• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Câu lạc bộ giảng viên trẻ trường Chính trị tổ chức sinh hoạt tháng với chủ đề: “Mối quan hệ giữa lý luận xây dựng Đảng với các khoa học chuyên ngành khác và vận dụng vào giảng dạy tốt các bộ môn ở trường Chính trị tỉnh Yên Bái”
Ngày xuất bản: 05/10/2017 2:51:00 CH
Lượt đọc: 25187

Công tác giáo dục lý luận chính trị là một bộ phận của công tác tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ, có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng. Sinh thời Bác Hồ đã nhiều lần căn dặn “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém mà nên”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị, mỗi giảng viên trẻ trường Chính trị tỉnh Yên Bái luôn nêu cao tinh thần tự học tâp, tự nghiên cứu các kiến thức liên ngành, chuyên ngành, đặc biệt nắm được mối quan hệ giữa các bộ môn với nhau để trong quan trình giảng dạy có thể vận dụng kiến thức liên ngành vào giảng dạy các chuyên đề được phân công một cách hiệu quả và đạt chất lượng cao nhất.

Từ sự nhận thức đó Câu lạc bộ giảng viên trẻ trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã tổ chức sinh hoạt tháng 09 với chủ đề: “Mối quan hệ giữa lý luận xây dựng Đảng với các khoa học chuyên ngành khác và vận dụng vào giảng dạy tốt các bộ môn ở trường Chính trị tỉnh Yên Bái” để hội viên câu lạc bộ tiếp tục trao đổi với nhau về vấn đề trên.

Xây dựng Đảng là một bộ môn Khoa học chính trị- xã hội, một bộ phận cấu thành không thể tách rời của Học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khoa học Xây dựng Đảng được hình thành, phát triển trong cuộc đấu tranh thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Những nguyên lý, quy luật, nguyên tắc, khái niệm, phạm trù… của khoa học xây dựng Đảng được tổng kết, rút ra từ lý luận cách mạng và thực tiễn hoạt động của các Đảng cộng sản và giai cấp công nhân.

Với chủ đề này, để tìm hiểu về mối quan hệ giữa giữa lý luận xây dựng Đảng với các khoa học chuyên ngành khác và vận dụng vào giảng dạy tốt các bộ môn ở trường Chính trị tỉnh Yên Bái trước tiên chúng ta phải làm rõ đối tượng nghiên cứu, đặc điểm, vị trí và phương pháp nghiên cứu của bộ môn xây dựng Đảng.

Thứ nhất, giới thiệu chung về bộ môn xây dựng Đảng

Đối tượng nghiên cứu của bộ môn xây dựng Đảng.

Về đối tượng của khoa học xây dựng Đảng. ĐCSVN là đối tượng nghiên cứu của khoa học xây dựng Đảng nhưng nhiệm vụ chính không phải là nghiên cứu toàn bộ quá trình lịch sử của Đảng mà chỉ kế thừa thành tựu của ngành khoa học lịch sử Đảng (cũng như của một số ngành khoa học khác) để nghiên cứu cái đương đại, cái đang hiện diện của Đảng trong cuộc sống, từ đó đề xuất những cơ sở khoa học cho việc đề ra các quyết sách chính trị của Đảng.

Nói cách khác, khoa học xây dựng Đảng nghiên cứu những quy luật, cơ chế xây dựng và hoạt động của Đảng làm cho Đảng ngày càng vững mạnh về phẩm chất, trí tuệ và năng lực lãnh đạo, làm tròn vai trò đội tiên phong chính trị của giai cấp công nhân, lãnh đạo xã hội phát triển toàn diện.

PGS, TS.Nguyễn Văn Giang, Viện phó viện Xây dựng Đảng- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Nghiên cứu xây dựng Đảng phải hướng vào các quy luật, nguyên tắc, phương thức xây dựng nội bộ Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, các tổ chức khác trong hệ thống chính trị; các lĩnh vực đời sống xã hội và toàn xã hội.

Đặc điểm nghiên cứu và vị trí của bộ môn Xây dựng Đảng.

Trong các văn kiện từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đến Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư tưởng chỉ đạo là phải nâng cao tính cách mạng và khoa học trong công tác xây dựng Đảng, phải coi trọng việc nghiên cứu, tổng kết lý luận về  Đảng cầm quyền. Việc nghiên cứu lý luận về xây dựng Đảng đòi hỏi phải gắn chặt lý luận với thực tiễn. Đó là thực tiễn cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và thực tiễn xây dựng Đảng ta, đặc biệt là trong quá trình đổi mới từ sau Đại hội VII. Đó còn là những kinh nghiệm (cả thành công và thất bại) về cải tổ, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu của bộ môn Xây dựng Đảng là nhằm nâng cao chất lượng công tác cho cán bộ lãnh đạo chính trị, giúp cho cán bộ, đảng viên có khả năng nhận thức và giải quyết đúng đắn, kịp thời những vấn đề trước mắt, cũng như những vấn đề cơ bản đặt ra đối với sự lãnh đạo của Đảng và việc xây dựng nội bộ Đảng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Môn xây dựng Đảng còn giúp cho cán bộ, đảng viên của Đảng quán triệt và vận dụng những nguyên tắc, phương thức lãnh đạo của Đảng và những tiêu chuẩn sinh hoạt Đảng trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền.

Phương pháp nghiên cứu của bộ môn Xây dựng Đảng.

PGS, TS. Đỗ Ngọc Ninh khẳng định: Xây dựng Đảng là một bộ môn khoa học, có cơ sở phương pháp luận, đồng thời có phương pháp đặc thù, gắn với các phương pháp liên ngành. Phương pháp luận nghiên cứu xây dựng Đảng là phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin. Phải từ những nguyên lý cơ bản của phép biện chứng duy vật mà xác định phương pháp nghiên cứu đặc thù của xây dựng Đảng.

PGS,TS. Phạm Văn Thắng xác định: Hệ thống các phương pháp nghiên cứu khoa học xây dựng Đảng cơ bản là: logic - lịch sử, phân tích - tổng hợp, thống kê - so sánh, tổng kết thực tiễn, hệ thống cấu trúc, điều tra xã hội học, chuyên gia… Trong đó, cần chú ý nhất đến phương pháp logic - lịch sử và tổng kết thực tiễn công tác xây dựng Đảng do tính ứng dụng cao của môn khoa học này.

Thứ hai, mối quan hệ giữa lý luận xây dựng Đảng với các khoa học chuyên ngành khác và việc vận dụng vào giảng dạy các bộ môn ở trường Chính trị tỉnh Yên Bái.

Khoa học xây dựng Đảng có mối quan hệ hữu cơ với chủ nghĩa duy vật biện chứng, với kinh tế chính trị học, với khoa học lịch sử Đảng với chủ nghĩa xã hội khoa học và các bộ môn lý luận ở trường Chính trị. Từ những kiến thức lý luận cơ bản về mối quan hệ giữa lý luận xây dựng Đảng với các khoa học chuyên ngành khác đòi hỏi mỗi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải vận dụng có hiệu quả. Trong quá trình giảng dạy giảng viên sẽ lựa chọn được những nội dung kiến thức về xây dựng Đảng phù hợp với nội dung chuyên đề giảng dạy và phân tích, chứng minh làm rõ nội dung bài giảng để chất lượng bài giảng mang lại đạt hiệu quả cao nhất.

Đối với môn Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở

Đại hội XII tiếp tục khẳng định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt xuất phát từ vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Đây là bài học lớn, là kết luận sâu sắc được rút ra trong suốt quá trình hơn 85 năm hoạt động của Đảng và cũng là cơ sở lý luận khoa học, kinh nghiệm thực tiễn, vấn đề có tính nguyên tắc, tính quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là cơ sở, tiền đề vững chắc bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đảng ta đề ra trong công tác xây dựng Đảng. Đối với mỗi giảng viên khi tham gia giảng dạy bộ môn Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở cần thiết phải nắm chắc kiến thức chuyên ngành, đó là: Nắm vững Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, Chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Khi giảng dạy chuyên đề: “Công tác Đảng viên của tổ chức cơ sở đảng và nghiệp vụ công tác đảng viên” cần nắm được các quy định của Đảng về Công tác đảng viên như Điều lệ Đảng, Quy định số 29-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng ngày 25/7/2016; Hướng dẫn sô 01-HD/TW ngày 20/9/2016 một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng; Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 05/06/2017 về Hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên.

Đối với môn Triết học Mác- Lênin

Triết học là cơ sở phương pháp luận của lý luận Xây dựng Đảng. Triết học thông qua chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng, thông qua các quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể đã giải thích các quy luật phát sinh, phát triển trung nhất của xã hội, trong đó có xây dựng Đảng. Lý luận về xây dựng Đảng là một bộ môn khoa học cụ thể, đi sâu nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Như vậy để nhận thức được tri thứ về lý luận xây dựng Đảng cần phải vận dụng các tri thức về các quy luật, phạm trù của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Triết học là một bộ môn khoa học định hướng cho các khoa học khác. Trong Xây dựng Đảng và Triết học, có một mối quan hệ đặc biệt, được thể hiện qua phép biện chứng duy vật. Phép biện chứng duy vật là phương pháp cơ bản của khoa học xây dựng Đảng, nó cho phép trong nghiên cứu khoa học Xây dựng Đảng không rơi vào chủ nghĩa giáo điều, dập khuôn, máy móc và không rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm trong công tác Đảng. Nhận thức được những quy luật lịch sử về sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản và vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng tăng lên trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xác định mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức, mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các tổ chức trong cơ cấu xây dựng Đảng, hình thức và phương pháp xây dựng Đảng tùy thuộc vào những điều kiện cụ thể, những nhiệm vụ của Đảng và kinh nghiệm Đảng tích lũy được.

Đối vơi môn Kinh tế chính trị

Kinh tế chính trị là một bộ môn khoa học nhằm mục đích nghiên cứu các hiện tượng kinh tế - xã hội để đưa ra các quy luật chung có thể áp dụng được vào thực tiễn xã hội nhằm phát triển nền kinh tế của một quốc gia. Vận dụng Kinh tế chính trị vào Xây dựng Đảng, Đảng ta có thể đưa ra những đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn để đưa nền kinh tế phát triển.

Trong quá trình nghiên cứu để có bước đi phù hợp, gắn bó giữa việc nhận thức sâu sắc tính quy luật khách quan với phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Đảng Cộng sản, Nhà nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân lao động. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đối với môn Chủ nghĩa xã hội khoa học

Chủ nghĩa xã hội khoa học (CNXH) là một bộ môn khoa học có nội dung cơ bản nhất là nhận ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Từ khi có Chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời và soi sáng phong trào công nhân, giai cấp công nhân mới thấy rõ bản chất bóc lột của nhà tư bản, thấy rõ sứ mệnh lịch sử cao cả của mình. Có thể nói, chính Đảng Cộng sản của giai cấp công nhân ngay từ khi ra đời đã mang bản chất cách mạng và khoa học. Vì thế trong quá trình Xây dựng Đảng, cần vận dụng chủ nghĩa xã hội vào thực tiễn lãnh đạo để tăng cường bản chất gai cấp công nhân trong Đảng.

Con đường đi lên CNXH ở mỗi quốc gia khác nhau, CNXH là hệ thống lý luận chung về con đường đi lên CNXH. Việc áp dụng phù hợp đặc điểm cụ thể của mỗi quốc gia nhằm thực hiện được mục tiêu đề ra; xây dựng thành công CNXH. Như vậy, khi giảng viên vận dụng kiến thức xây dựng Đảng trong quá trình giảng dạy đó là giải thích về các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (năm 1991) và được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng thông qua đã xác định sáu đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại hội lần thứ X (2006) của Đảng đã bổ sung, phát triển, làm cho mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam toàn diện hơn, gồm tám đặc trưng. Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta tiếp tục xác định tám đặc trưng trên cơ sở kết hợp, bổ sung, phát triển những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội trong hai văn kiện nêu trên.

Với môn Những vấn đề cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh

 Đảng ta trong quá trình lãnh đạo của mình, luôn lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào tình hình cụ thể nước ta. Cho đến nay, những giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị. Những nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng luôn là nền tảng để Đảng ta vận dụng trong công tác Xây dựng Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mình. Như nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trên 04 mặt: Chính trị, lý luận, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Với môn Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là một khoa học có đối tượng nghiên cứu là tổ chức, hoạt động của Đảng và các phong trào cách mạng quần chúng diễn ra dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy, môn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cung cấp các tri thức tin cậy về các sự kiện thuộc về quá trình lãnh đạo đấu tranh cách mạng của Đảng, khái quát thành quy luật phổ biến và đặc thù. Vị trí trung tâm của môn khoa học này là tổng kết lý luận các quá trình lịch sử. Xây dựng Đảng là những quan điểm chỉ đạo cụ thể của Đảng trong tiến trình lịch sử của nước ta, vì vậy nó cũng là đối tượng nghiên cứu của Xây dựng Đảng.

Dựa trên các sự kiện lịch sử Đảng cụ thể, lý luận Xây dựng Đảng có điều kiện đi sâu, luận chứng và đưa ra các quan điểm, chủ trương, đường lối đúng đắn lãnh đạo. Đồng thời, kết quả nghiên cứu lý luận về xây dựng Đảng sẽ góp phần phát triển các kiến thức lịch sử Đảng liên quan đến xây dựng Đảng trong từng thời kỳ.

