• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VAI TRÒ CỦA CÔNG CHỨC HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH TRONG BỘ MÁY HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
Ngày xuất bản: 31/10/2022 3:26:00 CH
Lượt đọc: 8337

 

Bộ máy hành chính nhà nước hay còn được gọi là các cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Đây là một bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước, được tổ chức một cách thống nhất từ trung ương đến địa phương, đứng đầu là Chính phủ. Bộ máy hành chính nhà nước có vai trò quan trọng trong việc quản lý, điều hành, điều chỉnh xã hội, đảm bảo cho nhà nước ổn định, phát triển và hiện đại. Một trong những yếu tố góp phần tạo nên sự hiệu quả trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước đó chính là nền hành chính nhà nước. Có nhiều cách tiếp cận về nền hành chính nhà nước, nhưng phổ biến hiện nay cho rằng nền hành chính nhà nước là hệ thống các yếu tố hợp thành về tổ chức (thể chế, bộ máy, con người, nguồn lực công) và cơ chế hoạt động để thực thi quyền hành pháp. Theo cách tiếp cận này, về cấu trúc của nền hành chính nhà nước bao gồm các yếu tố:

 Thứ nhất, hệ thống thể chế hành chính được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước nhà nước.

 Thứ hai, cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy hành chính nhà nước các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đảm bảo cho bộ máy hành chính nhà nước vận hành ổn định và hiệu quả.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ, công chức hành chính là những người trực tiếp thực thi công vụ trong bộ máy hành chính công quyền đảm bảo cho bộ máy hành chính vận hành ổn định, hiểu lực, hiệu quả góp phần xây dựng, phát triển đất nước cũng như đáp ứng những nhu cầu và nguyện vọng chính đáng cho người dân.

Thứ tư, nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm cho các hoạt động công vụ được diễn ra thường xuyên, ổn định và hiệu quả.

Như vậy, có thể nhận thấy công chức hành chính nói chung và công chức hành chính cấp tỉnh nói riêng là một mắt xích quan trọng không thể thiếu của nền hành chính nhà nước. Đội ngũ này có vai trò thực thi pháp luật để quản lý, điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của giai cấp cầm quyền. Mặt khác, đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh có một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thay mặt cho Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo đúng chính sách là thẩm quyền được giao.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì hệ thống hành chính nhà nước được chia thành 4 cấp (cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). Như vậy, không khó để nhận thấy trong hệ hành chính thì chính quyền cấp tỉnh có một vị trí rất quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Đó là cầu nối trực tiếp giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp hành chính ở địa phương với nhau điều này góp phần tạo nên tính thông suốt, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước. Công chức hành chính cấp tỉnh là những người tham mưu tổng hợp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách, kế hoạch, dự án…để quản lý nhà nước ở địa phương, phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu và lợi ích cho nhân dân địa phương. Có thể nhận thấy các chủ trương, chính sách, pháp luật của địa phương có tốt hay không phụ thuộc nhiều vào đội ngũ này. Đồng thời sau khi được ban hành thì nó có đến được với nhân dân hay không, đến đúng, đến đủ và có được nhân dân tiếp thu đúng đắn hay không phụ thuộc khá nhiều vào đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh.

Vai trò quan trọng của công chức hành chính cấp tỉnh được thể hiện cụ thể trên các khí cạnh sau đây:

Một là, công chức hành chính cấp tỉnh là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền hành chính nhà nước, là chủ thể xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật ở địa phương. Công chức hành chính cấp tỉnh luôn giữ vai trò chủ đạo trong công cuộc xây dựng, phát triển của địa phương góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Một địa phương có đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh đầy đủ phẩm chất chính trị, có trình độ chuyên môn và năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước là một địa phương mạnh. Bởi cơ quan hành chính cấp tỉnh là nơi trực tiếp tiếp nhận và thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong thực tế. Đồng thời vận dụng có hiệu quả các chủ trương, đường lối đó phù hợp với thực tế của địa phương. Và đương nhiên thì mọi hoạt động của cơ quan hành chính cấp tỉnh đều do công chức hành chính thực hiện. Do đó, công chức hành chính cấp tỉnh là một bộ phận không thể thiếu trong hoạt động công vụ của nhà nước. Trong mọi hoạt động công vụ thì mọi công chức luôn phải phát huy những vai trò của mình trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước nói chung và địa phương nói riêng.

 Công chức hành chính cấp tỉnh có chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm tạo ra định hướng phát triển, dẫn dắt các quá trình xã hội và hành vi, hoạt động của công dân, tổ chức một cách đúng đắn hà hiệu quả. Kết quả sự thể hiện ý chí của các nhà lãnh đạo, quản lý hay nói cách khác là những quyết định lãnh đạo, quản lý được ban hành bởi các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các cá nhân có thẩm quyền và thậm chí ngay bên trong mỗi tổ chức thuộc khu vực công đều có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ công chức, chí ít là với vai trò là đội ngũ tham mưu trong hoạch định các chính sách và ban hành các quyết định lãnh đạo, quản lý. Do đó, những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quyết định của chính quyền địa phương có phản ánh đúng đòi hỏi khách quan của thực tiễn quản lý và đời sống xã hội hay không là phụ thuộc rất lớn ở chất lượng hoạt động của đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh ở từng vị trí khác nhau trong nền công vụ.

Công chức hành chính cấp tỉnh là những người người trực tiếp thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong thực tế góp phần giải thích cho nhân dân hiểu rõ và thi hành. Ngoài ra, thông qua việc nắm bắt tình hình triển khai thực hiện trong thực tế giúp công chức hành chính cấp tỉnh phát hiện ra những hạn chế, thiếu sót khi thực hiện. Đồng thời cũng là kênh để chuyển tải những mong muốn, nguyện vọng của nhân dân với Đảng và Nhà nước để từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung cho đúng, phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.

Hai là, công chức hành chính cấp tỉnh là nguồn nhân lực quan trọng của hệ thống chính trị, giữ vai trò trong quản lí, điều hành và tổ chức thực hiện hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. Công chức hành chính cấp tỉnh có nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp, hoạch định các chính sách để thực hiện đường lối, của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thực tiễn. Đồng thời tiếp thu nguyện vọng của nhân dân, nắm bắt những yêu cầu thực tiễn của cuộc sống để phản ánh kịp thời với cấp trên giúp cho Đảng và Nhà nước đề ra được những chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn.

Công chức hành chính cấp tỉnh có vai trò quan trọng trong quản lí và tổ chức công việc của chính quyền các cấp góp phần cho việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích của người dân địa phương. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì công chức hành chính sẽ đảm nhận và thực hiện những nhiệm vụ nhất định. Hoạt động thực thi công vụ của họ có vai trò trực tiếp trong việc duy trì trật tự, kỷ cương, kỷ luật của Nhà nước và bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động; bảo vệ các quyền tự do, dân chủ, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thông qua việc xử lý, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật góp phần ổn định tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Chất lượng hoạt động của công chức hành chính cấp tỉnh quyết định khá nhiều đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực của tđịa phương. Theo quy định của pháp luật thì các cơ quan nhà nước là tổ chức công quyền đại diện cho cho toàn xã hội khai thác và sử dụng các nguồn lực của quốc gia, địa phương cho các mục tiêu khác nhau của từng thời kỳ phát triển, đồng thời là chủ thể trực tiếp thực hiện sự tác động mang tính chất toàn diện, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, khi công chức hành chính cấp tỉnh hoạt động chất lượng, hiệu quả là chính là cơ sở quan trọng giúp cho hoạt động của chính quyền đia phương được tăng cường về tính hiệu lực, hiệu quả, đồng nghĩa với việc các nguồn lực của địa phương sẽ được khai thác hợp lý, tiết kiệm cho các mục tiêu phát triển.

