• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Cải cách thể chế hành chính trong bối cảnh thực hiện nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 03/06/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngày xuất bản: 14/09/2017 5:18:00 CH
Lượt đọc: 25260

 Nền hành chính nhà nước thường được cấu thành bởi bốn yếu tố đó là:

 Hệ thống thể chế hành chính bao gồm Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh và các văn bản qui phạm về tổ chức, hoạt động của hành chính nhà nước và tài phán hành chính ;

Cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy hành chính nhà nước các cấp, các ngành phù hợp với yêu cầu thực thi quyền hành pháp;

 Đội ngũ cán bộ, công chức hành chính được đảm bảo về số lượng và chất lượng để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của hành chính nhà nước;

 Nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm yêu cầu thực thi công vụ của các cơ quan và công chức hành chính.

Giữa các yếu tố của nền hành chính có mối quan hệ hữu cơ và tác động lẫn nhau trong một khuôn khổ thể chế. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính nhà nước cần phải cải cách đồng bộ cả bốn yếu tố trên.

Nghị quyết 30c/ NQ- CP ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 thì cải cách thể chế được xác định là một trong ba trọng tâm của cải cách hành chính cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

Quyết định số 225/ QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2016 -2020. Trong đó, tập trung thực hiện các trọng tâm cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 là: Cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

Theo đó thì cải cách thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là trọng tâm trong hoạt động cải cách hành chính nói riêng và cải cách nhà nước nói chung. Bởi vì phải có thể chế hành chính mới tạo ra khuôn khổ, hành lang pháp lý đáp ứng được các yêu cầu quản lý xã hội; Thể chế hành chính không thể đứng yên mà phải được cải cách một cách biện chứng với các điều kiện kinh tế - xã hội, vốn vận động và phát triển không ngừng. Đặc biệt, trong thời điểm hiện này nền kinh tế nước đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới: quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ, nền kinh tế kỹ thuật số (cách mạng công nghiệp lần thứ 4) đang tác động sâu sắc đến sự thay đổi trong sản xuất và thương mại truyền thống, sự tham gia tích cực của Việt Nam trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước và khu vực… mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam tiếp tục hội nhập và huy động tối đa các nguồn lực xã hội để phát triển.

Nhưng dù cho có nhiều điều kiện thuận lợi như vậy thì cái gốc của vấn đề là Việt Nam có tiến lên được hay không, nền kinh tế có phát triển hay không vẫn phụ thuộc chính vào nội lực, phụ thuộc vào hiệu quả của quá trình cải cách thể chế, để tạo tạo môi trường  kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát huy tinh thần khởi nghiệp, khả năng sáng tạo để đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Trong thời gian vừa qua kết quả cải cách thể chế đã có những bước cải thiện nhất định nhưng vẫn còn một số hạn chế như : việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nước ta còn thiếu không ít luật và chậm có các văn bản dưới luật quy định chi tiết việc thi hành các luật. Các văn bản dưới luật chưa quy định chi tiết thì luật chưa đi vào cuộc sống. Giữa quy định của pháp luật và thực hiện pháp luật trên thực tế còn tồn tại khoảng cách khá xa hay nói cách khác quy định của pháp luật chưa trở thành chế độ pháp chế;Việc một văn bản quy phạm pháp luật bị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đan xen với nhiều văn bản khác, với nhiều ngành luật khác nhau đã làm cho việc áp dụng khó khăn, phức tạp. Muốn thực hiện một thủ tục hành chính phải tra cứu nhiều văn bản mới tìm ra được cách giải quyết đúng pháp luật… Gây ra tâm lý e ngại, phiền hà cho các doanh nghiệp, công dân thậm chí cả cán bộ công chức. Do đó cải cách hành chính được coi là một nút thắt quan trọng trong việc cải cách hành chính nói chung và cải cách nhà nước nói riêng trong bối cảnh hiện nay.

Sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đi qua chặng đường hơn 30 năm. Đây là một chặng đường đáng ghi nhớ trong những mốc son lịch sử vinh quang của Đảng và dân tộc. Đổi mới lớn nhất thu được đó là chuyển từ nên kinh tế tập trung, kế hoạch, bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngọn cờ đổi mới của Đảng đến từ Đại hội VI đã bắt kịp thời cơ, phù hợp với thực tiễn phát triển và hợp lòng dân. Từ một nước phải nhập khẩu gạo, chỉ ít năm sau đổi mới, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới. Cũng từ một nước mà tình trạng lạm phát tới vài trăm %, thì nhờ đổi mới, lạm phát quay trở về một con số. Từ một nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, chỉ có một thành phần, Việt Nam đã hoàn thành thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với tốc độ tăng trưởng cao.

Nếu coi đây là bước đi đầu tiên thì xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là bước đi lớn thứ hai để phá rào cản về tư duy và nhận thức đi đến thống nhất để đưa đất nước phát triển theo đúng định hướng, hiện đại và hội nhập.

Xác định, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế kinh tế đối với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 03/6/2017 về: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Trong quan điểm chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng ta quan niệm “xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững”. Đây cũng là “nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài”.

Có thể nói quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 11-NQ/TW, khóa XII mạnh mẽ hơn, nhấn mạnh hơn yêu cầu hoàn thiện thể chế đối với đổi mới và phát triển kinh tế đất nước, đồng thời, xác định rõ hơn định hướng tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Ngoài ra Nghị quyết số 11 – NQ/TW còn đưa ra các nội dung quan trọng như:

- Xác định mục tiêu của về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (có kế thừa mục tiêu Đại hội XII của Đảng);

- Thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường...”, “là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế...”.

- Khái quát làm rõ hơn một bước nội hàm hiện đại và hội nhập quốc tế, định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế nước ta

- Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng và mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; nguyên tắc huy động và phân bổ các nguồn lực xã hội.

- Về chủ trương và giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 11-NQ/TW đề xuất 7 nhóm giải pháp lớn với 58 giải pháp cụ thể .

Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là một nhiệm vụ chiến lược, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nếu thực hiện tốt, sẽ có vai trò làm xoay chuyển cục diện phát triển, đưa nước ta từ tình trạng có những mặt đang ở nguy cơ tụt hậu trở thành quốc gia có tốc độ phát triển nhanh, vươn lên trở thành quốc gia các thu nhập cao, dựa trên trình độ công nghệ hiện đại.Với tinh thần đó, cải thiện chất lượng thể chế hành chính được xem là đột phá khẩu, góp phần tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững. Muốn cải thiện chất lượng thể chế, điều đầu tiên cần làm là cải thiện chất lượng pháp luật như Nghị quyết đã chủ trương “nghiên cứu, rà soát, đổi mới việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính minh bạch, tính nhất quán, ổn định và dự đoán được của pháp luật.”

Nguyễn Thị Mai

Khoa Nhà nước - Pháp luật