• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
QUAN NIỆM VÀ VAI TRÒ CỦA LUẬT HÀNH CHÍNH Ở VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI
Ngày xuất bản: 29/06/2021 9:45:00 SA
Lượt đọc: 16340

 

Mỗi một quốc gia, mỗi dân tộc cũng như mỗi con người là không giống nhau, trước hết do sự đa dạng và khác biệt về đặc điểm lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa cũng như lối sống của mỗi quốc gia. Do đó nên hệ thống pháp luật và luật hành chính trong mỗi loại quốc gia đó cũng có các đặc điểm riêng. Luật hành chính là một ngành luật tương đối trẻ xuất hiện ở các nước phương tây vào giai đoạn cách mạng công nghiệp. Sự xuất hiện của nó gắn liền với sự kiện hoạt động hành chính nhà nước ngày càng bành trướng và can thiệp sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, kể cả lĩnh vực kinh tế và được điều chỉnh bởi một loại quy phạm pháp luật đặc biệt đó là các quy phạm luật hành chính. Trong phạm vi bài viết này do sự phức tạp và đa dạng của các hệ thống luật hành chính nước ngoài nên cá nhân chỉ lựa chọn xem xét về quan niệm và vai trò của luật hành chính ở các nước Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga, qua đó có sự so sánh với quan niệm và vai trò của luật hành chính ở Việt Nam.

            - Luật Hành chính của Pháp

            Pháp được coi là quê hương của luật hành chính. Ngành luật này ở Pháp có mầm mống từ khi Hoàng đế Napoleon thành lập một cơ quan là Hội đồng nhà nước vừa có chức năng tham vấn cho Chính phủ, vừa có chức năng tài phán, tuy chức năng này trải qua quá trình trăm năm mới phát triển đầy đủ. Luật hành chính là một ngành luật đóng quan trọng ở nước Pháp. Luật hành chính Pháp có tính độc lập, được cấu thành nên từ những quy tắc đặc thù. Tuy nhiên, tính độc lập của luật hành chính chỉ là tương đối bởi trong một số trường hợp các quy tắc luật hành chính không chỉ được áp dụng bởi thẩm phán hành chính mà ngay cả thẩm phán tư pháp cũng có thể áp dụng các quy tắc này.

            Luật hành chính là tổng thể các quy tắc điều chỉnh hoạt động hành chính, đây là một lĩnh vực quan trọng của quyền lực nhà nước, luật hành chính quy định về cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính, cung ứng các dịch vụ công, cảnh sát hành chính, quyết định hành chính, hợp đồng hành chính, tố tụng hành chính. Luật hành chính có ý nghĩa quan trọng tại Pháp trong việc quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính và các biện pháp để kiểm soát quyền lực hành pháp khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

            - Luật Hành chính của Đức

            Luật hành chính Đức xuất hiện và phát triển vào nửa đầu của thế kỷ XIX trên cơ sở quan niệm và các nguyên tắc “quản lý lý công”. Quản lý công được hiểu “là hoạt động trong lĩnh vực thẩm quyền chính phủ, thẩm quyền này hướng tới việc hình thành và điều chỉnh các quan hệ công vì lợi ích của nhà nước và những người đại diện cho quyền lực công”. Như vậy, quản lý công được tiếp cận trên cơ sở phân chia quyền lực, là hoạt động trong lĩnh vực thuộc phẩm quyền của Chính phủ.

Luật hành chính có vai trò ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nó đảm bảo sự quản lý của nhà nước nhằm thúc đẩy, phát triển các quan hệ trong xã hội như kinh tế, văn hóa, lao động, sản xuất … 

            - Luật hành chính của Anh:

Thuật ngữ “luật hành chính” không phải là một thuật ngữ được sử dụng lâu đời trong khoa học pháp lý ở nước Anh. Theo quan niệm của Giáo sư, luật sư nổi tiếng nước Anh A.V. Dicey thì không có ngành luật hành chính trong hệ thống pháp luật nước Anh như trong hệ thống pháp luật các nước Châu Âu lục địa. Quan niệm của ông đã gây khó khăn cho việc cải cách bộ máy cơ quan hành chính nước Anh. Chính vì lí do đó nên ở Anh không có một hệ thống cơ quan tài phán hành chính riêng biệt cũng như một hệ thống học thuyết về tài phán hành chính.

Hơn bốn mươi năm sau khi quan điểm của Dicey được đưa ra, luật hành chính mới dần dần được nhìn nhận dưới những khía cạnh khác nhau, tích cực hơn. Biểu hiện dễ nhận thấy là số lượng vụ án hành chính được giải quyết tại tòa án và sự quan tâm của báo chí, dư luận về các vụ kiện này. Ở góc độ lý luận, các quy tắc và thủ tục phục vụ, thúc đẩy quản lý xã hội của Chính phủ được thiết lập, các hành động của Chính phủ và các thẩm phán giải quyết ngày càng được quan tâm. Hiện nay, luật hành chính được xem là một ngành luật về kiểm tra và điều khiển quyền lực của Chính phủ. 

