• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VỀ YÊN BÁI KHÁM PHÁ LỄ HỘI CÚNG CÂY CHÈ TỔ CỦA NGƯỜI DÂN SUỐI GIÀNG
Ngày xuất bản: 09/02/2023 9:53:00 SA
Lượt đọc: 10125

 

Với người dân Suối Giàng, Yên Bái lễ hội cúng cây chè tổ là lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm theo nghi thức của người Mông nhằm tôn vinh vùng chè Shan tuyết Suối Giàng. Đồng thời, giới thiệu, nâng tầm giá trị thương hiệu chè Suối Giàng với thị trường nội địa và quốc tế. Đây cũng là dịp để giới thiệu nét đẹp văn hoá đặc sắc dân tộc Mông gắn với phát triển kinh tế - xã hội; tạo môi trường nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của địa phương.

Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

Suối Giàng là một xã nằm ở phía Đông Bắc của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, cách trung tâm huyện lỵ 12 km và trung tâm tỉnh lỵ 80 km. Suối Giàng ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, vì thế được hưởng một bầu không khí quanh năm mát lành, sương mù bao phủ rất thuận lợi trong việc phát triển du lịch sinh thái. Nhiệt độ trung bình từ 20 - 30 0C mùa đông rét đậm, nhiệt độ xuống 2 - 3 0C. Một ngày ở Suối Giàng, ta có thể cảm nhận được đủ bốn mùa trong năm. Bởi thế, khí hậu ở Suối Giàng có thể sánh với Sa Pa, Đà Lạt.

Suối Giàng là một xã vùng Cao thuộc tỉnh Yên Bái Nguồn ảnh: Internet

 Với 4 tộc người cùng cư trú là người Mông, Kinh, Dao, Tày, trong đó người Mông chiếm 98,5%, còn lại các dân tộc khác chiếm gần 2%. Do vậy, các giá trị văn hoá truyền thống của người Mông còn lưu giữ được nhiều yếu tố cổ truyền độc đáo. 

Cách đây vài trăm năm, tộc người Mông đến sinh sống trên mảnh đất Suối Giàng này, xóm làng ẩn khuất trong sương mù và rừng cây xanh, cảnh vật vừa nên thơ vừa hùng vĩ, âm vang của điệu khèn quyện với tiếng gió đại ngàn vi vút. Không biết từ bao giờ, hình ảnh cây chè đã trở thành biểu tượng của miền đất giàu tiềm năng để phát triển kinh tế, văn hoá và du lịch hôm nay và mai sau.

Quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ xã Suối Giàng

Quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ xã Suối Giàng mọc tự nhiên ở độ cao từ 1.300 -1.800 m so với mặt nước biển, quanh năm được bao bọc bởi mây mù, tuổi đời từ 100 đến 300 năm. Những cây chè cổ thụ này được các nhà khoa học xác định đây là thủy tổ của cây chè trên thế giới, với 400 cây chè Shan tuyết cổ thụ đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. 

Cây chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời từ 100 đến 300 năm. Nguồn ảnh: Internet

Cây chè Shan tuyết hợp với khí hậu, đất đai và nguồn nước ở đây nên xanh tốt, đồng bào Mông không bao giờ phải bón phân hay phun thuốc bảo vệ thực vật. Bởi vậy chè cổ thụ rất được thị trường ưa chuộng, vì ngoài chất lượng tuyệt hảo thì chè Shan còn là chè sạch tuyệt đối.

Hiện cả xã Suối Giàng có trên 500 ha chè Shan trong đó có quần thể 400 cây chè Shan trên 100 năm tuổi đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt 600 tấn. Năm 2013, sản phẩm chè Suối Giàng đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền.  

Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa, hàng chục năm qua cây chè Suối Giàng còn được người dân ở đây khai thác mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo. Suối Giàng có tới 98% dân cư là người Mông. Họ sống với nghề hái chè và sản xuất chè từ đời này qua đời khác. Mỗi sân nhà đều có vài gốc chè, mỗi gia đình đều có người làm nghề chè. Vì vậy, chè không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn thu nhập chủ chốt của những người dân nơi đây.

Một năm, chè Shan tuyết Suối Giàng cho thu hoạch ba vụ: vụ xuân, vụ hè và vụ cuối vào khoảng tháng 8 - 9 âm lịch. Chè Suối Giàng được hái, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người Mông.

Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với sản phẩm từ tất cả các vùng chè trên cả nước. Chè Shan tuyết có vị chan chát, đặc quánh tưởng như có thể xắt ra mà nếm trên đầu lưỡi, quyến rũ lan tỏa trong không gian, nồng nàn đến mức có cảm giác chẳng uống mà cũng thấy say say.

