• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Công tác vận động trí thức của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ.
Ngày xuất bản: 16/06/2022 2:59:00 CH
Lượt đọc: 9668

 

Kế thừa truyền thống văn hiến của dân tộc, vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về trí thức, ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã chủ trương đoàn kết, tập hợp lực lượng trí thức trong khối đại đoàn kết dân tộc để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Trong thời kỳ đổi mới, công tác vận động trí thức của Đảng có nhiều đổi mới. Nhờ đó, đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, công tác vận động, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đặt ra những yêu cầu mới, bức thiết.

Mỗi xã hội có sự nhìn nhận về trí thức khác nhau, cho đến nay trong giới khoa học đang còn nhiều quan niệm khác nhau về trí thức. Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có trên 60 định nghĩa về “trí thức”.

Theo C.Mác, người trí thức là người sáng tạo tinh thần, sản xuất tinh thần, là bộ phận tinh hoa của xã hội. Trí thức là một tầng lớp xã hội đặc biệt chuyên lao động trí óc phức tạp, có trình độ học vấn, đại diện cho trí tuệ đương thời mà xã hội đạt được. Họ là những người sáng tạo, phổ biến và vận dụng tri thức vào đời sống xã hội, thúc đẩy nhanh sự phát triển văn hóa và tiến bộ xã hội. V.I. Lênin, khi bàn về trí thức đã khẳng định: “Trí thức bao hàm không những chỉ các nhà trước tác mà thôi, mà còn bao hàm tất cả mọi người có học thức, các đại biểu của những nghề tự do nói chung, các đại biểu của lao động trí óc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, sau khi đánh giá cao vai trò của những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến, định nghĩa: “Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra. Ngoài hai cái đó không có trí thức nào khác...” Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm trí thức thì phải có tri thức. Tri thức là sự hiểu biết, có hiểu biết và điều quan trọng là phải đem tri thức đó phục vụ cho nhân dân, cho xã hội, qua đó góp phần cải tạo thực tiễn và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Nhìn chung, trong nhiều định nghĩa về trí thức ta thấy có hai dấu hiệu cơ bản: Có trình độ học vấn cao, lao động trí óc có chuyên môn cao.

Ngoài tiêu chuẩn về trình độ học vấn cao, người trí thức cần phải có tinh thần sáng tạo và tiêu chuẩn đạo đức. Nói cách khác, người trí thức chân chính phải có “tài” và có “đức”. Thực chất hai nhân tố “đức” và “tài” gắn bó với nhau, một con người không có khả năng sáng tạo hoặc thiếu đạo đức đều không phải là trí thức hoàn toàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bàn về phẩm chất của con người đã đề cập đến “đức” và “tài” trong đó “đức” là gốc còn “tài” là quan trọng. “Đức” và “tài” là những yếu tố không thể thiếu được trong đội ngũ trí thức, đặc biệt là những trí thức làm công tác lãnh đạo quản lý. Có “tài” mà không có “đức” thì không chỉ không đem lại lợi ích thích đáng cho xã hội mà còn có thể gây tai họa cho xã hội, ngược lại nếu có “đức” mà không có “tài” thì làm việc gì cũng khó thậm chí làm hỏng việc.

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (2-1930), Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương vận động, tập hợp tầng lớp trí thức, xây dựng khối đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các tầng lớp nhân dân yêu nước. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sớm chỉ rõ vai trò quan trọng của trí thức, khẳng định sự tham gia của trí thức là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của cách mạng. Năm 1943, Hội Văn hóa Cứu quốc được thành lập, tập hợp đông đảo trí thức văn nghệ sỹ. Ngày 30-6-1944, Đảng Dân chủ Việt Nam ra đời, tổ chức vận động đông đảo thanh niên sinh viên, trí thức tham gia các phong trào do Việt Minh tổ chức.

Sau khi Việt Nam giành được độc lập, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng tập hợp, rèn luyện, xây dựng đội ngũ trí thức, lôi cuốn các bậc nhân sĩ trí thức tham gia vào bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân. Ngày 22-7-1946, Đảng Xã hội Việt Nam ra đời. Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội trở thành trung tâm vận động, thu hút các nhà trí thức, nhân tài. Năm 1948, Hội Văn nghệ thành lập, sau đó nhiều hội chuyên ngành được thành lập.

