• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG GIẢNG DẠY LÝ LUẬN Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ
Ngày xuất bản: 13/11/2020 2:22:00 CH
Lượt đọc: 16786

          Thế giới đang có những bước chuyển mình nhờ những thành tựu của công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng cho việc tạo ra những nhân tố năng động mới, cho quá trình hình thành nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học được coi là một xu thế tất yếu, một công cụ hiệu quả trong giai đoạn hiện nay giúp khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đào tạo ở Việt Nam, trong đó có đổi mới công tác giảng dạy lý luận chính trị.

Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần quan trọng vào việc tăng hiệu suất giảng dạy và học tập. Chương trình học lí luận chính trị thường có đặc điểm thiết kế thời lượng chương trình phù hợp với đối tượng người học là các học viên vừa học tập vừa tham gia công tác. Do đó việc sử dụng máy tính, máy tính để hiển thị slide bài giảng, video minh họa, hình ảnh minh họa giúp giảng viên có nhiều thời gian để phân tích, giải thích kĩ hơn các nội dung cần truyền đạt, giúp học viên tiếp thu bài giảng dễ dàng hơn và có nhiều thời gian để thảo luận, luyện tập và có cách nhìn hệ thống hơn về bài học trên lớp. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác, sáng tạo trong việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị. Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong dạy và học là xu thế tất yếu của giáo dục hiện đại. Đó chính là cách thức theo hướng xác định đối tượng dạy làm vai trò trung tâm của việc dạy học.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nói chúng và giảng dạy lý luận chính trị nói riêng, những năm qua, Trường chính trị tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm và nỗ lực đưa công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy. Với sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường, sự nỗ lực không ngừng của các giảng viên, tính đến nay, tất cả các giảng viên của trường đều đã có thể tự soạn giảng và sử dụng một cách hiệu quả các thiết bị hỗ trợ để phục vụ công tác soạng, giảng. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của các môn học nên việc ứng dụng công nghệ thông tin tính đến hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: bài giảng còn nặng về chữ, tư liệu chưa phong phú, một số tính năng của phần mềm trình chiếu vẫn chưa khai thác được tối đa. Thực tế cho thấy, một số giảng viên vẫn còn thói quen dạy học theo kiểu truyền thu kiến thức một chiều, giảng viên sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy lí luận chính trị về cơ bản mới chỉ dừng lại ở việc chiếu chép mà chưa có sự đầu tư thời gian để nghiên cứu các thức sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, việc học tập bồi dưỡng nâng cao về ngoại ngữ và tin học vẫn còn có hạn chế nên dẫn đến tâm lý ngại sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học..Điều đó làm cho công nghệ thông tin dù đã được đưa vào quá trình giảng dạy lý luận chính trị nhưng vẫn chưa phát huy được hết năng lực vốn có của nó.

Để việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy lý luận chính trị ngày càng có hiệu quả hơn, bản thân tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, giảng viên cần mạnh dạn, không ngại khó, tự thiết kế và sử dụng bài giảng điện tử cho mình để rèn luyện được nhiều kỹ năng và có khả năng phối hợp được tốt các phương pháp dạy học tích cực khác. Hiện nay phần mềm Powerpoint được sử dụng khá phổ biến trong giảng dạy. Để thiết kế các slide hỗ trợ cho giảng dạy thì người giảng viên cần lập kế hoạch xây dựng giáo án điện tử, định hình về kết cấu cho từng bài giảng, vì mỗi bài giảng thì nội dung, bố cục sẽ khác nhau. Đồng thời chuẩn bị các tư liệu để phục vụ như: video, hình ảnh, bản đồ, biểu đồ, sơ đồ.. để phong phú hơn cho bài giảng. Nội dung bài giảng cần được cô đọng, súc tích, các minh họa cần sát với nội dung kiến thức. Để làm tốt điều này người giảng viên cần phải nắm vững những kỹ năng cơ bản để sử dụng phần mềm Powerpoint, khai tác thông tin trên mạng internet và biết sử dụng các công cụ tìm kiếm thông tin hiệu quả. Bên cạnh đó, giảng viên cũng có thể truy cập vào các trang web của các diễn đàn ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy để học hỏi các kinh nghiệm, trau dồi các kĩ năng cho bản thân mình. Sau khi thiết kế xong bài giảng điện tử hoàn chỉnh, giảng viên cần có sự tập dượt, chuẩn bị trước cho các buổi giảng tránh tình trạng khi thực giảng bị lúng túng, mất bình tĩnh vì nội dung giảng dạy, phân tích không khớp với các slide mà mình thiết kế. Khi giảng dạy bằng sử dụng giáo án điện tử cần tránh việc dùng slide trình chiếu thay thế hoàn toàn cho viết bảng. Trên thực tế, có những nội dung của bài sẽ không thể đạt hiệu quả tối đa nếu thiếu phương pháp truyền thống trong giảng dạy, hoặc có những nội dung sẽ không giúp học viên nhớ lâu được bằng cách sử dụng các hình ảnh, âm thanh. Do đó cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp giảng dạy truyền thống với sử dụng bài giảng điện tử để hỗ trợ thì từ đó mới phát huy tối đa hiệu quả của việc dạy và học.

Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường. Đội ngũ cán bộ, giảng viên là yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả dạy học trong nhà trường. Trong điều kiện đổi mới giáo dục hiện nay đòi hỏi người giảng viên cần phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là nâng cao trình độ về công nghệ thông tin thì mới có thể đáp ứng yêu cầu của công việc. Thực hiện được điều này thì nhà trường cần có sự khảo sát, đánh giá đúng thực trạng năng lực sử dụng công nghệ thông tin của đội ngũ giảng viên, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin cho cán bộ, giảng viên; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên tại trường, tạo điều kiện cử cán bộ, giảng viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin; chỉ đạo, định hướng việc tự bồi dưỡng, tự nghiên cứu về ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tạo điều kiện cho giảng viên vừa phát huy được nội lực bản thân, vừa tận dụng được ngoại lực để phát triển chuyên môn, nghiệp vụ.

Thứ ba, thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề cấp khoa, cấp trường về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Thông qua các buổi hội thảo, giảng viên trong trường sẽ có cơ hội để trao đổi, thảo luận về cách thức thiết kế, nội dung một bài giảng điện tử chất lượng, phương pháp trình chiếu hiệu quả, chia sẻ những ý tưởng hay, những khúc mắc chưa được giải đáp cùng đồng nghiệp.

Thứ tư, động viên khuyến khích cán bộ giảng viên say mê, nhiệt huyết, sáng tạo và kiên trì ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai dạy học các bộ môn. Để nâng cao hiệu quả dạy học bằng công nghệ thông tin, trước hết giảng viên cần phải có ý thức, tâm huyết với việc ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời phải có những kiến thức, kỹ năng cơ bản về tin học, có khả năng sử dụng máy tính trong việc soạn thảo văn bản, phần mềm Powerpoit, bảng tính điện tử, phần mềm quản lý công việc. Khuyến khích cán bộ, giảng viên tích cực nghiên cứu, sáng tạo trong việc tìm kiếm, lựa chọn phần mềm dạy học vào thiết kế bài giảng, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực tìm hiểu tính năng của các phần mềm khác nhau để sử dụng hiệu quả trong giảng dạy môn học.

Thứ năm, từng bước đổi mới, hiện đại hóa về cơ sở vật chất của nhà trường. Quá trình giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên dù được tiến hành dưới bất kì hình thức nào cũng đều được diễn ra trong những điều kiện vật chất nhất định. Do đó, để khuyến khích cán bộ, giảng viên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cần phải có sự quan tâm và đầu tư đúng mực. Vì lẽ, chỉ trên cơ sở giảng dạy bằng những phương tiện hiện đại mới tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tiếp xúc, cập nhật với những thông tin khoa học mới, phương phú, đa dạng, nhằm nâng cao trình độ hiểu biết cũng như năng lực lãnh đạo trong thực tiễn sau này.

Tóm lại, việc ứng dụng công nghệ thông tin chính là một trong những hoạt động để đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên đây là một công việc lâu dài, khó khăn, đòi hỏi nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính, năng lực của đội ngũ giảng viên. Để đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong giảng dạy lý luận có hiệu quả cần có sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất của các cấp, sự chỉ đạo sát sao của nhà trường và đặc biệt là sự nỗ lực học hỏi, rút kinh nghiệm của bản thân mỗi giảng viên.

Bùi Thị Bích Ngọc

Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật