• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
ÁP DỤNG PHÁP LUẬT TƯƠNG TỰ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM
Ngày xuất bản: 15/10/2019 9:19:00 SA
Lượt đọc: 22074

             Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước, là yếu tố bảo đảm sự ổn định và trật tự của xã hội. Pháp luật là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng pháp lý phản ánh cơ sở hạ tầng xã hội. Cơ sở hạ tầng là tổng hợp các quan hệ sản xuất hợp thành kết cấu kinh tế của một xã hội nhất định. Pháp luật với tư cách là bộ phận của kiến trúc thượng tầng; một mặt phản ánh, ghi chép các quan hệ xã hội; mặt khác, nó có vai trò tác động trở lại cơ sở hạ tầng. Pháp luật phản ánh được kịp thời, đầy đủ, khách quan quy luật vận động phát triển của xã hội thì sẽ phát huy được vai trò tích cực. Ngược lại pháp luật lạc hậu so với thực tiễn sẽ kìm hãm sự phát triển xã hội. Thực tế cho thấy, pháp luật có sự lạc hậu so với diễn biến phát triển của đời sống xã hội. Vì thực tế, khi ban hành các văn bản pháp luật, nhà lập pháp không dự liệu hết được các quan hệ xã hội cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật. Việc này do đó đã tạo ra những lỗ hổng hoặc còn thiếu những quy phạm pháp luật đáp ứng nhu cầu điều chỉnh những quan  hệ xã hội nào đó. Hơn nữa, các quy định của pháp luật tồn tại ở dạng tĩnh tương đối, tức là chỉ thay đổi khi bị sửa đổi. Nhưng các quan hệ xã hội lại biến đổi không ngừng. Như vậy sẽ xảy ra những trường hợp không có quy phạm pháp luật điều chỉnh một quan hệ xã hội đang tồn tại. Để khắc phục hiện tượng này, trong những trường hợp thiếu luật điều chỉnh, để bảo vệ trật tự pháp luật, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức và mọi công dân, khoa học pháp lý đã đưa ra nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự.

Như vậy, áp dụng pháp luật tương tự là giải quyết vụ việc thực tế, cụ thể nào đó chưa có QPPL điều chỉnh trên cơ sở QPPL điều chỉnh trường hợp khác có nội dung gần giống như vậy.

 Áp dụng pháp luật tương tự là dùng những quy phạm pháp luật đang có hiệu lực đối với những quan hệ tương tự như quan hệ cần xử lí để điều chỉnh quan hệ cần xử lí đó nhưng không có quy phạm trực tiếp điều chỉnh quan hệ đó. Với cách hiểu này, ta thấy, áp dụng pháp luật tượng tự vừa mang các đặc điểm của áp dụng pháp luật nói chung vừa có những đặc điểm riêng làm cho nó khác với các trường hợp áp dụng pháp luật khác. Nếu như áp dụng pháp luật là hình thức mang tính tổ chức quyền lực Nhà nước thông qua hoạt động của các cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền áp dụng quy phạm pháp luật vào các trường hợp cụ thể nhằm cá biệt hóa các quy phạm pháp luật theo trình tự thủ tục nhất định để giải quyết các vấn đề cụ thể pháp sinh trong đời sống thì áp dụng pháp luật tương tự lại là hoạt động giải quyết các vụ việc thực thế, cụ thể khi trong hệ thống pháp luật không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó, tức là không có khuôn mẫu trực tiếp do Nhà nước quy định cho việc giải quyết vụ việc đó. Vì thế, áp dụng pháp luật tương tự chỉ được tiến hành khi có đủ các điều kiện nhất định để nhằm hạn chế tối đa sự tùy tiện, lạm quyền từ chính những người có thẩm quyền áp dụng.

