• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Vận dụng quan điểm về xây dựng chính quyền địa phương trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX vào giảng dạy chuyên đề “Chính quyền địa phương” trong môn học “Nội dung cơ bản về Nhà nước và pháp luật” chương trình trung cấp lý luận chính trị.
Ngày xuất bản: 17/02/2023 8:52:00 SA
Lượt đọc: 9196

 

Xây dựng chính quyền địa phương (CQĐP) vững mạnh luôn là nhiệm vụ xuyên suốt trong các giai đoạn của cách mạng Việt Nam từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945) đến nay, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiệm kỳ 2016 – 2021, tổ chức và hoạt động của các cấp chính quyền địa phương đã đạt được những kết quả tích cực. Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều đổi mới; tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, quan tâm xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, khẩn trương triển khai xây dựng chính quyền điện tử. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở một số nơi chưa được đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế.

Đối với chuyên đề “Chính quyền địa phương” trong môn học “Một số nội dung cơ bản về Nhà nước và pháp luật” của chương trình TCLLCT hiện nay được kết cấu gồm 3 nội dung chính:

- Một là: Một số vấn đề lý luận về chính quyền địa phương

- Hai là: Quá trình hình thành, phát triển và thực trạng chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay.

- Ba là: Quan điểm, giải pháp tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay.

Chính vì vậy, để nội dung bài giảng được sâu sắc hơn, gắn lý luận với thực tiễn, trong quá trình soạn và giảng dạy trên lớp giảng viên cần vận dụng những quan điểm của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong phần đánh giá thực trạng CQĐP ở Việt Nam và quan điểm, giải pháp tiếp tục xây dựng, hoàn thiện CQĐP ở Việt Nam hiện nay để học viên hiểu rõ về vị trí, vai trò của chính quyền địa phương trong công cuộc đổi mới cũng như trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Từ đó vận dụng vào lĩnh vực công tác, cuộc sống của mình nhằm góp phần đưa đường lối, quan điểm của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

Cụ thể, trong soạn giảng các giảng viên cần vận dụng những nội dung sau:

Thứ nhất: Về đánh giá thực trạng hoạt động của CQĐP hiện nay giảng viên nhấn mạnh nhận định của Đảng trong văn kiện Đại hội XIII đó là:

Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương một số nơi chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ. phân cấp, phân quyền chưa thật sự rõ ràng, hiệu lục, hiệu quả hoạt động còn hạn chế”. Từ việc nêu và phân tích thực trạng hoạt động của CQĐP sẽ là cơ sở để học viên hiểu rõ vì sao phải thực hiện giải pháp đổi mới tổ chức vào hoạt động của CQĐP hiện nay.

Thứ hai: Về quan điểm và giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐP theo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Quan điểm chung của Đảng xác định: “Tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt theo luật định; thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Do vậy, trong quá trình giảng dạy, để vận dụng hiệu quả quan điểm của Đảng vào giảng dạy, giảng viên cần nhấn mạnh các nội dung:

Một là: Xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức CQĐP ở các đơn vị hành chính là một trong những nội dung quan trọng trong  xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (đây là vấn đề mang tính chiến lược quốc gia trong giai đoạn hiện nay).

Chính vì vậy văn kiện Đại hội XIII nêu  “Tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn; quan tâm xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, khẩn trương triển khai xây dựng chính quyền điện tử”.

Quán triệt tinh thần nêu trên, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX yêu cầu phải “xây dựng và vận hành hiệu quả đề án đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử

Hai là, trong tổ chức và hoạt động của CQĐP phải kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực và hiệu quả như yêu cầu được nêu tại văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: “cải cách thủ tục hành chính; kiện toàn tổ chức, tinh giản hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh giản biên chế”.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX xác định một trong các đột phá chiến lược là: “Tập trung cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh số hóa trong quản lý xã hội và phục vụ nhân dân, thiết thực nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp”. Đồng thời đưa ra giải pháp để thực hiện nội dung này là: “Xây dựng và thực hiện chương trình đột phá về cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ, hướng vào cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, viên chức”.

Ba là, tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng về điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính ở cấp huyện và cấp xã dựa trên những căn cứ, tiêu chí khoa học và chỉ rõ cho học viên thấy đây là quan điểm và yêu cầu được nêu trong văn kiện của Đảng để tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhận thức và tổ chức thực hiện trong thực tế.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nêu: “tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước các cấp, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”…các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố được hợp nhất, sắp xếp lại cho phù hợp

Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX yêu cầu phải: “Rà soát, tiếp tục sắp xếp tinh gọn đơn vị hành chính cấp xã ở một số địa phương”.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này ngoài tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và các tiêu chí khác theo quy định của pháp luật còn phải chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cần gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Bốn là, quy định rõ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP. Việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của CQĐP phải “tập trung thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản, giải quyết các vấn đề xã hội, thực thi pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn”. Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp chính quyền địa phương cũng phải bảo đảm sự gắn kết giữa hai thiết chế HĐND và UBND, giải quyết tốt mối quan hệ giữa HĐND và UBND trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP theo quy định của pháp luật.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX chỉ rõ:

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương; nâng cao chất lượng các kỳ họp, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, các hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, các cuộc tiếp xúc cử tri và hoạt động của đại biểu hội đồng nhân dân các cấp

Tiếp tục đổi mới tư duy và cách thức quản lý nhà nước để nâng cao năng lực quản lý, điều hành của ủy ban nhân dân và trách nhiệm thi hành của các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân các cấp theo hướng đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, đơn vị

Năm là, thực hiện sự phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa trung ương, địa phương và giữa các cấp CQĐP. Thực hiện sự phân cấp, phân quyền, ủy quyền thật rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn giữa trung ương, địa phương và giữa mỗi cấp CQĐP, đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của CQĐP các cấp; đồng thời, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giữa chính quyền trung ương và địa phương khi thực hiện nhiệm vụ.

Văn kiện Đại hội XIII yêu cầu việc thực hiện sự phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp CQĐP cần “phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, chức, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức” và “Đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả

Quán triệt tinh thần trong văn kiện Đại hội XIII, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX tiếp tục xác định một trong các đột phá chiến lược là: “Thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ quyền lực” và giải pháp đưa ra là: “Hoàn thiện cơ chế, quy định về phân cấp, phân quyền công khai, minh bạch, hiệu quả, thông suốt trong điều hành và tổ chức thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, nhất là trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức, quản lý đầu tư, tài nguyên, đất đai, quản lý thu, chi ngân sách...”.

Việc giao nhiệm vụ phải đảm bảo các nguồn lực, điều kiện bảo để thực hiện tránh tình trạng chỉ giao nhiệm vụ mà không đảm bảo nguồn lực, điều kiện thực hiện sẽ gây khó khăn cho chính quyền địa phương và thiếu tính khả thi trong thực hiện nhiệm vụ.

Như vậy, xây dựng CQĐP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Việc vận dụng các quan điểm của văn kiện Đại hội XIII, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX vào nội dung bài giảng không những làm cho bài giảng sâu sắc hơn, gắn bài giảng vào hoạt động thực tế của CQĐP mà còn góp phần vào thành công trong xây dựng CQĐP trong sạch, vững mạnh kiện toàn tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của chính quyền các cấp một cách thiết thực, hiệu quả, thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân.

Nguyễn Thị Mai

Khoa Nhà nước và pháp luật