• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội – sợi chỉ đó xuyên suốt là nét chủ đạo và cốt lõi trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày xuất bản: 20/11/2020 3:09:00 CH
Lượt đọc: 15780

 

Trong lịch sử cách mạng Việt nam hiện đại đầu thể kỷ XX, trước khi có chủ nghĩa Mác – Lênin được truyền bá vào Việt Nam thông qua hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, các phong trào yêu nước và cứu nước ở nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng, bế tắc về đường lối. Các phong trào đó do các sĩ phu, các chí sĩ khởi xướng từ phong trào Cần Vương chống Pháp, khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, đến Đông kinh nghĩa thục, các cuộc vận động theo khuynh hướng bạo động hoặc theo khuynh hướng cải lương của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đều thất bại. Khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam quốc dân Đảng cũng không thể thành công. Nó chỉ là sự kiện cuối cùng xác nhận sự bất lực của lực lượng yêu nước đương thời. Các lãnh tụ của các phong trào này không thiếu quyết tâm và nhiệt huyết, nhưng họ không được dẫn dắt bởi một hệ tư tưởng tiên tiến nên không thể có một đường lối chính trị khoa học. Họ lại càng không thể xây dựng được lực lượng và tổ chức có cơ sở bền vững từ những thành phần cơ bản trong xã hội. Mục tiêu đi tới của các phong trào đó không phản ánh xu thế vận động hợp quy luật của lịch sử và thời đại, không đem lại tính chất triệt để và ý nghĩa cách mạng cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Nó không vượt qua giới hạn của chủ nghĩa yêu nước trên lập trường phong kiến, tư sản và tiểu tư sản. Vấn đề đặt ra từ cuộc khủng hoảng đường lối đó, của các phong trào yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX là ở chỗ, cách mạng Việt Nam không thể tiếp tục con đường mà những nhà yêu nước trước đây đã lựa chọn.

            Nguyễn Ái Quốc từ khi trở thành người cộng sản, giác ngộ chủ nghĩa      Mác - Lênin và truyền bá chủ nghĩa đó, học thuyết đó vào Việt Nam đã đặt nền móng lý luận – khoa học mới về nguyên tắc cho cách mạng nước ta. Đó là con đường cách mạng vô sản mà Người lựa chọn và khẳng định dưới ảnh hưởng tích cực của Cách mạng Tháng mười Nga, Luận cương vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, của thời đại mới. Kết luận của người là sự khẳng định một hướng đi mới, nguyên tắc chiến lược mới, mục tiêu và giải pháp thực hiện mục tiêu hoàn toàn mới, khác về nguyên tắc so với lớp chí sĩ trước đây, đó là: chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác hơn là con đường cách mạng vô sản, con đường của cách mạng Tháng Mười Nga, con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin. Theo quan điểm lý luận đó, sự vận động của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX phải là cách mạng chứ không thể cải lương. Phải đi theo quỹ đạo cách mạng vô sản, với hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, tức là chủ nghĩa Mác - lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học. Chứ không phải hệ tư tưởng tư sản, càng không thể là lập trường chính trị tiểu tư sản hoặc nông dân.

            Để thực thi nhiệm vụ của cách mạng vô sản tất yếu phải làm cho giai cấp công nhân thực sự là một giai cấp cách mạng, có sự trưởng thành của đội tiên phong của nó là Đảng cách mạng với mục tiêu trực tiếp là độc lập dân tộc và mục tiêu cuối cùng là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Trong cương lĩnh vắn tắt, sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và  đưa ra tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930 hay Luận cương chính trị (tháng 10 năm 1930) của Đảng đều thể hiện: Cách mạng tư sản dân quyền kiểu mới (tức là cách mạng dân tộc dân chủ nghân dân) do Đảng lãnh đạo, đánh đổ thực dân, giành độc lập tự do, giải quyết vấn đề ruộng đất cho dân cày (bằng cách mạng thổ địa, xóa bỏ chế độ phong kiến) rồi sau đó bỏ qua “thời kỳ tư bổn”, nhờ sự giúp đỡ quốc tế mà “tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”. Sự xác định tổng quát này làm sáng tỏ mục tiêu, tức là lôgích phát triển của cách mạng Việt nam. Nó có tầm quan trọng chiến lược.

 Như vậy, chỉ có độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đó là con đường lựa chọn duy nhất và đúng đắn của cách mạng Việt Nam đầu thể kỷ XX. Đây cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là nét chủ đạo và cốt lõi trong toàn bộ di sản tư tường Hồ Chí Minh. Nó cũng là nét chủ đạo và nhất quán trong toàn bộ đường lối cách mạng của Đảng trong suốt hơn chín thập kỷ qua. Quan điểm của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội cũng như toàn bộ đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa đều dựa vững chắc trên đường lối chiến đó.