Để thực hiện tốt vai trò này đòi hỏi đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh phải đủ năng lực trình độ, có khả năng tổ chức, tập hợp mọi người cùng tham gia hoạt động; phải có khả năng xử lý các tình huống phát sinh ở cơ sở, đó là các tình huống về tài chính, ví dụ: giải tỏa, đền bù đất đai; các tình huống về thiên tai, địch họa; về xử lí vi phạm pháp luật, những va chạm xóm giềng, dòng tộc hay những tình huống nảy sinh khi ra những quyết định sai trái với cấp trên… Đồng phải có khả năng kiểm tra, đánh giá hoạt động của mình, của đồng nghiệp và khả năng tổng kết việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách để góp phần quản lí và tổ chức công việc của chính quyền cơ sở.

Ba là, công chức hành chính cấp tỉnh có vai trò trong xây dựng, hoàn thiện bộ máy chính quyền địa phương thông qua hoạt động công vụ. Đây là nguồn nhân lực có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính hành chính nhà nước ở địa phương góp phần trong việc thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới đất nước.

Trong cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước thì đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh được bố trí, sắp xếp một cách khoa học, tinh gọn, hợp lý, đúng người, đúng việc không có sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các bộ phận, phòng ban.  Điều này góp phần cho bộ máy nhà nước nói chung và bộ máy của chính quyền địa phương nói riêng được hoàn thiên. Cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền cấp tỉnh vững mạnh là nền tảng, tiền đề để phát huy năng lực của đội ngũ công chức đồng thời góp phần kiện toàn và hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước.

Trong hoạt quản lý nhà nước ở địa phương công chức hành chính cấp tỉnh là những người trực tiếp tổ chức và thực hiện. Họ là những người tham gia xây dựng các chủ trương, đường lối để đổi mới và phát triển địa phương, đất nước; hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thực hiện thông qua các hoạt động công vụ. Hoạt động của đội ngũ này quyết định sự thành bại của đường lối và nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước trong thực tiễn đời sống. Chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có được thực thi tốt hay không, có hiệu quả hay không một phần quyết định là ở đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh. Thực hiện công cuộc đổi mới Đảng ta đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đất nước. Xây dựng đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh có năng lực ngang tầm với nhiệm vụ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

 Bốn là, công chức hành chính cấp tỉnh có vai trò trong việc tạo lập và tăng cường mối quan hệ giữa dân với Đảng, Nhà nước. Trong hoạt động công vụ công chức hành chính cấp tỉnh là người đại diện cho bộ mặt của Đảng, Nhà nước để tiếp xúc, giải quyết các công việc với nhân dân. Trong các hoạt động công vụ liên quan đến giải quyết công việc với cơ quan, tổ chức, công dân, chất lượng hoạt động cũng như từng thái độ, hành vi của công chức hành chính cấp tỉnh đều trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến cách nhìn và đánh giá của người dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý, phục vụ của Nhà nước, nhất là trong giai đoạn chúng ta đang đảy mạnh, tăng cường phát huy dân chủ như hiện nay. Do đó, niềm tin và mối quan hệ giữa dân với Đảng, Nhà nước có được củng cố, thắt chặt hay không là phụ thuộc rất lớn ở đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh. Trong thực tế, các hoạt động của đời sống xã hội rất phong phu và đa dạng, không thiếu những phát sinh, mâu thuẫn cần sự giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Công việc này là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công chức hành chính cấp tỉnh. Thông qua đó góp phần tạo lập và củng cố mối quan hệ giữa Đảng Nhà nước và nhân dân. Đây là mối quan hệ không thể tách rời trong mọi thời kỳ phát triển của nhà nước.

Xuất phát từ vai trò quan trọng của công chức hành chính cấp tỉnh đối với nền hành chính của nhà nước nói chung và với mỗi địa phương nói riêng nên việc xây dựng một đội ngũ công chức hành chính cấp tỉnh đáp ứng được nhiệm vụ là một đòi hỏi mang tính khách quan và cần thiết, Do đó, việc nâng cao chất lượng công chức hành chính cấp tỉnh là một hoạt động rất quan trọng và cấp bách của Đảng và Nhà nước ta trong công tác cán bộ, nhất là khi chúng ta đang trên con đường đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hoàng Khắc Cương

Khoa Nhà nước và Pháp luật