Áp dụng pháp luật tương tự có thể được thể hiện dưới hai loại:

Loại 1: Áp dụng tương tự quy phạm pháp luật để giải quyết một vụ việc tương tự với một vụ việc khác do chính quy phạm này điều chỉnh (có quan hệ B, có quy phạm B trực tiếp điều chỉnh, quan hệ A tương tự như B thuộc cùng lĩnh vực. Trong trường hợp này có thể dùng quy phạm B để điều chỉnh quan hệ A).

Loại 2: Áp dụng tương tự pháp luật là việc áp dụng những nguyên tắc pháp lý chung và ý thức pháp luật để giải quyết một vụ việc cụ thể mà chưa có quy phạm pháp luật tương ứng điều chỉnh hoặc chưa có quy phạm pháp luật tương tự.

Áp dụng tương tự pháp luật và áp dụng tương tự quy phạm pháp luật đòi hỏi phải được tiến hành trong sự tuân thủ nghiêm chỉnh, chính xác, triệt để nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa. Khi áp dụng tương tự pháp luật phải đáp ứng điều kiện sau:luat  

Thứ nhất, chủ thể có thẩm quyền áp dụng phải xác định được tính chất pháp lý của vụ việc cần áp dụng. Tức là vụ việc đó phải thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật. Nếu vụ việc không có tính chất pháp lý thì đương nhiên chủ thể có thẩm quyền không cần thụ lý và giải quyết. Khi áp dụng pháp luật tương tự, chủ thể có thẩm quyền cần phân tích, giải thích pháp luật. Việc phân tích, giải thích pháp luật rất quan trọng, nó cho phép lựa chọn đúng quy phạm phạm pháp luật điều chỉnh trường hợp gần giống với sự việc cần áp dụng hoặc tìm ra những nguyên tắc nhất định từ đó để giải quyết vụ việc. Trong áp dụng pháp luật tương tự, kiến thức pháp lý của chủ thể có thẩm quyền đóng vai trò quan trọng.

Thứ hai, chủ thể có thẩm quyền áp dụng phải xác định được một cách chắc chắn rằng trong hệ thống pháp luật không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh vụ việc đó (vì có như vậy thì mới có thể được phép áp dụng pháp luật tương tự) nhưng có quy phạm điều chỉnh vụ việc khác có nội dung tương tự như vậy (vì khi đó thì mới có thể áp dụng tương tự quy phạm pháp luật). Đồng thời, phải xác định được một cách cụ thể quy phạm tương tự đó nằm trong điều khoản nào của văn bản quy phạm pháp luật nào để có thể coi đó là cơ sở pháp lý cho hoạt động giải quyết vụ việc của mình.

Áp dụng pháp luật tương tự là hoạt động rất cần thiết trong cuộc sống nhằm khắc phục tất cả các chỗ trống của pháp luật, để điều chỉnh cụ thể đối với tất cả các quan hệ xã hội cần điều chỉnh bằng pháp luật nhưng lại chưa có pháp luật để điều chỉnh, bất kể đó là trường hợp chưa có nhu cầu điều chỉnh khi ban hành pháp luật (tức là khi đó quan hệ xã hội chưa xuất hiện) hay trường hợp cần được điều chỉnh nhưng những người ban hành pháp luật chưa nhận thức ra được hay quan hệ xã hội đó chỉ là ngoại lệ, bất thường, chỉ xảy ra một vài lần trong cuộc sống. Nó cần thiết không chỉ cho riêng một quốc gia nào vì với điều kiện phức tạp và đầy biến động của đời sống xã hội thì khó có hệ thống pháp luật của quốc gia nào đủ khả năng điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội cần điều chỉnh bằng pháp luật, kể cả khi có trình độ phát triển tương đối cao. Bên cạnh tác dụng trên, áp dụng pháp luật tương tự còn có tác dụng khác nữa là tạo điều kiện tích lũy kinh nghiệm giải quyết các vụ việc thực tế cho các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật, đồng thời trên cơ sở đó có thể đề xuất giải pháp xây dựng và hoàn thiện pháp luật./

Bùi Thị Bích Ngọc

Giảng viên Khoa Nhà nước – pháp luật