                        Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhiều giai đoạn, bước đi khác nhau với rất nhiều khó khăn, phức tạp đặc thù của cách mạng nước ta, nhưng chưa bao giờ xảy ra sự chệch hướng, xa rời mục tiêu đó, dù lúc đó, chủ nghĩa xã hội mới chỉ là lý tưởng và triển vọng, nhưng rõ ràng nó đã có sức mạnh và tác dụng của một động lực đối với sự phát triển cách mạng. Không có động lực này, cách mạng Việt nam không thể có những thắng lợi có tầm vóc lịch sử như trong hơn 90 năm qua. Kiên trì lý tưởng “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” không chỉ phản ánh bản chất cách mạng mà còn tỏ rõ bản chất khoa học của Đảng ta; không chỉ là sự trung thành với học thuyết Mác - Lênin, với sứ mệnh của giai cấp công nhân mà còn là sự giác ngộ khoa học về đặc điểm và xu thế phát triển tất yếu của thời đại mới được khai phá từ cách mạng Tháng mười.

            Thực tiễn và kinh nghiệm lịch sử Việt Nam đã chứng minh tư tưởng Hồ Chí Minh: chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm thực sự cho độc lập dân tộc. Độc lập dân tộc phải tiến tới chủ nghĩa xã hội mới dẫn tới độc lập dân tộc thực sự. Đó cũng là yếu tố cấu thành nội dung quan điểm của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội. Quan điểm này được hình thành và phát triển nhất quán từ trước tới nay và từ nay về sau. Gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những định hướng lớn của công tác tư tưởng, lý luận của Đảng ta, là một trong những nguyên tắc của đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đi tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

            Trong đường lối đổi mới, Đảng ta xác định: đổi mới phải thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội đi đôi với bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó chính là thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong điều kiện lịch sử mới.

            Bài học đầu tiên sau gần 30 năm đổi mới, Đảng cộng sản Việt Nan tiếp tục khẳng định: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”.(1)

Trong bối cảnh thế giới đang diễn biến mau lẹ và phức tạp, nhiều tác động từ các xu hướng khác nhau của thời đại, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có những thời cơ, thuận lợi, đồng thời vừa gặp nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ, trong đó có cả việc chống phá của các thế lực thù địch và âm mưu xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc Việt Nam. Vì vậy, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội phải luôn gắn với bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quốc gia, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa mà dân tộc ta đã hy sinh biết bao xương máu để có được hôm nay.

Vận dụng tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội hay thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội đi đôi với bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới hiện nay cần quán triệt quan điểm sau:

- Phải phát huy nội lực của đất nước nhưng phải biết tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để tăng nguồn lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

             Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập tự chủ của quốc gia dân tộc và hội nhập quốc tế cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Phải xác định rõ lộ trình, bước đi và chủ động, tích cực hội nhập phù hợp khả năng của đất nước, trên nguyên tắc đặt lợi ích đất nước, dân tộc lên trên hết. Độc lập dân tộc không có nghĩa là biệt lập, đóng cửa, mà phải tích cực mở cửa hội nhập, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm tăng sức mạnh của đất nước và làm giàu bản sắc dân tộc.

 - Độc lập dân tộc gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa xã hội, phải được thể hiện trong suốt quá trình đổi mới, trên mọi lĩnh vực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Muốn vậy, phải có nhân thức sâu sắc rằng, định hướng đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội là duy nhất đúng đắn, phù hợp với dân tộc và thời đại; đồng thời, phải làm rõ mục tiêu, bản chất, đặc trưng, động lực, bước đi trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.

            Trải qua 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam và hơn 30 năm lãnh đạo sự nghiệp đổi mới theo con đường cách mạng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy, đó là nhu cầu sống còn, là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn của Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam hiện nay đứng trước thời cơ vận hội lớn, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách tức. Nhân dân ta chỉ có một con đường là tận dụng thời cơ, vượt qua thử thách, tạo ra thế mới và lực mới đưa Việt Nam vào quỹ đạo phát triển đúng hướng xã hội chủ nghĩa

(1).Đảng cộng sản Việt Nam: Văn khiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb. Chính trị quốc gia, H.2016. tr.69.

                                        

                                                                                Bùi Văn Nghĩa

                                                                     Trưởng Khoa lý luận cơ sở