• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
ĐÔI NÉT VỀ XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM “TIÊN TIẾN ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC” THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP
Ngày xuất bản: 26/08/2024 3:42:00 CH
Lượt đọc: 1160

 

Nền văn hóa mới theo quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng nhiều nội dung phong phú, rộng lớn, liên quan tới các vấn đề như ý thức độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, đó là một bức tranh toàn cảnh về một xã hội lý tưởng, nơi con người được sống trong tự do, hạnh phúc và bình đẳng. Là một xã hội mà mỗi cá nhân đều có cơ hội phát triển bản thân, đồng thời luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, tư tưởng của Hồ Chí Minh về văn hóa vẫn có ý nghĩa thời sự sâu sắc. Chúng ta cần tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời học hỏi tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa của các nước trên thế giới để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập.

Theo Hồ Chí Minh “Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[1]. Người yêu cầu những người làm công tác văn hoá, văn nghệ phải học lịch sử để hiểu truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó, người cán bộ văn hoá còn phải hiểu được quần chúng nhân dân, vì nhân dân chính là chất liệu cho những sáng tạo của họ. Hồ Chí Minh coi nhân dân là chủ thể sáng tạo văn hóa. Người khẳng định rằng, văn hóa phải bắt nguồn từ cuộc sống của nhân dân, phục vụ cho nhân dân và do nhân dân sáng tạo. Chính vì vậy, các nghệ sĩ, văn nghệ sĩ phải hiểu sâu sắc về đời sống, tâm tư, tình cảm của nhân dân để tạo ra những tác phẩm có giá trị. Người đã căn dặn: “Nghệ thuật của ông cha ta hay lắm, tốt lắm; cố mà giữ gìn”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc kế thừa và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống.

Nhấn mạnh quan điểm về “tính dân tộc”, truyền thống dân tộc trong xây dựng nền văn hoá mới, Người cũng chỉ ra trong truyền thống đó có mặt tích cực, có cả mặt tiêu cực. Người chỉ ra mặt hạn chế trong xây dựng nền văn hóa nước ta: “Việc phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc (nhưng tránh “phục cổ” một cách máy móc) và học tập văn hoá tiên tiến của các nước (trước hết là các nước bạn) cũng chưa làm được nhiều[2]. Người không chỉ đề cao việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới và sáng tạo, chúng ta cần phải chọn lọc và kế thừa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời học hỏi những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa hội nhập với văn hóa thế giới. Xây dựng nền văn hoá mới mang tính dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là nền văn hoá đóng kín, thu mình trong phạm vi dân tộc mà văn hoá phải đặt trong mối quan hệ, giao lưu với văn hoá các nước khác,“phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới[3]. Xây dựng nền văn hoá dân tộc phải trên cơ sở học tập, tiếp thu một cách sáng tạo, chứ không phải bắt chước nước khác, phải chiếm lĩnh tầm cao của tinh hoa nhân loại và vươn tới cao hơn, bằng chính thành tựu của mình, cốt cách dân tộc mình và đóng góp vào sự phong phú của kho tàng văn hoá nhân loại.

Nền văn hoá truyền thống Việt Nam được kết tinh những giá trị cơ bản, độc đáo, đặc sắc. Bên cạnh đó, nền văn hoá nước ta được xây dựng trên nền văn hoá nông nghiệp còn mang nhiều hạn chế như: Trình độ khoa học thấp kém, lề lối sản xuất chưa được cải tiến nhiều, cách thức làm việc chưa khoa học, phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu… Để bù đắp những thiếu hụt về giá trị khoa học của nền văn hoá truyền thống Việt Nam, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền văn hoá Việt Nam mang tính khoa học, đưa nền văn hoá Việt Nam bước vào thời đại mới. Xây dựng nền văn hoá khoa học xã hội chủ nghĩa trước hết “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc[4] cải tạo các phong tục tập quán lạc hậu. Người cho rằng: Một nền văn hoá mang tính khoa học là nền văn hoá tiến bộ mà đã là nền văn hoá tiến bộ phải hướng vào mục tiêu phục vụ cao cả của đất nước. Xây dựng nền văn hoá mới mang tính khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh đó là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, là sự kế tục những giá trị nội sinh của nền văn hoá truyền thống đồng thời có xác lập giá trị mới.

Theo Bác nền văn hoá còn mang tính đại chúng, đây là nền văn hoá mang tính nhân văn nhằm phục vụ quảng đại nhân dân. Văn hoá phải trở về với thực tại đời sống sinh hoạt của quần chúng nhân dân, phải miêu tả cho thật hay, thật chân thực và hùng hồn. Hồ Chí Minh nhắc nhở những người cầm bút phải xác định rõ chủ đề, mục đích, đối tượng để tìm ra những cách nói, cách viết cho đúng, cho phù hợp để quần chúng tiếp thu. Nội dung phản ánh cần chân thật, phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, tính chân thật là cốt lõi làm cho bài viết, bài nói có sức hấp dẫn mọi người. Xây dựng nền văn hoá dân tộc mang tính đại chúng, theo Hồ Chí Minh, văn hoá còn phải đánh giá nhìn nhận cho đúng vai trò chủ thể sáng tạo lịch sử, sáng tạo văn hoá của quần chúng nhân dân. Người nói: “Những câu tục ngữ, những câu vè, ca dao rất hay là những sáng tác của quần chúng. Các sáng tác ấy rất hay mà lại ngắn, chứ không “trường thiên đại hải”, dây cà ra dây muống. Các cán bộ văn hóa cần phải giúp những sáng tác của quần chúng. Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý”[5].Tính đại chúng trong xây dựng nền văn hoá dân tộc còn thể hiện ở chỗ quần chúng nhân dân còn là những người kiểm nghiệm, đánh giá sản phẩm văn hoá. Do đó phải “Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh, đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại”[6]

