• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
ĐÔI ĐIỀU VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NỀN GIÁO DỤC TOÀN DIỆN THEO QUAN NIỆM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Ngày xuất bản: 23/11/2020 2:26:00 CH
Lượt đọc: 19414

 

“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” - đó là tất yếu lịch sử đã được chứng minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm. Nhận thấy rõ tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng một nền giáo dục mới - một nền giáo dục mà mục tiêu, nội dung và phương pháp phải hướng đến việc phát triển con người toàn diện, cũng như động viên mọi lực lượng tham gia sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời là nhà giáo, nhà văn hoá lớn của thế giới, Người sáng lập, đặt nền móng và chỉ đạo việc xây dựng nền giáo dục mới Việt Nam. Chỉ riêng về giáo dục, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đã là một kho tàng, ở tầm chiến lược và ngày càng ngời sáng qua thực tiễn.Khi tìm thấy con đường cứu nước Hồ Chí Minh đã bỏ nhiều công sức phân tích phê phán nền giáo dục phong kiến (kinh viện, xa thực tế, coi sách của thánh hiền là đỉnh cao của tri thức...) và nền giáo dục thực dân (ngu dân, đồi bại, xảo trá, nguy hiểm hơn cả sự dốt nát) . Người quan tâm xây dựng nền giáo dục mới của nước Việt Nam độc lập. Nền giáo dục này ra đời từ Cách mạng Tháng Tám thành công và phát triển cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hồ Chí Minh xác định, xây dựng nền giáo dục mới là một nhiệm vụ chiến lược cơ bản lâu dài, đồng thời cũng là một nhiệm vụ cấp bách phải tiến hành ngay, không thể để chậm trễ: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập” .

Trong Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946) do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, Điều 6 và 7 ghi rõ: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa”, “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình”. Người còn lưu ý rằng: “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung” (Điều 8).

Để xây dựng nền văn hóa giáo dục của nước Việt Nam độc lập Hồ Chí Minh đã nêu ra nhiều quan điểm rất quan trọng:

Một là, phát triển toàn diện con người là mục đích cơ bản của nền giáo dục mới Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mục đích trọng tâm và xuyên suốt của nền giáo dục mới là vì con người, cho con người và hướng tới việc xây dựng con người mới - con người xã hội chủ nghĩa. Trong Thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã chỉ ra mục đích và sứ mệnh của nền giáo dục mới là “đào tạo các em nên những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”, phải đào tạo ra “những công dân và cán bộ tốt, những người làm chủ tương lai tốt của nước nhà”. Nền giáo dục mới phải thực hiện dạy và học theo hướng: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Đó là mục đích cao nhất, là lý tưởng sáng ngời và là triết lý giáo dục Hồ Chí Minh cũng như của sự nghiệp giáo dục và đào tạo Việt Nam trong thời đại mới.

Hai là, nội dung giáo dục phải phong phú, toàn diện, lấy chất lượng làm cốt Để phát triển con người toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ, Hồ Chí Minh cho rằng cần phải có một nền giáo dục toàn diện, trong đó, nội dung giáo dục phải tổng hợp tri thức nhiều lĩnh vực như văn hóa, chính trị, thể chất, khoa học - kỹ thuật, quân sự, đạo đức cách mạng, lý tưởng cách mạng, xây dựng nếp sống văn hóa… Đồng thời, trang bị, cung cấp kiến thức, phát triển năng lực tư duy, mở mang trí tuệ; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng cho người học. Đó chính là yêu cầu bắt buộc của một nền giáo dục mới để đào tạo ra những con người mới.

Ba là, nền giáo dục mới phải bảo đảm quyền bình đẳng học tập cho tất cả mọi công dân 

Hồ Chí Minh rất quan tâm đến thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Đào tạo thế hệ trẻ là đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước. Trong Lời kêu gọi chống nạn thất học (10-1945), Người viết: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua và công bố vào ngày 10-12-1948. Điều 26 của Tuyên ngôn ghi rõ:“Mọi người đều có quyền được giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học và căn bản. Giáo dục tiểu học phải bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được mở rộng và giáo dục đại học phải được mở rộng bình đẳng cho mọi người, trên căn bản tài năng xứng đáng…”.

