• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
DƯ LUẬN XÃ HỘI ĐỐI VỚI VIỆC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 30/09/2021 3:50:00 CH
Lượt đọc: 11464

 

 

Những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có những biểu hiện tinh vi hơn, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó đòi hỏi trong thời gian tới toàn Đảng, toàn dân phải đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũngmột trong những yếu tố góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chính là dư luận xã hội.

Có nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm dư luận xã hội tuy nhiên một cách khái quát ta có thể hiểu rằng: Dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến của các cá nhân, các nhóm xã hội hay của xã hội nói chung trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng mang tính thời sự, có liên quan đến nhu cầu, lợi ích của họ, thu hút được sự quan tâm của con người và được thể hiện trong các nhận định và hành động thực tiễn của họ. Như vậy có thể hiểu dư luận xã hội là ý kiến của đám đông, của cộng đồng người.

Vai trò của dư luận xã hội với việc phòng, chống tham nhũng thể hiện trên các mặt sau:

- Động viên tinh thần đấu tranh ngăn ngừa, phòng, chống tham nhũng

Dư luận xã hội là tập hợp các luồng ý kiến cá nhân trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng có tính thời sự, có liên quan đến lợi ích xã hội,  góp phần chi phối ý thức cá nhân để điều chỉnh hành vi cho phù hợp với chuẩn mực mang tính chung nhất. Bằng sự khen, chê, khuyên can kịp thời đối với các hành vi phù hợp hoặc không phù hợp với lợi ích, các giá trị xã hội, nhất là các giá trị đạo đức, luân lý, dư luận xã hội có vai trò rất lớn trong việc giáo dục cho các thế hệ ý thức về sự phải - trái, đúng - sai, thiện - ác, đẹp - xấu. Thông qua dư luận xã hội, ý thức của mỗi cá nhân về phòng, chống tham nhũng được nâng cao, tinh thần dũng cảm lên án tố giác hành vi tham nhũng được cổ vũ và phát huy.

Trên thực tế, từ sự bức xúc của dư luận xã hội, có thể hình thành các quan niệm và phong trào xã hội kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, tạo động lực, áp lực để các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc nhanh hơn, quyết liệt hơn trong xem xét, xác minh, xử lý hành vi tham nhũng. Mặt khác, dư luận xã hội còn có khả năng răn đe, cảnh báo, gây áp lực với chính các đối tượng có hành vi tham nhũng.

- Trực tiếp cung cấp thông tin giúp phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Theo kết quả điều tra nghiên cứu về tham nhũng ở Việt Nam của Ban Nội chính Trung ương, dư luận xã hội là nguồn chủ yếu để người dân, cán bộ công chức, cán bộ doanh nghiệp biết thông tin về tham nhũng . Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Ban Nội chính Trung ương nêu rõ, việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị hạn chế, việc  phát hiện tham nhũng chủ yếu chỉ qua dư luận xã hội, báo chí phản ánh hoặc khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán mới phát hiện sai phạm.

- Giám sát, đánh giá hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

 Dư luận xã hội không chỉ là một trong những kênh thông tin quan trọng mà còn là công cụ hữu hiệu góp phần đánh giá, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động phòng, chống tham nhũng. Thực tế thời gian qua cho thấy, chính dư luận xã hội và báo chí là lực lượng giám sát khách quan, hiệu quả, bảo đảm việc thực thi các biện pháp phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân được vận hành công khai, minh bạch, có kết quả rõ ràng. 

- Phản biện, góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng

Thông qua việc cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông, dư luận xã hội cũng đã góp phần thúc đẩy hoàn thiện cơ chế quản lý và các chế tài xử phạt, chấn chỉnh sai phạm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân và các tổ chức xã hội đối với công tác phòng, chống tham nhũng là yêu cầu cấp bách cả về mặt lý luận và thực tiễn. Dư luận xã hội có thể tập hợp và đóng góp những khuyến nghị sáng suốt, đưa ra ý kiến phản biện xác đáng đối với các quyết định của các cơ quan đảng, chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội về các vấn đề liên quan đến phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, thông qua các phương tiện truyền thông, nhân dân có thể tham gia nhận xét, thẩm định, đánh giá, góp ý cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh mặt tích cực do dư luận xã hội tạo ra trong phòng, chống tham nhũng, còn tồn tại nhiều vấn đề cần có biện pháp khắc phục: Một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước còn xem nhẹ vai trò của dư luận xã hội, nên việc giải quyết, xử lý thông tin còn chậm, bị động, nhiều khi còn mang tính thủ tục, đối phó. Mặt khác, tình trạng nhiều thông tin bị thổi phồng, đồn đoán, xuyên tạc, nhằm mục đích vụ lợi, gây mất đoàn kết nội bộ chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát huy vai trò của dư luận xã hội trong phòng, chống tham nhũng.

Để nâng cao vai trò của dư luận xã hội trong phòng, chống tham nhũng, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Mở rộng quyền của người dân tham gia vào công việc của Nhà nước, các đại biểu của dân phải được nhân dân bầu ra một cách thực sự dân chủ. Tăng cường vai trò của nhân dân trong việc giám sát, kiểm tra các hoạt động của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, tham gia xây dựng Đảng và các đoàn thể, nâng cao ý thức chính trị của nhân dân. Đổi mới các yếu tố cấu thành hệ thống chính trị và mối quan hệ giữa các yếu tố đó để phát huy hơn nữa quyền dân chủ của nhân dân, hoàn chỉnh hình thức dân chủ đại diện, mở rộng hình thức dân chủ trực tiếp.

Hai là, nâng cao vai trò của báo chí và thông tin đại chúng. 

Quy định rõ và cụ thể hóa Luật Phòng, chống tham nhũng về vai trò và  trách nhiệm của báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc thông tin kịp thời, chính xác về các vụ tham nhũng được thanh tra, điều tra và xét xử; thông tin về kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng của các cơ quan chức năng, các ngành, địa phương, cá nhân; cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng; điều tra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, để báo chí thực sự “là diễn đàn của nhân dân”.

Ba là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. 

Cần nghiên cứu dư luận xã hội một cách bài bản, khoa học, từ đó xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết để nhân dân tham gia vào hoạt động phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt là phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Xóa bỏ mọi rào cản, khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý tố cáo về tham nhũng, tránh bỏ lọt thông tin, đồng thời có biện pháp, chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng quyền tố cáo để gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tạo điều kiện để cơ quan báo chí thực hiện tốt chức trách nghề nghiệp của mình, bảo đảm quyền được thông tin của người dân trong phòng, chống tham nhũng.

Ở Việt Nam, thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tuy nhiên tình trạng tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, tinh vi, đang là một thách thức lớn cản trở công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Thể hiện quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong từng Đại hội, Đảng ta đã đề ra những chủ trương và giải pháp cơ bản, cấp bách, có tính chiến lược về phòng, chống tham nhũng và đã được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật của nhà nước. Trong đó, vấn đề tăng cường vai trò giám sát của xã hội đối với hoạt động của bộ máy nhà nước và những người có chức, có quyền trong bộ máy đó, kịp thời phát hiện và chỉ ra những lỗ hổng trong cơ chế, chính sách, pháp luật đang là đòi hỏi cấp bách. Qua tìm hiểu ở trên, ta thấy dư luận xã hội giữ vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Cùng với sự lãnh đạo của Đảng, dư luận xã hội được coi là một trong những phương tiện quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực quản lí của Nhà nước, làm cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng, văn  minh” của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dần trở thành hiện thực.

 

 

Hà Minh Hoàn

Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng