• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
BÀN VỀ SỰ KHÁC BIỆT GIỮA PHÁP LUẬT QUỐC GIA VÀ PHÁP LUẬT QUỐC TẾ
Ngày xuất bản: 19/10/2021 2:19:00 CH
Lượt đọc: 10677

 

Về phương diện lý luận, pháp luật quốc gia được hiểu là tổng hợp các quy tắc xử sự do các cơ quan có thẩm quyền của mỗi quốc gia thừa nhận, ban hành và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, đồng thời là yếu tố điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm tạo ra một xã hội ổn định trật tự trong nội bộ quốc gia. Bản chất của pháp luật quốc gia thể hiện ý chí nhà nước của mỗi quốc gia - ý chí của giai cấp cầm quyền hoặc liên minh giai cấp cầm quyền. Phạm vi điều chỉnh của pháp luật quốc gia là các mối quan hệ xã hội phát sinh trong mỗi quốc gia. Xuất phát từ quan điểm về nguồn và giá trị từng loại nguồn mà pháp luật ở mỗi quốc gia khác nhau việc xác định các loại nguồn pháp luật cũng khác nhau. Đối với nguồn của pháp luật quốc gia bao gồm các nguồn cơ bản là: tập quán pháp, tiền lệ pháp (án lệ), văn bản quy phạm pháp luật thành văn và các loại nguồn khác (như điều ước quốc tế, các quan niệm và chuẩn mực đạo đức xã hội, đường lối chính sách của đảng cầm quyền, các quan điểm, tư tưởng, học thuyết của các nhà khoa học pháp lý nổi tiếng, tín điều tôn giáo, các hợp đồng trong các lĩnh vực thương mại pháp luật nước ngoài…). Ngày nay, mỗi quốc gia khác nhau tùy vào điều kiến tự nhiên, kinh tế - xã hội, truyền thống đạo đức, pháp luật… mà thừa nhận các loại nguồn cũng khác nhau.

Pháp luật quốc tế (còn gọi là công pháp quốc tế) được hiểu là tổng hợp các nguyên tắc, các quy định phạm pháp luật để điều chỉnh mối quan hệ nhiều mặt (chủ yếu là quan hệ mang tính chính trị) giữa các chủ thể tham gia quan hệ quốc tế thông qua đấu tranh thương lượng, bình đẳng với nhau nhằm phục vụ mục đích chính trị của các chủ thể đó và được bảo đảm thực hiện chủ yếu bằng biện pháp thương lượng, hợp tác với nhau, trong trường hợp cần thiết, có thể sử dụng biện pháp cưỡng chế riêng lẻ hay tập thể phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế. Nguồn của pháp luật quốc tế là hình thức chứa đựng các nguyên tắc, quy phạm pháp luật quốc tế. Căn cứ vào tính chất pháp lý chung và sự thỏa thuận của các chủ thể, có thể chia nguồn của pháp luật quốc tế thành hai loại là: nguồn cơ bản và nguồn hỗ trợ. Trong đó nguồn cơ bản của pháp luật quốc tế bao gồm: Điều ước quốc tế (mà hình thức biểu hiện chung là hiến chương, hiệp ước/hiệp định, công ước, nghị định thư, tuyên bố, thông báo, tạm ước, hòa ước….) và tập quán quốc tế. Trong các loại nguồn của pháp luật quốc tế thì tập quán quốc tế hình thành rất sớm. Ban đầu, tập quán quốc tế là những quy tắc xử sự chung do một hay một số quốc gia đưa ra và áp dụng trong quan hệ với nhau. Sau một quá trình áp dụng lâu dài, rộng rãi và được nhiều quốc gia thừa nhận như những quy phạm pháp lý, những quy tắc xử sự đó đã trở thành tập quán quốc tế. Còn đối với nguồn hỗ trợ của pháp luật quốc tế thì về nguyên tắc đây không phải lại thức biểu hiện trực tiếp các quy phạm và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong quá trình hình thành các quy phạm của pháp luật quốc tế. Nguồn hỗ trợ gồm có những loại cơ bản đó là: phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế, nghị quyết của tổ chức quốc tế liên Chính phủ, pháp luật quốc gia, các học thuyết và các tác phẩm khoa học pháp lý của các luật gia nổi tiếng.

Hai hệ thống pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế có những điểm khác biệt cơ bản sau đây:

Thứ nhất, xét về chủ thể. Chủ thể của pháp luật quốc gia ở hồ hết các quốc gia trên thế giới đều xác định là cá nhân (bao gồm công dân nước sở tại, công dân nước ngoài và người không có quốc tịch), và tổ chức (gồm pháp nhân, tổ chức không phải là pháp nhân và Nhà nước). Trong đó Nhà nước là chủ thể đặc biệt và Nhà nước chỉ tham gia vào những quan hệ xã hội cơ bản, quan trọng nhất như quan hệ pháp luật hình sự, quan hệ pháp luật về sở hữu. Còn chủ thể của pháp luật quốc tế được khoa học và thực tiễn pháp lý quốc tế hiện đại thừa nhận bao gồm: quốc gia có chủ quyền, các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập nhằm thực hiện quyền tự quyết dân tộc  hướng tới xây dựng quốc gia riêng và tổ chức quốc tế liên chính phủ. Trong đó, quốc gia có chủ quyền là chủ thể cơ bản và chủ yếu của pháp luật quốc tế, có quyền quốc tế, nghĩa vụ  quốc tế cơ bản và đầy đủ khi tham gia các quan hệ quốc tế, còn các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập nhằm thực hiện quyền tự quyết dân tộc có các quyền và nghĩa vụ quốc tế nhất định trong sinh hoạt quốc tế. Riêng đối với các tổ chức quốc tế, do các tổ chức này được chính các quốc gia là chut thể của pháp luật quốc tế thành lập, nên các tổ chức này chỉ có thể là chủ thể hạn chế của pháp luật quốc tế hiện đại.

Thứ hai, về đối tượng điều chỉnh. Đối tượng điều chỉnh của pháp luật quốc gia là những quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội… phát sinh trong nội bộ của mỗi quốc gia. Trong khi đó, đối tượng điều chỉnh của pháp luật quốc tế là những quan hệ phát sinh giữa các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật quốc tế, những quan hệ có nhiều mặt nhưng chủ yếu là quan hệ mang tính chính trị được ghi nhận trong các văn kiện pháp lý quốc tế.

Thứ ba, về phương thức ban hành. Pháp luật quốc gia là do các quốc gia đặt ra hoặc thừa nhận để điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong nội bộ của quốc gia theo những trình tự, hình thức và thủ tục nhất định của quốc gia. Còn pháp luật quốc tế là do các chủ thể của pháp luật quốc tế xây dựng nên để điều chỉnh của quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống quốc tế, trên cơ sở bình đẳng, thỏa thuận, thương lượng với nhau.

 

Thứ tư, về bản chất của pháp luật. Bản chất của pháp luật quốc gia thể hiện ý chí của giai cấp (lực lượng cầm quyền) ở từng quốc gia. Còn bản chất của pháp luật quốc tế là tổng hợp, đoàn kết của các chủ thể có bản chất giai cấp và xã hội khác nhau.

Thứ năm, về nguồn của pháp luật. Nguồn của pháp luật quốc gia là pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành và các quy tắc tập quán được giai cấp thống trị thừa nhận. Ở những nước theo hệ thống luật án lệ nguồn của luật quốc gia còn bao gồm các án lệ của tòa án. Nguồn của pháp luật quốc tế chính là hình thức và trình tự hình thành nên nguyên tắc, quy tắc, chế độ và các vị thức biểu hiện cụ thể có tính ràng buộc pháp luật. Nguồn của pháp luật quốc tế bao gồm các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế và các nguồn bổ trợ khác, được hình thành chủ yếu thông qua sự thỏa thuận thương lượng của các chủ thể pháp luật quốc tế.

Thứ sáu, về phương thức thực hiện. Việc thực thi pháp luật quốc gia dựa vào các thiết chế riêng của nhà nước như quân đội, cảnh sát, tòa án… Pháp luật quốc gia do các cơ quan nhà nước ở vị trí cao hơn các chủ thể của quan hệ pháp luật đảm bảo thực hiện, đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải căn cứ vào những quy định của pháp luật để thực hiện. Trong khi phương thức thực hiện chủ yếu của pháp luật quốc tế là các bên chủ thể pháp luật quốc tế tự giác thực hiện. Trong trường hợp xảy ra các vi phạm pháp luật quốc tế, nước bị hại có thể đơn phương hoặc tập thể các quốc gia hoặc các tổ chức quốc tế có thể thực hiện các biện pháp trừng phạt tương ứng hoặc áp dụng các biện pháp chế tài như kháng nghị, triệu hồi đại sứ, chấm dứt quan hệ ngoại giao, cấm vận kinh tế, tự vệ vũ trang…Từ đó làm cho quốc gia hữu quan phải chấm dứt các hành vi xâm hại, bảo đảm cho pháp luật quốc tế được thực thi.

Giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế có mối quan hệ mật thiết với nhau, thể hiện:

Một là, pháp luật quốc gia là công cụ, phương tiện để hoàn thiện, phát triển và thực hiện pháp luật quốc tế. Điều đó thể hiện ở chỗ: pháp luật quốc gia thể hiện sự định hướng, cơ sở quan trọng cho việc hoàn thiện và phát triển nội dung, tính chất của pháp luật quốc tế. Mọi sự thay đổi tốt hoặc phát triển tiến bộ của pháp luật quốc gia đều thúc đẩy sự phát triển pháp luật quốc tế theo hướng tích cực. Pháp luật quốc gia là đảm bảo pháp lý quan trọng để các nguyên tắc, quy phạm pháp luật quốc tế được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Cụ thể là vị trí, vai trò, hiệu lực của pháp luật quốc tế chỉ có ở mỗi quốc gia chỉ khi được các quốc gia “nội luật hóa”.

Hai là, pháp luật quốc tế là công cụ, phương tiện để phát triển, hoàn thiện và thực hiện pháp luật quốc gia trong đời sống quốc tế. Điều đó thể hiện những quy định có nội dung tiến bộ của pháp luật quốc tế thể hiện những thành tựu mới của khoa học pháp lý sẽ dần được chuyển tải vào các văn bản pháp luật quốc gia. Những thành tựu này có tác động quan trọng đến việc thúc đẩy phát triển, hoàn thiện pháp luật quốc gia. Đồng thời quốc gia với tư cách là thành viên mới của tổ chức này hay tổ chức khác thì đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia cho phù hợp với các quy định của các tổ chức mới tham gia. Pháp luật quốc tế là công cụ, phương tiện thực hiện pháp luật quốc gia. Với xu thế toàn cầu hóa nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội diễn ra mạnh mẽ, nhiều vấn đề bản thân mỗi quốc gia không thể tự giải quyết được như vấn đề bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm quốc tế, giải trừ quân bị, vũ khí hạt nhân... Những vấn đề này nếu không có sự hợp tác quốc tế thì không thể giải quyết hoặc khó giải quyết có hiệu quả. Vì vậy, các quốc gia tham gia, ký kết các điều ước quốc tế có liên quan. Chính nội dung các điều ước này là cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Ba là, trong những điều kiện nhất định, pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế có thể chuyển hóa cho nhau. Điều này có nghĩa là pháp luật quốc tế có thể trở thành nguồn của pháp luật quốc gia và ngược lại. Thực vậy một mặt trong pháp luật quốc tế có một số quy định mang tính nguyên tắc đòi hỏi pháp luật quốc gia phải đưa ra những quy định cụ thể còn gọi là nội luật hóa. Nếu pháp luật quốc gia không có quy định này chị những quy định mang tính nguyên tắc của pháp luật quốc tế sẽ không có ý nghĩa. Ngược lại, nếu pháp luật quốc tế đã có những quy định cụ thể thì các quốc gia thành viên có thể thực hiện ngay, không cần thông qua hoạt động “nội luật hóa”. Trong những trường hợp nói trên, pháp luật quốc tế trở thành nguồn của pháp luật quốc gia. Mặt khác, một số nguyên tắc, quy tắc trong pháp luật quốc gia đã được đa số các nước thừa nhận và được sử dụng nhiều lần trong cộng đồng quốc tế thì sẽ dần dần trở thành tập quán quốc tế và có thể được đưa vào các điều ước quốc tế, trở thành một bộ phận của pháp luật quốc tế. Trong trường hợp này, pháp luật quốc gia trở thành nguồn của pháp luật quốc tế. Ví dụ nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia có chủ quyền, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác được hình thành từ nguyên tắc đối ngoại của nhà nước tư sản Pháp; nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết quy định trong Hiến chương liên hợp quốc được hình thành từ Sắc lệnh về hòa bình của Nhà nước Xô viết.

Tóm lại, trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần quan tâm đến mối hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế cũng như nhận thức rõ hơn về sự khác biệt giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế trong quan hệ quốc tế hiện đại để có cái nhìn một cách toàn diện và giúp xử lý tốt quan hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Âu Phương Thảo

Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật