• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
ĐỔI MỚI NỘI DUNG PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY GẮN LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRONG GIẢNG DẠY BỘ MÔN NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN.
Ngày xuất bản: 06/01/2021 8:45:00 SA
Lượt đọc: 15717

Thực hiện sự chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Yên Bái về tiếp tục đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn phù hợp với đối tượng giảng dạy, với bộ môn, với chương trình.  Khoa Lý luận cơ sở đã triển khai quán triệt tới các đồng chí giảng viên và trợ giảng trong khoa. Qua quá trình triển khai và trực tiếp giảng dạy các chuyên đề về triết học và chủ nghĩa xã hội khoa học trong bộ môn những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin tôi xin trao đổi một số nội dung sau để tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn học này.

Trên thực tế bộ môn Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin là môn lý luận, mang tính tổng hợp, khái quát hóa và trừu tượng hóa cao, nhất là phần triết học, nên được đánh giá là nội dung khó dạy và khó học. Bởi vậy, để người học dễ hiểu, nắm được nội dung bài giảng, đòi hỏi người dạy phải giảng giải thấu đáo vấn đề, biết sử dụng tổng hợp các phương pháp giảng dạy phù hợp và với sự minh họa thuyết phục bằng các ví dụ sinh động, cụ thể. Làm được như vậy sẽ giúp cho người học chẳng những dễ hiểu, nắm được kiến thức môn học, mà còn cảm nhận được sự gần gũi của môn học với cuộc sống.  Mặt khác, người học cũng phải làm quen, thích nghi với kiểu tư duy trừu tượng, tư duy khái quát, không dừng lại ở tri thức miêu tả, thu nhận các hiện tượng bề ngoài sự vật, mà phải nhận thức lý tính, tìm ra bản chất, quy luật bên trong sự vật.

Do vậy, để nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy, đặc biệt với nội dung “Đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng bài giảng, gắn lý luận và thực tiễn phù hợp với đối tượng giảng dạy, với bộ môn, nội dung chương trình”, theo tôi trong quá trình thực hiện nghiên cứu, soạn và giảng những nội dung trên cần phải có sự vận dụng trong thực tiễn, xác định nội dung chương trình, đối tượng người học để người học có nhận thức sâu sắc, nắm được bản chất linh hồn của các vấn đề lý luận vốn khô khan, trìu tượng, khó hiểu.

Trong giảng dạy học phần triết học, các vấn đề lý luận và thực tiễn phải được giảng viên trình bày một cách thống nhất để lý luận triết học thường xuyên liên hệ chặt chẽ với thực tiễn xã hội, thực tiễn giáo dục, phản ánh kịp thời sự biến đổi của đời sống xã hội. Đất nước ta đang thời kỳ đổi mới với những thay đổi rất nhanh chóng trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những thay đổi trong đời sống thực tiễn phải được giảng viên kịp thời nắm bắt và đưa vào trong nội dung bài giảng của mình. Chúng ta không được coi lý luận triết học như một cái gì xong xuôi, cứng nhắc, mà nó đầy tính sáng tạo và luôn được bổ sung bằng những kết luận mới được rút ra từ thực tiễn sinh động.

Tuy nhiên, các kết luận nghiên cứu triết học không phải là những lời giải đáp trực tiếp cho từng vấn đề cụ thể vô cùng phong phú, đa dạng mà là cơ sở có giá trị định hướng về mặt phương pháp luận. Do đó, trong quá trình giảng dạy, cần phân tích làm cho người học nắm được cơ sở lý luận, khía cạnh phương pháp luận của các vấn đề cần truyền đạt, từ đó họ có thể lý giải được những vấn đề thực tiễn.

Khi trình bày các nguyên lý, phạm trù, quy luật, cần lấy những ví dụ minh họa mang tính thực tiễn, thường xuyên liên hệ lý luận với thực tiễn. Tuy nhiên, không nên trình bày theo kiểu minh họa, thuyết minh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà phân tích một cách có căn cứ lý luận; vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật để luận giải các vấn đề thực tiễn. Giảng dạy triết học là làm cho học viên hiểu được, nắm được cơ sở lý luận, khía cạnh phương pháp luận của đường lối, chủ trương, chính sách đang thực thi trong đời sống, từ đó có thể tự phân tích, nhận định, đánh giá những vấn đề thực tiễn mới nảy sinh.

Đối với đối tượng học viên Trường Chính trị, cần chú trọng liên hệ, đối chiếu lý luận triết học với thực tiễn cuộc sống, biến đổi và phát triển trong mỗi ngành mỗi lĩnh vực,  trên địa bàn địa phương, trong nước, tình hình thế giới. Trong giảng dạy triết học, cần định hướng cho học viên vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật để luận giải các vấn đề nhận thức cũng như thực tiễn. Khi trình bày các nội dung quy luật, các nguyên lý phạm trù giảng viên liên hệ với nội dung nghị quyết Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX và văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, điểm mới của dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội quốc tế, trong nước và địa phương.

Đối với các chuyên đề thuộc lĩnh vực chủ nghĩa xã hội khoa học. Đối tượng nghiên cứu của chủ nghĩa xã hội khoa học là những quy luật chính trị - xã hội của quá trình phát sinh, hình thành của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa; những nguyên tắc cơ bản, những điều kiện, con đường, hình thức và phương pháp đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân để thực hiện quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đây là những vấn đề mà chủ nghĩa xã hội khoa học nghiên cứu không phải là phổ quát ở mọi thời điểm vận động của xã hội loài người, mà chỉ giới hạn trong sự vận động, phát triển của xã hội từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Nội dung hệ thống, khái niệm, phạm trù, quy luật của chủ nghĩa xã hội khoa học mang tính chính trị xã hội sâu sắc. Đây là đặc điểm để phân biệt đối tượng nghiên cứu của chủ nghĩa xã hội khoa học với đối tượng của triết học và kinh tế chính trị. Do tính đặc thù của các bộ phận hợp thành chủ nghĩa mác - Lênin mà chủ nghĩa xã hội khoa học có một số nội dung gần gũi với một số nội dung trong triết học (Phần duy vật lịch sử) và kinh tế chính trị (phần những vấn đề kinh tế chính trị của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam). Vì vậy, sự phân biệt này là rất cần thiết, giúp cho người giảng tránh trùng lặp, không lấn sân các môn khác.

Là một trong ba bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học gắn bó chặt chẽ với thực tiễn phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Chính thực tiễn này sẽ kiểm nghiệm tính đúng đắn các nguyên lý, quy luật của chủ nghĩa xã hội khoa học và là cơ sở để khái quát, bổ sung, phát triển những nguyên lý mới làm phong phú thêm lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học.

Do vậy, khi giảng dạy bộ môn này cần làm rõ cho học viên tính sáng tạo và biện chứng, tính cách mạng và khoa học ngay trong đối tượng nghiên cứu của chủ nghĩa xã hội khoa học bởi đó chính là giá trị và sức sống của khoa học này.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, trong từng bài giảng, giảng viên cần chú ý liên hệ với thực tiễn trong nước và quốc tế, với đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Có thực tiễn minh họa bài giảng sẽ hay hơn và sinh động hơn, người học sẽ tiếp thu nhanh và dễ hiểu bài. Tuy nhiên để có tính thuyết phục cho người học dễ hiểu thì giảng viên phải chú ý liên hệ thực tiễn, các sự kiện thực tế đưa vào bài giảng phải có thực, có ý nghĩa, mang tính điển hình, tính thời sự và phải có sự phân tích, lý giải ở những mức độ nhất định để đảm bảo sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn.

Với nội dung tự học, tự nghiên cứu, thảo luận nhằm vào mục đích rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học vào nghiên cứu các khoa học chuyên ngành và phân tích các vấn đề thực tiễn. Có như vậy, giảng dạy những nội dung này mới trở nên thiết thực, bổ ích đối với học viên; trang bị cho họ lý luận và phương pháp luận biện chứng duy vật để phân tích các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn xã hội, thực tiễn giáo dục.

Từ những cách thức nghiên cứu, vận dụng như trên, để tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Đối với giảng viên cần thường xuyên nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu, cập nhật thông tin để phù hợp với sự đổi mới chương trình, giáo trình, phương thức và quy trình đào tạo theo hướng: cơ bản, thiết thực, gắn với thực tiễn, cập nhật, phù hợp với đối tượng. Trong quá trình giảng dạy giảng viên phải chủ động, nắm chắc kiến thức, gắn lý luận với thực tiễn, xác định rõ nội dung trọng tâm bài giảng, xác định rõ đối tượng giảng dạy.

Để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn các tổ bộ môn tiếp tục sinh hoạt đều đặn theo định kỳ với các chuyên đề thiết thực. Từng đồng chí giảng viên cần thực hiện nghiên cứu khoa học thông qua việc tham gia các đề tài khoa học, viết bài nội san, bài wedsite của nhà trường, bài báo trung ương và địa phương.

Thứ hai, Với đối tượng các lớp cụ thể giảng viên sử dụng phương pháp tích cực gợi mở định hướng, học viên tự nghiên cứu là chính, thực hiện trao đổi trên lớp. Trong quá trình trao đổi tùy đối tượng lớp, với lớp hệ B không đọc cho học viên chép những nội dung trong sách giáo khoa, những nội dung nào tài liệu đã cô đọng nên trao đổi và sử dụng tài liệu, còn nội dung nào dàn trải giảng viên chắt lọc nhấn mạnh ý chính tự tiến hành ghi chép. Với lớp hệ A vẫn cần chắt lọc nội dung chính và cho ghi chép.

Thứ ba, Đối với học viên, phải luôn có nhận thức đúng đắn, rõ ràng ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin; có tinh thần học hỏi, phấn đấu vươn lên khắc phục mọi khó khăn trong quá trình học tập; xây dựng kế hoạch và phương pháp học tập đúng đắn, xây dựng quỹ thời gian hợp lý; hình thành thói quen đọc và nghiên cứu tài liệu, tìm kiếm nhiều thông tin để nâng cao hơn nữa chất lượng các buổi học.

Giảng dạy là một hoạt động tương tác từ hai phía, chính quá trình đào tạo cũng là quá trình người giảng “tự đào tạo”. Vì vậy, sau mỗi tiết giảng, bài giảng, người giảng viên phải nghiêm túc “tự vấn lại mình”, kịp thời đúc rút kinh nghiệm để có những thay đổi cho thích hợp. Ngay sau giờ lên lớp đầu tiên, người giảng phải biết chấn chỉnh lại mình, biết nhận ra những cái gì phù hợp, những cái gì không phù hợp để lựa chọn nội dung, phương pháp, phong cách cho những giờ tiếp theo. Có như vậy mới đảm bảo được sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy và học tập từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy trong giảng dạy bộ môn Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin.

                                                                                      Hà Thị Lan Phương

Khoa Lý luận cơ sở