• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GẮN VỚI ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG THEO TINH THẦN ĐẠI HỘI XIII
Ngày xuất bản: 20/04/2022 4:21:00 CH
Lượt đọc: 9212

 

Nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã quán triệt, chỉ đạo đội ngũ giảng viên học tập, nghiên cứu nghị quyết đại hội Đảng các cấp để chuyển tải nội dung vào bài giảng, giúp học viên cập nhật, nhận thức sâu sắc, đúng đắn, đầy đủ về quan điểm, đường lối của Đảng trong tình hình mới và vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, cơ quan, đơn vị nơi học viên đang công tác. Để góp phần tìm hiểu và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong phạm vi bài viết này sẽ giới thiệu những nội dung mới, điểm về “Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng” theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam.

Một là, vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển “từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng chất lượng, hiệu quả, tính bền vững” là chủ trương đã được Đảng đề ra từ Đại hội XI[1]. Tiếp đến Đại hội XII tiếp tục xác định “Mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh, bền vững[2]. Qua hai nhiệm kỳ Đại hội XI và XII (10 năm), việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế tuy đạt được một số kết quả tích cực, góp phần tạo ra sự phát triển kinh tế ổn định với tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt, kinh tế đã chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững. Tuy nhiên, những hạn chế trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế vẫn còn tồn tại, “cơ cấu lại nền kinh teesa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo…”[3], chính vì vậy chưa tạo được bước chuyển căn bản sang mô hình phát triển kinh tế mới. Hơn nữa, trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và đất nước, nhất là tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế chịu sự tác động của nhiều yếu tố, tạo ra cả cơ hội và thách thức cho sự phát triển. Chính vì vậy tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục đề ra nhiệm vụ và xác định cần phải “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng”, “chuyển mạnh” nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng mới, “tạo bứt phá” trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế với nhiều nội dung mới, yêu cầu mới, nhưng nhấn mạnh mô hình tăng trưởng mới cần tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 nêu rõ: “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội[4]. Đồng thời, trong các chỉ tiêu cụ thể của nền kinh tế cần đạt tới cho giai đoạn 2020-2025 cũng đã xác định cụ thể kinh tế số chiếm 20%, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% trong nền kinh tế.

Hai là, vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế được đề cập đến tại văn kiện đại hội XIII cụ thể là: “Tổ chức thực hiện hiệu quả và chất thực chất các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế để đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động nhằm hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh”[5]. Cơ cấu lại nền kinh tế được đề cập tổng thể từ cơ cấu các ngành, các lĩnh vực, đây là điều kiện tạo ra thể chế thị trường thực sự, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực và là cơ sở cho việc đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, văn kiện đại hội XIII còn nhấn mạnh đến cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nói chung để phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Đây cũng chính là để khắc phục điểm yếu trong nhiều năm qua là sự thiếu gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên chưa tạo ra được sự chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân của người Viêt Nam để thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế cũng là điểm nhấn trong văn kiện lần này.

Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Cơ cấu lại, tăng cường giám sát và điều tiết thị trường tài chính. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP; đồng thời phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước. Cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay mới; đến năm 2030 nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45 % GDP. Tiếp tục rà soát, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động các thị trường tài chính, chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu…. Đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 nêu rõ: “Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%”[6]

Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Đối với nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao. Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đủ đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm. Phát triển chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại hiệu quả cao, thân thiện với môi trường. Phát triển nuôi trồng thủy sản cả trên biển và mặt nước nội địa theo hướng công nghiệp, quảng canh cải tiến, sinh thái; nâng cao hiệu quả khai thác hải sản xa bờ, phát triển đánh bắt đại dương. Đối với công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tăng các ngành công nghiệp có công nghệ, giá trị gia tăng cao và chuyển dịch lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị của từng ngành công nghiệp. Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao. Tiếp tục phát triển công nghiệp dệt may, da giày, tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa… Đối với dịch vụ, đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục - đào tạo, viễn thông và công nghệ thông tin, logistics và vận tải phân phối… Xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngoài ra, điểm mới của văn kiện lần này là nội dung cơ cấu lại kinh tế vùng, đổi mới thể chế liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng, phát huy vai trò các vùng kinh tế động lực, quan tâm phát triển các vùng còn khó khăn, thu hẹp chênh lệch phát triển giữa các vùng.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là nội dung quan trọng được thể hiện trong văn kiện Đại hội XIII về lĩnh vực kinh tế. Trong đó, xuyên suốt nội dung này là việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. Và để làm được điều đó thì việc phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt tận dụng những cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại là hết sức quan trọng. Mục tiêu hướng tới nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh trang của nền kinh tế, tạo điều kiện phát triển nhanh và bền vững đất nước. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng sẽ là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong những năm tới đây để xây dựng nền kinh tế hiện đại, chất lượng và phát triển bền vững để không chỉ đạt được những mục tiêu cụ thể đặt ra trong nhiệm kỳ khóa XIII mà còn hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới “Phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”./.

Âu Phương Thảo

Khoa Nhà nước và pháp luật

 



[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.107, 191.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, H, 2016, tr.87, 280.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H, 2021, t.1, tr. 211.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H, 2021, t.1, tr. 208.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H, 2021, t.1, tr. 235