• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Công tác trao đổi chuyên môn ở trường chính trị tỉnh yên bái, giúp quá trình tự học của mỗi giảng viên chủ động hơn.
Ngày xuất bản: 18/10/2017 8:56:00 SA
Lượt đọc: 26646

Trong thời đại mà khoa học kĩ thuật phát triển nhanh chóng như hiện nay, khi đi học chuyên môn (đại học, thạc sỹ…) nhà trường dù tốt đến mấy cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu học tập của người học cũng như đòi hỏi ngày càng cao của đời sống xã hội. Vì vậy, bồi dưỡng năng lực tự học cho mỗi cá nhân là một công việc có vị trí cực kì quan trọng. Chỉ có tự học, tự bồi đắp tri thức bằng nhiều con đường, nhiều cách thức khác nhau mỗi cá nhân mới có thể bù đắp được những thiếu khuyết về tri thức khoa học về đời sống xã hội. Từ đó có được sự tự tin trong cuộc sống, công việc bởi năng lực toàn diện của mình.

Tác giả Nguyễn Kỳ ở Tạp chí Nghiên cứu giáo dục số 7/ 1998 bàn về khái niệm tự học: “Tự học là người học tích cực chủ động, tự mình tìm ra tri thức kinh nghiệm bằng hành động của mình, tự thể hiện mình. Tự học là tự đặt mình vào tình huống học, vào vị trí nghiên cứu, xử lí các tình huống, giải quyết các vấn đề, thử nghiệm các giải pháp…Tự học thuộc quá trình cá nhân hóa việc học”.

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn cũng đưa ra khái niệm tự học như sau: “Tự học là động não, suy nghĩ, sử dụng năng lực trí tuệ (quan sát, so sánh, phân tích…) và có khi cả cơ bắp (khi sử dụng công cụ) cùng các phẩm chất của chính bản thân người học (tính trung thực, khách quan, có chí tiến thủ, kiên trì, nhẫn nại, lòng say mê khoa học) cả động cơ, tình cảm, cả nhân sinh quan, thế giới quan để chiếm lĩnh một lĩnh vực hiểu biết nào đó của nhân loại, biến lĩnh vực đó thành sở hữu của mình”. ( Nguyễn Cảnh Toàn (1997), Quá trình dạy - tự học, Nxb. Giáo dục)

 Từ những quan niệm trên đây có thể nhận thấy rằng, khái niệm tự học luôn đi cùng, gắn bó chặt chẽ với khái niệm tự thân. Tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng của mỗi cá nhân chỉ được hình thành bền vững và phát huy hiệu quả thông qua các hoạt động tự thân ấy. Để có được, đạt tới sự hoàn thiện thì mỗi   cá nhân phải tự thân tiếp nhận tri thức từ nhiều nguồn; Tự thân rèn luyện các kĩ năng; Tự thân bồi dưỡng tâm hồn của mình ở mọi nơi mọi lúc.

 Vấn đề tự học tự đào tạo của mỗi cá nhân đã được Đảng, Nhà nước quan tâm quán triệt sâu sắc từ nhiều năm qua. Nghị quyết Trung ương V khóa 8 từng nêu rõ:“ Tập trung sức nâng cao chất lượng dạy và học, tạo ra năng lực tự học, tự sáng tạo của học sinh, Bảo đảm mọi điều kiện và thời gian tự học cho học sinh, phát triển mạnh mẽ phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân”.        Riêng trong ngành giáo dục, từ năm 2006 đến nay đã có hàng triệu giáo viên trên khắp mọi miền của tổ quốc thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Trên tinh thần ấy, rõ ràng Đảng ta đã coi tự học, tự đào tạo là vấn đề mấu chốt có vị trí cực kì quan trọng trong chiến lược giáo dục - đào tạo của đất nước. Hòa chung với tinh thần ấy, Ban giám hiệu trường chính trị tỉnh Yên Bái đã có những chỉ đạo và hoạt động cụ thể để giúp cho quá trình tự học của mỗi giảng viên trong nhà trường bớt phần gian nan, quá trình tự học đó được diễn ra một cách chủ động và có chủ đích rõ ràng, gắn liền với công việc, nhiệm vụ của từng giảng viên trong nhà trường. Cụ thể, Trường Chính trị Tỉnh Yên Bái thường xuyên thực hiện công tác trao đổi chuyên môn cho giảng viên thông qua các hình thức sau: sinh hoạt tổ chuyên môn; nghe thông tin thời sự - khoa học; sinh hoạt câu lạc bộ giảng viên trẻ.

