• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT THEO QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH
Ngày xuất bản: 31/10/2019 3:37:00 CH
Lượt đọc: 22462

            Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là hoạt động sáng tạo pháp luật, là một trong những hình thức cơ bản nhất của hoạt động nhà nước. Đó là một hình thức lãnh đạo của Nhà nước đối với xã hội, bao gồm việc quy định, thay đổi và bãi bỏ các quy phạm, do các cơ quan nhà nước tiến hành, hoặc do các tổ chức xã hội khác được ủy quyền tiến hành cùng với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề tương ứng.

Việc tạo ra VBQPPL phản ánh, đáp ứng được những nhu cầu phát triển khách quan của xã hội là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của quá trình nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Do vậy, quá trình ban hành VBQPPL phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Căn cứ vào Điều 5, Luật BHVBQPPL 2015, việc xây dựng, ban hành VBQPPL phải đảm bảo 6 nguyên tắc cụ thể là:

Một là: Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

Hai là: Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ba là: Bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

Bốn là: Bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

Năm là: Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Sáu là: Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục Luật định. Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định thì không phải là VBQPPL. Hiện nay việc ban hành VBQPPL được thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết 1 số điều và biện pháp thi hành Luật BHVBQPPL. Theo đó, quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL gồm các bước cụ thể sau đây:

* Bước 1: Lập đề nghị xây dựng VBQPPL

Lập đề nghị xây dựng VBQPPL là công đoạn đầu tiên trong quy trình xây dựng VBQPPL áp dụng với một số văn bản được quy định tại điều 4, Nghị định 34/2016/NĐ-CP. Nội dung của hoạt động lập đề nghị xây dựng VBQPPL bao gồm:

- Một là: Xây dựng nội dung chính sách và đánh giá tác động của chính sách:

Xây dựng nội dung chính sách là nội dung cốt lõi của hoạt động lập đề nghị xây dựng VBQPPL trong đó làm rõ các vấn đề như: Bản chất của vấn đề cần giải quyết; mục tiêu tổng thể, mục tiêu cụ thể cần đạt được; định hướng, giải pháp để giải quyết từng vấn đề; đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và nhóm đối tượng thực hiện chính sách; thẩm quyền ban hành chính sách.

Đồng thời với việc xây dựng nội dung chính sách thì cơ quan xây dựng chính sách phải làm báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Theo quy định tại điều 6, Nghị định 34/2016/NĐ-CP về việc đánh giá tác động chính sách trong dự thảo văn bản QPPL thì việc đánh giá tác động của chính sách gồm:

+ Tác động về kinh tế được đánh giá trên cơ sở phân tích chi phí và lợi ích đối với một hoặc một số nội dung về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, môi trường đầu tư và kinh doanh, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, cơ cấu phát triển kinh tế của quốc gia hoặc địa phương, chi tiêu công, đầu tư công và các vấn đề khác có liên quan đến kinh tế;

+ Tác động về xã hội của chính sách được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo tác động đối với một hoặc một số nội dung về dân số, việc làm, tài sản, sức khỏe, môi trường, y tế, giáo dục, đi lại, giảm nghèo, giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, xã hội và các vấn đề khác có liên quan đến xã hội;

+ Tác động về giới của chính sách (nếu có) được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo các tác động kinh tế, xã hội liên quan đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới;

+ Tác động của thủ tục hành chính (nếu có) được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo về sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý và chi phí tuân thủ của thủ tục hành chính để thực hiện chính sách;

+ Tác động đối với hệ thống pháp luật được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo khả năng về thi hành và tuân thủ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tác động đối với tổ chức bộ máy nhà nước, khả năng thi hành và tuân thủ của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế.

- Hai là: Lấy ý kiến xây dựng đề nghị xây dựng VBQPPL

Đây là nội dung bắt buộc đối với đề nghị xây dựng VBQPPL đã được lập. Trách nhiệm lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng VBQPPL thuộc về cơ quan lập đề nghị. Theo quy định thì cơ quan lập đề nghị xây dựng VBQPPL phải đăng tải báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng VBQPPL trên cổng Thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan lập đề nghị xây dựng VBQPPL. Đồng thời tiến hành lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách.

- Ba là: Thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL

Đề nghị xây dựng VBQPPL phải được các cơ quan chức năng thẩm định trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét thông qua.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thẩm định đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ do Chính phủ trình. Sở Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cùng cấp trình.

Đối với các VBQPPL quan trọng như Luật, Pháp lệnh thì ngoài thẩm định, đề nghị xây dựng VBQPPL phải được thẩm tra bởi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

- Bốn là: Thông qua đề nghị xây dựng VBQPPL

Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ vào phiên họp thường kỳ của Chính phủ. (Nếu có nhiều đề nghị có thể đề xuất phiên họp chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật). Trên cơ sở nghị quyết của Chính phủ thông qua đề nghị, cơ quan lập đề nghị chủ động việc tiến hành soạn thảo dự án, dự thảo văn bản.

Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh xem xét, thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh vào phiên họp thường kỳ của của UBND để trình Thường trực HĐND cấp tỉnh. Trường hợp chấp thuận, Thường trực HĐND cấp tỉnh có văn bản phân công cơ quan, tổ chức trình dự thảo nghị quyết, thời hạn trình HĐND cấp tỉnh và giao UBND cấp trỉnh bố trí kinh phí bảo đảm cho việc soạn thảo.

Riêng đối với các VBQPPL không thuộc trường hợp lập đề nghị xây dựng VBQPPL theo quy định tại điều 4, Nghị định 34/2016/NĐ-CP thì không cần thực hiện bước 1 mà bắt tay luôn vào hoạt động soạn thảo

* Bước 2: Soạn thảo dự án, dự thảo VBQPPL.

Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo VBQPPL có trách nhiệm thành lập Ban soạn thảo[1], tổ biên tập để giúp việc cho Ban soạn thảo (biên soạn và chỉnh lý dự thảo văn bản). Ban soạn thảo có trách nhiệm tổ chức việc soạn thảo và chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo.

Trong quá trình soạn thảo cần thực hiện các hoạt động sau:

- Xem xét, thông qua đề cương chi tiết dự thảo VBQPPL

- Thảo luận về nội dung của dự thảo, tờ trình, nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân

- Tiến hành soạn thảo đảm bảo các quy định của dự thảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật; đảm bảo tính khả thi của văn bản.

- Tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan về dự thảo. Cần lưu ý đến thời hạn lấy kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định trong Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, chẳng hạn: Đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 quy định như sau:

+ Một là: đăng tải toàn văn trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời hạn ít nhất là 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến.

+ Hai là: Trong trường hợp lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết thì cơ quan lấy ý kiến có trách nhiệm xác định những vấn đề cần lấy ý kiến và bảo đảm ít nhất là 30 ngày kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến để các đối tượng được lấy ý kiến góp ý vào dự thảo văn bản. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản.

- Nghiên cứu, tiếp thu, giải trình tiếp thu ý kiến góp ý cho nội dung dự thảo

- Chỉnh lý dự thảo và chuyển cho cơ quan thẩm định tiến hành thẩm định dự thảo VBQPPL.

Đối với việc soạn thảo VBQPPL không cần lập đề nghị xây dựng VBQPPL, trong bước soạn thảo, cơ quan chủ trì phải chủ động tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình thi hành pháp luật và thực trạng QHXH cần điều chỉnh và nhiệm vụ quản lý nhà nước được phân công để đề xuất xây dựng đề cương tiến hành soạn thảo văn bản.

* Bước 3: Thẩm định

Là bước quan trọng và bắt buộc trong xây dựng và ban hành VBQPPL nhằm khẳng định tính khoa học, tính thực tiễn, tính khả thi cho văn bản.

Sau khi tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị hồ sơ và gửi đến cơ quan có thẩm quyền thẩm định văn bản theo Luật định. Việc thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL do Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thực hiện. Trong những trường hợp được quy định cụ thể, cơ quan thẩm định có thể phân công người thẩm định hoặc thành lập hội đồng thẩm định nhằm tiến hành các công việc 1 cách hiệu quả.

Cụ thể là:

Đối với thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL do Bộ Tư pháp thực hiện, căn cứ vào điều 43, nghị định 34/2016/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Hội đồng thẩm định gồm Chủ tịch, Thư ký và các thành viên khác là đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học. Trong trường hợp không thành lập Hội đồng thẩm định, Bộ Tư pháp có thể tổ chức cuộc họp tư vấn, thẩm định có sự tham gia của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp, đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học.

Đối với thẩm định dự thảo Thông tư do tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện, căn cứ vào điều 48, nghị định 34/2016/NĐ-CP, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định gồm Chủ tịch, Thư ký và các thành viên khác là đại diện cơ quan, tổ chức khác có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học.

Đối với thẩm định dự thảo VBQPPL do Sở Tư pháp thực hiện, căn cứ vào điều 50, nghị định 34/2016/NĐ-CP, Giám đốc Sở Tư pháp thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định gồm Chủ tịch là lãnh đạo Sở Tư pháp, Thư ký là đại diện Sở Tư pháp và các thành viên khác là đại diện các cơ quan chuyên môn của UBND, đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học.

Đối với thẩm định dự thảo VBQPPL do Phòng Tư pháp thực hiện, căn cứ vào điều 54, nghị định 34/2016/NĐ-CP, Trưởng phòng Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thẩm định dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện, quyết định của UBND cấp huyện. Đối với dự thảo văn bản có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực thì trước khi thẩm định, Phòng Tư pháp có thể tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành,các chuyên gia, nhà khoa học.

Sau khi hoàn tất, cơ quan thẩm định gửi lại hồ sơ dự thảo văn bản và báo cáo thẩm định cho cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo thảo luận, chỉnh lý dự thảo và chuẩn bị hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét thông qua.

* Bước 4: Xem xét, thông qua

Đối với VBQPPL, khi trình dự thảo văn bản để cấp có thẩm quyền xem xét thông qua, cần phải có đầy đủ hồ sơ, bao gồm:

- Bản dự thảo văn bản sau khi tiếp thu ý kiến thẩm định và ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân

- Bản thuyết minh về dự thảo văn bản

- Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến thẩm định và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân

- Báo cáo sơ bộ đánh giá tác động của văn bản

- Báo cáo thẩm định

- Bản tổng hợp ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân

- Tài liệu khác (nếu có)

Việc thông qua và ký ban hành phải đảm bảo theo đúng thẩm quyền và thủ tục luật định:

Đối với cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số, văn bản có thể được xem xét thông qua bằng hình thức tập thể tại 1 hoặc nhiều phiên họp của cơ quan ban hành. (Chẳng hạn tại điều 74, 75, 76, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 quy định về trình tự xem xét, thông qua dự án Luật, dự thảo Nghị quyết tại 1, 2 hoặc 3 kỳ họp Quốc hội). Người đứng đầu cơ quan, tổ chức thay mặt tập thể lãnh đạo ký các văn bản của cơ quan, tổ chức.

Đối với cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng, việc duyệt ký văn bản được tiến hành trực tiếp bởi thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc người được thủ trưởng cơ quan ủy quyền.

* Bước 5: Công bố văn bản

Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm xuất bản Công báo in nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quản lý Công báo điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm xuất bản Công báo in cấp tỉnh và quản lý Công báo điện tử cấp tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Đối với VBQPPL của cơ quan Trung ương

+ VBQPPL của cơ quan nhà nước ở Trung ương phải được đăng Công báo trong thời hạn chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.

+ VBQPPL do do các cơ quan nhà nước Trung ương được gửi, lưu trữ trên mạng tin học diện rộng của Chính phủ và có giá trị như bản gốc.

+ Văn bản không thuộc danh mục bí mật nhà nước tùy theo tính chất và nội dung phải được công bố, yết thị và đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng theo Luật định.

            - Đối với VBQPPL của cơ quan ở đia phương

+ Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp tỉnh phải được đăng trên Công báo cấp tỉnh chậm nhất 07 ngày, kể từ ngày HĐND thông qua hoặc Chủ tịch UBND ký ban hành

+ Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã phải được niêm yết (tại trụ sở cơ quan ban hành hoặc tại các địa điểm khác theo quyết định của Chủ tịch UBND cùng cấp) chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày Hội đồng nhân dân thông qua hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký ban hành. Thời gian niêm yết ít nhất là 30 ngày liên tục, kể từ ngày niêm yết.

* Gửi và lưu trữ văn bản

Văn bản sau khi được ký ban hành phải được làm thủ tục gửi đi kịp thời và lưu trữ theo quy định của pháp luật. Theo quy định văn bản phải được gửi đúng tuyến, không vượt cấp; phải đúng địa chỉ đơn vị, bộ phận hoặc người thực thi. Văn bản có mức độ khẩn được gửi nhanh chóng, đúng thời hạn.

VBQPPL phải được gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giám sát, kiểm tra. Hồ sơ dự án, dự thảo và bản gốc của VBQPPL phải được lưu trữ theo quy định

             Trên đây là 06 bước trong quy trình chung xây dựng và ban hành VBQPPL theo quy định pháp luật hiện hành. Khi soạn thảo một hình thức VBQPPL cụ thể theo thẩm quyền, căn cứ vào quy trình chung kể trên và đối chiếu với quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định 34/2016/NĐ-CP, cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL có trách nhiệm thực hiện và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật nhằm đảm bảo về tiến độ soạn thảo, chất lượng dự án, dự thảo văn bản được phân công soạn thảo. Trong trường hợp dự thảo văn bản không đảm bảo về chất lượng, chậm tiến độ, không đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của VBQPPL được phân công thực hiện thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan kiểm tra và cơ quan ban hành VBQPPL trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan./.

Âu Phương Thảo

Khoa Nhà nước và pháp luật