• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
ĐÔI NÉT VỀ TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC CỦA CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 27/09/2019 7:48:00 SA
Lượt đọc: 22699

          Yêu nước là tình cảm của con người đối với quê hương, đất nước. Tình cảm ấy trở thành ý thức, tư tưởng phát triển thành chủ nghĩa yêu nước. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước là “nguyên tắc đạo đức về  chính trị mà nội dung là tình yêu, lòng trung thành, ý thức phục vụ Tổ quốc”. Cùng với sự hình thành dân tộc và nhà nước dân tộc, Chủ nghĩa yêu nước đã trở thành hệ tư tưởng, trở thành lực lượng tinh thần vô cùng mạnh mẽ, động viên mọi người đứng lên bảo vệ Tổ quốc chống lại mọi cuộc xâm lược. Chủ nghĩa yêu nước chân chính thể hiện ở lòng trung thành với Tổ quốc vì lợi ích của dân tộc, của nhân dân, bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc và đấu tranh cho sự phồn vinh của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Và theo Giáo sư Trần Văn Giàu. “tình cảm và tư tưởng yêu nước là tình cảm và tư tưởng lớn nhất của nhân dân, của dân tộc Việt Nam" và “chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại. Ở đây, bản chất Việt Nam biểu lộ đầy đủ và tập trung nhất, hơn bất cứ chỗ nào khác. Yêu nước trở thành một triết lý xã hội và nhân sinh của người Việt Nam. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”, “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Những cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hình vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”.

Truyền thống yêu nước trước hết là tình yêu tha thiết với làng quê, phố phường, nơi mỗi người đã sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên. Rộng lớn hơn nữa là tình yêu Tổ quốc. Tổ quốc là tình yêu cao cả, thiêng liêng đối với mỗi con người. Tổ quốc là sự sống của con người và gắn kết những cộng đồng và tất cả con người ở mọi thế hệ, mọi thời đại. Đất nước, Tổ quốc do con người, do nhân dân đời này qua đời khác dựng xây và bảo vệ.

Yêu nước là trung thành vô hạn với Tổ quốc - Trung với nước. Là sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự tồn vong của đất nước, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Tinh thần đó trải dài hun đúc suốt mấy ngàn năm lịch sử với biết bao cuộc kháng chiến với sức mạnh giữ nước của toàn dân tộc và với những anh hùng dân tộc, tấm gương yêu nước sáng mãi muôn đời.

Yêu nước là ý thức sâu sắc về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc. Núi sông, bờ cõi của đất nước có được là thành quả lao động, dựng xây và gìn giữ của biết bao thế hệ. Chủ quyền ấy được khẳng định trên thực tế và trên cơ sở pháp lý.

  Cần nhận rõ một điểm nổi bật của tinh thần, truyền thống yêu nước Việt Nam là niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Tự hào về các nền văn hóa, văn minh của dân tộc đã trường tồn trong lịch sử và tỏa sáng đến ngày nay. Việt Nam là một đất nước văn hiến. Như nước Đại Việt ta thủa trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu - Bình Ngô đại cáo. Một đất nước có Văn minh Sông Hồng rực rỡ, có thời đại Đại Việt nổi tiếng văn minh và đang phát triển mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh, không chỉ là niềm tự hào mà còn là nền tảng vững chắc, động lực của sự phát triển bền vững, cốt lõi của niềm tin và tình yêu đất nước.

Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoàn kết lực lượng toàn dân tộc nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 xóa bỏ chế độ thuộc địa của Pháp, Nhật giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Lãnh đạo thắng lợi các cuộc kháng chiến oanh liệt chống các thế lực thực dân, đế quốc mạnh nhất trong thế kỷ XX giành độc lập, thống nhất hoàn toàn.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng chủ trương động viên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao chủ nghĩa yêu nước thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống được phát triển, bổ sung những nội dung mới. Yêu nước là phấn đấu vì sự hùng cường của Tổ quốc, thoát khỏi tình trạng của nước nghèo, kém phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Yêu nước là ra sức học tập, lao động, làm việc với chất lượng, hiệu quả cao nhất, thiết thực nhất, là không tham nhũng, lãng phí, là thật sự vì nước, vì dân. Yêu nước là phấn đấu vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Yêu nước là sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc.

Trong thời đại ngày nay yêu nước phải gắn liền với xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là sự thống nhất về bản chất của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Yêu nước, củng cố vững chắc độc lập dân tộc để xây dựng một xã hội tốt đẹp hoàn toàn mới, vì con người - xã hội xã hội chủ nghĩa. Chính thành quả trong nhận thức và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội củng cố vững chắc độc lập dân tộc và bồi đắp những giá trị mới của tình yêu đất nước. Cần phải giáo dục sâu sắc nhận thức về chủ nghĩa xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ. Thực tiễn của công cuộc đổi mới đã ngày càng làm sáng tỏ hơn nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Yêu nước trong thời đại ngày nay đặc biệt phải gắn liền với độc lập tư chủ và ý chí tự lực tự cường. Độc lập tự chủ về kinh tế tạo cơ sở cho hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả; mặt khác, hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả sẽ tạo điều kiện cần thiết để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tránh được sự lệ thuộc về nhiều mắt vào các đối tác trong quá trình hội nhập. Hơn nữa, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta không thể trông đợi vào sự giúp đỡ vô tư của các nước khác, cũng không thể có thái độ thu động, ỷ lại vào bất cứ ai. Chúng ta cần phải nhận thức rõ rằng. trong quan hệ quốc tế, một trong những nguyên tắc cơ bản được đặt ra là : bình đẳng và cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Vì vậy, ngày nay một mặt, chúng ta vẫn tiếp nhận các nguồn vốn vay, vốn viện trợ... của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trên thế giới. Mặt khác, chúng ta nên thận trọng với những điều kiện kèm theo những ưu đãi đó, không vì việc nhỏ mà hy sinh việc lớn, không cái lợi trước mắt mà không chú ý đến cái lợi lâu dài của quốc gia, dân tộc. Trong khi tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài. chúng ta cần xác định dựa vào nguồn lực trong nước là chính.

Hiện nay, để phát huy truyền thống yêu nước cần phải thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn các phong trào thi đua yêu nước. Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua. Thi đua thúc đẩy mỗi người làm việc, lao động chăm chỉ với kết quả và hiệu quả cao nhất, đóng góp nhiều nhất cho cộng đồng và đất nước. Phát huy truyền thống yêu nước để thực hiện tốt nhất chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Cần nhận thức đầy đủ về bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc. Cần giáo dục sâu sắc cho mọi tầng lớp nhân dân về những điều cơ bản đó. Yêu nước là góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Yêu nước là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, là nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ vì sự phồn vinh của đất nước, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

          Như vậy, yêu nước ngày nay là đem hết tinh thần và nghị lực, sức mạnh và tài năng của từng người, từng tập thể và cả cộng đồng dân tộc để bảo vệ độc lập dân tộc, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong sự phát triển đất nước; vươn lên mạnh mẽ trong sản xuất, kinh doanh theo phương châm "ích nước, lợi nhà”; tăng cường đoàn kết dân tộc thành một khối thống nhất cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh và đoàn kết với nhân dân thế giới trong sư nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc dân chủ và tiến bộ xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong suốt quá trình hội nhập đề vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tinh thần yêu nước phải nằm vươn tới mục tiêu: dân giàu. nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh mà Đảng ta đã đề ra.

Th.s Nguyễn Quý Dũng

Khoa: Xây dựng Đảng