Trong những năm qua để cây chè shan tuyết được giữ vững và trở thành thương hiệu. Đồng bào Mông nơi đây đã giới thiệu, quảng bá thương hiệu chè bằng cách kết hợp giữa văn hóa chè với truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc và phát triển du lịch. Bởi vậy, thương hiệu Chè Suối Giàng ngày càng được vươn xa trong và ngoài nước, giúp đồng bào Mông làm giàu trên vùng tài nguyên vô giá này.

Độc đáo lễ hội cúng cây chè Tổ của người dân Suối Giàng

Nhắc đến Yên Bái, người ta hay nói về hội xòe Mường Lò, lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải…Tuy nhiên, lễ hội cúng cây chè Tổ của người Mông ở Suối Giàng cũng vô cùng đặc sắc và nổi tiếng. Cũng như các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tín ngưỡng dân gian chiếm một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mông, với quan niệm vạn vật có linh hồn, đồng bào Mông thường có tục cúng những hòn đá to, những cây cổ thụ. Để tỏ lòng thành kính, biết ơn trời đất, các thần linh đã phù hộ cho người dân một năm mưa thuận gió hòa, có những nương chè bội thu. Hàng năm, theo nghi lễ truyền thống, người Mông Suối Giàng tổ chức lễ cúng cây chè Tổ, vừa thể hiện nét văn hoá tâm linh, vừa chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, tạo nên nét đẹp độc đáo của Suối Giàng.

Lễ hội được tổ chức hàng năm thường vào giữa Thu hoặc đầu Xuân theo nghi lễ truyền thống của người H'Mông Suối Giàng để cảm tạ trời đất, cảm tạ cây chè Shan tuyết Suối Giàng - giống chè đặc sản của địa phương. Đồng thời, cũng nhằm giới thiệu, quảng bá, nâng tầm giá trị thương hiệu chè Suối Giàng trên thị trường nội địa và quốc tế.

Tại Lễ hội, du khách thập phương sẽ được hòa mình vào những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Mông Suối Giàng như lễ cúng tôn vinh cây chè Tổ, quy trình hái chè, chế biến và thưởng thức chè Shan tuyết cùng các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như giã bánh dày, múa khèn Mông, đẩy gậy, kéo co, ném pao và các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm…

Lễ hội cũng là dịp giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc dân tộc Mông gắn với phát triển kinh tế - xã hội; tạo môi trường hấp dẫn, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đẩy nhanh quá trình xây dựng khu du lịch sinh thái Suối Giàng… Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ và phát triển giống chè quý Suối Giàng.

Phần lễ

Phần lễ gồm có những nghi thức truyền thống trang trọng. Mở đầu là phần rước lễ, dẫn đầu đoàn rước lễ là mâm lễ chính của Uỷ ban nhân dân xã Suối Giàng, tiếp đến là các mâm lễ của các thôn, bản, các mâm lễ của một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn xã. Các lễ vật là những sản phẩm nông nghiệp tươi ngon nhất của địa phương do chính bà con nhân dân nuôi, trồng như: cơm nếp, rượu, gà, bánh dầy, hoa, trái cây, chè, giấy vàng, giấy đỏ, hương...

 

Rước lễ đến cây chè tổ. Nguồn ảnh: Internet

Theo sau các mâm lễ là đội rước lễ bao gồm: Đội khèn có 6 người là những thanh niên trẻ, khỏe mạnh và ưu tú trong bản, sau đội khèn là thầy cúng thay mặt nhân dân cúng tế cây chè Tổ, tiếp đến là các đồng chí lãnh đạo địa phương, các đại biểu khách quý, các doanh nghiệp cùng toàn thể du khách và bà con nhân dân cùng tham gia dâng lễ vật tạ ơn lên cây chè Tổ. Tạ ơn thần cây đã che chở, phù hộ cho bà con dân bản một năm mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, cầu thần cây tiếp tục phù hộ cho bà con dân bản năm mới sức khỏe, cho cây chè ra nhiều búp, được mùa lúa, ngô….

Lễ cúng được thực hiện bên gốc cây chè cổ thụ (chè Tổ) ở thôn Pang Cáng, nhân dân trong bản sẽ bày mâm lễ vật với cơm nếp, rượu, giấy vàng, giấy đỏ và một con gà trống… Chủ lễ là già làng cao niên, đức độ, có uy tín thông hiểu phong tục tập quán của người Mông thay mặt bà con dâng lễ cúng cây chè Tổ, gửi gắm ước mơ, cảm tạ trời đất đã ban phước lành cho dân bản.

