• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ ĐỐI TƯỢNG CỦA SỬ HỌC THEO QUAN NIỆM CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN
Ngày xuất bản: 12/10/2022 2:49:00 CH
Lượt đọc: 8968

 

 Cuộc cách mạng trong khoa học lịch sử thực sự được bắt đầu khi   Mác và Ăngghen đã hoàn thành quan niệm duy vật về lịch sử. Bởi vì “việc phát hiện ra quan niệm duy vật về lịch sử, hay nói đúng hơn, sự áp dụng và mở rộng chủ nghĩa duy vật một cách triệt để vào lĩnh vực những hiện tượng xã hội đã loại bỏ được hai khuyết điểm cơ bản của những lí luận lịch sử trước kia.

Một là, những lí luận lịch sử chỉ nhìn đến động cơ tư tưởng trong hoạt động lịch sử của người ta, chứ không tìm xem cái gì sinh ra trong động cơ ấy, không nắm lấy những quy luật khách quan chi phối sự phát triển của hệ thống quan hệ xã hội và không thấy rằng trình độ phát triển của sản xuất vật chất là nguồn gốc của những quan hệ ấy.

 Hai là, những lí luận trước kia đã bỏ quên chính ngay hoạt động của quần chúng nhân dân, còn chủ nghĩa duy vật lịch sử thì lần đầu tiên đã giúp chúng ta có thể nghiên cứu với sự chính xác của khoa học tự nhiên, những điều kiện xã hội của đời sống quần chúng và những biến đổi của điều kiện ấy.

Theo đó quan niệm của chủ nghĩa Mác – Lênin nhận định: Lịch sử xã hội bắt đầu khi con người và tập đoàn người đầu tiên xuất hiện trên quả đất và cũng từ đó lịch sử xã hội là lịch sử con người. Nội dung của lịch sử xã hội là hoạt động của con người theo đuổi một mục đích nhất định. Con người là chủ thể của lịch sử. Con người tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần, đấu tranh chinh phục và cải tạo thiên nhiên, đấu tranh chống mọi áp bức bất công trong xã hội. Vì vậy, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin đã nhiều lần chỉ rõ: lịch sử của xã hội loài người là lịch sử của quần chúng nhân dân, lịch sử của những phương thức sản xuất kế tiếp nhau và từ khi xã hội phân chia thành giai cấp thì lịch sử còn là đấu tranh giai cấp. Nguyên lí này trở thành cơ sở khoa học cho việc xác định đúng đối tượng sử học.

Những quan điểm mácxít về lịch sử đã vạch ra con đường nghiên cứu lịch sử một cách khoa học, “đã khai sinh một nền sử học thực sự khoa học” và đối tượng của nó là quá trình phát triển lịch sử của xã hội loài người, và “là một quá trình thống nhất và bị chi phối, mặc dầu qúa trình đó cực kì phức tạp và có rất nhiều mâu thuẫn”.

Như vậy, đối tượng của khoa học lịch sử là quá trình phát triển  của xã hội loài người, cũng như từng nước, từng dân tộc trong toàn bộ tính thống nhất, tính phức tạp, tính muôn màu, muôn vẻ của nó. Đó là sự chuyển biến cụ thể của các phương thức sản xuất trong lịch sử thế giới, lịch sử từng dân tộc, là sự biểu hiện cụ thể, phong phú cuộc đấu tranh giai cấp trong lịch sử, là sự thể hiện một cách sinh động vai trò sáng tạo, quyết định của quần chúng nhân dân lao động đối với lịch sử.

Sử học là một khoa học và việc nhận thức quy luật là cơ sở của mọi khoa học. Khoa học phải đi vào bản chất của sự vật, phải  phát hiện những quy luật khách quan phát triển của thế giới về tự nhiên và xã hội, sử dụng những quy luật khách quan đó vào lợi ích của loài người một cách thích hợp nhất. Cho nên, khoa học lịch sử, mặc dầu đối tượng của nó là những hiện tượng về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội rất phức tạp, nhưng một khi đã trở thành một khoa học thì cũng giống như những khoa học khác, cũng có thể và cần phải phát hiện và sử dụng quy luật phát triển của xã hội vào thực tế. 

