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị của học viên vô cùng phong phú, một mặt giảng viên có thể gợi mở, đàm thoại với học viên, từ đó khái quát làm sáng tỏ về mặt lý luận, sau khi học viên tốt nghiệp ra trường có thể vận dụng lý luận đã học vào trong thực tiễn công tác của địa phương, cũng như của bản thân mình. Mặt khác qua phát vấn học viên, giảng viên có thể lấy được thực tiễn phong phú ở cơ sở thông qua người học từ đó có thể rút ra bổ sung vào bài giảng, làm phong phú nội dung giảng dạy.

Bên cạnh giảng dạy thì nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người giảng viên Trường Chính trị. Để giảng dạy tốt, nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ của giảng viên, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học là thực hiện có chất lượng các hoạt động nghiên cứu khoa học như: thực hiện các đề tài khoa học, viết nội san, viết webside, hội thảo khoa học, tạp chí chuyên ngành....Đội ngũ giảng viên trẻ thể hiện ý thức trong nghiên cứu khoa học, có nhiều cố gắng qua việc việc tìm tòi, nghiên cứu để viết bài, các đề tài khoa học thể hiện được tính lý luận, tính thực tiễn và có thể áp dụng trong công tác giảng dạy của nhà trường.

Thứ ba, mỗi giảng viên trẻ cần chú trọng rèn luyện phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức.

Bên cạnh năng lực chuyên môn đòi hỏi người giảng viên phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt. Phẩm chất chính trị thể hiện ở chỗ người giảng viên phải có đạo đức trong sáng; tự giác trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, đề cao tinh thần tổ chức, kỷ luật, nhà trường cần phải coi việc giáo dục, nâng cao phẩm chất chính trị đạo đức cho đội ngũ giảng viên là việc làm thường xuyên, tạo điều kiện để giảng viên phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện.

   Với nhận thức không ngừng phấn đấu toàn diện về mọi  mặt, không những giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng tốt về đạo đức tác phong, đội ngũ giảng viên trẻ trường chính trị cũng nhiệt tình tham gia các phong trào, các hoạt động của Trường, Công đoàn và của Đoàn Thanh niên phát động, các hoạt động ngoài chuyên môn sẽ giúp cho đội ngũ giảng viên trẻ nâng cao được tính thực tiễn, phát huy được tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ.

Thứ tư, giảng viên không ngừng bồi dưỡng đức tính yêu ngành, yêu nghề.

Tâm huyết của người giảng viên chính là lòng nhiệt tình của mình đối với công việc giảng dạy. Được xuất phát từ tình cảm, nguyện vọng thiết tha, chân thành của người giảng viên đối với công việc mình làm, nghề mình yêu thích là giảng dạy. Người giảng viên có tâm huyết là người ham học hỏi, biết tự học, tự rèn luyện, biết rút kinh nghiệm khi được người khác góp ý, biết tổng hợp, lựa chọn kiến thức cần thiết và phương pháp phù hợp, truyền đạt tới từng đối tượng học viên. Một bài giảng có kết cấu hợp lý, đầy đủ nội dụng, phương pháp phong phú... nếu thiếu sự nhiệt tình, tâm huyết sẽ giảm đi tính sâu sắc, sự lan tỏa. Học viên đến trường ngoài kiến thức được cung cấp người học cũng muốn ở giảng viên sự nhiệt tình trong bài giảng, một tấm gương sáng trong cuộc sống đời thường, đó là lòng yêu nghề của mỗi giảng viên trẻ.

 Khi có tâm huyết với nghề dạy học, giảng viên trẻ sẽ đầu tư nhiều thời gian để có những bài giảng hay và đổi mới phương pháp làm cho bài giảng của mình thêm cuốn hút và sinh động. Chính lòng yêu nghề vừa là động lực, vừa là mục tiêu giúp người giảng viên tìm ra những phương pháp, biện pháp giảng bài thiết thực. Với lòng yêu nghề, với hành trang kiến thức sư phạm, với trách nhiệm đối với học viên sẽ giúp người giảng viên có động lực phấn đấu trở thành giảng viên giỏi. Qua đó cũng giúp cho giảng viên trẻ có vốn kiến thức rộng hơn, làm cho năng lực giảng dạy ngày một tốt hơn.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ giảng viên trẻ tự học, tự rèn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn là yêu cầu cần thiết, mỗi đồng chí giảng viên trẻ cần nhận thức đúng vị trí, vai trò và chức năng của mình trong mọi việc làm, mọi hành động, không ngừng rèn luyện, nâng cao ý thức trách nhiệm, không ngừng phấn đấu thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được phân công. Với đội ngũ giảng viên trẻ dồi dào, mạnh về số lượng và đang ngày càng nâng cao cả về chất lượng, đó sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy Trường Chính trị tỉnh Yên Bái luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình và đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu đặt ra trong giai đoạn cách mạng mới. Tiếp tục thực hiện “Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thiết nghĩ, để xứng đáng là “người thầy” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi một thầy giáo, cô giáo trẻ của Trường cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn những lời dạy quý báu của Người.

Ths. Cao Thị Huệ

Khoa xây dựng Đảng