Từ những quan điểm quan trọng đó để xây dựng và phát triển nền giáo dục toàn diện chúng ta cần:

Một là: Xác định mục tiêu của giáo dục để thực hiện chức năng của giáo dục Dạy và học để bồi dưỡng lý tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp; mở mang dân trí; bồi dưỡng những phẩm chất và phong cách tốt đẹp cho con người. Giáo dục để đào tạo con người có ích cho xã hội. Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Giáo dục nhằm đào tạo lớp người có đức, có tài, kế tục sự nghiệp cách mạng, làm cho nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Hai là: Khi tiến hành cải cách giáo dục phải xây dựng một hệ thống trường lớp với chương trình, nội dung dạy và học hợp lý, phù hợp với các giai đoạn cách mạng. Nội dung giáo dục phải toàn diện: văn hóa, chính trị, khoa học - kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, lao động... Các nội dung đó có mối quan hệ mật thiết với nhau. Học chính trị là học chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cách học phải sáng tạo, không giáo điều. Học để nắm các quan điểm có tính nguyên tắc, phương pháp luận. Học chủ nghĩa Mác- Lê nin, như Người nói, không phải để “thuộc sách lầu lầu” , mà là “học tập cái tinh thần xứ trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình;là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác- Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta” . Học tập khoa học kỹ thuật để đáp ứng đòi hỏi của thời đại mới, thời đại của cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển như vũ bão. 

Ba là: Luôn luôn gắn nội dung giáo dục với thực tiễn Việt Nam, học đi đôi với hành, lý luận liên hệ với thực tế; học tập kết hợp với lao động;phải phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội; thực hiện dân chủ, bình đẳng trong giáo dục; học suốt đời. Coi trọng việc tự học, tự đào tạo và đào tạo lại. Học ở mọi lúc, mọi nơi, học mọi người. Phương pháp giáo dục phải xuất phát và bám chắc vào mục tiêu giáo dục. Giáo dục là một khoa học nên cách dạy phải phù hợp với lứa tuổi; dạy từ dễ đến khó; kết hợp học tập với vui chơi có ích, lành mạnh; giáo dục phải dùng phương pháp nêu gương; giáo dục phải gắn liền với thi đua.

Bốn là: Đối với cán bộ, đảng viên, phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác- Lênin, đường lối chính sách của Đảng và nhà nước.Cán bộ, đảng viên phải học tập văn hóa, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, quản lý: “Cán bộ chính trị phải chú trọng học tập kinh tế, kỹ thuật để lãnh đạo sản xuất được tốt”, đối với cán bộ “ai lãnh đạo ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn ngành ấy” . Có như vậy mới không rơi vào trình trạng lãnh đạo chung chung, quyết định những vấn đề mà mình không hiểu biết. 

Năm là: Thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên vì không có giáo viên thì không có giáo dục. Phải xây dựng đội ngũ giáo viên có phẩm chất yêu nghề; phải có đạo đức cách mạng; phải yên tâm công tác, đoàn kết; phải giỏi về chuyên môn, thuần thục về phương pháp. Người đi giáo dục cũng phải được giáo dục, phải học thêm mãi, học không bao giờ đủ, còn sống còn phải học.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc. Đó là "làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Tư tưởng đó của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn tỏa sáng tính cách mạng, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Đẩy mạnh và phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục trong công cuộc đổi mới hôm nay là thực hiện ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhanh chóng đưa nước ta "sánh vai với các cường quốc năm châu".

Tư tưởng về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra phương hướng cơ bản cho chiến lược con người, chiến lược phát triển giáo dục ở nước ta. Quán triệt tư tưởng của Người, Đảng ta hết sức quan tâm đến giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Ths: Nguyễn Quý Dũng

Khoa Xây dựng Đảng