• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Câu lạc bộ giảng viên trẻ trường chính trị tổ chức sinh hoạt tháng với chủ đề: bàn về mối quan hệ giữa nội dung và phương pháp giảng dạy và vận dụng vào giảng dạy các môn lý luận chính trị tại trường chính trị tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 05/09/2017 8:38:00 SA
Lượt đọc: 27193

          Có thể nói vấn đề “Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy” không phải là vấn đề mới trong toàn bộ hệ thống giải dục quốc dân Việt Nam nói chung và của trường Chính trị tỉnh Yên Bái nói riêng. Trong những năm gần đây, trường Chính trị tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đặc biệt với chủ trương: “Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng bài giảng, gắn lý luận với thực tiễn, phù hợp với đối tượng giảng dạy, các bộ môn và nội dung chương trình ở trường Chính trị tỉnh Yên Bái” đã thu hút được sự quan tâm không chỉ của đội ngũ giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy mà của toàn thể cán bộ, giảng viên của nhà trường. 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hưng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường

Chính trị tỉnh Yên Bái phát biểu ý kiến và chỉ đạo tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ

Qua hơn 1 năm thực hiện thông báo kết luận Hội thảo cấp trường về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, Câu lạc bộ giảng viên trẻ đã tổ chức buổi sinh hoạt thường kỳ với chủ đề: “Mối quan hệ giữa nội dung và phương pháp giảng dạy – Vận dụng vào giảng dạy các môn lý luận chính trị tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái” để học viên câu lạc bộ tiếp tục trao đổi với nhau về vấn đề đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy.

Với chủ đề này, để tìm hiểu về mối quan hệ giữa nội dung và phương pháp giảng dạy và trên cơ sở đó vận dụng vào giảng dạy các môn lý luận chính trị tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái trước tiên cần làm rõ một số quan niệm cơ bản về nội dung và phương pháp giảng dạy.

* Thứ nhất, về nội dung giảng dạy và phương pháp giảng dạy

            Nội dung theo cách hiểu thông thường là mặt bên trong của sự vật, cái được hình thức chứa đựng hoặc biểu hiện. Như vậy khi xem xét về nội dung ta luôn đặt nó trong mối liên hệ với hình thức.

Theo chủ nghĩa Mác-Lênin thì nội dung và hình thức là một cặp phạm trù trong phép biện chứng duy vật và là một trong những nội dung của nguyên lý về mối liên hệ phổ biến dùng để chỉ mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức. Theo đó, nội dung là phạm trù chỉ tổng hợp tất cả những mặt, những yếu tố, những quá trình tạo nên sự vật và hình thức là phạm trù chỉ phương thức tồn tại và phát triển của sự vật, là hệ thống các mối liên hệ tương đối bền vững giữa các yếu tố của sự vật đó.

 Trong cặp phạm trù này, giữa nội dung và hình thức luôn có mối quan hệ với nhau, cụ thể là:

- Một là: Nội dung và hình thức thống nhất với nhau. Nội dung và hình thức luôn gắn bó chặt chẽ với nhau trong một thể thống nhất. Không có hình thức nào tồn tại thuần túy không chứa đựng nội dung, ngược lại cũng không có nội dung nào lại không tồn tại trong một hình thức xác định. Nội dung nào có hình thức đó.

            - Hai là: Nội dung giữ vai trò quyết định đối với hình thức trong quá trình vận động phát triển của sự vật. Trong mối quan hệ này, nội dung bao giờ cũng là mặt động nhất của sự vật, khuynh hướng chủ đạo của nó là biến đổi; còn hình thức là mặt tương đối bền vững của sự vật, khuynh hướng chủ đạo của hình thức là ổn định, chậm biến đổi hơn nội dung. Sự biến đổi, phát triển của sự vật bao giờ cũng bắt đầu từ nội dung sẽ kéo theo sự biến đổi của hình thức cho phù hợp với nó.

- Ba là, sự tác động trở lại của hình thức đối với nội dung. Tuy nội dung quyết định hình thức, nhưng hình thức không thụ động, phụ thuộc hoàn toàn vào nội dung, hình thức có tính độc lập tương đối và tác động mạnh mẽ trở lại nội dung. Nếu hình thức phù hợp với yêu cầu phát triển của nội dung thì nó thúc đẩy nội dung phát triển; và nếu ngược lại, thì nó sẽ kìm hãm sự phát triển của nội dung.

- Bốn là, nội dung và hình thức có thể chuyển hóa cho nhau. Mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức còn biểu hiện ở sự chuyển hóa lẫn nhau giữa chúng. Cái trong điều kiện này hay quan hệ này là nội dung thì trong điều kiện khác hay quan hệ khác là hình thức, và ngược lại.