Hiện nay để nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò to lớn của văn hóa đối với sự phát triển xã hội, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác lập vị trí của văn hóa là một trong ba bộ phận hợp thành sự phát triển bền vững, toàn diện của đất nước “Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên[7]

Nhận thức văn hóa có vai trò to lớn trong phát triển xã hội, trong phần phương hướng Văn kiện Đại hội XIII Đảng ta khẳng định “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”[8]. Đây chính là sự kế thừa luận điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi[9] và luận điểm này có ý nghĩa cơ bản, lâu dài và là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam, là cơ sở để Đảng ta xác định xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển đất nước. Với quan điểm chỉ đạo“Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”[10].

Hiện tại đến năm 2025 Đảng ta định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Để phát huy giá trị văn hóa cần phải xác định con người là trung tâm, con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, hưởng thụ văn hóa, kế thừa và phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc. Do vậy việc thường xuyên quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng văn hóa yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân.

Trước những yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là yêu cầu khách quan. Chúng ta cần quan tâm thực hiện một số nội dung cơ bản sau:

Một là: Nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển những giá trị xã hội chủ nghĩa.

Văn hóa không chỉ là sản phẩm của xã hội mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội chủ nghĩa văn minh, tiến bộ. Văn hóa không chỉ nuôi dưỡng tinh thần, đạo đức của con người mà còn định hình nên lối sống, cách ứng xử trong xã hội. Để xây dựng một xã hội chủ nghĩa vững mạnh, chúng ta cần phải không ngừng nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa, coi văn hóa là một bộ phận không thể thiếu trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là yếu tố quyết định thành công trong việc xây dựng và phát triển một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đảng đóng vai trò định hướng tư tưởng, xác định mục tiêu và đường lối cho sự phát triển văn hóa, đảm bảo rằng văn hóa luôn gắn liền với lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Song song đó, Nhà nước với vai trò quản lý, điều phối, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển văn hóa. Để xây dựng một nền văn hóa giàu mạnh, cần sự kết hợp hài hòa giữa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự tham gia tích cực của nhân dân. Việc xã hội hóa văn hóa không chỉ giải quyết vấn đề nguồn lực mà còn tạo cơ hội để mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia vào việc bảo tồn, phát huy và sáng tạo văn hóa. Đồng thời, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, tạo ra một môi trường văn hóa sôi động và đa dạng.

Ba là, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội.

Phát triển kinh tế và văn hóa là hai quá trình đan xen và tác động lẫn nhau. Để xây dựng một đất nước văn minh, giàu mạnh, chúng ta cần phải hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Việc xác định mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần của người dân là vô cùng quan trọng. Đồng thời, các chính sách văn hóa cũng cần phải dựa trên nền tảng kinh tế - xã hội của đất nước.

Bốn là, xây dựng văn hóa phải bắt đầu với tư cách là chủ thể của văn hóa.

Con người vừa là tác giả vừa là tác phẩm của văn hóa. Văn hóa không chỉ là sản phẩm của con người mà còn là môi trường nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nên nhân cách của mỗi cá nhân. Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao văn hóa để xây dựng một con người Việt Nam mới. Trong thời đại ngày nay, với những biến đổi nhanh chóng của xã hội, văn hóa càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Văn hóa cần phải định hướng cho con người, giúp họ vượt qua những cám dỗ, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phẩm chất tốt đẹp. Đảng và Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần phát triển con người Việt Nam một cách toàn diện.

Năm là, giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu hội nhập quốc tế.

Trong xu thế toàn cầu hóa, việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là điều tất yếu. Tuy nhiên, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chúng ta cần cân bằng giữa hội nhập và giữ gìn giá trị truyền thống. Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta phải vừa tiếp thu cái hay, cái mới của thế giới, vừa giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Chỉ khi làm được điều này, đất nước ta mới phát triển bền vững và giữ vững bản sắc riêng.

Tóm lại, Tư tưởng về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tài sản vô giá của dân tộc, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển văn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc xây dựng và phát triển nền văn hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh càng trở nên cấp thiết. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, nền văn hóa Việt Nam sẽ không ngừng phát triển, vừa đáp ứng những đòi hỏi bức xúc của cuộc sống, vừa định hướng chiến lược cho sự nghiệp tăng cường nền tảng tinh thần của xã hội trên con đường phát triển, xứng đáng với tầm vóc thời đại. Việc kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh là con đường ngắn nhất để góp phần xây dựng một đất nước văn minh, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc trên thế giới./.

 

                                                                                                                                          Ths. Nguyễn Quý Dũng

Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

 



[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t.3, tr.458 

 

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011,t.10, tr.514

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011,t.7, tr.40

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011,t.7, tr.40

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011,t.11, tr.559

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011,t.8, tr.208

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

[8]  Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,tập I, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021,tr 37.

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, tr25.