Tại Đại hội II (1951), Đảng ta khẳng định, Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của công nhân, nông dân và lao động trí óc; cùng với công - nông, trí thức có vị thế là một bộ phận hợp thành động lực của cách mạng; là nền tảng của chính thể dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo. Đại hội nhấn mạnh nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, văn nghệ sỹ của đất nước.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, đất nước bước vào thời kỳ mới: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Đảng công bố “Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam đối với trí thức, nêu rõ quan điểm, khẳng định vai trò của trí thức trong công cuộc xây dựng đất nước: “Trí thức là một vốn quý của dân tộc. Không có trí thức hợp tác với công nông thì cách mạng không thể thành công và sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới sẽ không hoàn thành được

Từ tầng lớp trí thức có số lượng nhỏ bé và phân tán, bị o ép về văn hóa bởi chủ nghĩa thực dân, đến năm 1954, miền Bắc đã có trên 500 người có trình độ Đại học và 3.000 người có trình độ Trung học chuyên nghiệp. Sau năm 1954, trên miền Bắc, giáo dục đại học được đặc biệt quan tâm nhằm đào tạo nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước. Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), đào tạo Đại học và chuyên nghiệp được mở rộng trên quy mô lớn. Đến năm 1964, số người có trình độ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã tăng lên 30.709 người; gấp 10 lần so với năm 1954. Những năm 1965-1975, trong điều kiện các trường phải sơ tán, đào tạo đại học không những được duy trì mà tiếp tục phát triển. Đến năm 1975, toàn miền Bắc có 41 trường, phân hiệu Đại học, gấp 10,3 lần năm 1955. Bên cạnh đó, trường bổ túc văn hóa công nông và phổ thông lao động được mở ở các địa phương, tạo nguồn để ngày càng có đông đảo công nhân, nông dân và bộ đội sau khi xuất ngũ được vào Đại học. Nhiều người sau này trở thành cán bộ lãnh đạo, nhà khoa học tài năng.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng vận dụng đúng đắn quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động trí thức và có nhiều sáng tạo, phù hợp với thời kỳ mới. Nghị quyết Đại hội VI (1986) của Đảng khẳng định: “Đối với trí thức, điều quan trọng nhất là đảm bảo quyền tự do sáng tạo. Đánh giá đúng năng lực và tạo điều kiện cho năng lực được sử dụng đúng và phát triển”

Đại hội VII nêu chủ trương: “Đối với trí thức, phát huy trí tuệ và năng lực, mở rộng thông tin, phát huy dân chủ, trọng dụng nhân tài. Khuyến khích các trí thức, các nhà khoa học phát minh, sáng tạo. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ xứng đáng những cống hiến của trí thức cho công cuộc phát triển đất nước. Coi trọng vai trò t­ư vấn, phản biện của các hội khoa học - kỹ thuật, khoa học xã hội và văn học - nghệ thuật đối với các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”. Đại hội XII (2016) khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”

Nhờ thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên đội ngũ trí thức có bước phát triển nhanh về số lượng và nâng cao về trình độ, năng lực, thể hiện rõ vai trò trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Năm 2000, đội ngũ trí thức cả nước có 1.322.691 người (từ cao đẳng trở lên); năm 2013 tăng lên 6.550.234 (gấp 4,95 lần); số Thạc sỹ từ 10 nghìn lên 118.653 người ( gấp 11,86 lần); số Tiến sĩ tăng từ 12,691 lên 24.667 người (tăng 1.94 lần). Trí thức hoạt động trong các lĩnh vực, các ngành, tập trung đông nhất ở khu vực sự nghiệp như giáo dục -  đào tạo, y tế. Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 400 nghìn người (trong đó có hơn 6.000 Tiến sĩ và hàng trăm trí thức có uy tín). Ước tính có tới 150 nghìn trí thức người Việt Nam tại Hoa Kỳ (riêng tại thung lũng Silicon có khoảng 12000 người Việt Nam đang làm việc và hơn 100 người làm việc cho Ngân hàng Thế giới...), 40.000 trí thức tại Pháp, 20.000 người tại Canađa, 4.000 người tại Đông Âu và Liên bang Nga, 7.000 người tại Ôxtrâylia...

Năm 2019, có khoảng 300 nghìn chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, chủ yếu tại các nước công nghiệp phát triển(15). Đây là nguồn tài nguyên trí tuệ quý báu của dân tộc, giàu tiềm năng và là một kênh chuyển giao tri thức về Việt Nam rất quan trọng, giúp chúng ta tiến nhanh trên bản đồ đổi mới sáng tạo của thế giới.

Khoa học công nghệ ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng, năm 2019 xếp thứ 42/129 quốc gia và đứng thứ 3 trong khối ASEAN

Có thể thấy, trí thức là nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực, từng bước nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về đội ngũ trí trức nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước. Đội ngũ trí thức trực tiếp tham mưu, góp ý, phản biện vào những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc. Nhiều người đã về nước làm việc, hoạt động có hiệu quả trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, kinh tế, văn hoá, xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Nhiều nhà khoa học Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận. Nhiều công trình khoa học đã góp phần quan trọng thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…đây là một niềm vinh dự và tự hào của chúng ta.

Dương Thị Thuý tài

Khoa Nhà nước và Pháp luật