• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
GẮN LÝ LUẬN VỚI THỰC TIỄN TRONG GIẢNG DẠY KINH TẾ CHÍNH TRỊ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI
Ngày xuất bản: 01/12/2020 2:50:00 CH
Lượt đọc: 18973

 

Lý luận là sự khái quát kinh nghiệm thực tiễn, là sự tổng hợp các tri thức về tự nhiên, xã hội đã được tích lũy trong quá trình lịch sử, tiêu chuẩn của một lý luận khoa học là nó phản ánh đúng bản chất qui luật của đối tượng nhận thức và phải được khái quát thành một hệ thống bao gồm các khái niệm phạm trù nhất định. Lý luận giữ vai trò định hướng chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người để nhằm đạt được kết quả cao nhất.

Thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất có mục đích mang tính xã hội – lịch sử của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội. Thực tiễn có vai trò đặc biệt to lớn đối với lí luận, là cơ sở, điểm xuất phát, là động lực cho sự phát triển của lí luận, đồng thời là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý.

Về vấn đề lý luận phải liên hệ thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Thống nhất giữa lí luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin …lý luận mà không liên hệ với thực tế là lý luận suông [1].

Với đối tượng đào tạo của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái là cán bộ, công chức cấp cơ sở; cán bộ công chức, viên chức các sở, ban, ngành, đoàn thể.., trong giảng dạy môn học Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lê-nin, phần Kinh tế chính trị, phần học mà nội dung của nó, các quy luật của nó rất gần gũi với thực tiễn kinh tế - xã hội, giảng viên cần quan tâm đến vấn đề gắn lý luận với thực tiễn trong từng bài giảng.

 Trước hết, bài giảng kinh tế chính trị phải bám sát thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương. Nghĩa là bài giảng phải được gắn với hơi thở của cuộc sống và phải phản ánh được những đòi hỏi của thực tiễn. Trong soạn giảng cần chú ý những nội dung phản ánh được những yêu cầu cơ bản và những vấn đề kinh tế - xã hội cần được quan tâm và được lý giải bằng lý luận, những nội dung phản ánh được sự đúng đắn trong quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cũng như những vấn đề cần được hoàn thiện. Giáo trình luôn mang tính ổn định tương đối, đặc biệt là kiến thức lý luận - không thể thay đổi được. Vì vậy, nó chỉ đáp ứng được những yêu cầu nội dung lý luận cơ bản về nền kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng như quá trình xây dựng nền kinh tế trong thời kỳ quá độ. Do đó, bài giảng luôn luôn phải bám sát sự phát triển mới của thực tiễn kinh tế - chính trị các nước tư bản chủ nghĩa và của đất nước để bổ sung một cách thường xuyên, cập nhật được những vấn đề mang tính thời sự, cần thiết để làm cho nội dung bài giảng sinh động, có tính thuyết phục cao, không lạc hậu so với thực tế.

Ví dụ:  

Giảng dạy bài 3: Những vấn đề cơ bản về phương thức sản xuất Tư bản chủ nghĩa, khi nói về “sản xuất hàng hóa – khởi điểm ra đời của nền sản xuất TBCN”, người giảng viên cần làm rõ tính lý luận về sự ra đời của nền sản xuất hàng hóa. Sản xuất hàng hóa ra đời trên những điều kiện nhất định, là bước ngoặt căn bản trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, xoá dần kinh tế tự nhiên, phát triển nhanh chóng lực lượng sản xuất. Ngày nay sản xuất hàng hóa trở nên phổ biến ở tất cả các nước trên thế giới và là mô hình kinh tế được sử dụng để phát triển kinh tế.

Với phần giảng dạy lý luận về sản xuất hàng hóa như vậy, gắn với thực tiễn ở nước ta, trước đổi mới (trước 1986), trong thời kỳ đầu khi xây dựng CNXH thì Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương xoá bỏ nền sản xuất hàng hóa (quan hệ hàng hóa – tiền tệ), nhưng trên thực tế thì hai điều kiện để cho nền sản xuất hàng hóa ra đời và tồn tại vẫn còn, thậm chí là phát triển rất mạnh mẽ. chính vì vậy những chủ trương, đường lối kinh tế duy ý chí sai lầm, nóng vội… đã làm cho nền kinh tế nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Trước tình hình đó, bắt đầu từ Đại hội VI (1986), Đảng đã chủ trương khởi xướng đường lối đổi mới, mà mấu chốt là: phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Qua các kỳ Đại hội, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ: “Xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường” [2].

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả gắn lý luận với thực tiễn giảng dạy kinh tế chính trị, cần chú ý việc đưa thực tiễn vào bài học kinh tế chính trị sao cho hợp lý. Tính hợp lý ở đây là những yếu tố thực tiễn phải là những yếu tố điển hình, nổi bật, các sự kiện phải mang tính thời sự, phải có thực, liên hệ với thực tiễn phải sát và phù hợp với những vấn đề lý luận mà giảng viên muốn chứng minh. Mỗi vấn đề thực tiễn đưa ra, giảng viên cần phải phân tích để người học thấy được nội dung thực tiễn này nó gắn với vấn đề lý luận nào. Tất nhiên, không phải nội dung lý luận nào cũng phải có liên hệ thực tế mà chỉ nội dung nào quan trọng, cần thiết hay muốn tăng thêm tính thuyết phục. Bởi lẽ nếu trong bài giảng kinh tế chính trị, nội dung nào cũng buộc phải liên hệ thực tiễn thì không thể đảm bảo về mặt thời gian do dung lượng kiến thực lý luận quá nhiều, mặt khác nếu tập trung nhiều quá những vấn đề thực tiễn, bài giảng có thể biến thành buổi nói chuyện thời sự.

Ví dụ: khi nói về sở hữu về tư liệu sản xuất, các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, một trong những  nội dung quan trọng là phải phân tích các thành phần kinh tế, vị trí, vai trò của nó trong hệ thống kinh tế quốc dân. Với nội dung này, cần thiết phải có các số liệu thực tế minh họa. Các số liệu yêu cầu tính chính xác, tính mới mẻ để trên cơ sở đó ta lại chốt lại một vấn đề mang tính lý luận mà Đảng ta đã chỉ ra: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Thứ hai, để nâng cao hiệu quả gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy kinh tế chính trị, giảng viên kinh tế chính trị cần sử dụng tốt các phương pháp giảng dạy tích cực. Bởi lẽ đây là phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực người học. Khi đưa ra một vấn đề lý luận, giảng viên có thể trao đổi với học viên. Qua thực tiễn công tác phong phú và đa dạng của học viên ở các cơ sở khác nhau, nhiều vấn đề lý luận được thực tế kiểm nghiệm, khi học viên đưa ra trao đổi, lý luận kinh tế chính trị cũng sẽ được làm sáng tỏ hơn, kể cả những nội dung chưa sát thực tiễn. Cùng với việc sử dụng các phương tiện hỗ trợ giảng dạy như máy chiếu, sơ đồ, hình minh họa… học viên sẽ khắc ghi sâu hơn những sự kiện, tư liệu thực tế từ đó nắm vững nội dung lý luận.

Thứ ba. trong phần kinh tế chính trị về chủ nghĩa tư bản, nhiều nội dung lý luận, các ví dụ chứng minh mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã nêu ra mang tính chất trừu tượng hoá khoa học. Vì vậy, nếu giảng viên không chú ý lý giải những nội dung không giống trong thực tế thì sẽ khó thuyết phục được người học.

Ví dụ: trong tất cả nội dung và dẫn chứng Mác đưa ra, chúng ta đều thấy việc mua bán hàng hoá (kể cả hàng hoá sức lao động) là mua bán đúng giá trị. Trên thực tế, việc này ít xảy ra vì sự tác động của các quy luật như cạnh tranh, cung cầu… Nhưng có đưa ra những nội dung và ví dụ như vậy mới có thể thấy rõ bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản là trong trường hợp mua bán đúng giá trị, nhà tư bản vẫn chiếm đoạt được giá trị thặng dư, còn trong thực tế họ mua sức lao động với giá cả thấp hơn thì giá trị thặng dư hay lợi nhuận họ thu được càng nhiều hơn nữa.. 

Thứ tư, cần nắm bắt được rõ ràng đối tượng học viên. Cùng một chuyên đề giảng dạy cho cán bộ công chức cấp xã, nhưng giảng dạy tại các huyện vùng thấp, vùng ngoại ô, vùng cao… hoặc giảng dạy tại các lớp đại đa số học viên là thanh niên thế hệ trẻ, không thể giống với lớp đa số học viên lớn tuổi. Nắm bắt được đối tượng sẽ giúp lựa chọn kiến thức thực tiễn hoặc cách khai thác nhấn mạnh khía cạnh nào trong cùng một sự kiện để phù hợp đối tượng.. Việc thường xuyên đi thâm nhập thực tiễn ở các địa phương cơ sở khác nhau sẽ giúp cho giảng viên cái nhìn khái quát tới đối tượng học viên và có cách truyền đạt phù hợp.

Thứ năm, đó là lòng yêu nghề, có lẽ đây là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất. Trên nền tảng nắm vững lí luận, bám sát thực tiễn, lòng yêu nghề sẽ thổi hồn cho bài giảng kinh tế chính trị. Từ các nguyên lý, lý luận trừu tượng thành gần gũi, từ khó hiểu và phức tạp thành những vấn đề giản dị dễ tiếp thu. Từ đó giúp người học hứng thú hơn trong học tập, thấy rõ ý nghĩa tích cực của việc học lý luận chính trị. Có như thế thì quá trình giảng dạy và học tập lý luận chính trị mới đạt được kết quả khả quan, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn của nhiệm vụ cách mạng đặt ra.

Ths. Đỗ Thu Hằng

Phó trưởng Lý luận cơ sở