• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VAI TRÒ CỦA THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
Ngày xuất bản: 07/09/2021 10:57:00 SA
Lượt đọc: 10891

 

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, các quan hệ xã hội, các quan hệ kinh tế, dân sự cũng không ngừng phát sinh, ngày càng phong phú, đa dạng, dẫn đến các mâu thuẫn, tranh chấp ngày càng nhiều và phức tạp. Thông thường khi mâu thuẫn phát sinh các bên tranh chấp thường nghĩ ngay đến việc yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Điều này đã dẫn tới tình trạng "quá tải" của hệ thống Tòa án hiện nay. Thêm vào đó, việc sử dụng phương thức giải quyết thông qua tố tụng Tòa án hoặc thủ tục bắt buộc tại cơ quan có thẩm quyền khác thường rất phức tạp, tốn kém gây khó khăn cho người dân. Để giải quyết những vướng mắc nêu trên, Nhà nước thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Nhằm tạo hành lang pháp lý cho phương thức hòa giải ở cơ sở, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 nhằm luật hóa phương thức giải quyết tranh chấp này. Từ đó, hòa giải ở cơ sở không ngừng được củng cố về tổ chức, đội ngũ, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn tình đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho người dân, Nhà nước.

Thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở là quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy phạm pháp luật về hòa giải cơ sở đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật, góp phần giải quyết vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân; củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; giảm bớt một phần gánh nặng cho tòa án và các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tạo sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là hoạt động khá phổ biến, được thực hiện thường xuyên, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của người dân, cũng như góp phần quan trọng trong việc giữ gìn ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vai trò đó được thể hiện như sau:

Thứ nhất, thực hiện pháp luật hòa giải cơ sở góp phần củng cố, tăng cường truyền thống đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh.

Dân tộc ta có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, đó là một tài sản quý báu luôn được giữ gìn và phát triển suốt chiều dài lịch sử. "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng", "bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"; "bán anh em xa, mua láng giềng gần"… những đạo lý đó đã khắc sâu và trở thành tiềm thức trong lòng nhiều người dân Việt Nam. Bởi thế, dân tộc ta luôn biết sống đoàn kết gắn bó với nhau, xây dựng nền tảng xã hội vững chắc. Đó chính là sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù hùng mạnh nhất.

Tuy nhiên, trong cuộc sống cộng đồng dân cư không thể tránh khỏi những va chạm, xích mích. Đó có thể là những tranh chấp, mâu thuẫn trong quan hệ về dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai hoặc những việc vi phạm nhỏ Những mâu thuẫn ấy nếu không được giải quyết triệt để ngay từ đầu rất có thể sẽ trở thành những vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mối quan hệ đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư. Trong thực tế, các mâu thuẫn, tranh chấp của người dân không phải lúc nào cũng được giải quyết ổn thỏa bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng một bản án hay một quyết định, mà nhiều khi được giải quyết triệt để thông qua hoạt động hòa giải. Vì hòa giải sẽ giúp các bên đạt được thỏa thuận một cách tự nguyện, giải quyết tận gốc rễ các mâu thuẫn về cả lợi ích vật chất tinh thần, khôi phục, giữ gìn tình cảm, sự đoàn kết, tương thân tương ái.

Mặt khác, trong quản lý xã hội hiện nay, để đạt được hiệu quả tối ưu, bên cạnh việc đề cao và sử dụng pháp luật cần phải có sự kết hợp với giáo dục về đạo đức. Do đó, thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở không những góp phần giải quyết các mâu thuẫn, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư mà còn có tác dụng giáo dục, cảm hóa con người, giáo dục ý thức pháp luật, khơi dậy tình cảm, đạo đức tốt đẹp.

Thứ hai, thực hiện pháp luật hòa giải cơ sở góp phần giải quyết, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Trong cuộc sống thường ngày của người dân không thể tránh khỏi việc phát sinh các mâu thuẫn. Những mâu thuẫn, tranh chấp đó có thể giải quyết bằng nhiều hình thức khác nhau như: các bên tự thỏa thuận; đơn phương chấm dứt xung đột; thông qua hòa giải ở cơ sở; khiếu kiện ra Tòa án nhân dân... Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh có rất ít mâu thuẫn mà các bên tự dàn xếp thỏa thuận được một cách triệt để, vì thế thường phải nhờ đến sự can thiệp của bên thứ ba mới có thể giải quyết được. Nếu vụ việc bị đưa ra tòa án thì sẽ rất phức tạp vì phải tuân thủ theo một trình tự thủ tục tố tụng chặt chẽ, tốn kém. Vì thế, trong các hình thức trên, hòa giải ở cơ sở là một phương pháp hữu hiệu vừa có thể giải quyết được mâu thuẫn vừa giữ gìn được tình cảm, tình đoàn kết giữa các bên.

