• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG PHONG CÁCH LÀM VIỆC KHOA HỌC CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, GIẢNG VIÊN TRẺ TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI
Ngày xuất bản: 15/05/2019 8:12:00 SA
Lượt đọc: 26393

               Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Đảng ta chính thức phát động vào năm 2007 đã trải qua chặng đường hơn 10 năm với nhiều chủ đề và có sự thay đổi về tính chất theo từng năm. Năm 2018, Bộ Chính trị đã lấy trọng điểm cho việc học tập và làm theo Bác, đó là “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó, hai nội dung chính là xây dựng phong cách làm việc của người cán bộ, đảng viênxây dựng phong cách lãnh đạo của người đứng đầu. Đây là một chủ đề thiết thực, là những bài học quý báu, phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30-10-2016 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.

               Từ việc học tập và nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, bài viết xin được trao đổi một số nội dung về xây dựng phong cách làm việc khoa học, từ đó đề xuất một số giải pháp để góp phần xây dựng phong cách làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ tại Trường Chính trị tỉnh Yên Bái.

Phong cách làm việc khoa học là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Sinh thời, Người thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu đội ngũ cán bộ phải thường xuyên rèn luyện để có được phong cách này. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh viết: “Nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa[1]. “Đúng hơn”, “khéo hơn” chính là cách làm việc khoa học. Xây dựng phong cách làm việc khoa học cho người cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần tập trung thực hiện các nội dung sau:

              Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi khi xem xét và quyết định mọi việc đều phải điều tra, nghiên cứu, phân tích toàn diện, phải tôn trọng quy trình ra quyết định, tranh thủ ý kiến của tập thể lãnh đạo và quần chúng. Người chỉ rõ: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”[2]. Đặc biệt, đối với những vấn đề mới, phức tạp có ảnh hưởng lớn tới tổ chức Đảng, đơn vị, bộ đội và nhân dân, cần phải làm thử, làm điểm trước khi quyết định. Tuyệt đối không ra quyết định khi chưa có thông tin đầy đủ, chưa có phương án tính toán hiệu quả. Tránh chủ quan duy ý chí, che giấu khuyết điểm để chạy theo thành tích.

              Phong cách làm việc khoa học là phải biết quý trọng thời gian, giờ nào việc nấy; làm việc phải có mục đích và kế hoạch rõ ràng, tập trung; chương trình, kế hoạch đặt ra phải phù hợp. Hồ Chí Minh giải thích: “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn, nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”[3]. Người phê phán những cán bộ vạch ra “Chương trình công tác thì quá rộng rãi mà kém thiết thực”[4] và căn bệnh “đánh trống bỏ dùi” gây lãng phí tiền của, nhân lực và thời gian của nhân dân. Hồ Chí Minh khuyên cán bộ, trong bất cứ công việc gì cũng phải hiểu năng lực của cấp dưới mà bố trí, sử dụng cho đúng, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”. Khi giao công việc cho cấp dưới phải rõ ràng, đầy đủ, phải dự báo được những tình huống có thể xảy ra cho cấp dưới và phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của cấp dưới.

               Phong cách làm việc khoa học yêu cầu người cán bộ giải quyết công việc trên cơ sở dữ liệu khách quan, dựa trên nền tảng thực tế để lựa chọn ra phương án khả thi nhất và phương án ấy phải đặt trong tổng thể chiến lược lâu dài. Không được rơi vào “Bệnh cận thị - không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ”[5]. Người cán bộ không được vì cái lợi nhỏ trước mắt mà làm tổn hại đến lợi ích to lớn, lâu dài. Tầm nhìn - đó chính là phẩm chất của người có tư duy khoa học và có cách làm việc khoa học.

                Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi người cán bộ phải có cách đánh giá đúng người, đúng việc, sắp xếp công việc cho hợp lý; lại phải biết cách kiểm tra, giám sát công việc và cấp dưới một cách hiệu quả, qua đó thấy được việc thi hành đường lối, nghị quyết của Đảng như thế nào và cần điều chỉnh cái gì… Kiểm tra còn có tác dụng phân loại, đánh giá cán bộ, vì “Có kiểm tra… mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”[6]. Cán bộ lãnh đạo làm việc khoa học, chặt chẽ thì cấp dưới không thể “qua mặt”.