Xây dựng Đảng là nhiệm vụ tất yếu, thường xuyên để Đảng ta có thể hoàn thành trọng trách, sứ mệnh tiên phong của mình. Xây dựng Đảng phải trên các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức. Xây dựng Đảng và Lịch sử Đảng có mối quan hệ mật thiết với nhau bởi lẽ, trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, Đảng ta luôn dựa vào thực tiễn, lịch sử phát triển của Đảng, của đất nước để rút kinh nghiệm và đưa ra các chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp. Lịch sử Đảng chính là tấm gương phản ánh khoa học Xây dựng Đảng, giúp khoa học Xây dựng Đảng ngày càng hoàn thiện, cách mạng, giúp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Trên cơ sở phân tích, nắm bắt tình hình thực tiễn trong lịch sử để Đảng đề ra các quan điển chỉ đạo thông qua: Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Dựa trên các sự kiện lịch sử Đảng cụ thể, lý luận Xây dựng Đảng có điều kiện đi sâu, luận chứng và đưa ra các quan điểm, chủ trương, đường lối đúng đắn lãnh đạo. Đồng thời, kết quả nghiên cứu lý luận về xây dựng Đảng sẽ góp phần phát triển các kiến thức lịch sử Đảng liên quan đến xây dựng Đảng trong từng thời kỳ.

Đối với môn Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính Nhà nước

Đảng và Nhà nước là hai chủ thể có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý. Đảng đề ra các chủ trương, đường lối, Nhà nước từ đó xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật. Nhà nước là công cụ quản lý đại diện cho công dân, nhưng chịu sự chi phối của Đảng bằng những chủ trương, quyết sách, định hướng hành động, đưa chúng vào đời sống qua pháp luật, điều hành hoặc phán quyết của tòa án.

Nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong quản lý hành chính Nhà nước biểu hiện cụ thể ở các hình thức hoạt động của các tổ chức Đảng, cụ thể:

Một là, Đảng lãnh đạo trong quản lý hành chính Nhà nước bằng việc đưa ra những đường lối, chủ trương, chính sách của mình về các lĩnh vực hoạt động khác nhau của quản lý hành chính Nhà nước:

Các nghị quyết của cấp ủy Đảng đưa ra các phương hướng hoạt động cơ bản tạo cơ sở quan trọng để các chủ thể quản lý hành chính Nhà nước có thẩm quyền thể chế hoá các văn bản pháp luật thực hiện trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước.

Chủ thể quản lý hành chính Nhà nước luôn căn cứ vào chủ trương, đường lối của Đảng để quyết định những vấn đề khác nhau trong quản lý.

Ví dụ:

+ Ban hành văn bản quản lý phải dựa vào chủ trương, đường lối của Đảng.

+ Nghị quyết Đại hội Đảng VI.

+ Nghị quyết Đại hội Đảng X, XI, XII.

Hai là, Đảng lãnh đạo trong quản lý hành chính Nhà nước thể hiện trong công tác tổ chức cán bộ.

Ba là, Đảng còn sử dụng hình thức kiểm tra để lãnh đạo trong quản lý hành chính Nhà nước, như: Kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước nhằm đánh giá tính hiệu quả, tính thực tế của các chính sách mà Đảng đề ra. Để từ đó khắc phục những khuyết điểm, phát huy mặt tích cực trong công tác lãnh đạo….

Với môn Đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội

Về phương diện lý luận, đây là một học phần phản ánh rõ nét về sự vận động liên tục trong tư duy chiến lược của Đảng; khả năng thích ứng trong các hoàn cảnh, đặc biệt là nghệ thuật lãnh đạo của Đảng. Kiến thức xây dựng Đảng vận dụng trong giảng dạy học phần này chính là việc phân tích, giải thích, chứng minh những quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội như: Kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh- quốc phòng, về công tác xây dựng Đảng. Sự lãnh đạo tài tình của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.

Đối với môn Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội là một bộ phận của hệ thống chính trị. Các tổ chức này có vai trò quan trọng trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Làm tốt công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể sẽ góp phần to lớn vào hiệu quả công tác Xây dựng Đảng.

Để thực hiện tốt công tác của các tổ chức chính trị-xã hội phải thực hiện theo cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn của Đảng; Thực hiện bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên.

Từ sự trình bày trên có thể thấy, để có được phông kiên thức chuyên ngành, liên ngành sâu, rộng phù hợp với các chuyên đề giảng dạy ở trường Chính trị. Giảng viên trước hết phải nắm chắc nội dung lí luận chính trị mà mình đảm nhiệm giảng dạy và nắm chắc kiến thức liên ngành, mối quan hệ giữa bộ môn được phân công giảng dạy với các bộ môn khác, để qua đó mới có sự lựa chọn đúng, vận dụng kiến thức có hiệu quả trong từng bài giảng đạt kết quả cao nhất.

 

Ths. Phạm Thị Ngọc Ánh

CLB Giảng viên trẻ