• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 15/05/2019 8:07:00 SA
Lượt đọc: 22676

            Công tác giáo dục lý luận chính trị là một bộ phận trong công tác tư tưởng của Đảng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm công tác giáo dục lý luận chính trị nhằm giác ngộ lý tưởng cách mạng, nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ. 

Trong giáo dục lý luận chính trị nói riêng, theo tôi, vấn đề nổi lên hàng đầu là giảng viên. Giảng viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục. Ở đây vấn đề giảng viên được đặt ra dưới góc độ năng lực, phẩm chất, điều kiện sống, điều kiện làm việc, quan niệm của xã hội đối với nghề dạy học và thái độ đối với giảng viên. Triết gia, nhà thơ Tagor của Ấn Độ đã nói về vai trò của người thầy như sau: “Giáo dục một người đàn ông được một con người. Giáo dục một người đàn bà được một gia đình. Giáo dục một người Thầy được cả một thế hệ”.  Ngày nay, yêu cầu về chất lượng đối với người Thầy đặc biệt là người giảng viên dạy lý luận chính trị rất cao. Bởi thực tiễn không ngừng biến đổi và đối tượng công tác giảng dạy lý luận chính trị là đội ngũ cán bộ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, công chức, viên chức... có trình độ chuyên môn và thực tiễn sâu rộng..  

Trong những năm qua, Nhà trường luôn thực hiện phương châm lý luận liên hệ với thực tiễn, gắn lý thuyết với thực hành; gắn việc học tập lý luận ở trường với đời sống xã hội, thực tiễn công tác ở cơ sở; liên hệ, vận dụng lý luận với thực tiễn lãnh đạo, quản lý ở địa phương; gắn học tập với rèn luyện tư cách đạo đức của người cán bộ. 100% giảng viên của trường đã được bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực và đã áp dụng phương pháp dạy học tích cực cùng với phương tiện hiện đại, phát huy tính tự giác, chủ động học tập của học viên trên cơ sở hướng dẫn gợi mở của giảng viên; tăng cường thảo luận, liên hệ, vận dụng những kiến thức đã học với việc giải quyết các tình huống trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, làm tốt các bài tập thực hành về kỹ năng, nghiệp vụ công tác; tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế và viết thu hoạch cuối khóa. Hàng năm, Nhà trường đều tổ chức thao giảng, dự giờ cấp khoa, cấp trường, cử giảng viên dự hội thi giảng viên dạy giỏi do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, qua đó nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên cũng như tạo điều kiện để giảng viên giữa các trường được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Hiện nay, công tác giảng dạy lý luận chính trị của trường đã bám sát nhiệm vụ, mục tiêu đào tạo, coi trọng nâng cao chất lượng, thực hiện đa dạng hóa hình thức đào tạo (tập trung, vừa làm vừa học); từng bước đổi mới nội dung, chương trình theo hướng thiết thực, hiệu quả, phương pháp giảng dạy và học tập bước đầu được đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu học tập lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên cơ sở. Nhà trường cũng đã chú trọng việc đào tạo và xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng cao, là những người vừa có trình độ lý luận chính trị và kiến thức thực tiễn, có năng khiếu thuyết trình, được trang bị kỹ năng nghiệp vụ sư phạm và có tâm huyết với công việc khi thực hiện nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị. Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu đào tạo của nhà trường theo tôi cần chú ý một số nội dung sau:

Thứ nhất, giảng viên nói chung và giảng viên lý luận chính trị cần phải có “nghiệp vụ sư phạm”, đó chính yếu tố quan trọng để giảng dạy, giảng dạy tốt, giảng dạy đúng, tạo điều kiện cho học viên hứng thú, dễ tiếp thu bài.

Thứ hai, ngoài “nghiệp vụ sư phạm” cần thường xuyên bồi dưỡng phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, đó là phương pháp “lý luận gắn thực tiễn”. Vì lý luận chính trị nếu không có thực tiễn minh họa thì rất trừu tượng, khô khan, khó hiểu, khó tiếp thu. Do vậy cần phải bồi dưỡng và tạo điều kiện để giúp các giảng viên có được kiến thức thực tế và kinh nghiệm để truyền đạt kiến thức lý luận chính trị tới học viên một cách hiệu quả nhất.

Thứ ba, thường xuyên cập nhật kiến thức và phát triển lý luận bằng cách tự nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, đi tập huấn.

Thứ tư, tiếp tục thường xuyên tổ chức thao giảng, dự giờ trong giảng dạy, điều này giúp cho giảng viên có dịp giao lưu, học hỏi, rút kinh nghiệm trong giảng dạy nhất là việc đưa ra các phương pháp mới, giảng dạy tích cực để thu hút lôi cuốn các học viên tập trung học tập và tự giác nghiên cứu bài sâu hơn.

Thứ năm, phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên dạy lý luận chính trị. Cụ thể ở các mặt như: phong cách giảng dạy, phương pháp truyền đạt, kỹ năng sử dụng các phương tiện hỗ trợ trong giảng dạy nội dung và phương pháp sư phạm...

Tạ Thị Hảo

Khoa Lý luận MLN, TTHCM