              Ngoài ra, phong cách làm việc khoa học còn đòi hỏi người cán bộ sau mỗi một việc cần phải rút kinh nghiệm, thấy được điểm mạnh và hạn chế của bản thân để từ đó có phương hướng đạt kết quả tốt hơn trong các việc sau. Hồ Chí Minh viết: “công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”[7].

              Học tập và làm theo phong cách làm việc khoa học của Bác, mỗi cán bộ, giảng viên, đặc biệt là cán bộ, giảng viên trẻ Trường Chính trị Yên Bái trong quá trình làm việc đã xác định rõ ràng về mục tiêu, cách thức thực hiện để từ đó xây dựng cho mình các kế hoạch làm việc cụ thể, thiết thực; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về giờ giấc, tiến độ công việc để hoàn thành đúng thời hạn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, đa số cán bộ, giảng viên đều có có tinh thần cầu tiến, ý thức trách nhiệm, nêu gương. Vì vậy, đã đạt được những thành quả nhất định, nâng cao chất lượng giảng dạy của mỗi cá nhân và uy tín, vị thế của Nhà trường.

             Bên cạnh đó, vẫn có một số ít cán bộ, giảng viên chưa thật sự tập trung, tận tâm, chưa chủ động, sáng tạo, còn chểnh mảng, thụ động theo kiểu “bảo sao làm vậy” trong công việc. Hay có những cán bộ, giảng viên có kiến thức, sự nhiệt tình, có trách nhiệm nhưng phong cách làm việc chưa phù hợp. Cho nên, cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả công việc chung của Nhà trường.

            Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách làm việc khoa học của đội ngũ cán bộ. Xuất phát từ thực tiễn tại Nhà trường, để có phong cách làm việc khoa học, theo tôi, bản thân mỗi cán bộ, giảng viên cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện phong cách làm việc của mình theo hướng sau:

            Một là, mỗi cá nhân phải xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong từng việc, trong từng nhiệm vụ được giao để có thái độ đúng đắn trong công việc.

Hai là, mỗi cá nhân cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc của bản thân. Kế hoạch phải đi vào chi tiết, cụ thể, từ nhỏ đến lớn, từ ngắn hạn đến dài hạn, từ giờ nào làm việc đến ngày, tuần, tháng, việc nào ưu tiên làm trước, việc nào làm sau… để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công việc, tránh tình trạng việc chồng chéo.

Ba là, mỗi cá nhân phải luôn có thái độ cầu thị, tích cực học hỏi, rút kinh nghiệm, luôn chủ động nghiên cứu tài liệu, tự rèn luyện để nâng cao kiến thức, phẩm chất và năng lực phù hợp với chức trách và nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cần tăng cường học tập, rèn luyện từ thực tiễn để nắm chắc chủ động gắn lý luận với thực tiễn, đúc rút những kinh nghiệm quý cho chính mình. Đây là cơ sở quan trọng để rèn luyện phong cách làm việc khoa học cho mỗi cán bộ, giảng viên.

Bốn là, mỗi cá nhân phải phát huy tư duy sáng tạo khi làm việc; tránh dập khuôn, máy móc; tránh nóng vội, làm việc theo cảm tính chủ quan, áp đặt duy ý chí.

Năm là, sau mỗi nhiệm vụ, mỗi cá nhân nên tự tổng kết rút kinh nghiệm, để thấy rõ ưu, khuyết điểm của bản thân, từ đó để tiến hành những công việc khác tốt hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ. Người coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vì thế, Người rất quan tâm đến xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, trong đó có xây dựng, rèn luyện phong cách làm việc. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị sẽ quyết tâm rèn luyện, tu dưỡng để hình thành cho mình phong cách làm việc khoa học để nâng cao hiệu quả công việc, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao.

 Lương Thị Hải Yến

Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh