• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Vận dụng quan điểm về huấn luyện, đào tạo cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Yên Bái trong giai đoạn hiện nay
Ngày xuất bản: 20/11/2020 3:10:00 CH
Lượt đọc: 15440

 

            Những giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng, Nhà nước và dân tộc là di sản vô giá, là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam. Trong di sản đó, những tư tưởng của Người về công tác huấn luyện cán bộ giữ vai trò đặc biệt. Người đã dành cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cách mạng một sự quan tâm đặc biệt và tư tưởng của Người về huấn luyện cán bộ vẫn luôn mang đậm ý nghĩa thực tiễn cho tới ngày nay.

Ngay từ những ngày đầu khi ra đi tìm đường cứu nước, khác với các vị tiền bối, Hồ Chí Minh đã xem xét kỹ lưỡng bài học thành bại của các bậc tiền nhân đi trước. Đó là cơ sở để Người tìm ra hướng đi đúng đắn cho con đường cứu nước của mình. Có thể nói: xuất phát điểm cho sự thành công của Hồ Chí Minh chính là cách Người tư duy về nguyên nhân thất bại của các phong trào cách mạng trước đó. Chính những trải nghiệm gian khổ đã làm cho Người hình thành ngày một rõ hơn các vấn đề về chính đảng, về vai trò của tổ chức, tầm quan trọng của giáo dục, tổ chức quần chúng cách mạng. Sự kiện đánh dấu sự trưởng thành về chất của Hồ Chí Minh là Người trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 và sau đó là nhận thức của Người về công tác giác ngộ đào tạo cán bộ, một bước chuẩn bị mang tính chất quyết định đối với cách mạng. Trên tình thần đó một sự chuẩn bị về tổ chức đã được tiến hành, Hồ Chí Minh mở nhiều lớp đào tạo cán bộ cách mạng đầu tiên của Việt Nam tại Trung Quốc, sau khi được đào tạo cán bộ quay về nước hoạt động. Có thể khẳng định rằng, bằng nhận thức sắc bén, tầm nhìn chiến lược và nhãn quan chính trị sâu sắc Hồ Chí Minh đã đã sớm nhận thức được vai trò của cán bộ và công tác cán bộ đối với cách mạng

Xác định rõ huấn luyện và đào tạo cán bộ là công việc gốc của Đảng nên ngay từ đầu Người chú trọng từ khâu lựa chọn cán bộ, số lượng và thành phần xuất thân của người được lựa chọn. Trong bài phát biểu tại lớp huấn luyện cán bộ của Đảng ngày 6-5-1950, Hồ Chí Minh đã trình bày nhiều luận điểm khoa học, nêu ra các kinh nghiệm về công tác này. Người chỉ rõ huấn luyện phải thiết thực và chu đáo. Bằng những con số và thực trạng từ trước đến nay, Người đã chỉ rõ khuyết điểm của công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ. Từ đó Người đã chỉ rõ phương châm của công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ đó là: Huấn luyện ai, ai huấn luyện, huấn luyện như thế nào, phải kiểm tra ra sao và bài học cần áp dụng là gì… Những luận điểm ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Bằng bản lĩnh chính trị của mình, Hồ Chí Minh đã vạch ra cho Đảng và cách mạng Việt Nam “tầm nhìn”. Những sáng tạo trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Người dày công vun đắp để công tác cán bộ trở thành khâu “then chốt”, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Từ lịch sử xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ mà Người đặt nền móng đã để lại cho chúng ta những bài học giá trị trong công tác cán bộ hiện nay, đó là đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, coi đây là một vấn đề mang tầm chiến lược.

Trước những thuận lợi và khó khăn trong bối cảnh mới về tình hình quốc tế và trong nước, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về công tác cán bộ đã xác định mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ cán bộ nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữ vững độc lập tự chủ, đi lên chủ nghĩa xã hội”. Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn cách mạng mới gồm các nội dung: Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với từng loại cán bộ; nội dung đào tạo bồi dưỡng cán bộ; phương thức đào tạo bồi dưỡng và kiện toàn hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng cũng đã nhấn mạnh: “Mục tiêu chung là xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí…”, “nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, trước hết là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược và người đứng đầu tổ chức các cấp, các ngành của hệ thống chính trị”.

Tại Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ. Thực hiện tốt chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Xây dựng và thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trọng dụng những người có đức, có tài.”. Đồng thời, Đảng ta cũng khẳng định công việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ là một nội dung hết sức quan trọng của công tác cán bộ, có như thế mới bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, trông rộng, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Có thể nói, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Đảng ta đã và đang ra sức vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ nói chung, về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói riêng cho phù hợp với thời kỳ mới để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh do Đảng ta phát động đã và đang diễn ra sôi nổi, ngày càng đi vào chiều sâu với những hành động thiết thực trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị.