Chủ lễ thực hiện nghi lễ cúng cây chè tổ. Nguồn ảnh: Internet

Lời cúng: “Hỡi trời đất, Thần linh!  người Mông Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có sự chứng kiến của các vị đại biểu, khách quý có chút lễ mọn dâng lên trời đất, thần linh, thần chè tỏ lòng thành tâm: Cầu thần trời, thần đất, thần chè phù hộ, che chở cho vạn vật, cầu cho mưa thuận gió hoà, cuộc sống của người dân ấm no, hạnh phúc, cầu cho quê hương, đất nước thái bình – thịnh vượng…”

“…Nhớ khi xưa, mới đến định cư, nơi đây chỉ có vài nóc nhà, cuộc sống đói rét, lầm than, tăm tối, người Mông chỉ biết cặm cụi làm ăn: trồng ngô, trồng lúa và săn bắt. Nhờ trời, nhờ ơn Đảng và Chính phủ, người Mông có cây chè quý, có được nguồn thu đáng kể, có công ăn việc làm, xoá được cái đói, giảm được cái nghèo, đời sống có nhiều tiến bộ…”

“…Suối Giàng hôm nay đã đổi mới rồi, lung linh điện sáng trên núi cao, vang vang tiếng trẻ học bài, người Mông có truyền hình để xem, có xe máy để đi, tất cả là nhờ cây chè, hương chè, búp chè mang lại. Hương thơm, vị đượm của chè shan tuyết Suối Giàng đang bay cao, bay xa để mời gọi bạn bè bốn phương. Sản phẩm chè Suối Giàng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng được bạn bè trong và ngoài nước ưa chuộng...”

“…Hỡi trời đất, thần linh chứng giám: Trong thời khắc linh thiêng này, người Mông cùng các dân tộc anh em nguyện đoàn kết một lòng theo Đảng, nghe theo Bác Hồ kính yêu, quyết tâm giữ gìn, chăm sóc và phát triển giống chè quý, giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, vì mục tiêu, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

 

Toàn cảnh lễ cúng cây chè tổ. Nguồn ảnh: Internet

Lễ cúng tôn vinh cây chè Tổ, một nét đẹp trong văn hoá tín ngưỡng của đồng bào Mông xã Suối Giàng; tín ngưỡng dân gian này biểu hiện qua những lời cúng mộc mạc, giản dị, chứa đựng khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khát vọng ấy mãi mãi tuôn trào nhựa sống nuôi dưỡng cây chè, rừng chè nảy lộc đâm chồi, tốt tươi, mang lại ấm no hạnh phúc muôn đời

Phần hội

Ngay sau phần lễ sẽ là phần hội. Đây luôn là phần được chờ đợi nhất vì luôn có những hoạt động vô cùng sôi nổi và vui nhộn cùng với sự tham gia của người dân trong xã và du khách thập phương. Phần hội thường có các hoạt động như trình diễn quy trình hái chè, chế biến chè Shan tuyết của các chàng trai, cô gái người Mông.

Người dân thi hái chè tại Lễ hội. Nguồn ảnh: Internet

Cùng các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như giã bánh dày, múa khèn Mông, đẩy gậy, kéo co, ném pao và các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm...

 Thi giã bánh dày là một hoạt động sôi nổi tại Lễ hội. Nguồn ảnh: Internet

Ngoài ra, người dân và du khách có thể ghé các tiệm trà Suối Giàng ở thôn Pang Cáng để được hòa mình vào không gian văn hóa trà Suối Giàng để cảm nhận được sự tinh tế, khác biệt của chè trên đỉnh núi mờ sương.

Một phòng thưởng trà tại Suối Giàng. Nguồn ảnh: Internet

Không ai biết chính xác từ khi nào, cây chè đã đến, bén rễ, trưởng thành rồi trở thành cổ thụ trên sườn núi cao Suối Giàng. Cây ít tuổi cũng trên 100 năm, cây nhiều tuổi tới hơn 300 năm. Nhưng búp non vẫn lên xanh trên những thân chè xù xì trắng mốc, bám chắc rễ trên sườn núi cheo leo, làm nên cảnh sắc vườn chè cổ thụ độc đáo không thể nào quên.

Búp chè shan màu trắng xám, bọc một lớp phấn trắng mờ như tuyết nên được gọi là chè Shan tuyết. Búp chè được hái, bằng kinh nghiệm từ bàn tay khéo léo của người Mông và để hái được những búp chè non thì phải trèo lên cành cao của cây chè cổ thụ để hái từng búp chè tươi non, và sản phẩm chè được hái ra đạt tiêu chuẩn phải là: 1 tôm, 1 lá hoặc 1 tôm, 2 lá.

Cây chè trưởng thành nhờ nguồn nước suối tinh khiết mát lành, thấm đẫm vị sương mai, hít thở gió đại ngàn và kết tinh sức lao động của những con người có lối sống phóng khoáng, giàu tinh thần thượng võ. Sản phẩm chè Suối Giàng vừa là tinh hoa của đất trời, vừa là tinh hoa của lao động, do đó chè Suối Giàng có hương vị rất riêng: Thanh khiết, nồng đượm; uống 1 lần rồi nhớ mãi không quyên, đến rồi muốn ở lại với hương chè Suối Giàng, 1 đặc sản riêng có của vùng cao Suối Giàng.

 

 

Hoàng Khắc Cương

Khoa Nhà nước và Pháp luật