• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
ĐỔI MỚI KHÔNG PHẢI LÀ CHUYỂN SANG CHỦ NGHĨA TƯ BẢN
Ngày xuất bản: 22/02/2021 10:05:00 SA
Lượt đọc: 14126

 

            Hơn 30 năm qua, sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã giành được những thành tựu rất quan trọng, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc trở thành nước có thu nhập trung bình, hiện nay đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập sâu, rộng với thế giới trên tất cả các lĩnh vực. Đồng chí Tổng Bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định chưa bao giờ đất nước chúng ta có được cơ đồ tốt đẹp như ngày hôm nay. Đó là một thực tế không ai có thể phủ nhận được.

            Tuy vậy, ngay từ đầu công cuộc đổi mới và trong quá trình tiến hành đổi mới đã có những quan điểm sai trái cho rằng, đổi mới là quay sang chủ nghĩa tư bản. Mặc dù chúng ta đã có sự phê phán mạnh mẽ quan điểm này, song vào lúc này, lúc khác, ở nơi này nơi khác quan điểm sai trái này vẫn tồn tại. Do đó, việc tiếp tục phê phán quan điểm đó vẫn là rất cần thiết.

1.     Công cuộc đổi mới đất nước ta là một đòi hỏi khách quan của đất nước

Vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cách mạng nước ta đứng trước những khó khăn cực kỳ to lớn. Ở trong nước kinh tế- xã hội lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, lạm phát tăng 3 con số, đến 1981 là 313%, trong khi đó dân số tăng gần 5 triệu người so với năm 1975, hàng hóa không đủ tiêu dùng, nhà nước phải nhập khẩu lương thực với số lượng lớn. Đời sống nhân dân, cán bộ rất khó khăn, nhu cầu tối thiểu như lương thực, hàng tiêu dùng thiết yếu thiếu gay gắt, nạn đói xảy ra nhiều nơi, vấn đề công ăn việc làm, tệ nạn xã hội trở nên nhức nhối. Trên trường quốc tế, các lực lượng thù địch bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị Việt Nam, lợi dụng những khó khăn về đời sống kinh tế- xã hội của người dân thế lực phản động đã lôi kéo, kích động hàng nghìn đồng bào di tản bất hợp pháp, hòng tạo sự mất ổn định ở nước ta, vu cáo Việt nam vi phạm “nhân quyền” ở các hội nghị quốc tế.

Trước tình hình đó, Đảng cộng sản Việt Nam với tư cách là Đảng cầm quyền đã nắm bắt thực tiễn, qua tìm tòi, khảo nghiệm, đã kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp với đòi hỏi cuộc sống. Có thể nói, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành trung ương đảng khóa IV tháng 8/1979 đã thể hiện những tín hiệu đầu tiên về đổi mới, với tư tưởng làm cho sản xuất bung ra. Nghị quyết đã nhanh chóng được nhân dân cả nước phấn khởi đón nhận. Từ việc tổng kết thực tiễn đất nước, ngày 13/1/1981 Ban bí thư đa ra chỉ thị 100 CT/TW về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” (gọi tắt là Chỉ thị 100). Khoán sản phẩm trong nông nghiệp tạo ra hiệu quả kinh tế lớn. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp thời kỳ 1981-1985 bình quân tăng hàng năm là 4,9% so với 1,9% thời kỳ 1976-1980. Sản lượng lương thực tăng trong 5 năm từ 15 triệu tấn năm 1981 lên 18,2 triệu tấn năm 1985. Trong công nghiệp, sau khi tổng kết thí điểm, ngày 21/1/1981, Chính phủ ban hành Quyết định 25-CP “về một số chủ trương và biện pháp nhằm tiếp tục phát huy quyền chủ động sản xuất- kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh”. Cùng ngày Chính phủ ban hành quyết định 26-CP “về việc mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và vận dụng hình thức tiền thưởng trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh của nhà nước”

Những đổi mới trong chỉ thị 100 của Ban bí thư và Quyết định 25, 26 của Chính phủ là những đổi mới từng phần, tuy chưa đồng bộ nhưng đã đưa lại kết quả tích cực trong sản xuất, tạo ra những điều kiện để hình thành đường lối đổi mới để đến Đại hội VI Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới một cách toàn diện.