            Vì nội dung là những mặt, những yếu tố, những quá trình tạo nên sự vật, do đó có thể hiểu nội dung giảng dạy là cơ sở tạo nên những hoạt động cơ bản trong quá trình giảng dạy, nó quy định một cách có hệ thống những tri thức, những giá trị văn hóa và kinh nghiệm của loài người đã được chọn lọc, phù hợp với mục đích từng cấp học, từng môn học, từng đối tượng học.

Với cách nhìn nhận nêu trên, có thể xác định nội dung giảng dạy gồm những thành phần cơ bản sau:

             - Hệ thống các tri thức khoa học: Đây là những thành phần cơ bản của nội dung giảng dạy, nó bao gồm nhiều dạng khác nhau đặc trưng cho các khoa học cơ bản. Trong Bài viết “Bàn thêm về cấu trúc của tri thức khoa học của TS. Trần Hồng Lưu đăng trên tạp chí Khoa học xã hội”, thì cấu trúc của tri thức khoa học bao gồm tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận. Trong đó tri thức kinh nghiệm là trình độ thấp, còn tri thức lý luận là trình độ cao của tri thức khoa học. Tri thức lý luận mang lại những hiểu biết có tính bản chất, bên trong, vạch ra những mối liên hệ tất nhiên, và tính quy luật của đối tượng... cho phép con người tiến gần sát đến chân lý về sự vật.

             - Hệ thống những kĩ năng, kĩ xảo hoạt động trí óc và lao động thể lực: Đây chính là hệ thống tri thức về cách thức hoạt động dựa nên sự hiểu biết và nắm vững tri thức khoa học. Những kĩ năng và kĩ xảo này vừa là cái riêng ứng với từng môn học cụ thể, vừa là những kĩ năng và kỹ xảo có tính chất sử dụng chung cho nhiều môn học, nhiều hoạt động.

            - Hệ thống kinh nghiệm: là toàn bộ những hiểu biết của con người có được do đã từng trải qua công việc, đã thấy được kết quả khiến cho có thể phát huy được mặt tốt và khắc phục được mặt chưa tốt. Tuy nhiên cần đặt những kinh nghiệm đó trong mối quan hệ với các tri thức lý luận. C.Mác và Ph.Ăngghen cũng từng chỉ rõ: “Sự quan sát theo kinh nghiệm tự nó không bao giờ có thể chứng minh được đầy đủ tính tất yếu và nhiệm vụ của nhận thức lý luận là đem quy sự vận động bề ngoài chỉ biểu hiện trong hiện tượng về sự vận động bên trong thực sự”.

            - Hệ thống những giá trị văn hóa: Giống như văn hoá, hệ thống các giá trị cũng mang tính tương đối. Do vậy để đánh giá tính giá trị hay phi giá trị, giá trị cao hay thấp thì phải đặt nó trong toạ độ về mặt không gian, thời gian và chủ thể của văn hoá. Chẳng hạn: “trung với vua” là một giá trị của văn hoá Việt Nam thời quân chủ phong kiến, nhưng nó không phải là giá trị trong xã hội Việt Nam hiện đại. GS. Trần Văn Giầu (trong cuốn sách “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam” NXB KHXH, H.1980) đã nêu lên 07 giá trị mang tính tổng quát nhất của dân tộc Việt Nam là: yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, BCHTW khóa XI cũng chỉ ra các đặc tính cơ bản của cong người Việt Nam là “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.

Như vậy, có thể khẳng định nội dung giảng dạy là hệ thống những tri thức, những giá trị văn hóa, những kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo của loài người được chọn lọc phù hợp với mục đích từng môn học, cấp học, đối tượng học nhằm tạo điều kiện cho người học hình thành thế giới quan, phương pháp luận và những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người.

Trên cơ sở tìm hiểu về nội dụng giảng dạy và theo quy định tại Điều 1, Quyết định Số 184-QĐ/TW, ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có thể đưa ra quan niệm về nội dung giảng dạy lý luận chính trị (trong các trường chính trị tỉnh) cụ thể là: Nội dung giảng dạy lý luận chính trị (trong các trường Chính trị) là hệ thống những tri thức khoa học, những giá trị văn hóa, những kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo… được chọn lọc về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật, về quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác để bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương nhằm giúp họ nâng cao nhận thức của bản thân và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi công vụ.

