• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VÀ SỰ VẬN DỤNG TRONG CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM
Ngày xuất bản: 10/05/2022 12:23:00 CH
Lượt đọc: 10850

Ths. HOÀNG THỊ LÊ

Đơn vị: Khoa Lý luận cơ sở

 

Được sự ủy nhiệm của “Đồng minh những người Cộng sản”, ngày 24 tháng 2 năm 1848, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản do C.Mác và Ph.Ănghen soạn thảo được công bố trước toàn thế giới. Sự ra đời của tác phẩm vĩ đại này đánh dấu sự hình thành về cơ bản lý luận của chủ nghĩa Mác gồm ba bộ phận hợp thành: Triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là văn kiện Cương lĩnh đầu tiên và là kim chỉ nam chỉ đạo hành động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tuyên ngôn là ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới tiến hành cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, đi lên chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là Cương lĩnh đầu tiên đặt ra mục tiêu, chỉ rõ lực lượng, điều kiện và phương thức đấu tranh nhằm giải phóng triệt để giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột và nô dịch, đưa con người đến cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc và phát triển toàn diện. Với ý nghĩa lớn lao đó, V.I.Lênin đã khẳng định: “Cuốn sách mỏng ấy có giá trị bằng hàng bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và chiến đấu trong thế giới văn minh”1.

Nội dung Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được C.Mác và Ph.Ăngghen trình bày thành 4 chương. Ngoài ra, mỗi lần xuất bản hai ông còn viết lời tựa để thuyết minh và làm rõ thêm nội dung tư tưởng của Tuyên ngôn (bổ sung nội dung Tuyên ngôn). Cụ thể, bao gồm:

- Chương I. Tư sản và vô sản.

- Chương II. Những người vô sản và những người cộng sản.

- Chương III. Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

- Chương IV. Thái độ của những người cộng sản đối với các đảng đối lập.

C.Mác và Ph.Ăngghen đã trình bày rõ: “Lịch sử tất cả các xã hội cho đến ngày nay, chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”2. Đến xã hội tư bản hiện đại xã hội cũng phân chia thành nhiều giai cấp trong đó có hai giai cấp cơ bản đối kháng đó là giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Nội dung cơ bản của lịch sử xã hội hiện đại là cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Cuộc đấu tranh đó đưa tới sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản. Trong sự vận động của quy luật ấy C.Mác và Ph.Ăngghen đã đánh giá rất cao vai trò của giai cấp tư sản khi nó còn giữ vị trí là giai cấp tiến bộ lật đổ chế độ phong kiến đã lỗi thời: “Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”3. Đồng thời Tuyên ngôn cũng chỉ rõ quy luật vận động tất yếu của xã hội loài người là cái cách mạng, cái tiến bộ nhất định sẽ thay thế cái lạc hậu không ai có thể cưỡng lại cũng như sự thắng lợi của chế độ tư bản chủ nghĩa đối với chế độ phong kiến đó là: “Giá rẻ của những sản phẩm của giai cấp ấy là trọng pháo bắn thủng tất cả những bức vạn lý trường thành và buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải hàng phục”4.

Vốn có bản chất là giai cấp tư hữu và bóc lột nên vai trò cách mạng của giai cấp tư sản bị hạn chế ngay từ đầu, giai cấp tư sản chỉ làm đơn giản hóa giai cấp và đối kháng giai cấp mà thôi. “Những vũ khí mà giai cấp tư sản dùng để đánh đổ chế độ phong kiến thì ngày nay quay lại đập vào chính ngay giai cấp tư sản”. “Giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí giết mình, nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy - những công nhân hiện đại, những người vô sản”5.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã chỉ cho giai cấp vô sản thấy rõ sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình là người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản và sáng tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn. Sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp vô sản do vị trí kinh tế - xã hội của giai cấp vô sản trong lịch sử quy định.

 Cùng với sự phát triển của đại công nghiệp thì các giai cấp khác đều bị “suy tàn” còn giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định: trong cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản thì sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau. Song ngày nay, đặc biệt là sau khi Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội huyênh hoang tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, giai cấp công nhân không còn sứ mệnh lịch sử như thời C.Mác nữa. Đó là điều hoàn toàn phi lý, sở dĩ chủ nghĩa xã hội chưa chiến thắng chủ nghĩa tư bản có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân trực tiếp là nhờ có hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trước đây là một đối trọng lớn. Vì vậy, các nước tư bản chủ nghĩa đã điều chỉnh chiến lược đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản và tìm mọi cách để thích nghi trong điều kiện mới để kéo dài sự tồn tại của nó. Mặt khác, chúng ta cũng phải dám nhìn thẳng vào sự thật để thấy những yếu kém, khuyết điểm của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, đó là do những sai lầm, yếu kém của những người cộng sản nói chung và ở các nước Liên xô, Đông Âu nói riêng, trong việc lạc hậu về nhận thức lý luận và vận dụng các quy luật khách quan, duy trì quá lâu mô hình chủ nghĩa xã hội không còn phù hợp với sự vận động và phát triển của thực tiễn. Đồng thời, chủ nghĩa tư bản rất lo sợ sự lớn mạnh của chủ nghĩa xã hội đã tìm mọi cách để chống phá bằng nhiều âm mưu thủ đoạn hết sức xảo quyệt và thâm độc, trong đó có chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Điều đó cho chúng ta thấy rõ bản chất phản động chống chủ nghĩa cộng sản của chủ nghĩa tư bản là không hề thay đổi kể từ khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời đến nay. Hơn nữa, nếu chúng ta nhìn nhận một cách đầy đủ, thì chúng ta cũng thấy rõ bản chất bóc lột, bất công và các vấn đề gây chiến tranh xâm lược, can thiệp vũ trang một cách trắng trợn ở các khu vực trên thế giới của chủ nghĩa tư bản không hề thay đổi.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời cách đây đã 174 năm. Song cho đến ngày nay, khi chúng ta đọc đi đọc lại, suy ngẫm, càng thấy rõ giá trị to lớn mà Tuyên ngôn đã chỉ ra, nó là cơ sở giúp chúng ta hiểu rõ quá khứ, hiện tại và tương lai phát triển của xã hội loài người; xã hội loài người đã trải qua các bước phát triển từ chế độ cộng sản nguyên thủy đến chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến, chế độ tư bản chủ nghĩa và tất yếu đến chủ nghĩa cộng sản văn minh, đó là tiến trình phát triển tất yếu của lịch sử không ai có thể ngăn cản được. Tuy nhiên, sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan, khách quan của sự vận động, phát triển của xã hội loài người.

