• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Vài suy nghĩ về đổi mới phương pháp giảng dạy môn Chủ nghĩa xã hội khoa học
Ngày xuất bản: 02/11/2018 2:24:00 CH
Lượt đọc: 28892

             Giảng dạy lý luận chính trị nói chung và CNXHKH nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giảng viên tại các trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ tư duy lý luận và bản lĩnh chính trị vững vàng đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của quá trình đổi mới đất nước thì việc đổi mới cả nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết.

Xác định vị trí, vai trò đó trong những năm qua Đảng ủy và Ban giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Yên Bái luôn quan tâm chỉ đạo chuyên môn, quản lý chương trình, tài liệu và tạo điều kiện cho giảng viên trong nhà trường học tập nâng cao trình độ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, và tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để định hướng cho phát triển toàn diện của nhà trường. Trong khuôn khổ bài viết, tôi xin đề cập đến một vài khía cạnh trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn CNXHKH với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy môn CNXHKH cũng như các môn khoa học khác.

Thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy đang là một trong những hoạt động chính của Trường Chính trị Yên Bái nói chung và của khoa Lý luận MLN, TT HCM nói riêng, đang thu hút được sự tham gia tích cực của đội ngũ giảng viên nhà trường cũng như của khoa. Tình hình giảng dạy và học tập trong thời gian qua đã có những chuyển động tích cực. Đã có rất nhiều giảng viên mạnh dạn vận dụng những phương pháp mới vào quá trình giảng dạy các môn lý luận chính trị trong đó có môn CNXHKH, phát huy tính tích cực, chủ động của người học, bài giảng đã phần nào bớt tính chất truyền đạt một chiều, thụ động.

CNXHKH là một môn học mang tính tổng hợp, không chỉ nghiên cứu các quy luật và tính quy luật chính trị - xã hội khách quan mà còn nghiên cứu những điều kiện chủ quan trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân để thực hiện quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH và chủ nghĩa cộng sản. Là một trong ba bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác-Lênin, CNXHKH gắn bó chặt chẽ với thực tiễn phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, với công cuộc xây dựng CNXH ở các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Chính thực tiễn này sẽ kiểm nghiệm tính đúng đắn các nguyên lý, quy luật của CNXHKH và là cơ sở để khái quát, bổ sung, phát triển những nguyên lý mới làm phong phú thêm lý luận CNXHKH.

Thực tiễn hiện nay cũng cho thấy việc giảng dạy môn CNXHKH trong thời gian qua gặp không ít những khó khăn, phức tạp, nhất là việc gắn lý luận với thực tiễn đất nước và thời đại. Vào những năm 90 khi hệ thống XHCN trên thế giới lâm vào tình trạng khủng khoảng (Liên Xô và các nước Đông Âu), cách mạng khoa học và công nghệ (đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0), kinh tế tri thức ngày càng phát triển thì những biểu hiện giao động, hoài nghi, phủ nhận CNXH và CNXHKH ngày càng nhiều và phức tạp hơn.

Là giảng viên giảng dạy môn CNXHKH, bản thân tôi nhận thấy trong quá trình giảng dạy các thông tin giảng viên hiện có để phục vụ cho giảng dậy môn học này vẫn trùng lặp, những thông tin mới cập nhật đôi khi còn chậm, phương tiện hỗ trợ giảng dạy sử dụng chưa nhiều; việc sử dụng phấn bảng, thuyết trình vào giảng dạy vẫn là chủ yếu. Cách thức để chuyển tải  nội dung môn học chưa phát huy được tính độc lập sáng tạo của người học, dẫn đến nhiều buổi học trở nên đơn điệu, nhàm chán, cả người dậy và người học đều không hứng thú mặc dù mấy năm gần đây vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy đã được các giảng viên chú ý.  

Cá nhân tôi cho rằng, việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn học CNXHKH tất yếu cũng phải tuân thủ những yêu cầu chung của phương pháp giảng dạy các môn khoa học khác. Phương pháp giảng dạy CNXHKH bao gồm hệ thống những phương pháp được cụ thể hoá qua lời nói, chữ viết và các phương tiện dạy học khác. Căn cứ vào lượng thông tin tri thức cần truyền tải trong quá trình dạy học có thể phân chia bằng phương pháp truyền thông tin, phương pháp củng cố và làm tăng tri thức so với thông tin gốc. Việc đổi mới phương pháp dạy môn học này cũng dựa trên cơ sở lý luận dậy học mới là quá trình giảng viên - học viên cùng tham gia, có kết hợp các phương tiện kỹ thuật, người dạy có thể đánh giá được kết quả học tập của người học ngay trong quá trình dạy học.

Tuy nhiên, khác nhiều với môn học của các khoa học chuyên ngành, môn CNXHKH không chỉ tác động vào tri thức, tư duy mà còn tác động vào tình cảm, tâm hồn, lý tưởng, phẩm chất đạo đức và niềm tin cho người học. Do vậy việc giảng dạy môn CNXHKH cần phải thấy rõ tính đặc thù của nó như:

- Giảng dạy môn CNXHKH không thể bằng phương pháp trực quan, thực nghiệm và cũng không thể thuyết phục bằng các thao tác chứng minh toán học hay đối chiếu trong phòng thí nghiệm.

- Mối quan hệ giữa người dạy và người học đối với môn CNXHKH trên nguyên tắc thông tin hai chiều không thể áp đặt như định lý bất di bất dịch của khoa học tự nhiên. Tách rời lý luận với thực tiễn cuộc sống sẽ không đủ sức thuyết phục đối với người học.

- CNXHKH với tư cách là một trong ba bộ phận hợp thành cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin lấy triết học, kinh tế chính trị học làm cơ sở phương pháp luận. Do vậy ngoài kiến thức chuyên ngành sâu sắc và thấu đáo, người dạy cần phải có kiến thức liên ngành, kiến thức triết học, kinh tế chính trị học và phải sử dụng chúng một cách hợp lý.

          Trong thời đại ngày nay khi quan niệm về giáo dục có thay đổi, đặc biệt là việc xác định trung tâm của giảng dạy là người học thì việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực trở thành một yêu cầu thiết yếu. Song vấn đề đặt ra là làm thế nào để truyền đạt được một khối lượng lớn kiến thức cho học viên vẫn huy động được sự tham gia của học viên vào giờ học đồng thời nâng cao kỹ năng tổng hợp, phân tích và phát huy sáng tạo của học viên mà giảng viên không cần thuyết trình nhiều. Để giải quyết được vấn đề này, giảng viên có thể sử dụng đa phương pháp trong một bài giảng. Mỗi phương pháp giảng dạy đều có những ưu điểm, và hạn chế nhất định, người giảng viên phải biết chắt lọc phương pháp nào giảng dạy phù hợp với từng phần, nội dung bài giảng để hỗ trợ cho phương pháp thuyết trình. Trong một bài giảng, giảng viên có rất nhiều phương pháp để cân nhắc, song không phải phương pháp lựa chọn nào cũng đều phù hợp. Nếu chúng ta lựa chọn phương pháp không phù hợp, nội dung bài giảng sẽ không chuyển tải đầy đủ và đúng yêu cầu chương trình học tập đề ra.

        Tôi lấy ví dụ như khi giảng dạy chuyên đề 6 CNXH và con đường đi lên CNXH của học phần Những nguyên lí cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh  ngoài sử dụng phương pháp đơn thuần là thuyết trình, có thể xen kẽ thêm phương pháp làm việc theo nhóm, phương pháp đàm thoại (phương pháp nêu và giải quyết vấn đề). Các phương pháp này đáp ứng xu thế tích cực hoá hoạt động cả người học, lấy hoạt động của người học làm trung tâm, khắc phục sự nhàm chán, tẻ nhạt của phương pháp thuyết trình. Cụ thể khi sử dụng phương pháp đàm thoại giảng viên có thể thực hiện ở nhiều cấp độ, như ở cấp độ thấplà thầy hỏi trò đáp không có tranh luận bổ khuyết gì thêm (ở cấp độ này là những câu hỏi mang tính củng cố kiến thức cũ những câu hỏi mà trả lời hiển nhiên trong thực tế, không phải động não nhiều). Ở cấp độ cao hơnlà câu hỏi tạo tình huống có vấn đề, qua đó người dạy, người học có sự toạ đàm, trao đổi, tranh luận để đi đến giải quyết vấn đề. Để có câu trả lời đúng đòi hỏi người học phải suy nghĩ cao độ, đồng thời người dạy phải có sự chuẩn bị chu đáo trong việc tạo ra tình huống có vấn đề.