Thứ nhất, nói về công tác sinh hoạt tổ chuyên môn, chúng ta biết rằng trong các trường chính trị có rất nhiều môn học, có những môn học thuộc về lĩnh vực lý luận, cũng có những môn học thuộc về các ngành khoa học cụ thể. Tuy nhiên, đối với môn học nào các giảng viên cũng cần giúp học viên hiểu được gốc rễ, căn nguyên của vấn đề, từ đó giúp học viên vận dụng linh hoạt để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Xuất phát từ thực tiễn đó, từ nhiều năm nay Trường Chính trị Tỉnh Yên Bái đã thành lập các tổ chuyên môn theo các môn học cụ thể ở nhà trường, các tổ chuyên môn  được duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng . Những buổi sinh hoạt chuyên môn ở trường được các giảng viên rất quan tâm, và đây là hoạt động hết sức thiết thực đối với mỗi giảng viên vì ở đó các giảng viên có thể trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình thực tiễn đi dạy tại các lớp; đặc thù nhận thức của học viên từng lớp học đối với môn học; trao đổi với nhau những vấn đề bản thân còn chưa thực sự hiểu sâu về một vấn đề nào đó trong môn học; thống nhất những nội dung cơ bản trong từng bài học; cùng nhau rút kinh nghiệm sau  những bài giảng, từ đó cùng trao đổi để đưa những ý tưởng mới vào từng bài học… Tất cả những việc làm đó giúp cho các giảng viên có sự thống nhất, trau dồi, học hỏi và phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng trong quá trình soạn – giảng từng môn học.

Thứ hai, hoạt động nghe thông tin thời sự - khoa học đây là hoạt động được diễn ra liên tục hàng tuần với sự tham dự của toàn bộ giảng viên và các đồng chí trong Ban Giám Hiệu nhà trường. Trong các buổi trao đổi chuyên môn, các đồng chí giảng viên sẽ được đọc, nghe, cùng trao đổi về những bài viết có tính thời sự cao, có tính khoa học và thực tiễn liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực giảng dạy của nhà trường do các nhà khoa học viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành và đã được hội đồng khoa học nhà trường tuyển chọn kỹ lưỡng. Từ đó, các giảng viên có cơ hội làm giàu thêm tri thức của mình, cũng như có phương pháp tiếp cận với các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới, trong nước và ở địa phương để vận dụng vào từng bài giảng, từng tiết giảng; đó cũng là định hướng cụ thể cho người giảng viên về cả phương pháp, nội dung kiến thức cho những ngành học, môn học khác nhau trong nhà trường.

Thứ ba, Câu lạc bộ giảng viên trẻ của nhà trường được tuy mới thành lập và đi vào hoạt động hơn một năm, nhưng đây thật sự là sân chơi hữu ích và ý nghĩa cho những giảng viên trẻ. Hoạt động của câu lạc bộ giảng viên trẻ chủ yếu đi vào chiều sâu thông qua các buổi sinh hoạt theo theo chủ đề về : Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phương pháp giảng dạy; đường lối chính sách của Đảng…. Trong quá trình chuẩn bị và thảo luận về các chủ đề, các hội viên luôn háo hức chuẩn bị và hăng say trao đổi ý kiến; bên cạnh đó, mỗi buổi sinh hoạt của câu lạc bộ luôn có sự góp mặt của các đồng chí trong Ban giám hiệu, các đồng chí là lãnh đạo các khoa, phòng với tư cách là chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến giúp cácđồng chí trẻ hiểu được tận gốc vấn đề của buổi sinh hoạt từ đó mỗi giảng viên trẻ sẽ có cơ hội  để tự học hỏi, tự nỗ lực vươn lên.

Với từng hoạt động trao đổi chuyên môn nói trên luôn được Ban Giám hiệu và các giảng viên của nhà trường hết sức quan tâm, đây cũng chính là tiền đề, cơ hội và là những định hướng giúp cho quá trình tự học của mỗi giảng viên chủ động hơn, tích cực hơn và có chủ đích hơn. Thông qua những hoạt động trên, từng bản thân mỗi giảng viên sẽ nhận thấy những mặt mạnh của bản thân để phát huy cũng như những hạn chế để có phương  án tự khắc phục và lâu dần sẽ hình thành cho mỗi giảng viên thói quen, nếp nghĩ không ngừng học tập để hoàn thiện trình độ, kỹ năng nghề giáo nâng cao uy tín cá nhân từ đó nâng cao uy tín vị thế của nhà trường.

 

Dương Thị Thúy Tài

Khoa Dân Vận