Đại hội VI của Đảng đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để. Đó là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Đảng trước đất nước và vận mệnh dân tộc. Cuối những năm 80, tình hình các nước xã hội chủ nghĩa diến biến phức tạp, nhiều nước lâm vào khủng hoảng toàn diện nghiêm trọng. Chủ nghĩa xã hội đang ở giai đoạn khó khăn thử thách gay go. Cuộc đấu tranh để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội đang diễn ra quyết liệt. Trước tình hình phức tạp đó Đảng cộng sản Việt Nam đã nêu ra được những nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo sự nghiệp đổi mới, khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của nước ta, xây dựng nước Việt Nam xã ghội chủ nghĩa là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và nhân dân ta; Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp...Một bước phát triển mới trong qúa trình lãnh đạo cách mạng là tại Đại hội VII vủa Đảng cộng sản Việt Nam năm 1991 đã thông qua cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa hội, Việc đưa ra những nguyên tắc cơ bản trong quá trình đổi mới, thông qua cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bổ sung phát triển đường lối và kết quả đạt được qua các nhiệm kỳ Đại hội đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng cộng sản Việt Nam và bảo đảm sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước đúng định hướng và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ.

Công cuộc đổi mới đất nước ta do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo là bước phát triển mới của sự nghiệp cách mạng Việt Nam là một một đòi hỏi khách quan tất yếu của chính bản thân sự nghiệp cách mạng Việt Nam, không phải như quan điểm của số ít người cho rằng chúng ta đổi mới chỉ do tác động từ bên ngoài, do ảnh hưởng của công cuộc cải tổ, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa.

2.     Đổi mới không phải quay sang chủ nghĩa tư bản

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người người cộng sản Việt Nam đầu tiên đặt cách mạng  giải phóng dân tộc vào quỹ đạo cách mạng vô sản, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, khảo nghiệm thực tế ở nhiều nước khắp các lục địa, Người đã tiếp thu chân lý: chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.

Trong khi nhiều người yêu nước còn ngưỡng mộ cách mạng tư sản thì người đã khẳng định, cách mạng pháp, cách mạng mỹ là cách mạng tư bản, cách mạng không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ nhưng kỳ thực trong nó bóc lột công nông, ngoài nó áp bức thuộc địa.

Cách mạng tháng mười Nga nổ ra và thắng lợi, mở ra thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. Trong bối cảnh đó, cách mạng Việt Nam muốn thành công cần đi theo con đường của cách mạng tháng mười và phải do giai cấp công nhân Việt Nam lãnh đạo

Hội nghị thành lập Đảng năm 1930 đã thông qua chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, mà tư tưởng cốt lõi là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi to lớn của cách mạng Việt nam trong hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội gắn liền với nhau là hoàn toàn đúng đắn, đó là một trong những nguyên nhân của mọi thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại của cách mạng Việt Nam.

Từ khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên xô và các nước Đông âu sụp đổ, một số người lợi dụng tình hình đó để phản bác quy luật độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, họ đặt ra vấn đề về con đường đã đi, thậm chí một só người muốn nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa hoặc con đường xã hội dân chủ, bác bỏ tính chất thời đại, bác bỏ vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, coi chế độ tư bản là hoàn hảo và hy vọng con đường tư bản chủ nghĩa sẽ đưa đất nước đến phồn vinh.

Tình hình thế giới hiện nay xuất hiện nhiều nhân tố mới, nhất là trong khoa học và công nghệ, nhưng quy luật phát triển khách quan của lịch sử, vai trò của gai cấp công nhân mà chủ nghĩa mác lênin phát hiện vẫn giữ nguyên giá trị.

 

ThS. Hà Minh Hoàn

  Khoa xây dựng đảng