• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
CÔNG TÁC THAM MƯU CỦA LÃNH ĐẠO CẤP PHÒNG
Ngày xuất bản: 24/02/2020 1:20:00 CH
Lượt đọc: 25092

            Tham mưu là hiến kế, kiến nghị, đề xuất, đưa ra các ý tưởng độc đáo, sáng tạo có cơ sở khoa học, các sáng kiến, các phương án tối ưu, những chiến lược, sách lược và các giải pháp hữu hiệu cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc đặt ra và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác ngắn hạn, dài hạn, hàng năm của cơ quan đơn vị đạt kết quả cao nhất.

Công tác tham mưu có vị trí đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo, quản lý và điều hành công việc của tất cả các cơ quan hành chính nhà nước. Trong hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế, chế độ chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và giải quyết các vấn đề quốc gia đại sự đều cần có sự tham mưu, hiến kế của các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, đặc biệt là sự tham mưu hiến kế của người thày vĩ đại là nhân dân.

            Công tác tham mưu là một nghề chuyên sâu, có tính chuyên nghiệp cao.  Tham mưu không chỉ là tham dự, đề xuất chủ trương cho người lãnh đạo, quản lý cấp mình, mà còn là hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện về lĩnh vực mình đảm trách cho cấp lãnh đạo và quản lý và cơ quan tham mưu cấp dưới.

            Xét cả về chức năng  tham gia lẫn chức năng hướng dẫn tổ chức thực hiện thì cơ quan và công chức tham mưu đều có thuộc tính lãnh đạo, quản lý và đồng thời phải cùng chịu trách nhiệm với người lãnh đạo, quản lý về lĩnh vực mình tham mưu. Không nên hiểu đơn thuần tham mưu chỉ là giúp việc, là bảo sao làm vậy. Tham mưu có trách nhiệm thì đồng thời phải có quyền hạn.

            “Tham mưu là khi một tổ chức hoặc một cá nhân tham gia (tham dự) vào việc đề xuất thiết kế một kế hoạch, một chương trình và tổ chức thực hiện (thi công) các kế hoạch, chương trình của một chủ thể quyền lực lãnh đạo, quản lý nhất định” ( TS. Trần Đình Huỳnh 2006)

             Nội dung chủ yếu trong công tác tham mưu của lãnh đạo cấp phòng:

            Tham mưu phải đảm bảo tính phù hợp pháp luật, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức.

            Trung thực và chính xác với thái độ nghiêm túc trong công việc.

            Tham mưu phải kịp thời, có tính nguyên tắc cao, nhưng xem xét giải quyết công việc cụ thể với thái độ khách quan, biện chứng.

             Tham mưu phải đầy đủ, toàn diện, song không định kiếm, hẹp hòi, không bảo thủ. Tham mưu phải góp phần hình thành, củng cố và phát triển văn hóa của tổ chức, hoàn thiện quy trình công tác và phát huy tiềm năng của mọi thành viên, đóng góp vào thành công của phòng nói riêng và cơ quan nói chung.

            Tham mưu đồng thời phải góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa các phòng, các cá nhân trong tổ chức, đơn vị, cũng như nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa các đơn vị trong và ngoài ngành… Do vậy, người lãnh đạo phòng làm công tác tham mưu phải có năng lực chuyên môn sâu, tinh thông về lĩnh vực mình đảm trách, với tính chuyên nghiệp cao. Tài năng và trách nhiệm của tham mưu là khả năng chuyên sâu để đưa ra các phương án, kế hoạch, chương trình, các phương án và tính toán dự báo có căn cứ về tính hiệu quả và hệ quả của từng chương trình, phương án.

            Các nguyên tắc tham mưu:

            Tham mưu phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được cấp có thẩm quyền giao.

            Tham mưu phải nhằm thực hiện cho được các mục tiêu của đơn vị và của cấp phòng. Tuyệt đối không để đầu óc vụ lợi, thiên vị, xen lẫn động cơ cá nhân. Tham mưu phải tuân thủ theo đúng pháp luật.

