• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
XÂY DỰNG PHONG CÁCH LÀM VIỆC HỒ CHÍ MINH CHO ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI
Ngày xuất bản: 20/11/2020 3:07:00 CH
Lượt đọc: 15321

 

Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là những bài học quý báu đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về: “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh rất toàn diện, song có thể thấy trên những đặc trưng chủ yếu sau: tác phong làm việc quần chúng, tác phong làm việc tập thể - dân chủ, tác phong làm việc khoa học, tác phong làm việc nêu gương, nói đi đôi với làm.

Tác phong làm việc từ quần chúng, vì quần chúng. Học tập phong cách làm việc của Bác là người cán bộ phải thực sự hòa mình với quần chúng, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng.

Tác phong dân chủ, tuân thủ quyết định của tập thể. Người cho rằng, thực hành dân chủ là luôn tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách; tôn trọng quyết định của tập thể và biết lắng nghe, tiếp thu những ý kiến hợp lý của cá nhân. Để thực hiện được tác phong này đòi hỏi người cán bộ phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tác phong làm việc khoa học. Đòi hỏi khi xem xét và quyết định mọi việc đều phải điều tra, nghiên cứu, phân tích toàn diện, phải tôn trọng quy trình ra quyết định, tranh thủ ý kiến của tập thể lãnh đạo và quần chúng. Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận rồi mới quyết định và thực hiện đến nơi, đến chốn. Đặc biệt, đối với những vấn đề mới, phức tạp có ảnh hưởng lớn tới tổ chức đảng và nhân dân, cần phải làm thử, làm điểm trước khi quyết định. Tuyệt đối không ra quyết định khi chưa có thông tin đầy đủ, chưa có phương án tính toán hiệu quả. Tránh chủ quan duy ý chí, che giấu khuyết điểm để chạy theo thành tích.

Tác phong làm việc nêu gương, nói đi đôi với làm. Theo Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm. Người yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên đều phải nêu gương về đạo đức. Trước hết, mình phải tự làm gương, cán bộ “gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân”. Về vai trò của nêu gương, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Cần nêu gương trên ba mối quan hệ với mình, với người, với việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân; phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày. Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, đặt việc công lên trên, lên trước việc tư.

Trường Chính trị Yên Bái là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật, quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác. Để thực hiện được nhiệm vụ chính trị to lớn ấy, mỗi cán bộ, giảng viên phải học tập, tu dưỡng, rèn luyện phong cách làm việc của chủ tịch Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.

Thời gian qua học tập phong cách làm việc Hồ Chí Minh, đội ngũ giảng viên của Nhà trường không ngừng nỗ lực, rèn luyện bản thân. Bên cạnh việc đầu tư về kiến thức, chuyên môn, còn hoàn thiện bản thân về đạo đức nghề nghiệp, tác phong sư phạm.

Xây dựng tác phong làm việc từ quần chúng, vì quần chúng, thông qua việc lấy người học làm trung tâm, giảng viên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học viên, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ học viên. Qua đó, nắm bắt được tình hình của học viên và trau dồi vốn kiến thức thực tiễn cho bản thân mỗi giảng viên, cùng với đó tạo mối quan hệ mật thiết giữa giảng viên và học viên trong quá trình giảng dạy.

 Xây dựng tác phong làm việc khoa học, giảng viên Nhà trường luôn chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, từ lớn đến nhỏ, từ dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, từ tháng, tuần đến ngày, giờ nào việc nấy trong mọi việc. Đồng thời, luôn chủ động điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu để nắm chắc thực chất của vấn đề, gắn lý luận với thực tiễn, từ đó làm phong phú thêm nội dung của bài giảng.

Xây dựng tác phong làm việc dân chủ, tuân thủ quyết định của tập thể, trong quá trình rèn luyện phong cách này, đội ngũ giảng viên Nhà trường luôn thực hiện tác phong dân chủ trong giảng dạy. Đối với một người giảng viên thì chất lượng bài giảng bao gồm nhiều yếu tố không chỉ có nội dung, phương pháp sư phạm, trạng thái, không gian, thời gian... mà còn phải phát huy vai trò của người học hay nói cách khác là phát huy được tính dân chủ trong quá trình giảng dạy.Vậy nên, giảng viên có phong cách làm việc, giảng dạy dân chủ, khoa học sẽ phát huy được vai trò chủ động, tích cực của người học. Chỉ khi người dạy xây dựng được tính tích cực cho người học thì các mục tiêu giáo dục mới bảo đảm chất lượng và là cơ sở của sự sáng tạo, truyền cảm hứng cho người học.