Do vậy, việc nhận thức sâu sắc và khoa học về các phương pháp giảng dạy để sử dụng chúng nhằm nâng cao chất lượng bài giảng là cần thiết. Song một điều không kém phần quan trọng là sự lựa chọn các phương pháp sao cho phù hợp với đối tượng, với mục đích và nội dung cần truyền tải. Đối  tượng của chúng ta trong công tác đào tạo, bồi dưỡng hầu hết cán bộ, công chức cấp xã và các sở ban ngành, họ là những người trực tiếp thực hiện và tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy việc  trang bị đầy đủ, toàn diện, sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng và cơ bản. Do đó việc nâng cao chất lượng giảng dậy các môn lý luận chính trị trong đó có bộ môn CNXHKH  luôn là vấn đề cốt lõi vừa có tính cơ bản vừa có tính sống còn đối với giảng viên giảng dạy lý luận.

Vấn đề cốt lõi của đổi mới phương pháp giảng dạy là xác định cách thức, nguyên tắc, là nghệ thuật trình giảng mới mẻ, hiệu quả hơn… nhưng vấn đề này lại có quan hệ chặt chẽ với tính chất đặc thù môn học. Do vậy, đổi mới là nhằm đáp ứng và giải quyết được những vấn đề đặc thù của môn học, chứ không vấn đề gì khác hơn. Do đó, người giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị nói chung, CNXHKH nói riêng cần hội tụ được được những yếu tố sau:

Khả năng chuyên gia: một người thầy lý luận chính trị, phải cố gắng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực lý luận chính trị thì mới có sức tạo niềm tin cho người học. Tránh tình trạng trên giảng đường nhiều thầy cô tỏ ra lúng túng trước học viên về những vấn đề được hỏi thuộc phạm vi nội dung giảng dạy của mình. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng chuyên gia ở đây không phải là bác học. Để làm được như vậy mỗi giảng viên phải coi trọng công tác tự học, chịu đọc, chịu suy nghĩ, chịu cập nhật thông tin, kể cả những thông tin trái chiều, để đối chiếu, so sánh…

Khả năng khéo léo, nhạy bén: để giải quyết được những nội dung môn học này đòi hỏi giảng viên phải khéo léo giải quyết những vấn đề khô khan thành mềm dẻo, những vấn đề trừu tượng được đơn giản hóa, gắn kết lý luận với thực tiễn một cách sinh động. Khéo léo trong cách ứng xử những vấn đề thuộc ý thức hệ giai cấp, đối với người học sao cho người học không thấy bị áp đặt.

Phong thái cởi mở, phong cách dân chủ: phải đề cao không khí làm việc cởi mở giữa người dạy và người học, dân chủ trong sinh hoạt học thuật, trong đối thoại, tạo không khí tin cậy giữa người dạy và người học. Qua đó, sẽ kích thích người học tiếp cận và chủ động giải quyết nhiều vấn đề của môn học.

Và tiếp đến là lòng yêu nghề, có lẽ đây là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất. Trên nền tảng nắm vững lí luận, bám sát thực tiễn, lòng yêu nghề sẽ thổi hồn cho bài giảng. Từ các nguyên lý, lý luận trừu tượng thành gần gũi, từ khó hiểu và phức tạp thành những vấn đề giản dị dễ tiếp thu. Từ đó giúp người học hứng thú hơn trong học tập, thấy rõ ý nghĩa tích cực của việc học lý luận chính trị. Có như thế thì quá trình giảng dạy và học tập lý luận chính trị mới đạt được kết quả khả quan, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn của nhiệm vụ cách mạng đặt ra.

Tạ Thị Hảo

Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng HCM