Trong thực tế, những vi phạm pháp luật và mâu thuẫn nhỏ nếu không kịp thời giải quyết triệt để rất có thể dẫn đến những hành vi tội phạm. Phần lớn các hành vi phạm, đặc biệt là tội giết người, tội cố ý gây thương tích…thường phát sinh từ những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ của người dân nhưng do không kịp thời được hòa giải đã gây ra những hành động đáng tiếc. Đặc biệt có những tranh chấp nếu không kịp thời giải quyết sẽ dẫn đến nguy cơ khiếu kiện tập thể, tụ tập đông người gây rối ở các cơ quan hành chính Nhà nước, trở thành điểm nóng chính trị ở nhiều địa phương.

Vì vậy, thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở không những góp phần giải quyết kịp thời triệt để các mâu thuẫn góp phần ổn định trật tự xã hội mà còn có tác dụng triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội, góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Từ đó có thể thấy, hòa giải ở cơ sở không những là một hình thức giải quyết tranh chấp mà nó còn là một nguyên tắc quản lý xã hội trong mọi thời đại.

Thứ ba, thực hiện pháp luật hòa giải cơ sở góp phần hạn chế khiếu kiện, tiết kiệm thời gian, công sức, tài sản của Nhà nước và Nhân dân

Trong các hình thức giải quyết tranh chấp, hình thức giải quyết bằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Tòa án, cơ quan hành chính nhà nước) là hình thức đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhân danh Nhà nước, được quyền phân xử để đưa ra các phán quyết có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên tranh chấp. Các phán quyết này thể hiện quyền lực Nhà nước với tư cách là cơ quan bảo vệ pháp luật và đươc đảm bảo thực hiện bằng sự cưỡng chế của Nhà nước.

Việc giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền được quy định chặt chẽ, và được tiến hành theo một trình tự thủ tục chặt chẽ để đảm bảo giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Những mâu thuẫn, tranh chấp của nhân dân nếu được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ dẫn đến việc tổn hao công sức, tiền bạc, thời gian… của Nhân dân và cả cơ quan nhà nước. Thực tế hiện nay, số vụ việc khiếu kiện mà Tòa án hay Uỷ ban nhân dân các cấp phải thụ lý giải quyết đã quá tải, trong khi đó cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện về đội ngũ cán bộ chuyên môn lại chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Đối với nhiều vụ việc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện ra Tòa án, khiếu kiện vượt cấp là việc chưa thực hiện tốt hình thức hòa giải ở cơ sở.

Như vậy, thực hiện tốt pháp luật hòa giải ở cơ sở không những góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn mà thông qua đó còn tuyên truyền pháp luật, giải thích cho người dân hiểu quyền lợi của việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải so với giải quyết tranh chấp bằng tòa án. Từ đó góp phần giảm bớt các vụ việc phải giải quyết của tòa án và các cơ quan hành chính nhà nước, tiết kiệm cho Nhân dân về chi phí khiếu kiện, thời gian, công sức đi lại... Đồng thời cũng góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất cho các cơ quan tố tụng, giảm chi tiêu từ ngân sách nhà nước.

Thứ tư, thực hiện pháp luật hòa giải cơ sở góp phần tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một khâu của tổ chức thực hiện pháp luật, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện thông qua nhiều hình thức: thông qua phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hội nghị, giảng dạy pháp luật ở các nhà trường, đặc biệt việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn được thực hiện thông qua các hoạt động tư pháp như xét xử, hòa giải… Thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau. Để việc thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả phải có cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật hữu hiệu đưa pháp luật hòa giải vào cuộc sống, trong đó việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về hòa giải ở cơ sở nói riêng là khâu không thể thiếu. Ngược lại, tổ chức thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở là một trong những hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hữu hiệu.

Bằng sự định hướng, giáo dục thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở mà pháp luật đi sâu vào nhận thức, tình cảm của từng cá nhân, từng gia đình, từng cộng đồng một cách sâu sắc. Thông qua tuyên truyền phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở có sức thuyết phục hơn theo phương châm "trăm nghe không bằng một thấy". Đồng thời thông qua hoạt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở giúp người dân hiểu biết thêm về chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó hình thành thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật.

Tóm lai, thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong việc giải quyết triệt để các mâu thuẫn của người dân, góp phần tạo nên sự đoàn kết dân tộc, tinh thần tương thân tương ái. Phát huy tốt vai trò của việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở sẽ góp phần hạn chế, đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật góp phần giữ gìn sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Hoàng Khắc Cương

Khoa nhà nước và pháp luật