• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn “Những vấn đề cơ bản về Quản lý hành chính nhà nước”
Ngày xuất bản: 07/01/2021 3:50:00 CH
Lượt đọc: 18292

 

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có kiến thức vững vàng về quản lý nhà nước là đòi hỏi, yêu cầu tất yếu của bộ máy quản lý hành chính của bất cứ quốc gia nào. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức quản lý hành chính cũng phải đáp ứng yêu cầu phục vụ cho công cuộc đổi mới, cải cách nền hành chính nhà nước cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Khoa Nhà nước  và pháp luật có nhiệm vụ giảng dạy bộ môn “Những vấn đề cơ bản về Quản lý hành chính nhà nước” trong chương trình Trung cấp lý luận – hành chính. Giáo trình giảng dạy đã được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chỉnh lý, cập nhật, bổ sung nhiều nội dung mới vào năm 2016. Năm 2017, ngay sau khi nhận được giáo trình mới, các đồng chí giảng viên trong khoa đã tiến hành chỉnh sửa, bổ sung giáo án theo những nội dung đã được cập nhật và giảng dạy ở các lớp trung cấp theo đúng sự chỉ đạo của nhà trường. Qua thực tế nghiên cứu, tham khảo ý kiến, quá trình soạn giảng cũng như giảng dạy trên lớp của bản thân và các đồng nghiệp, tôi nhận thấy có một số vấn đề cần trao đổi về việc giảng dạy bộ môn “Những vấn đề cơ bản về Quản lý hành chính nhà nước” như sau:

- Bộ môn “Những vấn đề cơ bản về Quản lý hành chính nhà nước” gồm 11 bài, thời gian giảng dạy trên lớp là 68 tiết trong đó thực giảng là 52 tiết, thảo luận là 16 tiết. Nội dung của chương trình là giảng dạy về Quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực như ngân sách, đất đai, kinh tế, văn hóa – giáo dục – y tế, hành chính – tư pháp, cải cách hành chính nhà nước ở cơ sở… Sách giáo trình mới đã cập nhật những chính sách, văn bản pháp luật mới vào các chuyên đề. Nội dung đã được thiết kế logic và khoa học hơn so với trước. Tuy nhiên vẫn còn một số chuyên đề vẫn chưa cập nhật các văn bản mới, nội dung vẫn còn có sự trùng lặp với một số bộ môn khác của chương trình trung cấp, có những mục kiến thức còn dài dòng, lan man trong khi có mục lại quá sơ sài đòi hỏi người giảng viên phải dành nhiều thời gian bổ sung, chỉnh sửa và cụ thể hoá rất nhiều kiến thức trong bài để bảo đảm tính chính xác, tính đầy đủ về nội dung giảng dạy.

- Giáo trình đã có nhiều nội dung mới so với trước đây. Nhiều nội dung viết trong giáo trình cần phải được thảo luận từ vấn đề nội dung, hình thức đến phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, giáo trình được xuất bản vào năm 2017 nhưng đến năm 2019 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mới tổ chức một đợt tập huấn dành cho giảng viên giảng môn học này. Nội dung tập huấn vẫn còn chưa đáp ứng được với mong muốn tìm hiểu và trao đổi về nhiều vấn đề trong các chuyên đề của giáo trình. Như vậy, có nghĩa là: có giáo trình rồi, giảng viên chủ yếu phải tự biên, tự diễn lấy.

- Hầu hết các chuyên đề đều tập trung vào nội dung quản lý nhà nước cấp cơ sở. Nội dung này sẽ rất phù hợp với các đối tượng học viên là cán bộ, lãnh đạo, dự nguồn cấp cơ sở (đa phần là các lớp A) nhưng nếu đối tượng học viên ở cấp huyện, cấp tỉnh thì nội dung trong cuốn giáo trình này nhiều phần không phù hợp. Đây cũng là vấn đề gây ít nhiều khó khăn cho các giảng viên giảng dạy môn học này. Do vậy, giảng viên phải tự bổ sung, mở rộng kiến thức cho phù hợp với từng đối tượng học viên (cũng vì đối tượng học của lớp A, B khác nhau nên các giảng viên giảng dạy cũng đã xác định trọng tâm học của các bài cho lớp A, B khác nhau).

