• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước, trong giảng dạy môn quản lý hành chính nhà nước tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 14/09/2017 5:14:00 CH
Lượt đọc: 25343

 Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước là một tài sản quý giá trong di sản cách mạng của dân tộc ta, chứa đựng những giá trị to lớn cả về phương diện lý luận và thực tiễn đối với xây dựng nhà nước kiểu mới. Với những giá trị khoa học to lớn, ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân là cơ sở, định hướng cho việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của quá trình đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.

Việc nắm vững và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước trong nghiên cứu và giảng dạy môn Quản lý hành chính nhà nước ở trường Chính trị tỉnh Yên Bái là hết sức cần thiết. Nó giúp chúng ta lý giải rõ hơn thực tiễn xây dựng và phát triển Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin trình bày một số nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì  nhân dân ở nước ta hiện nay. Đây là những nội dung có ý nghĩa quan trọng mà chúng ta cần quán triệt và vận dụng trong việc giảng dạy môn Quản lý hành chính nhà nước.

 1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích của Nhật – Pháp, lật đổ chế thực dân nửa phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Về thể chế của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hiến pháp năm 1946 ghi rõ: “Nước Việt Nam là một nước Dân chủ cộng hòa, tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Năm 1960, đánh giá kết quả của sự kiện này, Người viết: “Chế độ do Hiến pháp năm 1946 xác nhận đã đảm bảo độc lập dân tộc và một nền dân chủ rộng rãi của nhân dân. Đó là một chế độ dân chủ mới”.

Tư tưởng xây dựng nhà nước dân chủ kiểu mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự khác biệt về bản chất của nhà nước dân chủ kiểu mới với các nhà nước của giai cấp bóc lột đã từng có trong lịch sử. Nhà nước dân chủ mới là nhà nước của nhân dân, mang bản chất của giai cấp công nhân, là kết quả của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Nhà nước của dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là “bao nhiêu quyền hạn đều là của dân”. Những người ở trong bộ máy nhà nước, bộ máy quyền lực dù là ở cấp nào cũng đều là “đầy tớ của dân”, đều do dân cử ra một cách trực tiếp hay gián tiếp để đại diện cho dân mà thực thi quyền lực. Dân có quyền giám sát, bãi miễn những người trong bộ máy nhà nước do mình bầu ra khi không làm tròn trách nhiệm đại diện quyền lực cho dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, người đại diện cho dân nắm quyền nếu không có đạo đức, phẩm chất, năng lực, không nhận thức đúng vị trí, trách nhiệm của mình và không có cơ chế bảo đảm chặt chẽ thì rất dễ rơi vào tình trạng “lạm quyền”, “đứng trên dân”. Người luôn nhắc nhở trách nhiệm làm người đại biểu của dân và nghiêm khắc phê phán những hiện tượng vi phạm quyền lực của dân. Không chỉ dừng lại ở lời nói mà trong việc làm từ nhỏ đến lớn, Người luôn tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân. Ngay cả chức Chủ tịch nước mà toàn dân tín nhiệm trao, Người cũng quan niệm đó là: “Người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”.

Nhà nước do nhân dân là nhà nước do dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình. Nhà nước đó do dân ủng hộ, giúp đỡ, đóng thuế để nhà nước chi tiêu hoạt động. Nhà nước do dân phê bình, xây dựng, giúp đỡ. “Chính quyền từ cấp xã đến chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến cấp xã do dân tổ chức nên”. Dân bầu ra người đại diện cho mình để cầm quyền, đồng thời dân có quyền kiểm soát, giám sát người mình bầu ra và bãi miễn khi họ không làm tròn sự ủy thác, đại diện. Nhà nước muốn điều hành, quản lý xã hội có hiệu lực, hiệu quả, nhất định phải dựa vào dân, đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân. Chính phủ chỉ giúp kế hoạch, cổ động chứ không phải bao cấp, làm thay để dân ỷ lại, chờ đợi.

Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phải là nhà nước thực hiện chức năng quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật; các quyền làm chủ của nhân dân phải được thể chế hoá. Một vấn đề quan trọng khác của nhà nước pháp quyền mà Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm là tính hiệu quả, tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật. Sự hiện diện của pháp luật mới chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để bảo đảm ổn định xã hội. Một xã hội muốn ổn định và phát triển không những phải có hệ thống pháp luật của mình, mà còn phải có cơ chế thực hiện pháp luật bảo đảm tính nghiêm minh và công bằng. Nhận thức sâu sắc điều đó, Hồ Chí Minh đòi hỏi pháp luật xã hội chủ nghĩa phải đủ mạnh, được thực hiện nghiêm minh, việc xét xử phải khách quan, công bằng, không thiên vị. Chúng ta đang phấn đấu đến một xã hội trong đó không có người bóc lột người, không có sự xâm phạm và làm hại đến lợi ích chính đáng của người khác, mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật... Do vậy, đối với những kẻ bất liêm, theo quan điểm của Người, dù kẻ đó ở địa vị nào và làm nghề gì, pháp luật cũng phải thẳng tay trừng trị.

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay

Trong điều kiện hiện nay, trước xu thế hội nhập và toàn  cầu hóa, chúng ta phải phát huy cao độ nội lực của dân tộc. Trong đó, cần phát huy đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân trong mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Điều đó được thể hiện như sau:

Trước hết, cải cách và kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả,  đủ khả năng hiện thực hóa đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong cuộc sống. Một nền hành chính dân chủ, vững mạnh không thể là một bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, thiếu trật tự, kỷ cương, mà phải là một bộ máy gọn nhẹ, có trật tự, kỷ cương, năng động, gần dân, có kiến thức và năng lực quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Đó là nền hành chính có đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, có lối sống văn minh, tận tụy, công tâm, không quan liêu, hách dịch, tham nhũng để phục vụ tốt nhân dân.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, gắn việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng với cải cách bộ máy hành chính. Vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong giai đoạn hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Cải cách bộ máy hành chính phải đi liền với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới Đảng. Đảng có trong sạch, vững mạnh thì mới lãnh đạo được Nhà nước thực hiện nhiệm vụ.

 Ba là, Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ có xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa do nhân dân lao động làm chủ thì mới có điều kiện đảm bảo quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Muốn phát huy quyền làm chủ của nhân dân cần phải:

Trước hết, xây dựng và đảm bảo một cơ chế làm chủ, nghĩa là tạo ra các điều kiện cần thiết để nhân dân là lực lượng chủ yếu vận hành mọi hoạt động trong xã hội. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng một Hiến pháp thích hợp với sự phát triển của chế độ dân chủ, phải có pháp luật thật sự dân chủ, phải có bộ máy chính quyền tinh gọn, nhạy bén với những con người có trình độ, có phẩm chất đạo đức tốt. Như vậy, cốt lõi của cơ chế làm chủ là hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo ra hành lang pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Thứ hai, nhân dân lao động phải là những người làm chủ xã hội. Cần tuyên truyền, giáo dục để nâng cao trình độ và ý thức làm chủ của nhân dân. Mỗi người dân Việt Nam cần thấm nhuần lời dạy của Bác: “Mọi người Việt Nam phải biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để tham gia vào công việc xây dựng nước nhà”.

3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giảng dạy môn Quản lý hành chính nhà nước.

 Từ nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước, ý thức được trách nhiệm và vai trò là người làm công tác giảng dạy, bồi dưỡng cán bộ, công chức; để đội ngũ cán bộ, công chức trong tỉnh đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về hoạt động quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay, cần quán triệt và vận dụng tốt tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trên cơ sở lý luận và thực tiễn của địa phương.

Người giảng viên giảng dạy môn Quản lý hành chính nhà nước cần hiểu rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước là hệ thống những tư tưởng, quan điểm về xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Do đó trong quá trình giảng dạy môn Quản lý hành chính nhà nước cần vận dụng có hiệu quả hệ thống tư tưởng này trong giảng dạy. Ví dụ: tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ máy, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ, về đội ngũ cán bộ, công chức, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực Nhà nước…Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng giúp cho đội ngũ học viên nâng cao nhận thức về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

 Mỗi một tư tưởng, quan điểm trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong giảng dạy môn Quản lý hành chính nhà nước do vậy để giảng dạy có hiệu quả, giảng viên cần lựa chọn những quan điểm, tư tưởng phù hợp với nội dung của từng chuyên đề và phù với chương trình giảng dạy.

Xã hội ngày càng phát triển hiện đại sẽ kéo theo nhiều sự thay đổi trong quá trình vận động và phát triển, Do đó, khi vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước trong giảng dạy, cần có sự chọn lọc, kế thừa và sáng tạo để vận dụng linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế của thời đại, xã hội và địa phương nhưng vẫn giữ được những giá trị cốt lõi trong tư tưởng của Người tránh tình trạng dập khuôn máy móc, chủ quan, duy ý chí trong quá trình giảng dạy.

Trong quá trình giảng dạy môn Quản lý hành chính nhà nước khi vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước cần phân tích làm rõ bản chất của các tư tưởng, quan điểm để học viên hiểu rõ bản chất của vấn đề qua đó định hướng cho học viên vận dụng vào thực tế, nhằm giúp học viên nâng cao hiệu lực hiệu quả công việc của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hoàng Khắc Cương

Khoa Nhà nước và Pháp luật