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta, trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh triển khai nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Những kết quả đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường đã và đang đóng góp quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Nhằm thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đã được phê duyệt hằng năm, Ban Giám hiệu nhà trường đã tích cực chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, nhờ đó, số lượng lớp và học viên tham gia ngày càng tăng lên. Để chủ động triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng, Ban Giám hiệu nhà trường đã chú trọng việc xây dựng kế hoạch công tác trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu thực tế trên địa bàn tỉnh, đảm bảo và tôn trọng nguyên tắc về sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Đối với từng loại hình đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường đã căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, đặc điểm từng đối tượng cán bộ được bồi dưỡng, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chức năng, nhiệm vụ của nhà trường để xây dựng chương trình khung theo nhiệm vụ của từng giai đoạn, từng thời điểm; nội dung và cấu trúc của các chương trình, cập nhật đảm bảo đúng qui định, thiết thực, phù hợp đối tượng được bồi dưỡng, cập nhật.

Nhà trường đã chú trọng đặc biệt đến việc nâng cao chất lượng đào tạo và tích cực chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tăng hướng dẫn thực hành và kỹ năng xử lý tình huống; kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp giảng dạy tích cực, tạo hưng phấn, hứng thú, kích thích năng lực tư duy, tính chủ động cho người học, từng bước nâng cao chất lượng trong từng giờ giảng, bài giảng.

Việc quản lý công tác giảng dạy và học tập ngày càng đi vào nền nếp đã góp phần tích cực đến việc nâng cao chất lượng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đặc biệt, nhà trường đã triển khai kịp thời bộ Quy chế quản lý đào tạo của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình đào tạo tại nhà trường.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học của nhà trường từng bước được quan tâm đầu tư (Nhà nội trú và đồ dùng cá nhân, phòng học và trang thiết bị giảng dạy...), tạo thuận lợi cho học viên tham dự các lớp tại trường...

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, bên cạnh những thuận lợi cơ bản và những kết quả đạt được, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái cũng còn gặp những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng như: trình độ, năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng lên nhưng chất lượng chưa đồng đều nên chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đội ngũ học viên là cán bộ, công chức, viên chức đang theo học tại trường; Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng ngày càng tăng, số lượng học viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng đông nhưng trình độ không đồng đều trong một lớp, vì vậy ảnh hưởng đến chất lượng chung; Chế độ kinh phí hỗ trợ cho học viên còn quá khó khăn, nhất là đối với học viên các lớp bồi dưỡng nên phần nào tác động đến việc học tập của học viên….

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian tới theo tôi nhà trường cần chú trọng đến một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sát với đối tượng, bám sát mục tiêu, yêu cầu công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh để thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng sát với yêu cầu nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị và nhu cầu của người học theo hướng sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi công vụ, nâng cao kỹ năng hành chính. Xây dựng lịch học các lớp phù hợp với tình hình (nhất là các lớp bồi dưỡng) để học viên chủ động về mặt thời gian, công việc chuyên môn đang đảm nhận có điều kiện thời gian tham gia lớp học đông đủ nhất, toàn tâm toàn ý cho việc học tập.

Hai là, đổi mới phương thức và nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, trước hết là việc giảng dạy và học tập chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn đang đặt ra; thực hiện việc bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng, nỗ lực giảng dạy những nội dung học viên cần thay vì dạy những điều giảng viên có... Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu các chức danh đạt kết quả. Tăng cường hoạt động nghiên cứu thực tiễn cho giảng viên để có cơ hội cọ xát thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm phục vụ thiết thực, hiệu quả, gắn sát với thực tiễn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp theo.

Ba là, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất cho các giảng đường, phòng học, thư viện, nhà nội trú. Tiếp tục đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giảng viên các khoa, phòng có kiến thức chuyên sâu, giàu kinh nghiệm thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp, nhất là các phương pháp giảng dạy hiện đại, các phương pháp giảng dạy tích cực

Bốn là, tiếp tục tăng cường, mở rộng và quản lý tốt việc phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã trong việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chủ động phối hợp chặt chẽ để xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình bồi dưỡng sát với đối tượng, chú trọng tăng lượng kiến thức kỹ năng, nghiệp vụ, đồng thời phối hợp mở lớp đúng tiến độ thời gian, chiêu sinh đúng đối tượng, đảm bảo số lượng, tiêu chuẩn và thực hiện việc quản lý lớp học theo đúng quy chế, quy định.

Hiện nay, trước yêu cầu đổi mới và hội nhập, công tác cán bộ nói chung và đào tạo bồi dưỡng cán bộ nói riêng đã và đang đặt ra nhiều thách thức. Bên cạnh những kết quả đạt dược còn nhiều khuyết điểm, hạn chế cần khắc phục để xây dựng một  đội ngũ cán bộ có đức, có tài; vừa hồng, vừa chuyên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tình hình mới. Trên cơ sở tiếp thu quan điểm của Người, trong thời gian tới trường Chính trị tỉnh Yên Bái tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh là cơ sở cho địa phương ngày càng vững mạnh./.

Dương Thị Thúy Tài

Khoa Nhà nước và Pháp luật