Thực hiện tốt dân chủ trong dạy và học là điều cần thiết, trong quá trình giảng dạy, giảng viên phải khéo léo khơi gợi người học nhạy bén phát hiện được những vấn đề hay, những mâu thuẫn, khuyến khích học viên trình bày quan điểm của mình, bên cạnh đó kịp thời định hướng, dẫn dắt người học tránh lạc chủ đề, sai nguyên tắc... Sau mỗi buổi học cần phát huy dân chủ trong đánh giá kết quả, trao đổi, đúc rút kinh nghiệm cho cả người dạy và người học để không ngừng cải tiến nội dung, phương pháp, nâng cao chất lương bài giảng.

Xây dựng tác phong làm việc nêu gương, nói đi đôi với làm, dù ở bất cứ hoàn cảnh, vị trí công tác nào thì mỗi giảng viên Nhà trường đều nêu cao tinh thần trách nhiệm của người thầy, người cán bộ, đảng viên: “nói đi đôi với làm” theo tư tưởng của Bác. Đối với Trường Chính trị tỉnh Yên Bái - môi trường sư phạm đặc thù trong giảng dạy lý luận chính trị, nghiên cứu khoa học và phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thì phong cách nêu gương càng được chú trọng quan tâm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc học tập và làm theo phong cách làm việc Hồ Chí Minh của đội ngũ giảng viên Nhà trường còn những hạn chế nhất đinh: một số giảng viên chưa nêu cao ý thức, trách nhiệm trong tự học tập, tự xây dựng và hoàn thiện phong cách làm việc, chưa phát huy tốt phong cách làm việc quần chúng, dân chủ và vai trò trí tuệ tập thể, chưa có phong cách làm việc khoa học, chậm đổi mới và thiếu nhiệt tình trong công tác...

Để xây dựng phong cách làm việc cho đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái theo phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian tới ngày càng tốt hơn, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, không ngừng nâng cao nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo các cấp về vai trò, giá trị của phong cách làm việc Hồ Chí Minh đối với hiệu quả công tác của đội ngũ giảng viên và tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, phẩm chất, phong cách cho đội ngũ giảng viên.

Thứ hai, trong công tác tuyển chọn giảng viên bên cạnh việc đảm bảo yêu cầu về phẩm chất, năng lực, tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng cho giảng viên, xây dựng bộ tiêu chí, quy định về học tập, rèn luyện phong cách làm việc theo phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ ba, từng bước tăng cường trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, xây dựng môi trường văn hóa sư phạm. Thực hiện cơ chế biểu dương, khen thưởng những cá nhân có thành tích trong việc xây dựng phong cách làm việc theo phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cần kiểm tra, đánh giá, tổng kết thường xuyên.

Thứ tư, mỗi giảng viên của Nhà trường không ngừng tự học hỏi, nâng cao nhận thức về vai trò, nội dung, ý nghĩa phong cách làm việc của Hồ Chí Minh đối với người cán bộ cách mạng. Cụ thể hóa và xác định những yêu cầu, nội dung phong cách làm việc của cá nhân sao cho phù hợp.

Thứ năm, giảng viên Nhà trường tiếp tục phát huy tính tự giác tu dưỡng, rèn luyên, xây dựng phong cách làm việc theo phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm như: xây dựng cho bản thân động cơ đúng đắn, nâng cao ý thức trách nhiệm trong tu dưỡng, rèn luyện phong cách làm việc và xây dựng kế hoạch, nội dung, biện pháp tự tu dưỡng, rèn luyện cụ thể.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã trở thành trách nhiệm thường xuyên. Trong đó, phong cách làm việc của chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tài sản tinh thần vô giá của Đảng, dân tộc ta; là tấm gương sáng để mỗi người có thể học tập và noi theo. Vì vậy, việc tu dưỡng, rèn luyện theo phong cách làm việc của Bác có tính quyết định đến chất lượng của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Yên Bái. Nắm bắt ý nghĩa quan trọng ấy, bản thân mỗi giảng viên Nhà trường phải tiếp tục cố gắng hơn nữa để trở thành những tấm gương tiêu biểu như lời Bác đã dạy để góp phần hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của Nhà trường. Đó cũng chính là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Nhà trường trong tiến trình hội nhập, đổi mới.

Tiếp nối truyền thống lịch sử 64 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ giảng viên Nhà trường không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân góp phần nâng cao vị thế, cũng như tạo được sự uy tín của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái trong dư luận và trong đội ngũ cán bộ Tỉnh nhà.!.

Ths. Hoàng Thị Lê

Khoa lý luận cơ sở