Luật hành chính nước Anh có phạm vi điều chỉnh rất rộng và khó có thể chia tách riêng thành các lĩnh vực quản lý riêng biệt, các lĩnh vực có thể kể đến: trật tự xã hội, sức khỏe, nhà ở, kế hoạch, giáo dục, nhập cư, thuế và vấn đề thực hiện quyền lực của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương cũng như của cảnh sát và cơ quan điều tra.

- Luật hành chính Mỹ:

Trong lịch sử, giới luật học của Mỹ không thừa nhận “sự hiện diện của một ngành luật có tên gọi là luật hành chính” – theo tác giả Frank Johnson Goodnow. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không có ngành luật hành chính. Tuy nhiên, cho đến những năm gần đây, sau khi được thức tỉnh bởi những lợi ích của chủ đề hành chính, thì các học giả của Mỹ đã coi luật hành chính là một bộ phận pháp luật điều chỉnh những quan hệ của khối hành pháp và các cơ quan hành chính nhà nước. Như vậy, luật hành chính điều chỉnh cả hoạt động và cả tổ chức của cơ quan hành chính.

Luật hành chính Mỹ có vai trò là một bổ sung cần thiết cho luật hiến pháp. luật hành chính không chỉ cụ thể hóa các nội dung được nêu trong hiến pháp đến mức chi tiết nhất có thể và bổ sung thêm các nội dung đó mà còn ấn định các quy tắc pháp lý cho hoạt động của các cơ quan này. Mặt khác, luật hành chính còn có vai trò giới hạn phạm vi hoạt động của các cơ quan hành chính, tạo cơ chế bảo vệ quyền công dân trước nguy cơ xâm phạm từ cơ quan hành chính.

- Luật hành chính Nga:

Nga là một nước lớn nhất trong hệ thống các nước Liên Xô trước đây. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga mới đã trở thành một nước tư bản theo chính thể cộng hòa lưỡng tính, tổng thống có quyền hạn rất lớn. Mặc dù thay đổi cả về hệ thống chính trị nhưng luật hành chính của Nga vẫn có sự kế thừa những quan điểm của luật hành chính Xô viết, có truyền thống từ thời nước Nga Sa hoàng. Do đó mà luật hành chính ở Nga vẫn được hiểu là một ngành luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay luật hành chính Nga đã có nhiều sự chuyển đổi mới so với luật hành chính Xô viết như chế độ tự quản địa phương, khẳng định các nguyên tắc pháp quyền, nhà nước xã hội, phân chia quyền lực...

- Luật hành chính Trung quốc

Những nét đặc trưng của Luật hành chính xã hội chủ nghĩa (XHCN) thấy rõ trong Luật hành chính Trung Quốc. Trước đây, quản lý nhà nước của Trung Quốc và xã hội trước đây nặng về chính trị và đạo đức của đạo Nho và tư tưởng pháp trị. Từ cuối thập niên 70 thế k XX, những quan hệ xã hội là đối tượng điều chỉnh của Luật Hành chính thay đổi và phát triển theo mô hình Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc. Luật hành chính được coi là ngành luật quản lý nhà nước vì đây là ngành luật điều chỉnh các nội dung tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng quản lý bằng hoạt động chấp hành và điều hành.

Hiện nay ở Trung quốc thì quan niệm về luật hành chính dần có sự thay đổi, tiến bộ hơn theo phương thức quản lý “quản lý vi mô, giám sát thị trường, quản lý xã hội và dịch vụ công”. Có thể nhận thấy đây là xu hướng phát triển chung của luật hành chính trên toàn thế giới.

Trên cơ sở phân tích các quan niệm cũng như vai trò về luật hành chính ở một số nước điển hình trên thế giới, ta nhận thấy quan niệm về luật hành chính ở Việt Nam nhấn mạnh tới những khái niệm cơ bản về quản lý nhà nước, hoạt động chấp hành và điều hành. Luật hành chính Việt Nam nói riêng và  các quốc gia trên thế giới nói chung đều có vai trò quan trọng trong việc tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đồng thời khi nói về các tư tưởng, quan điểm mới về luật hành chính ở các nước cũng đều hướng tới mục đích quan trọng đó chính là bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Luật hành chính Việt Nam cũng có những điểm tương đồng với luật hành chính của Pháp khi coi luật hành chính là một ngành luật. Khái niệm về dịch vụ công đã xuất hiện sớm ở Pháp nhưng Việt Nam trong những năm gần đây khái niệm về dịch vụ công mới được chính thức sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề mà luật hành chính Việt Nam chưa đề cập đến như vấn đề phân quyền, hợp đồng hành chính, cảnh sát hành chính...Nguyên nhân xuất phát từ việc nhà nước ta tổ chức theo nguyên tắc quyền lực thống nhất, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước nên phương thức quản lý vẫn mang tính mệnh lệnh hành chính. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền hành chính nhà nước của Việt Nam đang dần chuyển từ kiểu hành chính mệnh lệnh – quan liêu sang hành chính phục vụ và đây cũng là xu hướng chung của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập hóa.

 

Bùi Thị Bích Ngọc

Khoa Nhà nước và pháp luật