• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Ngày xuất bản: 01/10/2021 9:25:00 SA
Lượt đọc: 11745

 

Cách đây 86 năm, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, từ ngày 14 đến ngày 31-10-1930, tại Hương Cảng, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và Án nghị quyết về: Công nhân vận động, Nông dân vận động, Cộng sản Thanh niên vận động; Phụ nữ vận động; Quân đội vận; Vấn đề cứu tế và Hội phản đế đồng minh. Trong Nghị quyết của Trung ương chỉ rõ: "Trong các Đảng bộ, (từ thành ủy và tỉnh ủy) phải tổ chức ra các ban chuyên môn về giới vận động". Từ tháng 10-1930, hệ thống ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận đăng trên Báo Sự thật số ra ngày 15-10-1949. Với tiêu đề ngắn gọn với 2 chữ “DÂN VẬN”, vào đề bài báo Bác viết: "Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ, nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại". Ở đây Bác nói “hiểu thấu” có nghĩa là phải hiểu được bản chất của vấn đề, hiểu cả nội dung lẫn hình thức, suy ra cán bộ đến với dân thì phải thấu hiểu được lòng dân, hiểu được tâm tư nguyện vọng của nhân dân và phải hiểu được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận. Với 573 từ, bài báo chia thành 4 phần, (phần mở đầu: Nước ta là nước dân chủ; phần thứ hai: Dân vận là gì; phần thứ ba: Ai phụ trách dân vận; phần thứ tư: Dân vận phải thế nào). Bài "Dân vận" của Bác đã thể hiện một cách toàn diện, đã nêu ra một cách khá đầy đủ nội hàm của khái niệm dân vận, nội dung quy trình của công tác dân vận. Nghiên cứu cả 4 vấn đề đó chúng ta càng hiểu một cách sâu sắc, đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Những vấn đề Bác nêu trong bài báo đã thực sự đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ ai cũng có thể tự liên hệ đến trách nhiệm của mình đối với công tác dân vận, đối với dân.

Đảng ta luôn xác định: dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta trong điều kiện hội nhập quốc tế càng đòi hỏi phải phát huy cao độ khối đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện thành công công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ Đại hội V của Đảng đã xác định: "trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng chẳng những không giảm bớt mà còn tăng thêm". Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế có những thuận lợi và cơ hội to lớn cùng những khó khăn và thách thức gay gắt trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trong thời kỳ chiến lược tới. Vì vậy, nhân dân ta phải nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng hiện nay. Tăng cường công tác dân vận lúc này chính là tăng cường nhân tố bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta.

Phát huy truyền thống và thành tựu đã đạt được trong 85 năm qua, trước những yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, công tác dân vận của Đảng càng cần tiếp tục đổi mới và tăng cường, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong tình hình mới”, với một số nội dung trọng tâm:

Thứ nhất, về công tác chính trị, tư tưởng phải làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức tầm quan trọng chiến lược của công tác dân vận theo những luận điểm tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải tạo ra cơ chế buộc mọi cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận, xử lý nghiêm khắc mọi hành vi, việc làm phản dân vận.

Thứ hai, phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ "Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", cán bộ phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, luôn vì lợi ích của nhân dân; luôn đi đầu trong các phong trào, trong đó có phong trào thi đua "Dân vận khéo”. Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.

Thứ ba, phong trào thi đua "Dân vận khéo” phải đứng trên quan điểm, lợi ích của Nhân dân, đó là yếu tố quan trọng để phát huy nội lực trong Nhân dân và làm nên sức sống bền vững của phong trào.

Phương pháp dân vận phải tốt, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân để giải quyết những vấn đề phát sinh, bức xúc, nổi cộm từ cơ sở. Chú trọng công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; cả hệ thống chính trị vào cuộc, có cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện ở từng địa phương, đơn vị. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng trong phong trào thi đua "Dân vận khéo”.

Dương Thị Thúy Tài

Khoa Nhà nước và Pháp Luật