• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VẬN DỤNG NGUYÊN LÝ MỐI LIÊN HỆ PHỔ BIẾN VÀO XEM XÉT MỐI QUAN HỆ GIỮA PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Ngày xuất bản: 08/11/2019 4:05:00 CH
Lượt đọc: 22075

           Các nguyên lý, phạm trù, quy luật của triết học được rút ra từ thực tiễn và sự vận động của thực tiễn vừa là nguồn gốc vừa là cơ sở chứng minh cho sự đúng đắn của các nguyên lý, phạm trù, quy luật triết học. Là giảng viên giảng dạy triết học tại Trường Chính trị, ngoài việc nghiên cứu triết học về mặt lý luận thì cần phải xem xét sự vận động của thực tiễn để đối chiếu với những vấn đề lý luận đó, từ đó rút ra được những ví dụ thực tiễn sinh động minh họa cho bài giảng thêm phong phú, thu hút người học.

            Một trong những vấn đề được bàn đến vài thập kỷ gần đây là vấn đề mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường hay nói theo cách khác là vấn đề phát triển bền vững. Thế hệ của chúng ta ngày hôm nay cần phát triển kinh tế sao cho sự phát triển đó vừa đem lại lợi ích cho xã hội hiện tại mà không làm ảnh hưởng tới sự phát triển của thế hệ mai sau, đó chính là mục đích mà nhân loại đang hướng tới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế lại không đi đôi với sự tái tạo chất lượng môi trường khiến môi trường ngày càng bị ô nhiễm, không thể thực hiện được các chức năng vốn có của môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống con người. Do vậy, triết học có nhiệm vụ đề ra phương pháp luận về sự tác động qua lại giữa các khoa học trong việc nghiên cứu vấn đề phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng ý thức đúng đắn của con người trong mối quan hệ với giới tự nhiên.

* Một số khái niệm:

Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật (Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2005).

Phát triển kinh tế là sự tăng tiến về mọi mặt của nền kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ và nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư.

Phát triển bền vững là sự phát triển của hiện tại, không làm tổn hại hay cản trở đến sự phát triển của mai sau. Phát triển bền vững đề cập trên cả ba lĩnh vực: Phát triển bền vững về kinh tế, phát triển bền vững về xã hội và phát triển bền vững về môi trường.

Nguyên lý mối liên hệ phổ biến nói lên rằng mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới (cả tự nhiên, xã hội và tư duy) dù đa dạng phong phú, nhưng đều nằm trong mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác. Cơ sở của mối liên hệ này là tính thống nhất vật chất của thế giới.

* Xem xét mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường qua quan điểm toàn diện của nguyên lý mối liên hệ phổ biến:

Vai trò của môi trường đối với kinh tế:

Môi trường hay nói rộng ra là giới tự nhiên có mối quan hệ chặt chẽ với đời sống kinh tế của con người và chính sự tồn tại, phát triển của loài người. Trước hết, con người chỉ có thể tồn tại và phát triển ở trong xã hội; mặt khác, con người là “một bộ phận của giới tự nhiên”, là sản phẩm cao nhất của giới tự nhiên, sống dựa vào giới tự nhiên, nằm trong lòng của giới tự nhiên, gắn với giới tự nhiên bằng trăm nghìn mối dây liên hệ.

Con người muốn tồn tại và phát triển thì cần sản xuất, Ăngghen từng nói: Điểm khác biệt căn bản giữa xã hội loài người với xã hội loài vật là ở chỗ: Loài vật may lắm chỉ hái lượm trong khi con người lại sản xuất. Câu nói trên của Ăngghen nêu bật được vai trò quan trọng của sản xuất và khẳng định sản xuất chính là nền tảng cho sự hình thành và phát triển của xã hội loài người. Nhưng con người không thể sản xuất và tiêu dùng bất cứ một vật phẩm nào mà lại không cần đến sự cung cấp các nguyên vật liệu đầu vào của giới tự nhiên. Hiện nay, sự phát triển không ngừng của khoa học cho phép con người thay thế nhiều nguyên liệu từ tự nhiên bằng nguyên liệu nhân tạo, song không thể thay thế hoàn toàn các nguyên nhiên liệu do tự nhiên cung cấp. Con người chỉ có thể phát hiện và vận dụng các quy luật để cải tạo tự nhiên, làm chủ hoàn cảnh sống của mình trong mức độ nhất định chứ không thể làm chủ tự nhiên và thay đổi các quy luật của tự nhiên. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất và tiêu dùng của cải vật chất, chất thải do con người tạo ra được đào thải vào môi trường. Tại đây, dưới tác động của các vi sinh vật và các yếu tố môi trường, chất thải sẽ bị phân hủy, biến đổi thành các chất đơn giản hơn và tham gia vào hàng loạt các quá trình sinh địa hóa phức tạp để trở thành các dạng sạch. Nhờ vậy, xã hội loài người được sống trong môi trường đảm bảo về chất lượng. Nếu môi trường không có chức năng này thì chẳng mấy chốc Trái đất sẽ chìm trong biển rác. Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận và phân hủy chất thải của môi trường có giới hạn nhất định. Khi lượng chất thải vượt quá giới hạn này thì các yếu tố môi trường sẽ không đủ khả năng và gặp khó khăn trong quá trình phân hủy, do đó chất lượng môi trường sẽ giảm và sẽ bị ô nhiễm. Đây chính là vòng tuần hoàn của mối tương tác giữa con người với “thân thể vô cơ” của nó trong một thế giới vật chất thống nhất luôn vận động vô cùng vô tận. Trong đó, môi trường sống hay nói rộng ra là giới tự nhiên là tiền đề, điều kiện cho sự hình thành và phát triển của con người, con người có thể tác động trở lại môi trường theo hai hướng tích cực hoặc tiêu cực.

Tác động của kinh tế đến môi trường:

Từ thế kỷ XIX, trong tác phẩm “Tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người” Ăngghen đã cảnh báo con người về việc “không nên quá tự hào về thắng lợi của mình đối với giới tự nhiên”. Bởi vì, cứ mỗi lần chúng ta đạt được một thắng lợi là một lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta. Ăngghen đưa ra ví dụ, mỗi một thắng lợi, trước hết là đem lại cho chúng ta những kết quả mà mình hằng mong muốn, nhưng đến lượt thứ hai, lượt thứ ba, thì nó lại gây ra những tác dụng hoàn toàn khác hẳn, không lường trước được - những tác dụng thường hay phá hủy tất cả những kết quả đầu tiên đó. Ở Mê-xô-pô-ta-ni1, Hy Lạp, Tiểu Á2 và ở các nơi khác, khi người ta phá rừng để có đất cày cấy, không mấy khi họ nghĩ rằng làm như thế là tạo ra nguồn gốc phát sinh những mối tai họa hiện nay ở những nơi đó, bởi khi phá rừng họ đã hủy hoại cả những trung tâm chứa nước và giữ nước. Những người ở miền núi I-ta-li-a khi phá hoại đám rừng tùng trên sườn phía nam dãy núi An-pơ, trong khi những đám rừng như thế được bảo vệ một cách rất chu đáo bên sườn phía bắc dãy núi này, thì họ không nghĩ rằng làm như vậy sẽ phá hoại việc chăn nuôi trên núi cao, và họ lại càng không nghĩ rằng như thế sẽ làm cho các dòng suối trên núi bị khô cạn suốt một phần lớn thời gian trong năm và đến mùa mưa thì nước lũ của các dòng suối đó lại tuôn xuống càng dữ dội hơn nữa, làm ngập cả đồng bằng. 

Hiện nay, ở Việt Nam - theo số liệu của Tổng cục Thống kê - dân số đã vượt mốc 90 triệu người, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có dân số đứng thứ 13 trên thế giới, và thứ 3 ở Đông Nam Á. Quá trình gia tăng dân số nhanh chóng kéo theo những nhu cầu ngày càng tăng về sinh hoạt, giáo dục, đào tạo, chăm sóc y tế, giao thông vận tải, nhà ở, việc làm,... làm gia tăng sức ép đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, cũng vì vậy mà gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường. Một số thực trạng ô nhiễm môi trường phải kể đến:

Ô nhiễm sông ngòi: Sông ngòi không chỉ ở thành phố mà cả vùng nông thôn cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề do rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề, rác thải nông nghiệp và rác thải từ các khu công nghiệp vẫn đang từng ngày, từng giờ đổ xuống, làm ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống, sức khỏe của cộng đồng.

Bãi rác công nghệ và chất thải: Nhiều dự án luyện, cán thép lớn, ti tan, bauxite nhôm Tây Nguyên và gần 5.500 công-ten-nơ, 1.323 kiện hàng chủ yếu chứa phế liệu đang nằm tại các cảng biển… có nguy cơ biến Việt Nam thành nơi tập trung “rác” công nghệ và chất thải.

Ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp: Nguồn chất thải vào môi trường từ trồng trọt và chăn nuôi đang có xu hướng gia tăng, trong khi việc kiểm soát chưa đạt hiệu quả cao, tổng khối lượng chất thải trong chăn nuôi của nước ta hiện khoảng hơn 73 triệu tấn/năm. Tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt một cách tràn lan, kiểm soát không chặt chẽ đã gây ô nhiễm môi trường đất, nước.

Đi cùng với đó, theo như đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại lên đến 5% GDP hàng năm. Theo như kết quả dự đoán được của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia thì trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng tổng đầu tư toàn xã hội và việc làm sẽ bị giảm trung bình mỗi năm tương ứng khoảng 1,2 và 0,08%, cùng lúc đó tăng trưởng tiêu dùng bình quân mỗi năm cũng sẽ giảm 0,1% theo như dự đoán.

Như vậy, phát triển kinh tế luôn đi kèm với khai thác tài nguyên thiên nhiên, làm mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường dù nhiều hay ít. Trong lịch sử, kể từ khi loài người chuyển từ phương thức sản xuất phong kiến lên phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa với mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, cho đến thời gian gần đây kể từ thập niên 60 của thế kỷ XX, các nhà máy được xây dựng nhiều nơi để khai thác lợi thế theo quy mô, đi kèm với đó là khai thác khối lượng lớn tài nguyên thiên nhiên, sự sản sinh của khí và chất thải, cũng như bụi bặm đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng….Với tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, nếu không có các biện pháp cần thiết để hạn chế và phòng tránh ô nhiễm môi trường thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và sức khỏe của con người trong thời gian dài sau này.

* Vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam:

Phát triển bền vững là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Chính phủ đã ban hành Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam (2004), Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường.

Quan điểm phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015 và 2016 - 2020. Đất nước đã đạt được các thành tựu về phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường như tốc độ tăng trưởng GDP, giảm nghèo bền vững, phổ cập giáo dục, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe…

Tuy nhiên, nhận thức về phát triển bền vững của không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhiều người dân còn chưa đầy đủ, thống nhất; các chính sách kinh tế - xã hội còn thiên về tăng trưởng nhanh kinh tế và ổn định xã hội, mà chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến tính bền vững khi khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030.

Báo cáo đánh giá thường niên lần thứ tư về tiến độ thực hiện SDGs do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và Quỹ Bertelsmann Stiftung của Đức vừa được công bố đưa ra chỉ số đánh giá kết quả thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của 162 nước và vùng lãnh thổ dựa trên thang điểm từ 0 (kém nhất) đến 100 điểm (tốt nhất) và xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp.

Theo bảng xếp hạng vừa công bố điểm trung bình của các nước khu vực Đông Nam Á là 65,7, trong đó Thái Lan có thứ hạng cao nhất với 73 điểm, xếp thứ 40; Việt Nam xếp thứ 2, đứng vị trí 54, tăng 3 bậc so với năm 2018. Các chỉ số xếp hạng cao của Việt Nam là xóa đói giảm nghèo (95 điểm), giáo dục (91 điểm), tiếp cận năng lượng (82 điểm), mô hình tiêu dùng, sản xuất bền vững (87 điểm), chống biến đổi khí hậu (94 điểm). Đó là kết quả hết sức đáng mừng cho nỗ lực vì phát triển bền vững của Đảng, Chính phủ và Nhân dân ta.

            Trên quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, để giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong tự nhiên, xã hội hay tư duy phải có sự nhìn nhận đánh giá tác động qua lại giữa hai mặt đối lập. Có thể thấy, kinh tế chỉ có thể phát triển bền vững khi môi trường được giữ gìn, bảo vệ và ngược lại. Nếu môi trường là cái nôi cung cấp sự sống và nuôi dưỡng sự sinh tồn của loài người, thì mỗi người trong chúng ta cũng phải có ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường sống. Phát triển bền vững không chỉ là mục tiêu nảy sinh khi có dấu hiệu cảnh báo từ thực tiễn buộc các chính phủ phải hành động để thực hiện, mà còn là mục tiêu mang tính nhân văn để đảm bảo cho sự phát triển về sau của thế hệ tương lai, đó cũng chính là những mục tiêu mà chủ nghĩa xã hội hướng tới. “Nghĩ xanh và sống xanh” là phương châm sống của thế hệ hôm nay và mai sau để xây dựng xã hội ổn định, phát triển và bền vững.

                                                            Nguyễn Thu Hương

Khoa Lý luận Cơ sở