Không đầy 25 năm sau khi Tuyên ngôn của Đảng cộng sản ra đời (1848), trong lời tựa viết cho bản tiếng Đức 1872, C.Mác và Ph.Ăngghen đã căn dặn “bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng tùy theo hoàn cảnh lịch đương thời và do đấy không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt cũng phải viết khác đi. Vì đại công nghiệp đã có những bước tiến hết sức lớn trong 25 năm qua”. Điều đó cho chúng ta thấy Tuyên ngôn của Đảng cộng sản là cơ sở nhằm cung cấp thế giới quan và phương pháp luận cho cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản. Lý luận đó có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhằm chống lại giai cấp tư sản trên toàn thế giới. Khi đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta không được coi lý luận của chủ nghĩa Mác như cái gì xong xuôi hoặc bất khả xâm phạm, lý luận đó chỉ đặt nền móng và những người cộng sản chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống. Vì vậy, “lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng những nguyên lý ấy, xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga”6.

174 năm qua, thế giới đã diễn ra biết bao biến cố lịch sử và lịch sử nhân loại cũng đã chứng kiến nhiều biến đổi thăng trầm, có cả những sự đổi thay đến không ngờ, không thể tưởng tượng nổi. Song cho đến nay, về đại thể, những nguyên lý nền tảng, những tư tưởng cơ bản và chủ đạo của Tuyên ngôn “vẫn còn hoàn toàn đúng” và tinh thần của nó “vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”. Tuyên ngôn vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại vốn có của nó, vẫn xứng đáng được thừa nhận là Cương lĩnh lý luận giàu sức sống thực tiễn, Cương lĩnh thúc đẩy hành động của giai cấp vô sản, giai cấp công nhân toàn thế giới, và như V.I.Lênin khẳng định, vẫn là tuyên ngôn của “chủ nghĩa xã hội thế giới”. Tuyên ngôn vẫn thực sự là “cuốn sách gối đầu giường cho tất cả những người công nhân giác ngộ” và những người mácxít chân chính vẫn đi theo ánh sáng và tinh thần của nó, vẫn lấy những tư tưởng cơ bản, chủ đạo, những nguyên lý nền tảng của nó làm cơ sở lý luận, khoa học cho việc xây dựng đường lối chiến lược và sách lược cách mạng, cho sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Chúng ta có thể coi là một minh chứng hùng hồn cho nhận định này - đó là sự kiện giành thắng lợi của công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác từ những thập niên cuối của thế kỷ XX đến nay, mà một trong những cái làm nên thắng lợi ấy là ánh sáng và tinh thần của Tuyên ngôn.

Dưới ánh sáng và tinh thần của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, 174 năm qua, giờ đây, chúng ta đã có được cả cơ sở lý luận lẫn thực tiễn để khẳng định rằng, lịch sử nhân loại, phong trào cách mạng thế giới đang phải trải qua những bước quanh co, song cuối cùng, nhân loại nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội, vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử. Chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, từ những bài học thành công và thất bại trong các chặng đường lịch sử tồn tại và phát triển của nó, cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, tất có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là tác phẩm kinh điển chủ yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học. Những nguyên lý mà C.Mác và Ph.Ăngghen trình bày trong tác phẩm là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trải qua mọi thử thách gần hai thế kỷ qua phong trào cộng sản và công nhân quốc tế biến đổi, có nhiều vấn đề mới đặt ra đòi hỏi cần giải quyết nhưng chủ nghĩa Mác không hề lỗi thời. Ở Việt Nam Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã đặt nền tảng tư tưởng cho những vấn đề về Đảng và công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định “Điểm xuyên suốt có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng hiện nay là tiếp tục giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng”7.

Trong đường lối cách mạng, Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quán triệt và vận dụng tư tưởng cốt lõi của Tuyên ngôn. Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng (2021), Đảng ta chỉ rõ: “Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị. Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng8.

Thành tựu đổi mới ở Việt Nam một phần chính là đã phát triển sáng tạo tư tưởng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C.Mác và Ph.Ăngghen. Từ thực tiễn và nghiên cứu, tổng kết lý luận, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn, nhất là về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay với 8 đặc trưng mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đề ra. Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.

 

Chú thích:

1, 6. V.I. Lênin, toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mát-xcơ-va 1978, tập 2, tr.10, tr.232.

2, 3, 4, 5. Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Nxb Sự thật Nội, 1976, tr.42, tr.51, tr.50, tr.54.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.1991.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021.