• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của Đảng
Ngày xuất bản: 13/11/2020 3:44:00 CH
Lượt đọc: 16558

 

Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự dẫn dắt và rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi ra đời cho đến nay đã có lịch sử hoạt động, đấu tranh cách mạng oanh liệt. Từ sau thắng lợi cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng chính thức ở vào địa vị cầm quyền. Vai trò của Đảng, những công lao to lớn của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân và dân tộc Việt Nam, ảnh hưởng và uy tín của Đảng trong lòng dân, trong dân tộc và trong phong trào cách mạng thế giới là không có gì phủ nhận được. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công đó của Đảng là, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã có được phương thức lãnh đạo đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn, từng thời điểm.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền lãnh đạo toàn xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội thể hiện ở hai điểm chủ yếu là: Nội dung lãnh đạo và phương thức lãnh đạo. Phương thức lãnh đạo của Đảng bao gồm một hệ thống các phương pháp, hình thức và cách thức lãnh đạo. Theo Hồ Chí Minh, phương pháp lãnh đạo cần phải thể hiện rõ trong Cương lĩnh, Văn kiện và Điều lệ của Đảng. Người viết: Đảng cương là một văn kiện nó quy định: Tính chất của Đảng, mục đích đấu tranh và đường lối cách mạng của Đảng, phương pháp lãnh đạo cách mạng của Đảng. Cách lãnh đạo được Hồ Chí Minh chỉ dẫn ở nhiều tác phẩm, bài viết, bài nói. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người dành một trong sáu mục lớn để chỉ dẫn cách lãnh đạo cho Đảng, Người yêu cầu “các cơ quan chỉ đạo phải có cách lãnh đạo cho đúng”. Phương thức lãnh đạo của Đảng không cố định, bất biến mà có thể thay đổi, được áp dụng linh hoạt tùy theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trình độ, năng lực của Đảng, đối tượng lãnh đạo (các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân). Đối tượng lãnh đạo ngày càng phát triển về trình độ nhận thức, ý thức dân chủ v.v... Vì vậy, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với xã hội là yêu cầu tất yếu, khách quan.

            Theo Hồ Chí Minh, chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Người chỉ rõ: Mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng. Đảng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành đường lối để lãnh đạo quần chúng. Vì vậy, Đảng cần có các hình thức thích hợp để tham khảo ý kiến rộng rãi của mọi tổ chức chính trị - xã hội, của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Một yêu cầu rất cần thiết là đường lối, chính sách đó phải được đúc kết từ thực tiễn kinh nghiệm phong phú của cuộc sống. Chỉ khi đường lối, chính sách được đúc kết từ thực tiễn và trải qua thử nghiệm thực tiễn thì mới trở thành đường lối, chính sách đúng đắn. Theo Hồ Chí Minh, cách lãnh đạo bằng việc đề ra đường lối, chính sách như vậy mới thực sự là cách lãnh đạo đúng. Nghĩa là đường lối, chính sách của Đảng phải luôn được bổ sung, hoàn chỉnh phù hợp với chân lý cuộc sống. Người chỉ dẫn: Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận. Rồi lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mớiBiết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo

Khi đã có chủ trương, chính sách đúng thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, công việc tiếp theo là tiến hành tổ chức thực hiện nghị quyết. Đây là khâu có nhiều khó khăn hơn so với việc ra nghị quyết, đòi hỏi Đảng phải có nhiều nỗ lực, quyết tâm cao và sự sáng tạo. Hồ Chí Minh nêu rõ: Khi nghị quyết việc gì, phải cẩn thận rõ ràng. Khi đã nghị quyết thì phải kiên quyết thi hành. Sự chần chừ, thiếu kiên quyết và thi hành nghị quyết không đến nơi đến chốn đều là cách lãnh đạo không đúng. Trong việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, yêu cầu đối với các tổ chức đảng là phải biết áp dụng chúng một cách sát hợp với hoàn cảnh thực tế của các địa phương, các ngành. Người chỉ rõ: Tình hình vùng này không giống tình hình vùng khác. Vì vậy áp dụng chủ trương và chính sách phải thật sát với tình hình thực tế của mỗi nơi. Tuyệt đối chớ rập khuôn, chớ máy móc. Hồ Chí Minh từng phê phán nghiêm khắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh của một số cán bộ lãnh đạo, chỉ thích ngồi bàn giấy hơn là đi xuống cơ sở. Trong một lần nói chuyện với đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp huyện, Người phê bình: Một số đồng chí huyện ủy chưa thật sự lăn lộn ở cơ sở, còn ngại khó, ngại khổ cho nên chưa nắm được tình hình cụ thể của địa phương mình phụ trách. Để lãnh đạo một cách thiết thực và có hiệu quả, hiện thực hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, Người căn dặn cán bộ lãnh đạo: phải đi sâu, đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo lối chuồn chuồn đạp nước.

            Để việc thực hiện chủ trương, chính sách đã đề ra trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, một yêu cầu cực kỳ quan trọng là Đảng phải nắm và làm tốt công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống chính trị nói chung và từng ngành, lĩnh vực nói riêng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích. Hồ Chí Minh coi nắm chắc công tác cán bộ là “công việc gốc của Đảng”. Coi thường hoặc không làm tốt công tác cán bộ sẽ dẫn đến nguy cơ Đảng mất vai trò lãnh đạo và cách mạng không đi đến thắng lợi, bởi theo Người, bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công. Để làm tốt công tác cán bộ, điều rất cần thiết mà Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng ta là phải biết dựa vào nhân dân, xây dựng các thiết chế để nhân dân tham gia đánh giá cán bộ, giám sát công tác cán bộ một cách thiết thực.