Theo đồng chí Lê Ánh Hồng, Phó Hiệu trưởng trường Chính trị Yên Bái trong bài viết tại Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp trường năm 2016 đã chỉ rõ: “Trong công tác giảng dạy lý luận chính trị là truyền tải những nộ dung thông tin định hướng – những quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là những kiến thức tương đối khô khan. Vì vậy, để bài giảng hấp dẫn, gây được hứng thú với người học, giảng viên không chỉ cần có kiến thức vững vàng, cách trình bày hấp dẫn, chắc chắn, mà còn cần có tư liệu thông tin phong phú, kiến thức thực tế sinh động. Điểm đặc biệt của giảng dạy các môn lý luận chính trị là rất nhạy cảm với mọi sự thay đổi của môi trường xã hội. Mọi sự biến đổi của đất nước cũng như quốc tế đều có ảnh hưởng mãnh mẽ đến nội dung giảng dạy, lý giải, phân tích các kiến thức. Không thường xuyên đổi mới nội dung bài giảng, giảng viên không thể làm tròn nhiệm vụ truyền giảng khoa học của mình, bài giảng của giảng viên chỉ là những lý luận khô cứng, không mấy thuyết phục”.

            Do đó, giảng dạy lý luận chính trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giảng viên tại các trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vậy làm thế nào để có thể truyền tải các nội dung giảng dạy đối với “những kiến thức khô khan” để “thuyết phục” đối tượng học viên các lớp. Để đạt được mục tiêu đó giảng viên cần quan tâm đến việc áp dụng các phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp.

            Phương pháp là cách thức, là con đường, là phương tiện nhằm giúp con người đạt tới những mục đích nhất định trong nhận thức và trong thực tiễn. Do đó, có thể hiểu một cách chung nhất phương pháp giảng dạy là cách thức, là con đường hoạt động chung, phối hợp, thống nhất giữa người dạy và người học trong những điều kiện giảng dạy nhất định nhằm đạt được mục đích giảng dạy.

 

            Phương pháp giảng dạy do mục đích định hướng, bị quy định và chi phối bởi mục đích, mục tiêu giáo dục - đào tạo nói chung, các nhiệm vụ giảng dạy nói riêng. Đồng thời, nó cũng là phương thức chuyển tải nội dung từ người dạy, từ sách và các nguồn tài liệu tới người học. Mỗi môn học đều có các phương pháp giảng dạy tương ứng. Các phương pháp giảng dạy không tồn tại biệt lập mà luôn hợp thành một hệ thống hoàn chỉnh có quan hệ mật thiết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Vì vậy khi lựa chọn và vận dụng các phương pháp giảng dạy cần căn cứ vào đặc thù của các bộ môn, vào nội dung bài học, từng vấn đề mà sử dụng các phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp để phát huy hiệu quả của các phương pháp.

Trong lịch sử phát triển của giáo dục học, các nhà giáo dục đã đưa ra nhiều hệ thống phương pháp giảng dạy khác nhau nhằm hướng tới việc thực hiện mục đích và các nhiệm vụ giảng dạy. Có nhiều cách phân loại về phương pháp giảng dạy, tuy nhiên về cơ bản có một số phương pháp giảng dạy cơ bản sau: Phương pháp thuyết trình; hỏi đáp; nêu ý kiến ghi lên bảng; trực quan hóa hình ảnh; chuyên gia; tia chớp; làm việc nhóm; tình huống; lấy người học làm trung tâm; sàng lọc; bể cá;… Tuy nhiên trong quá trình giảng dạy, đặc biệt là giảng dạy lý luận chính trị giảng viên cần lựa chọn những phương pháp phù hợp nhất với nội dung, chương trình và đối tượng người học, sao cho mục tiêu giảng dạy đạt được kết quả tốt nhất.

* Thứ hai, về mối quan hệ giữa nội dung và phương pháp giảng dạy

            Có thể khẳng định nội dung và phương pháp giảng dạy có mối quan hệ mật thiết với nhau trong quá trình giảng dạy. Mối quan hệ này vừa thống nhất (hỗ trợ) vừa tương tác (chi phối) lẫn nhau.

            Sự thống nhất giữa nội dung với phương pháp giảng dạy là một quy luật cơ bản chi phối việc lựa chọn, phối hợp và sử dụng phương pháp giảng dạy. Có nội dung thì sẽ có phương pháp giảng dạy tương ứng và ngược lại không có nội dung thì sẽ không có phương pháp giảng dạy; có phương pháp tốt nhưng nội dung không rõ ràng thì hoạt động không hiệu quả; có nội dung tốt nhưng phương pháp giảng dạy không tốt thì chẳng khác nào dùng “cưa cùn để xẻ gỗ lim”.         