- Một trong những vấn đề đặt ra đối với giảng viên giảng dạy môn học này là  phải đưa được thực tiễn quản lý hành chính nhà nước của cơ sở vô cùng sôi động vào bài giảng, nhất là khi đội ngũ học viên có nhiều người đã công tác lâu năm, có trình độ, có kinh nghiệm thực tiễn và đòi hỏi rất cao về nội dung kiến thức cũng như phương pháp giảng dạy. Để giảng dạy tốt nội dung này đòi hỏi bản thân người đứng lớp phải có nền tảng vững chắc về kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng, có am hiểu về thực tiễn để tạo sức thuyết phục, sự hấp dẫn, tạo hứng khởi học tập giúp học viên chủ động tích lũy tri thức lý luận, nắm được bản chất của vấn đề để vận dụng vào thực tiễn công tác. Do đó đòi hỏi người giảng viên phải đầu tư nhiều thời gian, công sức nghiên cứu kỹ nội dung kiến thức bài giảng, phải nắm vững, hiểu sâu những nội dung cơ bản, nội dung trọng tâm của từng chuyên đề.

Thực tế cho thấy thời gian qua các giảng viên của khoa đã có ý thức tự giác rất cao. Sau mỗi lần lên lớp, các giảng viên đều đã bỏ thêm thời gian và công sức để chỉnh sửa lại giáo án, cập nhật các văn bản mới được ban hành, sửa đổi bổ sung; tìm tòi những ví dụ thực tiễn đơn giản, dễ hiểu để học viên có thể thuộc bài ngay trên lớp và đặc biệt tăng cường trao đổi với học viên (nhất là trong giờ thảo luận) để hoàn thiện thêm phông kiến thức của bản thân cho những lần lên lớp sau.

* Một số giải pháp và đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn “Những vấn đề cơ bản về Quản lý hành chính nhà nước”

- Thứ nhất: cần xác định rõ và đúng đắn về nhu cầu học tập. Học viên cần gì? học để làm gì? Việc xác định đúng nhu cầu mục đích học tập sẽ giúp cho những người giảng dạy lẫn người đi học đều có sự thống nhất với nhau trong học tập và giảng dạy, cùng hướng tới mục tiêu chung và thật sự mang lại hiệu quả cho khóa học.

- Thứ hai: để việc giảng dạy thực sự thuyết phục, có hiệu quả là vấn đề không hề đơn giản đối với đội ngũ giảng viên của khoa (nhất là đối với những giảng viên trẻ kinh nghiệm cũng như kiến thức thực tiễn còn hạn chế). Điều hạn chế nhất của giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật là chưa bao giờ trực tiếp làm, vì giảng viên không có thẩm quyền hành chính. Bởi vậy, những điều giảng viên giảng là những kiến thức giảng viên học ở nhà trường, tự học, nghe kể lại, chiêm nghiệm trong cuộc sống được sắp xếp lại một cách có hệ thống. Do đó, cần phải đổi mới chương trình đi thực tế của giảng viên. Các giảng viên trong khoa cần được tạo điều kiện để tham dự các hoạt động trực tiếp ở các cơ quan quản lý hành chính nhà nước như: dự thính các phiên họp của HĐND, UBND; tham gia cùng cán bộ, công chức đi giải quyết những công việc ở địa phương như hòa giải, đất đai, cải cách hành chính... Có như vậy khi thực hành giảng, các dẫn chứng, các ví dụ mới có sức sống, lôi cuốn người học.

- Thứ ba: do nội dung chương trình còn nhiều bất cập, thực tế vừa qua cho thấy chương trình mới áp dụng được một, hai năm đã có nhiều đổi mới trong hệ thống văn bản pháp pháp lý làm cho giáo trình bị lạc hậu và không còn phù hợp. Vì vậy, người giảng viên phải chủ động, linh hoạt trong việc soạn giáo án theo hướng giảm bớt lý thuyết, thường xuyên cập nhật các chủ trương, đường lối và các văn bản mới cho phù hợp với tình hình thực tế đồng thời minh họa làm rõ thực trạng hiện nay những vấn đề đó ở địa phương như thế nào để học viên có điều kiện nghiên cứu sâu hơn. Nội dung bài giảng liên quan đến ngành nào thì nên yêu cầu học viên công tác trong ngành đó phát biểu trao đổi thêm về thực tiễn.

Nâng cao chất lượng giảng dạy là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với quá trình xây dựng và phát triển của Nhà trường. Giảng dạy tốt các chuyên đề trong chương trình sẽ góp phần nâng cao năng lực công tác của công chức trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm được giao, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế./.

Nguyễn Thị Ngọc

Khoa Nhà nước và pháp luật