            Một công việc quan trọng trong lãnh đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng là công tác kiểm tra. Công tác kiểm tra của Đảng bao gồm các hoạt động chủ yếu: Kiểm tra việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và kiểm tra việc thực hiện nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, giữ gìn kỷ luật trong Đảng. Trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, công tác kiểm tra của Đảng là đặc biệt quantrọng. Công tác kiểm tra được Hồ Chí Minh ví như “ngọn đèn pha” giúp cho việc lãnh đạo đúng đắn. Người chỉ rõ: Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời. Không những thế, từ thực tiễn của công tác kiểm tra, Đảng có thể biết rõ ưu điểm và nhược điểm của các chỉ thị và nghị quyết. Công tác kiểm tra không chỉ được tiến hành ngay từ khâu chuẩn bị các nghị quyết mà quan trọng hơn là phải làm thật tốt ở khâu cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết. Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán cách lãnh đạo theo kiểu chỉ chú ý ban hành chủ trương, chính sách mà thiếu kiểm tra đôn đốc thực tế. Người phê bình những cán bộ nhầm tưởng rằng cứ gửi nhiều thông tư, chỉ thị là xong việc; mà không theo dõi, đôn đốc giúp đỡ địa phương, không kiểm tra công việc thực tế. Hồ Chí Minh còn chỉ dẫn: Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm soát khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi. Để làm tốt công tác kiểm tra, Đảng phải biết dựa vào dân, tăng cường việc kiểm tra giám sát của nhân dân đối với các tổ chức đảng và đảng viên. Vừa qua, nhiều vụ tham nhũng do chính quần chúng nhân dân phát hiện, tố cáo. Cách kiểm tra, giám sát từ quần chúng được Hồ Chí Minh coi là cách kiểm soát “từ dưới lên”, tức là “quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cách sửa chữa sự sai lầm đó”. Người đưa ra hai yêu cầu cần thiết “một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”. Như vậy, cán bộ làm công tác kiểm tra, nhất thiết phải có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, có kiến thức, kinh nghiệm, có năng lực hoạt động thực tiễn.

Một vấn đề trong phương thức lãnh đạo là phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Người khẳng định: Lãnh đạo phải tập thể và dân chủ, phải thống nhất và tập trung. Tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung.

Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội còn được thể hiện bằng sự thuyết phục, vận động mọi tổ chức chính trị - xã hội, toàn thể nhân dân ra sức phấn đấu thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Mặc dù các chủ trương, chính sách trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng là đúng đắn nhưng có được thực hiện tốt hay không lại phụ thuộc rất lớn vào sự thuyết phục, vận động mọi tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể quần chúng nhân dân. Tính thuyết phục là một đặc trưng quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Từ sự thuyết phục cao trong lãnh đạo mà Đảng có thể biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Sự thuyết phục về chính trị trong lãnh đạo được thông qua việc đề ra đường lối, chính sách một cách đúng đắn, khoa học, hợp lòng dân và thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống…, nhất là thuyết phục bằng hành động cụ thể của các tổ chức đảng, của mỗi đảng viên. Sự thuyết phục, vận động trong lãnh đạo phụ thuộc rất lớn vào uy tín của Đảng và tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Nếu các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đánh mất vai trò tiền phong gương mẫu, không có uy tín với dân thì không thể thuyết phục được nhân dân. Vì vậy, Hồ Chí Minh thường căn dặn toàn Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn là những người tiên phong ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi mặt công tác và lối sống, nói phải đi đôi với làm, thật sự là tấm gương cho quần chúng noi theo. Đảng phải bám sát cơ sở, gần gũi nhân dân, lắng nghe và đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi chính đáng của nhân dân, phải thực sự là “người đầy tớ trung thành” của nhân dân. Đảng phải được dân tin và trở thành niềm tin của cả dân tộc. Người chỉ rõ: Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị bằng các chủ trương, chính sách trong các chỉ thị, nghị quyết, bằng sự thuyết phục và bằng công tác kiểm tra cũng có nghĩa là Đảng không thể ôm đồm, bao biện, làm thay những công việc cụ thể của các tổ chức chính trị - xã hội. Đảng tôn trọng và phát huy tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động của các tổ chức đó. Công việc của Đảng cũng như của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội khác đều được phân định rõ ràng về trách nhiệm và có sự phối hợp chặt chẽ với nhau theo sự lãnh đạo của Đảng như Hồ Chí Minh từng nói: Trong Đảng và Nhà nước ta có sự phân công chặt chẽ như các bộ phận trong chiếc đồng hồ: Cái kim, dây cót khác nhau nhưng hợp tác chặt chẽ với nhau. Thiếu một bộ phận nào cũng không được. Trong hệ thống chính trị, Đảng được thừa nhận là người lãnh đạo, do vậy các tổ chức chính trị - xã hội khác đều phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện chủ trương, chính sách mà Đảng đã đề ra, nhưng Đảng cũng phải tuân thủ đúng những quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội nhưng không đứng trên luật pháp, đứng ngoài luật pháp. Mỗi đảng viên đều là công dân Việt Nam, có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp

luật.

Tóm lại, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với xã hội mà Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn được thể hiện ở những nội dung chủ yếu là: Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối thông qua các chỉ thị, nghị quyết; bằng công tác tổ chức cán bộ và công tác kiểm tra với việc thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; bằng sự thuyết phục các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể quần chúng nhân dân thực hiện tốt các mục tiêu của Đảng đã đề ra. Những điều chỉ dẫn trên của Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Đó chính là cơ sở định hướng để chúng ta tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hơn năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới.

Dương Thị Thúy Tài

Khoa Nhà nước và Pháp luật