            Phải dựa trên cơ sở khoa học, khách quan.

            Trung thành với lợi ích của nhân dân, của dân tộc, phấn đấu vì hôm nay và tương lai tốt đẹp của đất nước.

            Các kỹ năng cần thiết trong công tác tham mưu

            Kỹ năng phát hiện và lựa chọn vấn đề

            Kỹ năng chuẩn bị thông tin, căn cứ, lý lẽ

            Kỹ năng lựa chọn thời gian và địa điểm

            Kỹ năng lựa chọn phương pháp và dự kiến kết quả

            Kỹ năng trình bày và thuyết phục

            Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với những thuận lợi cơ bản, cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác trong tình hình mới, đòi hỏi công tác tham mưu phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đáp ứng yêu cầu đặt ra của thực tiễn. Để nâng cao chất lượng tham mưu cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:

            Một là, tham mưu phải bám sát thực tế, phân tích thực trạng các hoạt động để triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ; chỉ ra được các ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân của những ưu điểm, khuyết điểm và các giải pháp khắc phục. Đồng thời, phải đầu tư nghiên cứu kỹ các văn bản, tài liệu liên quan, phân tích và dự báo được những khả năng và điều kiện hiện thực để thực hiện các ý tưởng đã tham mưu, đề xuất dựa trên những luận cứ khoa học đầy đủ, chính xác.

            Hai là, tham mưu phải trung thực, khách quan để đảm bảo cho các phán quyết, kết luận và quyết định của lãnh đạo chính xác. Nếu tham mưu không trung thực sẽ dẫn đến những sai sót trong phán quyết, trong kết luận và quyết định của lãnh đạo, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả quản lý, đến kết quả chỉ đạo, điều hành công việc và các hoạt động của cơ quan, đơn vị.

            Ba là, tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo phải đảm bảo đúng pháp luật. Tham mưu sai, trái với các quy định của pháp luật sẽ dẫn đến những hậu quả và tác hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo, của cơ quan, đơn vị.

           Bốn là, chất lượng tham mưu phải gắn liền với trách nhiệm cá nhân, đòi hỏi người tham mưu phải cam kết trước lãnh đạo về tính chính xác của các vấn đề do mình tham mưu, đề xuất. Đó còn là bổn phận của cá nhân trước sự tin cậy, uỷ thác của lãnh đạo khi giao nhiệm vụ tham mưu. Từ đó góp phần hạn chế những sai lầm, rủi ro không cần thiết có thể xảy ra.

          Một số giải pháp cụ thể:

        Thứ nhất, để tham mưu, đề xuất có chất lượng, người làm công tác tham mưu cần phải rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, trung thực, thẳng thắn, nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Thường xuyên đổi mới tác phong, lề lối làm việc, từng cán bộ phải có kế hoạch, lịch trình hoá công việc, chương trình làm việc riêng (tuần, tháng, quý, năm), làm việc theo quy chế, quy trình cụ thể; phải bám sát thực tiễn, phát hiện các vấn đề mới nảy sinh, đề xuất các biện pháp để giải quyết kịp thời, hiệu quả.

         Thứ hai, các phòng nghiệp vụ trong cơ quan cần tăng cường trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau và thực hiện tốt công tác phối hợp trong quá trình tham mưu, đề xuất thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Bên cạnh đó, thường xuyên giữ mối liên hệ, phối hợp với các ban, ngành chức năng trong thực hiện nhiệm vụ dựa trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác và hiệu quả.

         Thứ ba, yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu là đội ngũ cán bộ, như Bác Hồ đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu vững về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn công tác, có tinh thần trách nhiệm cao và luôn tìm tòi, đổi mới, sáng tạo.

         Thứ , Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khích lệ tinh thần tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Đồng thời, cần có cơ chế, giải pháp để cán bộ, công chức cơ quan có nguồn thu nhập tăng thêm chính đáng, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tạo động lực, đảm bảo để cán bộ, công chức an tâm công tác và cống hiến.

Th.s: Đinh Anh Tuấn

Phó Trưởng khoa NNPL