• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Chính sách dân tộc của Đảng cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới
Ngày xuất bản: 13/11/2020 3:42:00 CH
Lượt đọc: 16183

Khoa:  Nhà nước và Pháp Luật

Đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết mọi người trong trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, bao gồm các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, người trong nước và người định cư ở nước ngoài, vì mục tiêu chung của các mạng. Đại đoàn kết chủ yếu phải lấy mục tiêu chung đó làm điểm tương đồng, đồng thời chấp nhận những điểm khác nhau, không trái với lợi ích chung của dân tộc, cùng nhau xóa bỏ định kiến, mặc cảm, hận thù, hướng về tương lai, xây dựng tinh thần đoàn kết, cởi mở, tin cậy lẫn nhau, tất cả vì độc lập của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Chính vì vậy, đảng ta đã sớm nhận thức vai trò của chiến lược đại đoàn kết dân tộc, coi đó là một trong những động lực quan trọng của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Dựa trên những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, Đảng ta đã đề ra những chính sách dân tộc phù hợp trong từng giai đoạn cách mạng

Từ Đại hôi VI, cùng với sự nghiệp đổi mới, Đảng đã có những nhận thức mới, quan trọng về chính sách dân tộc và giải quyết mối quan hệ giữa các dân tộc. Các nguyên tắc đảm bảo cho quan hệ giữa các dân tộc phát triển tốt đẹp được nhấn mạnh là: Trên tinh thần đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau, cùng làm chủ tập thể; kết hợp phát triển kinh tế và phát triển xã hội, đẩy mạnh sản xuất và chăm lo đời sống con người kể cả con người từ nơi khác đến và dân tại chỗ. Tư tưởng đó còn được thể hiện sâu sắc, cụ thể hóa tại “cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” được thông qua tại Đại hội VII. Cương lĩnh nêu rõ:  Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc phát triển đi lên con đường văn minh, tiến bộ, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

            Những quan điểm, tư tưởng của Đảng về dân tộc và chính sách dân tộc trong cương lĩnh tiếp tục được triển khai ở Đại hội VIII, IX đồng thời được cụ thể hóa thành những chủ trương, chính sách, dự án và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta. Đại hội IX của Đảng đặc biệt chú trọng vấn đề dân tộc và khẳng định: Vấn đề dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Đảng ta phải thực hiện tốt chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, phát triển sản xuất hàng hóa, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói, giảm nghèo, mở mang dân trí,  giữ gìn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, phát triển sản xuất hàng hóa, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói, giảm nghèo, mở mang dân trí, giữ gìn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc; thực hiện công bằng xã hội giữa các dân tộc, giữa các vùng miền, đặc biệt quan tâm vùng gặp nhiều khó khăn, vùng trước đây là căn cứ cách mạng và kháng chiên; chống kỳ thị, chia rẽ dân tộc; chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan; khắc phục tư tưởng tự ti, mặc cảm dân tộc. Cụ thể hóa tư tưởng chiến lược được nêu trong Nghị quyết Đại hội IX và nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành về công tác dân tộc, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết về công tác dân tộc. Điều này, một mặt, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, mặt khác, cho thấy việc giải quyết các vấn đề dân tộc đang là sự đòi hỏi cấp thiết cần có những chỉ đạo kịp thời. Nghị quyết về công tác dân tộc đã đánh giá tình hình các dân tộc thiểu số và công tác dân tộc trong thời gian qua, những thành tựu cơ bản cùng với những hạn chế, yếu kém và nhất là đề ra những giải pháp chủ yếu để khắc phục những hạn chế, yếu kém đó.

            Đại hội lần thứ X của Đảng một lần nữa khẳng định: vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Đây không chỉ là sự khẳng định lại một quan điểm, một đường lối các Đại hội trước đã nêu mà còn là sự tổng kết thành tựu thực tiễn hơn 20 năm thực hiện quan điểm, đường lối đó.

            Vấn đề dân tộc tiếp tục được Đại hội XI của Đảng quan tâm. Văn kiện Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta; các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và gíup nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ( Bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóc, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số. Những quan điểm trên thể hiện sự quan tâm sâu sát, cụ thể và rất thiết thực của Đảng đối với chính sách dân tộc – một vấn đề có tầm quan trọng chiến lược trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số…”.

Như vậy, vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài; đồng thời là vấn đề cấp bách hiện nay của công cuộc đổi mới đất nước. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, yêu thương, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung… để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội. Chính vì vậy, Đảng ta đã sớm nhận thức vai trò của việc thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là một trong những động lực quan trọng của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Dương Thị Thúy Tài

Khoa:  Nhà nước và Pháp Luật