            Tuy nhiên giữa nội dung và phương pháp giảng dạy lại có mối quan hệ tương tác, chi phối lẫn nhau. Trong đó, nội dung là cái có trước, có vai trò trong việc quyết định lựa chọn, sử dụng phương pháp giảng dạy cho phù hợp và hiệu quả. Trong thực tế, một nội dung dạy có có thể có nhiều phương pháp để truyền đạt, mặt khác các phương pháp giảng dạy rất phong phú và đa dạng, mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm nhất định, do vậy việc lựa chọn được phương pháp phù hợp, hiệu quả nhất để truyền đạt nội dung đó là một việc làm có ý nghĩa quyết định đến kết quả của cả quá trình giảng dạy. Ngược lại, đối với những loại hình giảng dạy, chương trình giảng dạy chú trọng phương pháp (chương trình phát triển nhận thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm thực tiễn…) thì nội dung kiến thức có thể chịu sự chi phối của phương pháp giảng dạy. Chính phương pháp được áp dụng sẽ đòi hỏi việc lựa chọn nội dung phù hợp với nó, thể hiện được nó. Không những thế, trong nhiều trường hợp phương pháp còn đòi hỏi việc tổ chức, sắp xếp lại nội dung cho phù hợp với phương pháp giảng dạy, sao cho người học có thể nắm được một cách hiệu quả nhất phương pháp đó.

            Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa nội dung và phương pháp giảng dạy như mục tiêu giảng dạy; đối tượng người học; đội ngũ giảng viên; môi trường dạy học; quan điểm, chủ trương của đơn vị trường học… Bởi mỗi loại hình giảng dạy, mỗi cấp học, chương trình học…có những mục tiêu khác nhau trong quá trình giảng dạy; mỗi môn học lại có những đặc thù riêng; mỗi đối tượng học lại có những cách nhận thức, tiếp thu và mục đích học khác nhau; mỗi người học có những sở trường, sở đoản và điều kiện khác nhau vì vậy cũng có những cách thức, mục tiêu học khác nhau… tất cả các yếu tố đó có ảnh hưởng trực tiếp đến việc chuẩn bị nội dung và lựa chọn các phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp.

            * Thứ ba, về vận dụng mối quan hệ giữa nội dung và phương pháp giảng dạy trong giảng dạy lý luận chính trị tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái

Từ những kiến thức lý luận cơ bản về mối quan hệ giữa nội dung và phương pháp giảng dạy đòi hỏi mỗi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải vận dụng có hiệu quả sao cho trong quá trình giảng dạy giảng viên sẽ lựa chọn được những phương pháp giảng dạy phù hợp, hiệu quả nhất để truyền đạt các nội dung kiến thức đến người học và người học sẽ lĩnh hội một cách có hiệu quả nhất.

            Có thể nói chủ đề được lựa chọn chính là sự tiếp nối của Hội thảo khoa học cấp trường năm 2016; vì vậy chủ đề lần này đã dành được sự quan tâm đặc biệt từ phía các hội viên của câu lạc bộ, bởi tại diễn đàn này giảng viên trẻ được bày tỏ quan điểm của bản thân cũng như trao đổi, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm của chính bản thân thông qua quá trình thực giảng. Thông qua quá trình thảo luận sôi nổi, các ý kiến đều đồng tình với quan điểm để lựa chọn phương pháp phù hợp thì cần bám chắc vào đặc thù môn học; phải bám sát đối tượng học viên; căn cứ vào nội dung kiến thức của từng chương trình, từng phần, từng mục. Và không có một phương pháp giảng dạy nào tối ưu cho mọi cá nhân, cho mọi bài giảng, cho mọi đối tượng, cho mọi chương trình đào tạo mà quan trọng là tùy theo đối tượng, tình hình cụ thể của lớp học mà có cách thức giảng dạy đáp ứng được yêu cầu, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Vì vậy việc áp dụng các phương pháp giảng dạy là phụ thuộc vào bản thân mỗi giảng viên. Mỗi giảng viên phải chủ động suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo để đổi mới phương pháp giảng dạy của mình, nâng cao chất lượng bài giảng. Đổi mới như thế nào, phương pháp nào với từng môn, từng bài, từng đối tượng, từng chương trình nhằm thực sự phát huy vai trò của người dạy và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên. Có như vậy thì quá trình đổi mới mới thực sự phát huy được hiệu quả trong thực tiễn./.

 Một số hình ảnh về buổi sinh hoạt câu lạc bộ giảng viên trẻ trường Chính trị Yên Bái tháng 5 năm 2017


 

Âu Phương Thảo

Khoa Nhà nước và pháp luật