Khoa học lịch sử cũng như các bộ môn khoa học xã hội khác đều nghiên cứu một khách thể chung là xã hội loài người. Nếu đối tượng của mỗi một bộ môn khoa học xã hội là một mặt cụ thể riêng rẽ nào đấy của đời sống xã hội, thì đối tượng của khoa học lịch sử là quá trình phát triển xã hội nói chung, là toàn bộ những hiện tượng của đời sống xã hội, là tất cả các mặt của đời sống xã hội trong mối liên hệ và tác động lẫn nhau của chúng. Cần phải xác định rõ đối tượng cụ thể của các chuyên ngành khoa học nghiên cứu về quá khứ của xã hội loài người; ngoài lịch sử dân tộc và thế giới còn có lịch sử Đảng, dân tộc học, khảo cổ học và các ngành hỗ trợ.

Từ quan niệm mác xít - lêninnít về đối tượng sử học như trên, chúng ta tiếp tục cuộc đấu tranh phê phán những quan điểm sai lầm, phản động về đối tượng sử học Việt Nam của sử gia tư sản thời thuộc Pháp, của sử gia đế quốc  và tay sai thời Mĩ - nguỵ thống trị ở miền Nam (1954 - 1975) và những kẻ đang tiếp tục xuyên tạc lịch sử để chống cách mạng Việt Nam, chống chủ nghĩa Mác - Lênin và hoà bình, tiến bộ thế giới. Ngày nay, trong nghiên cứu lịch sử hiện đại, cuộc đấu tranh cho hoà bình, tiến bộ và văn minh của nhân loại, sự phát triển của khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật, sự  vươn lên mạnh mẽ của các nước độc lập dân tộc, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, những vấn đề về đổi mới, về giai cấp công nhân,… là  những vấn đề quan trọng  cần nghiên cứu của sử học Việt Nam.

Cùng với sự cải cách, đổi mới, sử học mácxít cũng “đổi mới”, “cải cách” trên cơ sở bảo vệ, vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác –Lênin, phù hợp với tình hình, điều kiện mới của thế giới. Ví như ở Trung Quốc, sử học nước này “đã đẩy nhanh tiến trình cận đại hơn của minh bằng việc vận dụng phương pháp và lý luận nhân loại học, xã hội học của chủ nghĩa Mác được truyền vào phương Tây từ thế kỷ XIX và không còn nghi ngờ gì nữa khi mà ngày nay, sử học Trung Quốc muốn phát triển mạnh và đạt nhiều thành tựu mới cũng vẫn phải được thực hiện trên cơ sở quan điểm sử học của chủ nghĩa Mác

Sử học Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước, do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, đứng vững trên quan điểm chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu di sản sử học của tổ tiên và nhân loại để xây dựng một nền sử học mácxít hiện đại. Việc đổi mới được thể hiện trong quan điểm, phương pháp luận, nội dung của nghiên cứu và dạy học lịch sử. Về “Đổi mới nghiên cứu lịch sử”, “Đổi mới dạy học lịch sử”, nhiều bài nghiên cứu, đánh giá lại một số sự kiện lịch sử Việt Nam và thế giới “chúng tỏ chúng ta cởi mở” hơn trong tư duy khi nhìn lại những vấn đề. Với sự nhận định đúng đắn dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác Lênin về đối tượng của sử học và từ thực tiễn đang diễn ra cho thấy bước đi và sự nhận định về giá trị của lịch sử là đúng hướng, làm sáng rõ hơn nhận thức về sử học cách mạng, chống lại các luận điểm chống phá xuyên tạc của các thể lực thù địch. Góp phần củng cố niềm tin vào con đường phát triển đi đến chủ nghĩa xã hội trong tương lai./.

Th.s Nguyễn Quý Dũng

Khoa Xây dựng Đảng